Đài thọ kỳ nghỉ cho nhân viên có thể gia tăng thêm mức độ yêu thích của nhân viên đối với công việc, cũng như có ý nghĩa hơn thưởng tiền mặt.
Delta Cockins vừa mới về nhà sau một chuyến đi nghỉ mát đến Paris. Điều đặc biệt là chuyến đi này được công ty của cô – nhà bán lẻ trực tuyến Mỹ Betabrand – đài thọ chi phí đi lại bằng máy bay và tiền phòng thuê khách sạn ở gần Louvre.
Cockins cho biết các đồng nghiệp đã giúp cho cô 500 USD tiền chi tiêu và cô đã dùng số tiền này để mua đôi giày cao gót hiệu Christian Louboutin đầu tiên cho mình.
Cockins cho biết cô trải qua những ngày đi học cách sản xuất nước hoa cho riêng mình, đi mua sắm và thưởng thức các món ăn của thành phố hoa lệ Paris.
Chuyến đi của Cockins là một phần trong chương trình gọi là FlyAway của Betabrand. Cứ mỗi 6 – 8 tuần, một người may mắn trong văn phòng sẽ được đưa đi nghỉ mát ở nước ngoài. Công ty sẽ lo tiền vé máy bay và chi phí thuê khách sạn.
Chương trình FlyAway chỉ dành cho những nhân viên nào chưa bao giờ đi du lịch ra nước ngoài (chẳng hạn như Cockins, 41 tuổi, trước khi đi Paris, chưa từng có lấy tấm hộ chiếu).
Betabrand cũng kỳ vọng nhân viên đi du lịch sẽ luôn giữ liên hệ với các đồng nghiệp qua mạng xã hội và kể lại chuyến đi của mình cho cả công ty sau khi quay trở về.
“Chương trình gia tăng thêm tính phiêu lưu (có chia sẻ với mọi người) và niềm hứng khởi ở nơi làm việc”, Tổng Giám đốc Chris Lindland của Betabrand nói. Ông cho biết ông nảy ra ý tưởng này vào năm ngoái sau khi biết rằng có một vài người trong số 60 nhân viên của ông chưa từng đi ra nước ngoài.
>> Khen thưởng nhân viên: Không nhất thiết phải bằng tiền bạc
Betabrand chỉ là một trong số nhiều công ty đang tăng phúc lợi cho nhân viên bằng cách cho họ những chuyến nghỉ mát được đài thọ chi phí đi lại và ăn ở ngoài số thời gian nghỉ phép được hưởng lương. Airbnb, Evernote, Afar Media, G Adventures và ThinkParallax đã chu cấp 1.000 – 4.000 USD để nhân viên của họ được ra nước ngoài nghỉ mát.
Các chương trình của những công ty này là khá bất thường vì việc nhân viên nghỉ thêm để đi du lịch là chuyện không thường thấy ở các công ty Mỹ. Theo cuộc khảo sát 1.500 người Mỹ do công ty nghiên cứu du lịch Skift thực hiện, 42% lao động không đi nghỉ một ngày nào trong suốt năm 2014.
Các số liệu thống kê của liên bang Mỹ cũng cho thấy 25% lực lượng lao động (không tính lao động làm các công việc trong ngành quân đội hay cảnh sát) không hưởng một kỳ nghỉ lễ được trả lương nào.
Hầu hết các nơi làm việc đang thử nghiệm với mô hình đài thọ cho nhân viên đi nghỉ mát đều cho phép tất cả các nhân viên được hưởng chế độ này. Nhưng thường là có điều kiện. Họ chỉ được đi du lịch vào một số ngày nhất định khi việc đi nghỉ của họ không ảnh hưởng đến công việc. Và các chuyến đi do công ty tài trợ cũng không hẳn là nghỉ mát hoàn toàn.
Afar – một tạp chí du lịch của Mỹ – cho nhân viên 2.000 USD mỗi năm để họ đi du lịch đến một địa điểm quốc tế nào đó mà họ chưa từng ghé đến. Và những người được đài thọ chi phí cho chuyến đi nghỉ mát sẽ chia sẻ trải nghiệm của họ trên website của Công ty.
>> 7 cách khích lệ tinh thần nhân viên
ThinkParallax – một công ty truyền thông sáng tạo của Mỹ – đã biến chương trình nghỉ mát 1.500 USD thành một trò chơi. Những ai tham gia phải chọn một điểm du lịch hoàn toàn mới mẻ và không tiết lộ nơi đó cho đồng nghiệp biết. Người đi du lịch để lại một vài gợi ý trên Instagram và Facebook để người ta đoán xem nơi họ vừa đến là đâu.
Khi quay về nhà, nhân viên đó mô tả điểm đến trong một bài trình bày cho các đồng nghiệp nghe, có cả hình ảnh và các đoạn video quay lại những gì họ đã trải qua trong chuyến đi. Và họ cũng đăng bài trên trang blog cá nhân về việc chuyến đi đã tác động đến họ như thế nào.
“Đây là cách nhấn mạnh lại cho nhân viên biết rằng việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc rất là quan trọng. Chúng tôi nhận thấy những chuyến đi trải nghiệm như thế này sẽ khiến cho họ trở thành những con người toàn diện, cân bằng hơn. Đổi lại, công ty sẽ có được những nhân viên làm việc hiệu quả hơn và những con người tốt hơn”, Guusje Bendeler – Giám đốc sáng tạo tại ThinkParallax nhận xét.
Mục đích của việc đài thọ kỳ nghỉ cho nhân viên là nhằm gia tăng thêm mức độ yêu thích của nhân viên đối với công việc hơn là để giữ chân họ. Và đó có lẽ là một hình thức đầu tư còn tốt hơn là thưởng cho họ tiền mặt, theo Brooke Green – chuyên gia tư vấn tại Radford (một đơn vị tư vấn lương thưởng của Aon Hewitt). ”Đó là phần thưởng về tinh thần khi được công ty đài thọ cho một chuyến đi trải nghiệm”, cô nói.
Để tạo được hiệu ứng tốt nhất, theo Green, cần phải tạo dựng được mối liên kết giữa công việc và đi nghỉ mát. “Chuyến đi nên được gắn liền với thương hiệu”, bà khuyên.
>> 7 cách cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên
Đó cũng là trường hợp tại G Aventures – một công ty chuyên cung cấp các tour thăm thú khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã ở châu Phi và các chuyến đi dài ngày trong môi trường hoang dã với nhiều loại địa hình khác nhau. Nhân viên của G Aventures hằng năm đi một trong những tour trọn gói miễn phí để hiểu sâu hơn về các sản phẩm của Công ty.
Nhiều công ty đài thọ chuyến đi nghỉ mát yêu cầu nhân viên phải luôn cập nhật hiện trạng trong suốt hành trình. “Ai nấy trong chúng tôi đều yêu thích các chuyến đi nghỉ mát đến bãi biển. Nhưng nếu đó là tất cả những gì chúng tôi làm trong suốt chuyến đi thì khi chúng tôi trở về, cảm thấy như thiếu thiếu cái gì đó”, Tổng giám đốc Joe Diaz của Afar Media nhận xét.
Điều quan trọng là những nhân viên quay trở về nhà sau chuyến đi nghỉ mát đều đánh giá cao chương trình đài thọ của công ty. Maddie Lochte – một nhà thiết kế đồ họa tại ThinkParallax đã trải qua 10 ngày tại New Zealand, một chuyến đi do công ty của cô đài thọ. Cô đã dành nhiều thời gian để leo núi và khám phá các hang động.
Cô cho biết nghệ thuật và kiến trúc ở Auckland cho cô ý tưởng mới về các dự án và khi quay trở về nhà, cô cảm thấy rất thư thái, tràn trề sinh lực, ấp ủ đầy ý tưởng cho công việc thiết kế.
Còn Aislyn Greene – Phó tổng biên tập tạp chí Afar thì cho biết, sau chuyến đi 10 ngày của cô đến Bali, Indonesia, cách cô biên tập bài vở đã trở nên khác hẳn. “Nó hoàn toàn khác với bất kỳ thành phố ‘Tây hóa’ nào mà tôi từng đến. Nó nhắc nhở cho tôi rằng có rất nhiều cách khác nhau để nhìn thế giới”, cô nói.
Theo Doanh nhân Sài Gòn.
Xem bài gốc tại đây.