Thanh Hương, cô nàng nghiên cứu sinh ngành Thần kinh học tại ĐH Stanford theo học bổng VEF có những chia sẻ hết sức bổ ích về cách thức tuyển chọn ứng viên ngặt nghèo, thú vị của ngôi trường danh giá đất Mỹ.
Thể hiện quyết tâm trở thành chuyên gia trong lĩnh vực theo đuổi….
Đó là chia sẻ đầu tiên của Hà Thị Thanh Hương về bí quyết“ẵm” học bổng của ĐH Stanford, Mỹ. Và cô nàng thủ khoa “đầu ra” ngành Công nghệ sinh học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên-TPHCM, bằng hành trình đam mê và hồ sơ thành tích ấn tượng trong lĩnh vực thần kinh học đã thuyết phục hội đồng tuyển sinh, trở thành nghiên cứu sinh ngành thần kinh học ở Stanford.
Đam mê ngành sinh học, thời gian học cấp 3 ở Trường Phổ thông Năng khiếu TP.HCM, Thanh Hương đạt nhiều thành tích nổi bật như: giải Nhất HSG cấp Thành phố năm lớp 11 và 12; giải Khuyến khích HSG cấp Quốc gia môn Sinh học.
Năm 2007, Hương thi đậu vào ngành Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM) với điểm số 28,5. Say mê học tập nghiên cứu, tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, Thanh Hương xuất sắc được nhận học bổng Lawrence Sting (2009-2010), Odon Vallet (2011) và đạt sinh viên 5 Tốt cấp Thành phố (2012).
Năm 2011, cô nàng tốt nghiệp Thủ khoa ngành Công nghệ Sinh học của trường. Sau đó, Hương tham gia nghiên cứu tại trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng của ĐH Oxford (OUCRU) để tích lũy kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế.
Cũng trong năm đó, Hương quyết định nộp hồ sơ học bổng VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) để theo đuổi ước mơ đặt chân tới Stanford.
“Hành trình Stanford của mình dài gần 2 năm và bắt đầu từ việc chuẩn bị hồ sơ học bổng từ năm 3 ĐH . Hồ sơ này bao gồm: (1) bài luận viết về ước mơ, động lực và các kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu của bản thân, và lý do vì sao bạn chọn Stanford; (2) Thông tin về các học bổng mình đã được nhận, điểm số học tập, hoạt động ngoại khóa; (3) thư giới thiệu của các thầy cô đã từng làm việc chung và biết rõ mình; (4) các điểm số tiếng Anh chuẩn quốc tế (TOEFL và GRE)”.
Kết quả, sau khi đạt học bổng du học của VEF, Hương nhận được thêm học bổng danh giá của cựu sinh viên Stanford để trở thành nghiên cứu sinh ngành Thần kinh học (mỗi năm 2 suất) với trọng tâm là nghiên cứu về bệnh tự kỷ – quyết tâm bấy lâu cô theo đuổi.
“Đầu tiên, mỗi người nên thuyết phục ngôi trường mình muốn theo học bằng cách khẳng định đam mê thực sự, quyết tâm nhất quán trở thành chuyên gia trong lĩnh vực muốn theo đuổi thông qua sự đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu và học tập cũng như cống hiến đối với xã hội”, Hương khẳng định.
Hãy tự tin và đặt nhiều câu hỏi
Quá trình phỏng vấn ứng viên của ĐH Stanford làm Thanh Hương đặc biệt ấn tượng. Cô cho hay: “Nhà trường tài trợ cho ứng viên bay từ Việt Nam sang, tất cả các giáo sư của khoa sẽ chia ra phỏng vấn, quan sát khoảng 30 ứng viên trong 1 tuần làm việc và các hoạt động giao lưu để chọn ra 10 bạn phù hợp nhất”.
Hồ sơ nộp vào cuối tháng 11 thì đến đầu tháng 1, Hương nhận được thư mời qua Stanford tham gia kì phỏng vấn. “Mình còn nhớ lúc đi phỏng vấn đã lên kế hoạch thật cụ thể giờ nào sẽ làm gì, mục tiêu là gì, sẽ trả lời phỏng vấn ra sao và hỏi lại giáo sư những gì…
Dù chuẩn bị kĩ càng nhưng ngày đầu đến Stanford, mình vẫn khớp, sợ hãi, rưng rưng nước mắt. Sự thay đổi múi giờ đột ngột (ban đêm ở Cali là ban ngày ở Việt Nam) làm mình khá chật vật mới đủ tỉnh táo khi nói chuyện với các giáo sư và sinh viên trong 2 ngày liên tục”, Hương kể.
Ngoài những giờ trò chuyện chính thức với giáo sư, Hương được tham gia nhiều buổi thuyết trình do các sinh viên và giáo sư thực hiện.
“Quả thật, lúc đó mình khá… hoảng, một phần vì báo cáo viên thì rất chuyên nghiệp, hiểu biết cực kì sâu rộng, còn các ứng cử viên khác thì rất tự tin, sắc sảo và liên tục đặt câu hỏi, không ai nhút nhát như mình.
May mắn là mình lấy lại bình tĩnh, dạn dĩ hơn, tự tin hơn khi trò chuyện trong các nhóm nhỏ hơn từ 2 – 5 người. Nếu không có lẽ mình đã rớt ở cửa ải này rồi…” (cười)
Vòng phỏng vấn: Tất cả sinh viên đều có quyền “cho điểm” ứng viên
“Sau này khi trở thành sinh viên chính thức rồi mình mới biết mỗi giờ, mỗi phút mình ở Stanford, mọi cuộc trò chuyện, mọi cử chỉ, từng hoạt động từ chuyên môn tới ngoại khoá… đều có ý nghĩa quan trọng trong việc bạn có nhận được học bổng hay không.
Đặc biệt hơn, không chỉ có giáo sư mà tất cả sinh viên đều được quyền đưa ra ý kiến đánh giá về ứng cử viên đến phỏng vấn. Họ lựa chọn ứng viên không chỉ dựa trên chuyên môn hay điểm số, hay vòng phỏng vấn với giáo sư… mà còn dựa trên cách thức mình hoà nhập vào cộng đồng xung quanh.
Nếu đến đây bạn sẽ nhận thấy sự đa dạng đáng kinh ngạc về màu da, độ tuổi, giới tính, chuyên môn, dân tộc… Nghĩa là ngoài việc duy trì sự tương thích giữa mọi người với nhau, Stanford cũng cực kì chú ý đến việc làm giàu tính đa dạng và luôn tôn trọng sự khác biệt.
Miệt mài nghiên cứu ở Stanford, Hương vẫn tích cực tham gia hỗ trợ một số hoạt động của các tổ chức tình nguyện hướng về trẻ em tự kỉ tại Việt Nam là Aid for Kids và Rubic và tích cực trong các hoạt động của du học sinh tại Mỹ, đặc biệt là hoạt động quyên tặng sách về trường đại học ở Việt Nam thông qua dự án VNBookDrive.
Tương lai gần, Hương mong muốn được trở về Việt Nam giảng dạy và tiếp tục nghiên cứu về trí nhớ và các bệnh có liên quan như tự kỷ.
Cô chia sẻ: “Mong muốn của mình là có thể tìm ra phương pháp chữa trị hiệu quả cho các bệnh như trầm cảm, tự kỷ và phát triển ngành thần kinh học tại Việt Nam. Đồng thời, mình mong được hướng dẫn, động viên các bạn nữ sinh viên lựa chọn và theo đuổi những ngành nghề liên quan đến khoa học, công nghệ, kĩ thuật, cơ khí.
Gần đây mình mới có vinh dự được nhận học bổng Giáo sư Tương lai (tạm dịch từ “Faculty for the Future Fellow”) tài trợ cho các nữ nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên đến từ các quốc gia đang phát triển. Đây thực sự là một động lực rất lớn, và mình hi vọng sẽ có nhiều bạn nữ ở Việt Nam mạnh dạn, tự tin nộp học bổng này; cũng như vượt qua các cửa ải, đến những môi trường tốt như Stanford để nghiên cứu và học tập.
Trong tương lai gần, mong rằng nước mình sẽ có thêm nhiều nữ khoa học gia, nữ kĩ sư trở về nước và góp phần đa dạng hóa môi trường nghiên cứu, tăng thêm ý tưởng sáng tạo. Mình tin, khi đó, khoa học, công nghệ, giáo dục sẽ phát triển nhanh và mạnh hơn nữa”.
Theo Ybox
Xem bài gốc tại đây