Trải qua nhiều khó khăn nhưng VN và Mỹ đã nỗ lực hết mức để bỏ lại sau lưng quá khứ chiến tranh và đưa quan hệ tiến nhanh chưa hề có.
Các ông John Kerry (phải) và John McCain chứng kiến Tổng thống Bill Clinton thông báo bình thường hóa quan hệ với VN năm 1995 – Ảnh: Chụp từ clip
“Trong những năm 1990, liệu có ai nghĩ là có thể có một quan hệ đối tác như vậy? Hồi đó tôi đã ở đây và dù tất cả chúng tôi đều hy vọng về những điều tốt nhất, tôi không nghĩ rằng ai lại dự đoán được chúng ta có thể tiến xa như hiện nay”. Đó là lời của Đại sứ Mỹ Ted Osius trong buổi nói chuyện với sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội về quan hệ Việt – Mỹ.
Có lẽ không cần phải nói đến những năm 1990 mà ngay cả hiện nay, sự phát triển của quan hệ giữa 2 nước khiến cho bất cứ ai hiểu về lịch sử quan hệ song phương không khỏi ngỡ ngàng.
“Không may mắn”
Lịch sử quan hệ Việt – Mỹ đã trải qua những năm tháng đau thương, mất mát với cuộc chiến tranh thảm khốc kéo dài hơn 20 năm (1954 – 1975) và 20 năm sau đó của các chính sách cấm vận (1975 – 1995). Trong khoảng thời gian gần nửa thế kỷ đó, trong con mắt của người dân VN, nước Mỹ như là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc xâm lược.
Ở phía bên kia, chiến tranh VN trở thành một “hội chứng” ám ảnh dai dẳng trong lòng nước Mỹ. Sự thù hận, nghi kỵ, định kiến về ý thức hệ tưởng chừng là những hố ngăn cách quá lớn giữa đôi bên. Nhưng như lời của Ngoại trưởng John Kerry: “Không có 2 nước nào nỗ lực hơn, làm được nhiều hơn, và làm được tốt hơn để cố gắng đến với nhau, xếp lại quá khứ và thay đổi tương lai” như VN và Mỹ trong suốt 20 năm qua.
Vượt qua vô số những trở ngại, khác biệt, ngày nay quan hệ song phương đã bước lên một tầm cao mới với việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013 và trở thành một trong những mối quan hệ tầm ảnh hưởng đến an ninh, hợp tác, phát triển ở khu vực.
Ngày 2.9.1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh tuyên bố VN độc lập, khi đó đang chịu sự chiếm đóng của quân đội Nhật. Ngay từ những ngày đầu lập quốc, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ bang giao với Mỹ. Năm 1946, trong những bức thư gửi tới Tổng thống Harry Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Mỹ ủng hộ cho nền độc lập của VN và bày tỏ mong muốn hợp tác đầy đủ. “Nhưng không may mắn, lịch sử đã không đi theo hướng đó”, theo lời nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc.
Sau thất bại của Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần 2 (1954), Mỹ khi đó dựa vào “học thuyết Domino” về mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản tại khu vực Đông Nam Á để can thiệp trực tiếp vào miền Nam VN, dẫn đến cuộc chiến hao người tốn của trong suốt hơn 20 năm. Ngày 30.4.1975 đánh dấu thất bại hoàn toàn của Mỹ trong cuộc chiến tranh VN. Đó là điều “khó chấp nhận” đối với một siêu cường như Mỹ và các đời tổng thống Mỹ sau đó đã áp dụng chính sách lệnh bao vây, cấm vận toàn diện đối với VN trong suốt 20 năm (1975 – 1995).
Như tờ giấy trắng
Bước sang đầu những năm 90 của thế kỷ 20, trước những tác động của quá trình toàn cầu hóa, các nước trên thế giới đều có sự điều chỉnh chiến lược theo hướng tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác song phương và đa phương trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc. Hòa bình, hợp tác, phát triển trở thành xu hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế.
Để phục vụ cho đường lối Đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế, Chính phủ VN chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” trong quan hệ với Mỹ. Bản thân chính quyền Mỹ sau 20 năm thực hiện chính sách cấm vận chống VN không mang lại kết quả như mong muốn.
Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton khi đó cũng có sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu và thay đổi cách tiếp cận về vấn đề VN. Các chuyển biến chính sách, nỗ lực thiện chí từ 2 phía và những cuộc đàm phán “gay cấn” cuối cùng đã mang lại “quả ngọt” khi vào ngày 11.7.1995, Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chấm dứt gần nửa thế kỷ đối đầu, thù địch giữa 2 quốc gia.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, ngoài quan hệ ngoại giao, VN và Mỹ vẫn chưa thật sự “bình thường” theo đúng nghĩa của từ này. Xuất phát điểm của quan hệ khi đó rất thấp: thương mại hai chiều lẫn đầu tư trực tiếp FDI của Mỹ vào VN gần như bằng không.
Hợp tác chính trị, quốc phòng – an ninh vẫn “như tờ giấy trắng”, trong lĩnh vực giáo dục mới có khoảng 200 sinh viên VN theo học tại các trường đại học của Mỹ. Điểm “sáng” duy nhất lúc này là hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Chưa hết, quá khứ và gánh nặng chiến tranh quá lớn khiến các sáng kiến mang tính đột phá, thúc đẩy quan hệ đều gặp không ít lực cản từ cả hai phía. (Còn tiếp)
Hoàng Lộc (thanhnien.com.vn)