40 năm sau khi chiến tranh kết thúc và 20 năm sau khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton gỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam – tạo tiền đề cho quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước – Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có chuyến công du tới Mỹ theo lời mời chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama, chuyến thăm Mỹ đầu tiên trong lịch sử của một người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam.
Dù không thể phủ nhận rằng đây là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển quan hệ song phương Việt-Mỹ, mỗi bên phải tránh nhận định chuyến đi chỉ đơn thuần mang tính biểu tượng, hoặc hiểu rằng đây là một động thái mang tính “chọn phe cánh”. Trong suốt 20 năm qua, mối quan hệ – dường như bị kìm hãm bởi những khác biệt căn bản giữa hai nước – đã phát triển rực rỡ và mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có kinh doanh và thương mại, giáo dục, khoa học kĩ thuật, hợp tác an ninh quốc phòng cấp quốc tế hay khu vực vì lợi ích chung. Sẽ không ngoa khi nói rằng, quan hệ song phương Việt- Mỹ đã đạt đến độ “chín”.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam
Với chính sách đối ngoại đã áp dụng từ những năm đầu của thập niên 90, Hà Nội luôn hướng tới sự hợp tác với tất cả các quốc gia lớn nhỏ, hội nhập khu vực cũng như toàn cầu, trong khi đó vẫn đảm bảo ưu tiên hàng đầu cho lợi ích quốc gia.
Các nhà quan sát sẽ nhận ra rằng phương thức ngoại giao của Việt Nam đã, đang, và sẽ luôn dựa trên nền tảng của sự cân bằng và tính thực tiễn. Đó là sự linh hoạt trong quan hệ với các cường quốc gần xa, và luôn có nhận thức thực tế rằng quan hệ giữa các nước chỉ có thể tốt đẹp và bền vững nếu các bên liên quan chia sẻ lợi ích chung và biết cách cho đi để nhận lại.
Việt Nam cũng hiểu rằng ngày nay, để có tiếng nói trên thế giới nói chung hay tại châu Á – Thái Bình Dương nói riêng, cần phải kết hợp hài hòa giữa mềm mỏng trong ngoại giao và cứng rắn trong kinh tế và quân sự. Điều này lý giải tại sao Việt Nam chủ tâm xây dựng quan hệ ngoại giao tích cực với tất cả các đối tác quan trọng, từ cấp quốc gia cho đến các tổ chức đa phương, trong khu vực cũng như trên toàn cầu.
Tầm quan trọng của việc Việt Nam và Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác không chỉ gói gọn trong mối quan hệ song phương. Nó còn được thể hiện rõ nét trong một trật tự thế giới đã và đang có nhiều thay đổi, nay trở nên đa cực và phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết. Áp dụng cách nhìn nhận này, bất kì ai cũng có thể thấy được sự chủ động và tích cực của Việt Nam khi tham gia tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Mỹ đang hướng tới châu Á trong bối cảnh khu vực này phải đối mặt với những thách thức an ninh ảnh hưởng tới sự ổn định trên Biển Đông, nơi hội tụ hơn một nửa lưu lượng vận tải thương mại trên biển toàn cầu.
Với những hành vi đơn phương gây bất ổn trên Biển Đông của Trung Quốc, các cường quốc khác và các bên liên quan, trong đó có Việt Nam và các nước ASEAN, đang hành động để đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ hành xử theo đúng luật lệ và quy tắc quốc tế. Điều này cũng sẽ giúp cho sự phát triển chính đáng của Trung Quốc được phần còn lại của khu vực cũng như toàn thế giới chấp nhận.
Trong những năm đầu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ, siêu cường duy nhất của thế giới bấy giờ, đã tuyên bố trước Liên Hợp Quốc rằng “Mỹ sẽ hợp tác đa phương khi có thể, và hành động đơn phương nếu bắt buộc”. Nhưng ngày nay, chỉ có hai lựa chọn là song phương và đa phương mà thôi.
Quan hệ Việt – Mỹ hiện áp dụng cả hai hình thức: một mối quan hệ đối tác toàn diện song phương, cũng như hợp tác đa phương trong khu vực thông qua kênh ASEAN. Hai hình thức hợp tác này tương trợ lẫn nhau. Sự phát triển trong quan hệ Việt – Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa 20 năm về trước diễn ra song song với việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995, và theo thời gian trở thành một thành viên già dặn, có trách nhiệm, chủ động và đáng tin cậy trong tổ chức.
Lợi ích chung và hướng tới tương lai
Giữa Việt Nam và Mỹ đã xuất hiện sự chia sẻ quan điểm trong lợi ích và phương thức xây dựng một môi trường hòa bình, an toàn, và ổn định tại Biển Đông, điều kiện cần cho sự tự do và an toàn hàng hải đối với tất cả các bên liên quan.
Nhìn kĩ từ khía cạnh lịch sử cũng như trong bối cảnh thế giới hiện tại, quan hệ Việt-Mỹ có thể nói là một hình mẫu đáng để học tập, khi hai nước đều thể hiện nguyện vọng và khả năng bỏ lại quá khứ để hướng tới tương lai. Với những đau đớn và mất mát do chiến tranh để lại, thì những gì hai nước đang thể hiện càng đáng khâm phục hơn.
Quan hệ hai nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh ở cấp cao nhất, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp tại Nhà Trắng, và nếu Tổng thống Barack Obama đến thăm Hà Nội trước khi kết thúc nhiệm kì.
Trong tương lai, mối quan hệ Việt-Mỹ sẽ phải dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và chia sẻ lợi ích chung, dựa trên sự tin cậy và cam kết kiên trì cùng phát triển, cũng như dựa trên sự hợp tác thiết thực và khéo léo, đặc biệt là ở cấp khu vực và quốc tế. Một trong số đó có liên quan đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt, những người đã khiến chúng ta tự hào với việc nhanh chóng hòa nhập và đóng góp tích cực vào sự đa dạng sắc tộc của Mỹ.
Ngày nay, khá nhiều thành viên của cộng đồng này, đặc biệt là những người thuộc thế hệ sau, đang xây dựng cầu nối để hiểu hơn về quê cha đất tổ, cũng như đóng góp sức mình vào công cuộc phát triển kinh tế, giáo dục, và xã hội tại Việt Nam.
Chính lớp trẻ Việt Nam cũng như lớp trẻ Mỹ gốc Việt, với sự năng động và hoài bão của mình, là minh chứng cho việc quan hệ Việt-Mỹ ngày nay cũng như trong tương lai không đơn thuần chỉ mang tính biểu tượng, mà là một mối quan hệ thực thụ đầy ý nghĩa.
Lược dịch và tổng hợp từ bài viết có nhan đề “The Right Way to Read US – Vietnam Relations Today” của bà Tôn Nữ Thị Ninh, đăng trên tạp chí The Diplomat).