Nhận tấm bằng chứng nhận thủ khoa trong lễ tốt nghiệp, chàng trai có nụ cười hiền thật thà chia sẻ: “Đứng trước lễ đài hơn 6.000 sinh viên, cả hội trường hô vang Việt Nam, Việt Nam, mình cảm thấy rất tự hào, nhưng cũng hơi run một chút. Giờ mình chỉ muốn về nhà khoe với mẹ, gia đình”.
Bận rộn với việc tham gia cuộc thi robot cấp quốc gia, nghiên cứu khoa học và chuẩn bị thi học kỳ, Phúc chỉ có vỏn vẹn 27 ngày để làm đồ án tốt nghiệp. Chạy đua với thời gian, cậu phải khăn gói ăn ngủ ở trường. “Trong một lần sạc điện, không may pin robot phát nổ và toàn bộ mạch điện bị hỏng nên phải làm lại trong khi chỉ còn 4 ngày nữa là bảo vệ đồ án. May mà cũng sửa xong vào đêm cuối cùng”, Phúc kể.
Dù vậy, Phúc vẫn đạt 10 điểm khóa luận tốt nghiệp và nhận Giải đặc biệt đồ án nghiên cứu sinh viên cấp quốc gia. Điểm trung bình 4 năm đại học của Phúc đạt 9,98. “Mình thấy 9,98 đẹp hơn 10. Trong cuộc sống không có gì là hoàn hảo, khi một người đã đạt đến đỉnh cũng là lúc họ bắt đầu đi xuống, thôi cứ đạt 9 điểm để mình còn vươn xa hơn nữa”, chàng trai hóm hỉnh.
Mặc dù học cơ khí – điện tử nhưng Phúc rất thích tìm hiểu về Toán học nên đã tham gia các kỳ thi Olympic sinh viên môn Toán và đạt được nhiều giải thưởng. Ngoài ra, thanh niên quê Bình Định này còn có niềm đam mê rất lớn với robot. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phúc đã thành lập RoboTiqueFF Club cho những sinh viên cùng sở thích. Cuối năm 4, Phúc được chọn làm đội trưởng tuyển robot của trường chuẩn bị cho cuộc thi quốc gia. Tại giải này, cậu đã đoạt giải nhì cuộc thi sáng tạo robot cấp quốc gia.
Phúc được thầy trưởng bộ môn cơ điện tử, giáo sư đầu ngành của trường ở Romania hướng dẫn rất tận tình. “Tôi may mắn vì được thầy giỏi hướng dẫn. Đặt áp lực theo cách hợp lý là cách thầy giúp sinh viên ngày càng tiến bộ”, chàng sinh viên nói. Những lúc robot trục trặc, thầy rủ cùng nhau đi dạo quanh trường, dưới cái lạnh -20 độ C, tuyết rơi trắng xoá như là mùa xuân, Phúc vui vẻ kể.
Phúc đến Romania cách đây 5 năm bằng học bổng Hiệp định của chính phủ. Ban đầu chàng sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa TP HCM không nghĩ đến chuyện du học vì cho rằng mình không đủ năng lực. Mãi khi bạn bè trong lớp rủ, Phúc thử nộp hồ sơ. Do hồ sơ gửi qua đường bưu điện nên bị muộn, bên Cục đào tạo thông báo chỉ còn một vài nước có thể đi, thế là Phúc chọn Romania.
Sau một năm học dự bị, Phúc chọn học Đại học Bách khoa Bucharest. Đây là trường tương đối khó nhưng cậu muốn thử thách bản thân. Hai năm đầu đối với Phúc khá khó khăn vì đây là lần đầu sang một đất nước xa lạ, không quen ai, môi trường quốc tế cũng như cách sinh hoạt bị đảo lộn. Nhất là mùa đông giá rét -20 C, -30 độ C nhưng sinh viên vẫn phải đi học đều đều. Thầy cô giảng nhanh khiến các du học sinh khó theo kịp bài giảng.
“Bạn bè bên này rất tốt, họ giúp mình rất nhiệt tình. Cuối buổi mình hay nhờ thầy cô giảng lại, chỉ lại nhiều chỗ. Họ nhiệt tình lắm, mình chỉ hỏi một câu là ngồi giảng lại cả bài luôn”, Phúc cười, kể.
Để theo kịp bài, Phúc thay đổi cách học. Mỗi môn cậu đều bỏ thời gian chọn ra một cuốn sách để tham khảo nhưng phải chất lượng, đầy đủ. Cậu cố gắng đọc trước, rồi rút gọn kiến thức vô tập để lên trường nghe lại lần nữa và chỉ hỏi thầy cô những chỗ chưa hiểu.
Ngoài ra, Phúc còn chủ động tham gia khóa học online của MIT (Massachusettes Institute of Technology), đại học kỹ thuật số một thế giới. Nhiều người nghĩ những trường như thế thì sẽ rất khó, nhưng khi tham gia các khoá học, Phúc thấy thầy cô giảng kiến thức căn bản rất kỹ, nhiều lần. Mục đích là dạy sinh viên cách học, dẫn dắt cách suy nghĩ, tư duy để ra được vấn đề.
Phúc rất thích đọc sách. Ở Việt Nam, văn hoá đọc chưa thịnh hành lắm, nhiều bạn sẽ chọn mua tablet để lướt net chơi game hơn là chọn máy đọc sách kindle. “Một đời người lăn lộn mà không đọc sách thì tích được 80 năm kiến thức. Trong khi đọc xong một cuốn sách là bạn đã tóm được tri thức hàng trăm năm của nhân loại”, Phúc triết lý.
Chàng trai thích đi du lịch, nhưng để tiết kiệm chi phí thì thường cố tìm các học bổng thực tập hè cho sinh viên, kết hợp đi làm, đi thực tập rồi du lịch luôn. Hè 2013, Phúc sang Mỹ, năm sau sang Malta, rồi Italy. “Nước Mỹ mang phong cách hiện đại, là nơi nhiều cơ hội làm ăn trong khi châu Âu lại mang vẻ cổ kính, huyền bí hơn, lâu đời hơn. Mình thích đi châu Âu hơn”, Phúc nói.
Với tấm bằng thủ khoa, Phúc được khá nhiều công ty gửi email mời đi làm, nhưng cậu vẫn chọn trở về Việt Nam. “Dù điều kiện bên này tốt hơn nhưng xa gia đình quả thật là rất buồn. Một phần nữa là mình thấy cơ hội rất lớn ở Việt Nam. Chỉ cần chúng ta làm việc hết mình, toàn tâm toàn ý rồi sẽ thành công thôi, nếu không thì cũng chẳng có gì phải hối tiếc. Câu nói mà mình yêu thích nhất là ‘Nỗ lực nửa vời là thất bại chính đáng'”, Phúc tâm sự.
Trong tương lại Phúc dự định xin một suất học bổng tiến sĩ ở Mỹ, nhưng bây giờ cậu muốn đi làm để tích luỹ kinh nghiệm.
Bảng thành tích của Nguyễn Sử Phương Phúc: – Học bổng Hiệp định của Chính phủ Romania |
Theo Vnexpress
Xem bài gốc tại đây