Là dân du học chúng tôi hay cười với nhau “tiến sĩ cũng như một thứ nghề”. Nghe thì buồn cười nhưng đôi khi là thế thật.
Trong đám sinh viên du học đang dùi mài kinh sử ở các giảng đường đại học Mỹ, chẳng phải ai cũng có ý tưởng đi học tiến sĩ ngay từ đầu, hay có đam mê khát vọng từ tấm bé là mong muốn được làm khoa học đích thực.
Như tôi đây. Xuất thân là dân Ngoại thương, nói như người Việt là học kinh tế, nhưng sau này sang Mỹ thì mới phát hiện ra cái mình học nó vừa lai giữa kinh tế và kinh doanh. Nhân thể giải thích luôn là không ai học ngành kinh tế ở Mỹ mà đi học Marketing hay Kế toán cả. Ngành kinh tế ở Mỹ thì đúng là một ngành khoa học xã hội, tức là học về các mô hình, lý thuyết kinh tế vi mô vĩ mô và các vấn đề liên quan – không có dính dáng gì tới cái gọi là đi học làm thủ tục xuất nhập khẩu hay thương mại điện tử. Có thể là ngành kinh tế ở các trường đại học khác như Kinh tế Quốc Dân hay đại học Quốc Gia thì gần hơn.
Với cái gốc Ngoại thương đó khi nộp đơn xin học bổng tôi chỉ nhăm nhe lấy bằng Master. Thực sự là không có một ý định nào về cái gọi là PhD. Thấy nó quá là xa vời, dù nhiều người khuyên rằng các chương trình PhD thì dễ xin học bổng hơn. Biết thế nhưng chắc do tôi quá nhát, và tự thấy mình không đủ khả năng nên chỉ dám nộp Master thôi dù như thế là hạn chế cơ hội đi nhiều.
Học bổng là một yếu tố quan trọng nên ở bước này, nhiều bạn cũng đã phải “làm liều” nộp đơn xin học PhD vì có một số ngành Master gần như là không thể xin được.
Lí do là vì cái câu đùa của chúng tôi ở trên “PhD là một nghề”.
Có người thì cũng vui với lựa chọn của mình. Nhưng có người thấy quá sức và đi tìm cơ hội khác. Nói vậy để bạn hiểu không phải ai học PhD cũng đều cảm thấy yêu thích hay phù hợp với những yêu cầu của chương trình, nhất là các bạn sinh viên du học gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ và hòa nhập cuộc sống mới.
Các chương trình PhD ở Mỹ đa phần cho phép sinh viên tốt nghiệp xong đại học là có thể học luôn. Ở hầu hết các ngành nó đều gắn liền với các dự án nghiên cứu cụ thể của giáo sư hoặc là chương trình giảng dạy của khoa. Giáo sư xin được ngân sách nghiên cứu thì sẽ tuyển sinh viên vào làm, và kết hợp luôn đào tạo tiến sĩ vì như thế sinh viên có bằng, trường có đầu ra, giáo sư lại trả công thấp hơn là tuyển người làm chuyên nghiệp (tính cả tiền học phí và lương hàng tháng cho sinh viên). Như thế là đôi bên có lợi. Còn đối với một số khoa thì có nhu cầu lớn về trợ giảng, họ cũng tuyển sinh viên cả Master lẫn PhD để làm teaching assistant, hỗ trợ lớp học cho các giáo sư. Ngân sách này là từ tiền học phí mà khoa thu được.
Đây là cơ hội cho các sinh viên nước ngoài vì một lẽ đơn giản là sinh viên Mỹ học PhD không đủ. Đa phần sinh viên tốt nghiệp đại học là đi làm, một phần học lên Master nhưng càng lên cao như PhD thì càng ít. Nhất là các ngành khoa học kĩ thuật thì càng ít nữa, mà nhu cầu của nhà trường và xã hội thì lúc nào cũng cần để thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
Người Mỹ hay nói đùa “không xin việc được thì mới đi học”. Mà nhiều khi là vậy, không chỉ với sinh viên Mỹ mà với cả sinh viên du học. Như những năm khủng hoảng kinh tế vừa qua số sinh viên Mỹ quay lại đi học sau đại học tăng vọt. Sinh viên du học kết thúc 4 năm đại học hoặc 2 năm Master không xin được việc thì cũng thử cơ hội với PhD. Nói vậy để bạn hiểu “mỗi người một vẻ” trong cái gọi là học tiến sĩ này.
Học PhD có khó không?
Khó hay không tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.
- Quy trình chọn lọc của khoa. Có khoa đã nhận thì không đánh trượt trong các kì thi sát hạch (Qualifying exam và Comprehensive exam). Có khoa thì có “định mức” sau mỗi kì sát hạch. Nếu chẳng may không qua thì coi như bạn mất toi 2-3 năm và chỉ tốt nghiệp với bằng Master.
- Giáo sư hướng dẫn: Đây là lẽ là người quan trọng nhất trong suốt “cuộc đời” làm sinh viên tiến sĩ vì giáo sư đảm bảo bạn có tiền học và làm nghiên cứu, giúp bạn thực hiện đề tài, hỗ trợ con đường nghiên cứu khoa học của bạn không chỉ đến khi tốt nghiệp mà còn về sau. Trường hợp giáo sư không thích sinh viên của mình cũng không hiếm, hoặc giáo sư khét tiếng là “chèn ép” sinh viên cũng không hiếm. Đôi khi phải mất một thời gian bạn mới có thể biết là có hợp với vị giáo sư đó hay không. Chuyện đổi giáo sư cũng không có gì lạ nhưng nếu có thể thì bạn nên xử lý càng sớm càng tốt.
Các giáo sư là assistant professor vì áp lực lấy tenure nên làm việc khá “trâu” còn các vị giáo sư già thì có thể không có nhiều dự án mà đi làm tư vấn quanh năm, thành ra sẽ không có nhiều thời gian dành cho sinh viên. Tất nhiên đây chỉ một vài yếu tố để xem xét chứ không có nghĩa là cái nào tốt hơn cái nào.
Học PhD có cần network?
Hồi đầu mình nghĩ cái nghề nghiên cứu này chỉ cần tập trung học các công cụ phân tích, làm cho tốt để ra bài báo là ngon rồi, đâu cần gì mấy kĩ năng networking.
Nhưng năm đầu tiên được “phái” đi thực tập mùa hè ở Philippines cho một dự án về lúa gạo, mình đã vỡ ra nhiều điều.
Ở bất cứ ngành nào, có một mạng lưới quan hệ tốt và rộng luôn cho bạn nhiều lợi thế. Đơn giản như khi tìm số liệu. Xin số liệu ở Việt Nam rất khó, nếu như bạn không quen biết thì chắc sẽ chẳng bao giờ có thể qua được vòng gửi xe ở các Bộ ban ngành của nhà nước, nói gì đến việc gặp gỡ anh A chị B mà xin xỏ. Đến khi supervisor giao cho nhiệm vụ đi xin số liệu mình mới toát mồ hôi và hiểu ra tầm quan trọng của networking. Mà đấy là ở Việt Nam thôi còn dễ. Giờ làm sao mà xin được số liệu ở Lào hay Campuchia. Mình có biết ai đâu.
Trong 2 tháng thực tập mình tranh thủ được 2 chuyến đi tới Indonesia và Thái Lan. Cũng nhờ thầy hướng dẫn có nhiều mối quan hệ mà mình mò được vào tận Bộ Nông nghiệp Indo, nói chuyện với cả trợ lý bộ trưởng và tìm hiểu được khá nhiều điều thú vị về chính sách của họ. Nếu không có được những lời giới thiệu của thầy thì chắc chuyến đi của mình cũng chỉ dừng lại ở việc ra đồng lúa nói chuyện với nông dân qua phiên dịch.
Hội thảo của ngành cũng là một cơ hội tốt để network. Mình đến hội thảo chủ yếu muốn xem mọi người đang làm gì, hiểu thêm các vấn đề và cách tiếp cận khác nhau – dù quả thật là có nhiều bài trình bày khá chán. Mình hay xem qua danh sách những người tham dự để tìm ra một vài cái tên quen thuộc và bắt chuyện nếu may mắn gặp được – nhất là những người cũng đang làm nghiên cứu về các vấn đề tương tự như mình đang làm, như thế có thể học hỏi thêm một số phương pháp từ họ hoặc là xin họ cho lời khuyên cho nghiên cứu của mình.
Network tốt cũng giúp bạn cập nhật được tình hình nội bộ của ngành, và cũng nhiều người xin được việc là từ mối thân quen – điều này cũng phổ biến ở Mỹ chứ không phải ai xin việc thì lên mạng tìm. Có nhiều thứ Google không thể giúp được. Người Mỹ lại rất trọng các mối quan hệ có độ tin cậy cao, nên nếu bạn xây dựng được những mối quan hệ tốt và sâu rộng thì đó là một lợi thế mà dù bạn đi làm ở đâu cũng là một điểm cộng.
Cách tiếp cận khoa học
Có lẽ cái được nhất sau bốn năm rưỡi học PhD của mình là chương trình đã dạy cho mình cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học. Nói đơn giản đó là:
- Bất cứ một phát ngôn nào, hay một mẩu thông tin nào, cũng chưa phải là sự thật và cần kiểm chứng. Cái cách nghĩ này đã giúp cho mình bớt cảm tính đi rất nhiều khi đưa ra quyết định.
- Kiểm chứng bằng cách nào? Google, hỏi mọi người. Đặt ra các câu hỏi tại sao và tại sao không?
- Sau khi kiểm chứng và có thông tin để đưa ra nhận định, thì nhận định của mình chỉ được xem là tương đối đúng trong một context rất hẹp. Và nhận định của mình cũng có thể sai vì mình có thiên kiến.
- Khi mình đưa ra nhận định thì sẽ có người phản bác, có người cho ý kiến – và đấy là điều rất đương nhiên vì có nhiều thứ mình không biết.
Đây thực ra là đơn giản hóa quy trình làm khoa học. Sau rất nhiều tháng ngày vất vả thu thập số liệu, phân tích số liệu, viết và sửa, bài báo của bạn vẫn có thể bị từ chối như thường. Điều này giúp mình hiểu hơn về tính tương đối trong nghiên cứu và không nên coi cái gì là tuyệt đối đúng vì bản chất của khoa học là đi gần đến sự thật còn sự thật ở đâu thì chúng ta còn chưa biết. Điều đó cũng giúp mình kiêm tốn hơn trong suy nghĩ, vì biết rằng cái mình biết luôn có thể sai.
Mình luôn nhớ thầy hướng dẫn của mình, là một người rất được kính trọng và nhiều kinh nghiệm trong ngành, lúc nào cũng bảo “Tôi có thể sai” dù thầy thực sự là biết rất rõ nên như thế nào. Mình đã không chỉ học được những công cụ để có thể xin được việc đi làm, mở rộng cơ hội nghề nghiệp mà còn trưởng thành lên nhiều từ những bài học giản dị ấy.
Hoàng Khánh Hòa
Columbia, 07.2015