Chàng sinh viên này đã quyên góp được 2 triệu USD (khoảng 43 tỉ VNĐ) để chế tạo hệ thống dọn rác trên biển.
Boyan Slat, một sinh viên 20 tuổi ngành kỹ thuật hàng không Hà Lan quan tâm đến vấn đề ô nhiễm đại dương sau một khóa học lặn tại Hy Lạp hồi 16 tuổi. Trong chuyến lặn biển, Boyan đã nhận thấy có nhiều túi nhựa xả ra môi trường. Cậu sinh viên đã tìm hiểu và được biết một năm, có khoảng 300 triệu tấn sản phẩm từ nhựa được sản xuất và thải ra ngoài. Trong đó, có 5.000 tỉ mảnh nhựa rác thải trôi nổi trên bề mặt đại dương, làm ô nhiễm nguồn nước và đe dọa đến các loài sinh vật biển.
Với tư duy sáng tạo cùng những kiến thức đã học ở trường, Boyan bắt đầu nghiên cứu tạo ra hệ thống thu gom rác thải trên biển. Sau rất nhiều lần thử nghiệm thất bại do chi phí sản xuất quá tốn kém, gây ô nhiễm hay tiêu tốn quá nhiều năng lượng, Boyan đã tìm ra được một ý tưởng thân thiện về mọi mặt, đó là hệ thống làm sạch nước biển mang tên Ocean Cleanup.
Ocean Cleanup là một hệ thống các ống nổi có hình dạng như phao cứu hộ ghép lại thành hình chữ V được neo xuống đáy biển và đặt trên đường đi của các dòng hải lưu lớn. Những phao nổi này được thiết kế thu gom rác trôi nổi trong phạm vi 3m từ mặt nước biển trở xuống. Dần dần, rác sẽ gom về một góc hẹp của hình chữ V, nơi chúng được xử lý. Đây là một phát minh ít tốn kém so với hàng triệu USD bỏ ra để làm sạch các bãi biển mà lại không gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường tự nhiên.
Theo dự tính, Ocean Cleanup có thể thu gom một lượng rác khoảng 65 mét khối mỗi ngày và sau 45 ngày, các tàu sẽ đến thu gom và tập trung về bãi để xử lý. Một hạn chế duy nhất của hệ thống này là nó không gom được các hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 0,1 mm.
Chỉ ít lâu sau khi trình bày, dự án đã được Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) trao giải thưởng Dụng cụ được thiết kế tốt nhất. Ngay sau đó, Boyan đã được Tập đoàn công nghệ Mỹ Intel bình chọn là một trong 20 doanh nhân trẻ triển vọng nhất thế giới.
Boyan Slat, đã mở một chiến dịch kêu gọi quyên góp từ cộng đồng để thực hiện dự án. Chỉ sau khoảng 100 ngày, số tiền hơn 2 triệu USD (khoảng 43 tỉ đồng) đến từ hơn 38.000 nhà tài trợ ở hơn 160 quốc gia đã được gửi đến tài khoản của dự án. Số tiền này sẽ giúp Boyan tiến hành công trình xây dựng hệ thống máy móc nhằm thu gom hàng triệu tấn nhựa đang làm các đại dương ô nhiễm trầm trọng.
Boyan cho biết sẽ vận hành hệ thống này vào đầu năm 2016, tại vùng biển của Nhật Bản và hoạt động kéo dài trong 2 năm.
Hãy cùng xem những hình ảnh của Boyan Slat và Dự án Ocean Cleanup:
Theo Tiin
Xem bài gốc tại đây