Nhìn chị Nguyễn Thanh Nga (hiện đang làm tại tổ chức Unicef Việt Nam – Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) không ai nghĩ năm nay, chị đã bước sang tuổi 52.
Với thân hình nhỏ gọn, làn da hồng hào, mịn màng, khuôn mặt tươi trẻ, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi, chị luôn được người mới gặp đoán chỉ ngoài 30 tuổi. Chị Nga cho biết, đây là thành quả của 16 năm tập luyện “Suối nguồn tươi trẻ” – bài tập giữ gìn tuổi thanh xuân với 5 thức tập đơn giản của người Tây Tạng xưa. Trên thực tế, bài tập này đã được công nhận về hiệu quả ứng dụng trên toàn thế giới.
Trẻ ra mấy chục tuổi nhờ kiên trì tập luyện
Theo chị Nga thì năm 1998, chị bị loãng xương nhẹ, đau nhức đùi, đêm không ngủ được, có khi đau tới phát khóc. Rồi một ngày gặp bố nuôi của các con sau vài tháng không gặp, thấy sắc mặt và thái độ yêu đời khác hẳn ngày thường của anh này, chị tò mò dò hỏi. Anh này mách cho chị cuốn sách “Suối nguồn tươi trẻ” với 5 thức tập nhìn qua thấy rất đơn giản và dễ thực hiện. Ngay hôm đó, chị đã tìm mua cuốn sách và buổi tối ngồi đọc một lèo, sáng sớm hôm sau dậy thực hành luôn.
Thời gian đầu, chị phải tự động viên bằng cách mua quần áo tập rồi đứng trước gương mỗi ngày, vừa chỉnh động tác vừa ngắm thành quả nỗ lực của bản thân. Chị vô cùng ngạc nhiên khi sau một tuần tập đã giảm được 2cm vòng eo và tăng lên vài milimet “vòng một”, vòng ba cũng có vẻ “nhỉnh” hơn, khiến cho vóc dáng trông gợi cảm hơn.
Từ những kết quả đạt được, chị cảm thấy phấn khích vô cùng và rất có động lực phấn đấu tập tiếp. Vài tháng sau, chị lại tiếp tục bất ngờ khi thấy hết đau đùi, xương khớp… bệnh hay ốm vặt, ho húng hắng cũng tuyệt nhiên không thấy. Nếu hôm nào sốt cảm nhẹ thì tập xong, chị xông hơi, tắm nước nóng là thấy khỏe ra. Da dẻ chị cũng dần căng mịn, không còn các vết nám.
Chị Nga cho biết, bộ môn này rất phù hợp với chị em lứa tuổi từ 30 trở đi vì nhẹ nhàng, không quá mệt nhưng lại tiêu tốn rất nhiều calo vì ra mồ hôi nhiều. “Để phát huy hiệu quả của bài tập “Suối nguồn tươi trẻ” cần tuân thủ 5 nguyên tắc. Một là khi mới tập phải tập đều đặn mỗi ngày. Nếu bỏ một buổi thì coi như bạn phải làm lại từ đầu. Hai là thở, phải thở sâu bằng mũi, hít vào hết và thở ra hết, cứ tự nhiên mà làm, không ép buộc bản thân. Ba là những bộ phận cơ thể nào phải chuyển động thì chuyển động, còn lại các điểm tựa phải giữ nguyên từ đầu đến cuối bài tập.
Đây là nguyên tắc rất quan trọng để rèn sức chịu đựng căng các cơ. Bốn là phải luyện từng động tác cho đúng ngay từ đầu, số lượng mỗi thức tăng dần lên theo cấp số 7. Ví dụ tuần đầu tiên chỉ tập mỗi thức 7 lần, nếu thấy khó chịu có thể giảm bớt số lần ở mỗi động tác nhưng phải tập đủ cả 5 động tác. Xong tăng dần lên tùy độ thích nghi và dẻo dai của cơ thể. Cuối cùng là kỷ luật cá nhân, phải tuyệt đối rèn luyện thành thói quen và không được bỏ tập”, chị Nga cho biết.
Về chế độ ăn uống khi tập bài tập này, nhiều người mặc định nên để dạ dày “trống rỗng” để có thể đốt được nhiều chất béo. Tuy nhiên chị Nga cho rằng, người tập nên ăn nhẹ trước khi luyện tập khoảng 1 giờ đồng hồ. Chị cho biết: “Trước khi tập, chúng ta nên nạp vào cơ thể một ít carbohydrat (có nhiều trong đường trắng, đường mía, nha ngũ cốc, đường cây thích, mật ong…) và một chút protein (có nhiều trong thịt gia cầm, súp lơ, hải sản, sữa, trứng…).
Uống một ly sữa hoặc một món hoa quả sau khi tập xong là cách tốt nhất để phục hồi lại năng lượng đã tiêu hao. Bữa ăn tiếp theo sau khi tập phải có hàm lượng protein cao như thịt, cá, trứng… Lượng protein này giúp phục hồi cơ bắp sau các hoạt đông thể lực kéo dài. Thức ăn nhiều chất xơ như rau sống, rau luộc, các loại trái cây tươi… nên được bổ sung vào mỗi bữa ăn. Hạn chế hàm lượng chất béo và đường tối đa khi bạn đã bước vào độ tuổi tam tuần trở lên”.
Khám phá bí mật của “Suối nguồn tươi trẻ”
“Suối nguồn tươi trẻ” đã trở thành câu chuyện huyền thoại được lưu truyền qua hàng ngàn năm nay. Đó là những câu chuyện kể về những người đàn ông già nua tìm lại được sinh lực và sự tráng kiện của thời trai trẻ, về những người phụ nữ tuổi xế chiều cũng đã tìm lại nét thanh xuân… Tuy nhiên, phương pháp dưỡng sinh này chỉ chính thức lưu truyền rộng rãi và nhiều người biết đến thông qua cuốn sách “Con mắt khải huyền” của Peter Kelder (người Anh), xuất bản vào năm 1939.
Theo đó, “Suối nguồn tươi trẻ” được coi là một trong những bí quyết màu nhiệm vô cùng đơn giản chỉ gồm 5 động tác, hay gọi theo cách của các Lạt Ma Tây Tạng là 5 thức, tác động tới 7 luân xa – 7 trung tâm năng lượng vận hành cơ thể. Các Lạt Ma cho rằng, thân thể con người có 7 trung tâm năng lực, người Hin Đu gọi đó là luân xa, mỗi luân xa tập trung vào một trong số 7 tuyến nội tiết của con người và nhiệm vụ của nó là kích thích hoóc môn.
Thức tập của người Tây Tạng là kích thích cho các luân xa này hoạt động. Điều kỳ diệu là tác dụng cân bằng nội tiết của 5 thức tập “Suối nguồn tươi trẻ” hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu khoa học phương Tây. Theo quan điểm của phương Tây: Hoạt động của các tuyến nội tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí chi phối quá trình lão hóa. Sau tuổi 30, hệ nội tiết bắt đầu suy yếu, lượng hoóc môn giảm dần gây ra các bệnh của người già như: da nhăn, tóc bạc, mất ngủ, loãng xương… Vì thế, khôi phục sự cân bằng nội tiết có thể làm chậm quá trình lão hóa.
Theo cuốn sách của Peter Kelder, 5 thức của “Suối nguồn tươi trẻ” như sau:
Thức thứ nhất: Có tác dụng làm cho các luân xa (trung tâm năng lượng) xoáy nhanh trở lại. Người tập giương thẳng 2 tay ra theo chiều ngang, sau đó xoay tròn cho đến khi hơi chóng mặt, xoay từ trái sang phải.
Thức thứ hai: Người tập nằm dài trên sàn, mặt ngẩng lên. Tốt nhất, bạn nên nằm trên một tấm thảm dầy hoặc một tấm nệm bằng phẳng. Khi đã nằm thì duỗi lưng, thẳng người, buông hai cánh tay dọc theo hông, gan bàn tay úp xuống sàn, giữ cho các ngón tay sát vào nhau. Tiếp đó nhấc đầu lên, thu cằm vào ngực. Trong khi làm như thế, nhấc hai cẳng chân lên, đầu gối thẳng, trong thư thế thẳng đứng. Nếu có thể, bạn hãy để hai chân vươn ngược lên trên thân về phía đầu nhưng phải giữ cho 2 đầu gối thật thẳng. Rồi từ từ thả đầu và hai cẳng chân xuống sàn nhà trong khi đầu gối vẫn giữ thẳng. Hãy thư giãn toàn bộ các cơ bắp sau đó, thực hành lại.
Thức thứ ba: Quỳ gối trên sàn nhà và giữ cho thân mình thẳng đứng, hai bàn tay áp sát vào đùi. Sau đó nghiêng đầu và cổ về phía trước, cằm thu vào ngực. Tiếp đến ngửa đầu và cổ ra phía sau càng xa càng tốt, đồng thời ngả người ra sau, cong hẳn cột sống. Khi cong mình, bám cánh tay và bàn tay lên đùi để làm điểm tựa. Cong người xong, trở về với tư thế cũ và lặp lại lần nữa.
Thức thứ tư: Ngồi xuống trên sàn nhà, hai cẳng chân duỗi ra phía trước, hai bàn chân đặt cách nhau khoảng 20 cm, gan hai bàn tay úp xuống sàn, dọc theo mông. Sau đó thu cằm về phía trước ngực. Tiếp đến ngả đầu ra phía sau, càng xa càng tốt đồng thời nhấc thân mình lên sao cho đầu gối cong lại trong khi hai cánh tay trở nên thẳng đứng. Với tư thế này, thân hình trở thành song song với sàn nhà, thẳng góc với hai cánh tay và hai cẳng chân. Rồi gồng căng mọi cơ bắp của cơ thể. Cuối cùng khi quay trở lại với thế ngồi ban đầu, hãy thư giãn các cơ bắp và nghỉ một lúc trước khi lặp lại các động tác của thức tập.
Thức thứ năm: Chống hai tay thẳng đứng xuống sàn nhà và cong cột xương sống sao cho thân mình ở trong tư thế lún xuống. Tiếp đó ngả đầu ra phía sau càng xa càng tốt rồi cong ở phần hông và đưa thân mình lên trên để tạo thành chữ V ngược (tức là chổng mông lên trời). Đồng thời đưa cằm tới trước và áp sát vào ngực. Thực hành xong trở lại với tư thế ban đầu và lặp lại thức tập.
Tại Việt Nam, số người tham gia tập “Suối nguồn tươi trẻ” ngày càng nhiều vì những lợi ích mà nó mang lại. Trong số đó có thể kể đến tác giả của những ca khúc nổi tiếng về Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang. Nhạc sĩ cho biết ở tuổi 50, ông phát hiện bị ung thư tuyến giáp. Biết chuyện, một vị khách đến cà phê ở nhà hàng Catina của Phú Quang ở Sài Gòn chủ động hỏi ông có muốn tập “Suối nguồn tươi trẻ” để chữa bệnh không. Vì đã có trải nghiệm với yoga nên nhạc sĩ tin ngay. Vị đó chỉ hướng dẫn 20 phút và đưa ông 2 cuốn sách để nghiên cứu, tự luyện tập. Một năm sau, các bác sĩ ngạc nhiên vì các triệu chứng ung thư trong cơ thể nhạc sĩ đã biến mất. Hiện tại dù đã bước sang tuổi 65 nhưng Phú Quang vẫn rất mạnh khỏe, yêu đời, dù vẫn “chung sống” với bệnh tiểu đường mấy chục năm nay.
Theo Tâm Sự Gia Đình
Xem bài gốc tại đây