“Các sinh viên (SV) tài năng sẽ được tiếp cận những chương trình đào tạo chất lượng cao với chi phí hợp lý, bất kể họ xuất thân từ hoàn cảnh kinh tế – xã hội nào”.
Đó là cam kết của ĐH Fulbright VN (FUV) được bà Đàm Bích Thủy – thành viên hội đồng quản trị Quỹ tín thác Sáng kiến ĐH VN, chủ tịch FUV – khẳng định trong bài phỏng vấn riêng của Tuổi Trẻ Cuối Tuần xung quanh những cơ hội và thách thức của mô hình đào tạo này.
FUV sẽ lựa chọn phát triển theo hướng nào, thưa bà: là một trường ĐH Mỹ được “nội địa hóa” hay sẽ là một trường ĐH VN theo mô hình đào tạo của Mỹ?
– Nhìn quanh trong khu vực, ta có thể nhận thấy những trường ĐH xuất sắc ở châu Á bền vững được hàng trăm năm là những trường có gốc rễ bám sâu vào văn hóa của nước sở tại.
Đối với ĐH FUV, chúng tôi chủ trương dạy những kiến thức phổ quát. Phương pháp giảng dạy là của Mỹ, nhưng không thể áp dụng 100% nội dung chương trình đào tạo Mỹ. Ví dụ như trong bài giảng, SV VN ngồi đây nhưng chỉ dùng những case study của các công ty Mỹ ở tận Utah, Memphis… sẽ rất khó để SV hình dung và vận dụng.
Chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh nhất định trong chương trình đào tạo của FUV để gần hơn với người học, phù hợp với địa chỉ sử dụng.
Bên cạnh đó, một số môn mà chính các trường ĐH VN chưa chú trọng như VN học, văn học VN chúng tôi sẽ đưa vào chương trình đào tạo. Những yếu tố văn hóa của VN sẽ được thể hiện rõ nét trong chương trình đào tạo của chúng tôi.
FUV đưa ra một mô hình hoàn toàn mới: chúng tôi không muốn FUV là một dự án FDI, đưa toàn bộ chương trình, giảng viên của Mỹ vào giảng dạy. FUV khác các trường ĐH theo mô hình FDI trước hết ở chỗ trường có nguồn tiền đầu tư từ Chính phủ, người dân VN bên cạnh các nguồn tài chính từ phía Mỹ.
Đồng thời FUV sẽ là trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận, là trường đầu tiên theo mô hình này ở VN. Trường được thành lập dựa trên những nguyên tắc quản trị thiết yếu: minh bạch và trách nhiệm giải trình, trọng dụng nhân tài, tự chủ, tôn trọng lẫn nhau và giảng dạy gợi mở.
Với những nguyên tắc đó, trong quá trình xin cấp phép từ Chính phủ VN, chúng tôi cố gắng cùng thảo luận để đi đến thống nhất với các cơ quan quản lý nhà nước ngay từ đầu, không bỏ qua bất cứ nguyên tắc nào vì xây dựng một trường ĐH là một công việc có tầm nhìn trăm năm, phục vụ nhiều thế hệ.
Như vậy có thể hiểu FUV đã giành được một giấy phép hoạt động đặc biệt? Điều này sẽ tạo ra thuận lợi và khác biệt gì trong chương trình đào tạo của FUV?
– Từ sự ủng hộ của các cơ quan Chính phủ VN, ĐH FUV sẽ có một cơ chế hoạt động đặc biệt. Đó có thể nói là một thành công của sự cởi mở và hợp tác vì sự phát triển của trường nói riêng và của giáo dục ĐH nói chung từ phía các cơ quan Chính phủ VN.
Giấy phép của FUV được phê chuẩn theo hướng những nội dung chưa có trong luật sẽ được cụ thể hóa bằng những quy định riêng được phê duyệt riêng. Điều quan trọng nhất sẽ tạo nên sự khác biệt của FUV là trường ĐH của VN được quyền tự chủ về chương trình giáo dục (curriculum freedom).
Năm 2016 cho thạc sĩ và 2017 cho cử nhân ĐH
FUV được tài trợ bởi Quỹ tín thác Sáng kiến ĐH VN (TUIV), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Boston (Mỹ). TUIV chịu trách nhiệm huy động những nguồn lực từ các nhà tài trợ Mỹ và VN, quản lý nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Mỹ cũng như giám sát hoạt động của FUV thông qua đại diện trong hội đồng trường. |
Khi nào trường sẽ chính thức đi vào hoạt động, tuyển sinh và đào tạo khóa đầu tiên, thưa bà?
– FUV đang trong giai đoạn thiết kế, hợp đồng xây dựng cụ thể cũng đang được triển khai. Tất cả sẽ kịp cho đợt tuyển sinh và khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 9-2016.
Tuy trường sẽ xây dựng từng bước phù hợp lộ trình phát triển nhưng sẽ có một thiết kế tổng thể ngay từ ban đầu với mong muốn hình thành một campus ĐH hiện đại, có không gian mở cho những hoạt động ngoài lớp học của cộng đồng SV. Các phòng học sẽ ứng dụng được những thiết bị công nghệ hiện đại ngay từ đầu, SV có thể học online với lớp học, giảng viên tại các trường ĐH đối tác ở Mỹ.
Năm 2016, FUV bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên, dự kiến tuyển 80-100 SV cho chương trình đào tạo thạc sĩ chính sách công hai năm. Đối tượng tuyển sinh trước hết là các công chức nhà nước bậc trung. Người làm trong các doanh nghiệp tư nhân cũng có thể dự tuyển nếu họ có ý định làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến quản lý và chính sách công.
Dự kiến thời điểm nào FUV sẽ bắt đầu tuyển sinh đào tạo cử nhân bậc ĐH, thưa bà?
– Sẽ bắt đầu từ năm 2017. Chương trình đào tạo cử nhân được triển khai ở hai trường thành viên FUV là Trường Kỹ thuật và khoa học ứng dụng Fulbright và ĐH Fulbright.
Trong đó, Trường Kỹ thuật và khoa học ứng dụng Fulbright sẽ cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học ứng dụng, toán học và khoa học máy tính. Trường ĐH Fulbright sẽ cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Chương trình đào tạo cử nhân được thiết kế thời gian đào tạo chuẩn là bốn năm. Từ năm đầu, bên cạnh những môn học bắt buộc đối với từng ngành đào tạo, SV có thể đăng ký môn học không giới hạn. Hai trường này sẽ đi vào hoạt động, tuyển sinh cùng lúc để SV có cơ hội lựa chọn lần hai sau khi đã vào học, chuyển ngành đào tạo hoặc học thêm song song một ngành đào tạo nữa. Không nên để sự lựa chọn ban đầu của tuổi 18 bị bó buộc trong một khuôn khổ cứng nhắc.
Về quy mô tuyển sinh cử nhân, chúng tôi chưa có con số cụ thể, nhưng điều kiện xét tuyển sẽ là điểm trung bình các môn học (GPA) và quan trọng nhất là vòng phỏng vấn. Chúng tôi không chỉ nhìn vào kết quả học tập mà sẽ xem xét đánh giá năng lực cá nhân, hoạt động xã hội, năng khiếu, sở thích…
Đó sẽ là một phương thức tuyển sinh “mở”, tạo điều kiện cho SV được thể hiện hết khả năng của bản thân, hướng tới đào tạo những cá nhân để SV phát triển hết năng lực bản thân.
FUV sẽ có đội ngũ giảng viên cơ hữu của mình hay chủ yếu sử dụng giảng viên khách mời?
– Ngôn ngữ giảng dạy tại FUV sẽ là tiếng Anh. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được với đội ngũ giảng viên gồm các giảng viên nước ngoài và người VN đang giảng dạy ở các trường ĐH Mỹ – những người đồng nhất về bằng cấp và năng lực chuyên môn với giảng viên người nước ngoài. Chúng tôi tin tưởng vào nguồn giảng viên người VN đang làm việc tại Mỹ.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, các giảng viên cần làm việc dài hạn ở VN đủ để gắn kết với SV. Các giảng viên, giáo sư ở nước ngoài có thể giảng dạy ở FUV dưới hình thức tham gia chương trình giảng dạy ở nước ngoài theo cách mà chương trình Fulbright đã thực hiện với thời gian 1-2 năm.
Các trường thành viên và đối tác đào tạo chính từ Mỹ- Trường Quản lý và chính sách công Fulbright (Fulbright school of public policy and management) với đối tác chính là Harvard Kennedy school, cung cấp các chương trình đào tạo thạc sĩ trong lĩnh vực chính sách công, luật, tài chính và quản lý, các nghiên cứu ứng dụng và đối thoại chính sách.
– Trường Kỹ thuật và khoa học ứng dụng Fulbright (School of Engineering and applied science) với đối tác chính là Arizona State University, cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học ứng dụng, toán học và khoa học máy tính. – Trường ĐH Fulbright (Fulbright College) với đối tác chính là Loyola Chicago University, UC Irvine, cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. |
Bà có cho rằng trên thực tế sẽ có mâu thuẫn giữa mong muốn tuyển sinh được những SV giỏi từ các tỉnh với việc trường giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh vì nguồn tuyển sẽ không đáp ứng được yêu cầu về trình độ tiếng Anh?
– Chúng tôi quan tâm đến kiến thức, khả năng của SV đầu vào hơn là trình độ tiếng Anh. Chúng tôi lường trước được thách thức về khả năng tiếng Anh của SV và sẽ giải quyết bằng các chương trình đào tạo tiếng Anh đầu vào ba tháng hoặc sáu tháng.
Nhưng cách nâng cao trình độ tiếng Anh đầu vào cho SV sẽ khác: thay vì chỉ dạy tiếng Anh, chúng tôi sẽ đào tạo tiếng Anh thông qua giảng dạy kiến thức môn học, truyền đạt kiến thức cho SV bằng tiếng Anh từ dễ đến khó, từ đơn giản đến hoàn thiện khả năng ngôn ngữ mang tính hàn lâm. Với phương pháp đó, những SV đã có sẵn năng lực, tư chất và tinh thần học tập của chúng tôi sẽ nhanh chóng hoàn thiện được trình độ tiếng Anh để theo học.
Cam kết đảm bảo các SV tài năng sẽ được tiếp cận chương trình đào tạo của trường với mức chi phí hợp lý, bất kể họ xuất thân từ hoàn cảnh kinh tế – xã hội nào có đồng nghĩa với việc trường đã chuẩn bị một nguồn quỹ học bổng, học phí và hỗ trợ tài chính cho SV, thưa bà?
– Quỹ học bổng, khả năng hỗ trợ tài chính cho người học của trường sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn đóng góp, tài trợ, hỗ trợ… Trong thời gian đầu, trường sẽ chưa thể có chương trình hỗ trợ tài chính mạnh như các trường ĐH lớn của Mỹ.
Nhưng một trong những nguyên tắc đã được xác lập là “Quyền tiếp cận rộng mở, chi phí hợp lý và sự đa dạng”. FUV cũng đặt trọng tâm vào nỗ lực trao quyền cho phụ nữ và thành viên các cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi.
Cơ cấu SV của chúng tôi sẽ phản ánh sự đa dạng của xã hội VN. Vì thế FUV xác định để thu hút SV các tỉnh vùng sâu vùng xa, nhất là cho những ngành khoa học, kỹ thuật, thì trường phải có chương trình hỗ trợ tài chính cho SV có hoàn cảnh khó khăn, những SV mà gia đình không thể chi trả mức học phí cao hơn trường công.
Hỗ trợ tài chính sẽ xét tương tự như các trường ĐH ở Mỹ dựa trên hoàn cảnh gia đình và năng lực cá nhân, mục tiêu, kế hoạch học tập của SV. Bên cạnh đó, cũng sẽ có chương trình học bổng dành cho các SV xuất sắc, tài năng. Quỹ tài trợ cho nhà trường sẽ không khó vì các doanh nghiệp lớn hoạt động ở VN luôn mong muốn có nguồn chất lượng cao để tuyển dụng.
Nếu làm cho họ tin tưởng vào chất lượng đào tạo và sản phẩm của trường, họ sẽ là những nhà tài trợ cho trường. Phía Mỹ cũng đã đề nghị Chính phủ VN xem xét có chương trình học bổng cho SV VN vào học tại FUV.
Môi trường giáo dục ĐH mở
Một trong những mục tiêu đã được xác định trong tầm nhìn của FUV là “Cổ súy cải cách giáo dục ĐH”. Điều gì khiến các nhà sáng lập và điều hành FUV tin tưởng mình sẽ làm được điều này?
– Mục tiêu của FUV là phải được SV, phụ huynh và xã hội chấp nhận. Sự xuất hiện của FUV sẽ đóng vai trò một nhân tố cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục ĐH VN. Chúng tôi sẽ tạo ra một mô hình trường ĐH mới ở VN. Nhưng chỉ mới thôi chưa đủ, để xã hội chấp nhận chúng tôi phải làm tốt.
Đây là một mục tiêu thú vị nhưng cũng đầy thách thức: Làm thế nào để mô hình mà mình đưa ra được xã hội, phụ huynh và các nhà tuyển dụng chấp nhận?
Muốn trả lời được câu hỏi này, có lẽ phải chờ ít nhất một khóa SV tốt nghiệp…
– FUV là một mô hình mới, nên trường sẽ nhận được sự theo dõi hết sức chặt chẽ của xã hội, của dư luận nói chung và giới giáo dục ĐH nói riêng. Chỉ cần sau một năm học, phản hồi của người học về chương trình đào tạo sẽ là những thước đo đánh giá ban đầu. Giới ĐH, phụ huynh và xã hội có thể đánh giá dựa trên phản hồi của SV và những gì thực tế chúng tôi thực hiện.
Hiện tại, chưa có trường ĐH nào của VN được kiểm định chất lượng quốc tế ở quy mô trường. Mới chỉ có một số ngành học tại một vài trường được kiểm định chất lượng quốc tế. Trong thời gian đầu, FUV sẽ sử dụng các chương trình đã được kiểm định của các trường ĐH Mỹ. Sau sáu năm khi đã có đủ dữ liệu (data) theo yêu cầu, FUV sẽ đăng ký kiểm định chất lượng quốc tế từ các tổ chức kiểm định ĐH uy tín của Mỹ.
Trước FUV, ở VN đã có một số trường ĐH quốc tế theo cả hai mô hình: là cơ sở đào tạo hợp tác giữa hai chính phủ hay dự án FDI, tại mỗi mô hình trong quá trình hoạt động đều vấp phải vấn đề hoặc về số lượng (nguồn tuyển sinh) hoặc về chất lượng (đầu vào). Bà nhìn nhận như thế nào về tương lai của FUV? Liệu FUV có phải đối mặt với thực tế: để đảm bảo chất lượng đầu vào thì eo hẹp về nguồn tuyển. Ngược lại, để tuyển được đủ số lượng và người học có khả năng chi trả thì có thể không giữ được yêu cầu về chất lượng?
– FUV hoạt động và phát triển trên hai nguyên tắc cơ bản: Một là nguyên tắc ĐH phi lợi nhuận, tiếp tục duy trì nguồn đầu tư, đóng góp vào trường là vĩnh viễn, đa dạng nguồn ủng hộ để tạo nguồn học bổng cho những SV xuất sắc và hỗ trợ tài chính cho SV đủ điều kiện theo học nhưng không đủ khả năng chi trả. Hai là theo phương thức đào tạo của Mỹ.
Cho đến nay, đây vẫn là phương thức đào tạo hấp dẫn nhất đối với đào tạo cử nhân. Bước vào ngưỡng cửa ĐH ở tuổi 18, SV đã phải lựa chọn ngành học và nghề nghiệp. Sự lựa chọn lúc 18 tuổi cho cả cuộc đời? Phương thức đào tạo kiểu Mỹ chính là cho phép người học được học cái mà vào thời điểm đó mình thích nhưng sau này thay đổi thì vẫn có cơ hội. Những SV tốt nghiệp có thể làm công việc đa dạng, cơ hội nghề nghiệp luôn mở rộng, không bị ràng buộc bởi ngành học – đó là điều FUV muốn thực hiện.
Rất cảm ơn bà.■
Tổng vốn đã huy động đến nay cho FUV là khoảng 40 triệu USD tiền mặt và hiện vật. Dự kiến trong năm năm đầu, trường sẽ có tổng đầu tư dự kiến 100 triệu USD.
Vốn từ ba nguồn chính: cơ quan chính phủ Mỹ và VN, các công ty ở VN (chủ yếu công ty Mỹ đang hoạt động tại VN và một số doanh nghiệp VN), cá nhân thiện nguyện bao gồm cả người VN, người nước ngoài tại VN và một số cá nhân ở nước ngoài. Chúng tôi hi vọng nhiều vào sự đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức ở VN. Về phía Chính phủ VN đã có một đóng góp rất lớn, rất giá trị: đó là cấp cho trường 15ha đất tại Khu công nghệ cao TPHCM (Q.9, TPHCM). Ngoài ra, một số cá nhân, tổ chức ở VN đã cam kết sẽ đóng góp cho trường dưới nhiều hình thức, ví dụ đã có doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nhận xây phần thô một số hạng mục. Chúng tôi đang tập trung vào việc vận động đóng góp ở VN vì nhiều lý do: Trước hết là vì đã có một cam kết, cứ một đồng đóng góp từ VN, phía đối tác nước ngoài sẽ huy động để đóng góp 1-2 đồng. Thứ hai, chúng tôi muốn xây dựng thói quen đóng góp thiện nguyện phát triển xã hội. Ở VN hoạt động từ thiện (charity) đã rất phổ biến, nhưng chúng ta có thể cùng nhau hướng tới việc làm thiện nguyện (philanthropy) cho giáo dục. Những cá nhân có khả năng tài chính tham gia đóng góp để phát triển giáo dục, thúc đẩy xã hội phát triển, gia tăng giá trị trong tương lai lâu dài. |
Theo Tuổi Trẻ
Xem bài gốc tại đây