Lê Tuấn Sơn hiện là du học sinh ngành Điều khiển tàu biển tại Nga. Khi ra trường bạn ấy sẽ trở thành thuyền trưởng đấy nhé. Nghe oai chưa!
Lê Tuấn Sơn năm nay 20 tuổi học tại khoa Lái (điều khiển tàu biển), trường Đại Học Hàng Hải Việt Nam. Sau khi theo học được 1 năm ở Việt Nam, anh chàng đã được nhà nước cử sang Nga để học tập từ năm 2013.
Sơn bật mí lý do theo học ngành này: “Mình chọn khoa Lái vì bố từng là thuyền trưởng và muốn theo ngành nghề của bố. Hồi bé, bố hay kể cho Sơn những chuyến phiêu lưu trên biển, kể về những khó khăn khi có sóng gió, bão biển hay những điều vui vẻ hài hước của các thủy thủ khi xa nhà. Đặc biệt, mình rất thích cá heo và muốn ra biển phiêu lưu đến các vùng đất mới, tiếp xúc với những con người mới. Khi theo ngành này, mình còn có thể kiếm rất nhiều tiền”.
“Năm đầu tiên sang Nga, mình cảm thấy rất bỡ ngỡ từ cách sinh hoạt đến phong tục tập quán và thời tiết. Bên này, người dân họ không nói to, không ăn uống giống Việt Nam, họ sợ nước mắm. Không có cảnh sát giao thông nhưng người dân rất ý thức, khi có người qua đường, họ sẽ dừng lại cho qua”.
“Bên Nga có một số người không ưa người ngoại quốc. Khi mới học tiếng Nga, mình không hiểu gì vì họ nói rất nhanh và phát âm phải chuẩn xác. Mình là người Hải Phòng ngọng một chút nên càng khó khăn”.
“May mắn là các cô giáo bên này rất quý người ngoại quốc, đặc biệt là người Việt Nam nên các cô thường dùng hành động để diễn tả các từ ngữ mà mình không hiểu”, Tuấn Sơn (hàng dưới, áo kẻ ngang) chia sẻ.
Sau khi ra trường, Sơn có thể lái tàu thủy hoặc tầu ngầm và tất nhiên anh chàng sẽ trở thành thuyền trưởng. “Mình sẽ quay trở lại Việt Nam để làm việc vì được gần gia đình, ở Việt Nam sống tình cảm và gần gũi hơn”.
“Học ở đây, mình thấy khó nhất là môn Văn hóa thế giới. Ở trường, mình học nhiều môn khá giống với các môn ở Việt Nam, nhưng dễ hơn rất nhiều so với Việt Nam và họ nghiêng về thực hành nhiều hơn lý thuyết. Năm học này, bọn mình được đi thực tập ngoài biển”.
Khi được hỏi có sợ những khó khăn vì công việc lênh đênh trên biển, Sơn cho biết: “Mình nghĩ là không vì công việc lênh đênh trên biển là một phần trong chuyến hành trình phiêu lưu, là những thử thách mà mình phải đối diện”.
Đi theo diện nhà nước nên Sơn được hỗ trợ về mọi khoản từ ăn uống đến học tập ,nhưng tiền về thăm gia đình thì phải tự tiết kiệm để về: “Năm đầu học tiếng, mình phải mất một chút tiền để ăn uống sinh hoạt. Nhưng khi bắt đầu vào học, mình không mất tiền ăn nên số tiền mình tích góp sẽ gửi về cho gia đình”.
“Mình ngày càng yêu mến nước Nga xinh đẹp, và đang cố gắng hết mình để học tập để sau này trở thành một thuyền trưởng giỏi”.
Theo Tấm Gương
Xem bài gốc tại đây