“Future leaders (lãnh đạo tương lai), influencers (người có ảnh hưởng), and decision-makers (người ra quyết định)” đấy là ba yếu tố Đỗ Thị Hồng Thuận – cựu sinh viên đại học Ngoại Thương Hà Nội đã chia sẻ khi được hỏi về lý do trở thành một trong những ứng viên xuất sắc được lựa chọn để trao học bổng chính phủ Anh Quốc – Chevening mùa 2015 -2016
Học bổng Chevening là một trong những chương trình học bổng lớn nhất dành cho sinh viên Quốc tế. Đây là học bổng hàng đầu của chính phủ Anh Quốc với 1000 suất học bổng hàng năm được trao cho những sinh viên xuất sắc nhất đến từ hơn 130 quốc gia trên khắp thế giới.
Chương trình học bổng Chevening tạo điều kiện cho những sinh viên quốc tế có cơ hội học tập và nghiên cứu sau Đại học tại các trường học hàng đầu ở xứ sở sương mù. Chương trình học bổng nhằm hướng đến mục tiêu tạo dựng các nhà lãnh đạo tương lai, những người có ảnh hưởng tới cộng đồng và kết nối cộng đồng. Bạn có thể dễ dàng biết thêm thông tin chi tiết và nộp đơn xin học bổng Chevening tại đây: http://www.chevening.org/apply/
Để tìm hiểu những bí quyết giúp Hồng Thuận đạt được học bổng danh giá này để đến Anh học chương trình Applied Human Rights (M.A) tại The university of York, sinhvienusa đã có buổi trò chuyện cùng chị.
Chào Hồng Thuận, xin chúc mừng chị đã nhận được học bổng Chevening, được biết đây là một trong những học bổng chính phủ vô cùng danh giá dành cho các ứng cử viên xuất sắc nhất, chị có thể chia sẻ những bí quyết để đạt được điều này?
Cảm ơn bạn, mình nghĩ có 3 tiêu chí mà Chevening muốn hướng tới đó là future leaders ( lãnh đạo tương lai), influencers ( người có ảnh hưởng) , and decision-makers ( người ra quyết định) và mình đáp ứng được những yếu tố mà Chevening mong muốn.
Còn riêng cá nhân mình, để được trao một học bổng bất kỳ bạn cần đến 3 yếu tố:
1 – Passion (Đam mê) Đó là khi bạn rất đam mê về một vấn đề, một lĩnh vực mà bạn yêu thích, câu hỏi về vấn đề đó luôn trăn trở trong bạn thậm chí là chảy trong huyết quản của bạn 24/7. Bạn suy tư về nó trong nhiều tháng, nhiều ngày, bạn mong muốn khi tìm được câu trả lời, bạn sử dụng tất cả những phương tiện, mạng lưới bạn bè, kiến thức mà bạn có để đi tìm câu trả lời cho riêng mình. Đam mê của bạn cần rõ ràng và là sợi chỉ xuyên suốt trong từng chặng đường mà bạn trải qua. Đối với cá nhân mình, mình sẽ thường đặt câu hỏi: Tôi là ai? Ý nghĩ của tôi trong cuộc đời là gì ? và mình dành thời gian để lắng nghe câu trả lời bên trong và cả quan sát đến những đóng góp ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp ở bên ngoài. Theo mình đam mê là yếu tố tiên quyết cho việc bạn học gì và làm gì vì nó sẽ giúp bạn đi trên một chặng đường dài và khó khăn mà không biết mệt mỏi, nó giúp bạn hăng hái làm việc để đạt đến những thành tựu cao hơn, tạo ra nguồn năng lượng tích cực và truyền cảm hứng tới những người bạn làm việc và nói chuyện cùng.
2- Preparation (Chuẩn bị) Để đạt được một học bổng nào đó, bạn phải bỏ thời gian nghiên cứu về học bổng đó rất kĩ lưỡng, đặt các câu hỏi What, Where, When, Who, How ví dụ như chương trình học bổng dành cho đối tượng là ai, thuộc ngành nghề gì, trong những lĩnh vực nào, yêu cầu đòi hỏi của học bổng là gì, những ai đã từng được học bổng này, làm thế nào để bạn có thể kết nối được với các cựu sinh viên của học bổng đó. Sau khi đã trả lời những câu hỏi rất chung chung như thế, bạn lên những việc cần làm chi tiết, như là viết personal statement, liên lạc các thầy cô đã từng dạy bạn ở trường Đại Học, liên hệ với sếp, giám đốc ở cơ quan tổ chức của bạn để xin thư giới thiệu, ôn thi điểm ielts, lấy các chứng chỉ cần thiết, hoàn thành những yêu cầu mà chương trình của học bổng đề ra, tất cả được lên chi tiết, đầy đủ, và quan trọng là bạn luôn luôn ý thức việc hoàn thành kế hoạch và mục tiêu chi tiết cụ thể mà bạn đã đề ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.
3- Persistence (Sự bền bỉ) Để xin học bổng thành công ngoài việc xác định mục tiêu rõ ràng, có động lực mạnh mẽ, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng bạn còn cần tới sự bền bỉ quyết tâm theo đuổi đến cùng. Mình đã từng apply học bổng đi Úc ( năm 2008) và may mắn mình được luôn nhưng không phải lúc nào mình cũng may mắn như vậy. Những lúc thất bại là khi bạn cần rèn luyện sự kiên trì nhiều nhất. Khi thất bại, bạn vẫn tích cực, suy nghĩ cẩn thận và kĩ lưỡng hơn, vạch ra chiến lược mới (hay thay đổi chiến lược) cho phù hợp, lắng nghe ý kiến mọi người đóng góp với bạn và tiếp tục nộp cho đến khi bạn đạt được mục tiêu của mình. Kinh nghiệm của riêng mình là các bạn đừng ngại thất bại, thất bại chính là một phần của thành công, và khi bạn thất bại càng nhiều nghĩa là bạn đang tiến tới đích thành công càng lớn và có thể thành công cuối cùng là phù hợp nhất mà bạn không hề biết.
Mình được biết, Thuận đã lựa chọn ngành học với mục đích giúp đỡ cho người khuyết tật Việt Nam, bạn có thể chia sẻ chi tiết hơn về lựa chọn này?
Mình chọn học Applied human rights và chương trình học chủ yếu về các công ước Liên Hợp Quốc, luật nhân quyền quốc tế. Mục tiêu của mình là có thể tham gia được sâu hơn vào quá trình làm luật, chính sách, đóng góp ý kiến về luật, chính sách của người khuyết tật tại Việt Nam. Số lượng người khuyết tật tại Việt Nam khá đông 7 triệu người (theo kết quả điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2009) nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) số lượng có thể lớn hơn (khoảng 12 triệu người) điều đó có nghĩa là số lượng người khuyết tật ở Việt Nam là rất lớn chưa kể 80% người khuyết tật là người nghèo, sống ở nông thôn và là nhóm người bị gạt ra bên lề của xã hội. Đây sẽ là một vấn đề lớn hơn nữa khi trong những năm tới, viện trợ của các tổ chức nước ngoài dành cho Việt Nam bị cắt giảm ( và hiện vẫn đang cắt giảm), Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Điều đó có nghĩa là Việt Nam cần tạo ra những thay đổi và nội lực từ bên trong chứ không chỉ bên ngoài nữa trong đó nhóm người khuyết tật lại là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Mục đích của việc mình học về các chính sách, luật, công ước quốc tế là giúp cho mình hiểu sâu hơn về những văn bản, luật quốc tế, về việc thực hiện quyền cho người khuyết tật ở các nước phát triển. Sau khi học mình mong muốn có thể tác động đến những người làm luật và chính sách trong nước giúp họ thay đổi nhận thức về người khuyết tật và tạo điều kiện để người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng tốt hơn và tiếp cận những dịch vụ cơ bản như người bình thường khác.
Tại sao bạn lại quyết định lựa chọn đi du học thay vì tiếp tục làm việc trong nước, bạn đã chọn nước Anh thay vì Mỹ, phải chăng bạn thích Châu Âu hơn?
Lý do mình chọn đi du học là mong được mở rộng hiểu biết, được hiểu thêm nhiều con người đến từ các nền văn hóa khác nhau, được học hỏi và lớn lên cả về tri thức lẫn tâm linh.
Mình thích cả Anh và Mỹ vì nhiều lí do trong đó Mỹ là nơi bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” ra đời, còn Anh có Đại hiến chương Magna Carta ( “Đại Hiến chương về những quyền tự do”), ra đời năm 1215 được xem là nền tảng cho sự phát triển của nước Anh dân chủ sau này, và có tầm ảnh hưởng đến rất nhiều nước ở khắp các châu lục khác. Được học về luật nhân quyền ở Anh đối với mình là một cơ hội được đi từ nền tảng gốc rễ của văn minh và dân chủ.
Nhiều bạn đang ấp ủ giấc mơ du học nhưng vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, tiếng Anh vẫn là thử thách lớn, Thuận có những lời khuyên gì cho các bạn ấy?
Mình nghĩ là khi bạn mong muốn điều gì đó thì cứ bắt tay vào làm, bạn phải làm nhiều thì mới có thể cho ra kết quả, còn mọi lời khuyên cũng chỉ là tham khảo. Ngày nay, mình thấy có rất nhiều bạn trẻ giỏi và năng động hơn mình rất nhiều, các bạn chưa học tiếng Anh có thể vì còn ngần ngại điều gì đó, 10 năm trước những tài liệu về học ielts hay toefl còn hơi ít, nhưng giờ bạn chỉ cần lên facebook, vào các trang du học như scholarshipplanet, ielts 8.0, mở youtube, v.v.. là bạn gần như có tất cả điều bạn muốn. Hãy chọn cho mình một động lực, và coi Tiếng Anh như một công cụ hay chìa khóa để hướng tới mục tiêu xa hơn, mình chắc chắn là các bạn sẽ làm được. Chỉ cần các bạn có đam mê, mục tiêu, nỗ lực và kiên trì, các bạn sẽ thành công.
Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ nộp học bổng Thuận có gặp những khó khăn gì không?
Khó khăn lớn nhất có lẽ là vừa duy trì công việc ban ngày, hoàn thành đúng thời hạn, vừa lo ôn, học thi, viết, chuẩn bị giấy tờ, tài liệu và liên lạc với những người đã từng giành học bổng, mock interviews với các cựu sinh viên vào cuối tuần. Ngoài ra còn áp lực là dự án của mình kết thúc sớm hơn so với dự định, mình phải lo viết proposal để xin được tài trợ cho dự án tiếp theo. Khoảng thời gian đó mình rất stress, ốm sốt 1 tuần và ốm lai rai…cả tháng, nhưng rất may, có anh trai mình động viên và mình…khỏi ốm để lấy động lực đi tiếp
Cảm ơn những lời chia sẻ từ Hồng Thuận!
——————————————————–
Các học bổng và hội nghị quốc tế Thuận được mời tham gia:
- Peace Scholarship – IDP Education – Australia 2008
- Youth Fellowship – World Peace Initiative Foundation – Thailand 2011
- Fellowship for Educators – World Peace Initiative Foundation – Thailand 2011
- World Alliance of Religions Peace Summit – South Korea 2014 ( invited guest)
- Chevening scholarship – The UK Government Scholarship program – The UK 2015
Hạnh Nguyễn Thực hiện
2 thoughts on “Đường đến học bổng Chevening của Hồng Thuận”
Comments are closed.