Không chỉ được học tập, vui chơi, Giang và Chiến – hai sinh viên Việt trong chuyến thực tập tại Thái còn được tham gia các hoạt động xã hội hữu ích nhằm nâng cao vốn sống.
Là 2 trong số 9 sinh viên xuất sắc của Việt Nam tham gia chương trình SCG, thực tập sinh quốc tế 2015, trở về sau một tháng ở Thái Lan, Phạm Thị Thu Giang (sinh viên năm 4 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) và Dương Duy Chiến (sinh viên năm 4 Đại học Bách Khoa TP HCM) đã tích lũy cho mình nhiều trải nghiệm, đây sẽ là hành trang quý báu của cả hai trên bước đường tương lai.
Xem clip về kỳ thực tập thú vị của sinh viên Việt ở xứ người tại đây.
– Trước đây, Giang cũng từng thực tập trong nước trước khi tham gia chương trình thực tập sinh quốc tế ở Thái Lan, bạn nhận xét như thế nào về môi trường làm việc giữa 2 nơi?
– Thu Giang: Làm việc trong một tập đoàn đa quốc gia như SCG, mình phải luôn sử dụng tiếng Anh và tất cả quy trình, tác phong đều phải đảm bảo theo những tiêu chuẩn quốc tế. Mình cũng cần phải bồi dưỡng thêm kiến thức đa văn hóa để đảm bảo các mối quan hệ đồng nghiệp vì không chỉ có người Thái mà còn rất nhiều người đến từ các nước khác nhau trong khu vực.
Giang (ngoài cùng bên phải) chụp hình kỷ niệm cùng các đồng nghiệp tới từ nhiều nước Đông Nam Á. |
– Với yêu cầu cao như vậy, các thực tập sinh quốc tế chắc là phải căng thẳng lắm?
– Thu Giang: Tất cả đơn vị của SCG, kể cả các nhà máy và văn phòng trụ sở đều có những khu giải trí, thể dục, thể thao và đặc biệt là một khuôn viên xanh tươi rộng lớn để nhân viên có thể thư giãn sau giờ làm và nâng cao sức khỏe. Vì vậy, mặc dù có phần áp lực hơn so với các bạn khác đang thực tập ở quê nhà nhưng mình và các bạn ở đây vẫn luôn thoải mái, tràn trề năng lượng. Đợt rồi, chúng mình còn được ngồi hàng ghế VIP để xem một trận bóng đá ngay sân vận động Muangthong nổi tiếng của Thái Lan, do chính tập đoàn mà chúng mình thực tập đầu tư xây dựng. Cảm giác lúc ấy rất tự hào.
– Bạn có gặp khó khăn gì trong suốt quá trình thực tập không?
– Thu Giang: Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên mình đến Thái Lan. Nếu lần trước mình chỉ du lịch vài ngày thì lần này là sống và làm việc ở đây đến tận một tháng. Ban đầu mình cũng hơi ái ngại một chút là vừa xa nhà mà vừa lỡ đâu mình không làm tốt việc, lại gây ảnh hưởng đến hình ảnh sinh viên Việt Nam, hoặc có khi cũng chỉ được giao mấy việc lặt vặt. Nhưng hóa ra, quản lý và các anh chị đồng nghiệp rất tốt với chúng mình, hướng dẫn rất cặn kẽ và còn giao cho chúng mình những dự án lớn.
– Với Chiến, là một sinh viên kỹ thuật, có lẽ bạn sẽ có cái nhìn khác hơn về môi trường thực tập ở đây?
– Duy Chiến: Không khác gì Giang, ban đầu mình cũng nghĩ sẽ gặp phải những khoảng cách giữa người hướng dẫn và đồng nghiệp vì vốn dĩ mình là người ít nói và tiếng Anh cũng chỉ tạm được. Nhưng ngay buổi đầu tiên, cả phòng đã khiến mình có cảm giác như một gia đình, mình dạn dĩ hơn và sẵn sàng đón nhận những thử thách trong công việc.
– Thực tập tại nhà máy giấy nằm ở ngoại ô Thái Lan, bạn có thấy buồn không?
– Không hề! Nhóm thực tập sinh chúng mình đã được SCG lập hẳn cho một lịch trình riêng. Lúc mới nghe sơ qua, chúng mình đã phải thốt lên vì quá dày đặc. Thế là mình có dịp vận công hết năng lượng liên tục trong 30 ngày mà không kịp buồn.
– Lịch trình ra sao? Các bạn còn phải làm gì?
– Cứ mỗi cuối tuần, chúng mình đều được tập trung tại Bangkok để tham gia rất nhiều hoạt động thú vị như tập huấn kỹ năng, thăm quan và khám phá văn hóa du lịch, ẩm thực Thái Lan. Có lần, mình và các bạn còn được vào tận sâu trong rừng của một khu du lịch sinh thái, được chơi lướt ván và trồng cây dưới bùn lầy. Phải nói, đây là một chuyến vừa làm, vừa học, vừa chơi vô cùng ý nghĩa đối với mình nói riêng và tất cả thực tập sinh quốc tế nói chung.
Tiết mục lội bùn đáng nhớ của hầu hết thực tập sinh
– Bạn có nhắn nhủ gì với các bạn sinh viên Việt Nam có ý định thực tập ở nước ngoài không?
– Duy Chiến: Mình hoàn toàn hoan nghênh các bạn chọn lựa thực tập ở nước ngoài. Vì đây là một cơ hội tốt để rèn luyện kỹ năng và kinh nghiệm trước áp lực lớn từ tiến trình hội nhập kinh tế. Mình chỉ chia sẻ một điều, cũng là kinh nghiệm từ mình. Các bạn hãy tập trung trau dồi tiếng Anh và kiến thức văn hóa thế giới để có cái nhìn toàn cầu và vượt qua được những vòng tuyển chọn gắt gao của nhà tuyển dụng.
Theo Zing
Xem bài gốc tại đây