Đó là trường hợp của N.V.C. (sinh năm 1965, quê xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), nguyên là sinh viên y đa khoa khóa 87 của ĐH Y dược TP HCM.
Và 10 trường hợp khác là sinh viên y khoa các khóa 1985 đến khóa 2003 có thời gian học 10-24 năm đều đã được tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại trường này.
Theo tìm hiểu, N.V.C. trúng tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa ĐH Y dược TP HCM năm 1987.
Trong quá trình học, N.V.C. nhiều lần nợ môn và tạm ngưng học. Sau đó, N.V.C. được nhà trường giải quyết cho học lại nhiều lần, gần đây nhất là khóa 2003 và khóa 2008 nhưng vẫn tiếp tục nợ môn.
Năm 2008 N.V.C. được nhà trường cho học lại năm thứ 6 và thi các môn thi lại tốt nghiệp. Ngày 30/7/2014, N.V.C. thi lại tốt nghiệp môn tổng hợp hệ nội lần 1 nhưng chỉ đạt 3 điểm.
Đến ngày 14/10/2014, N.V.C. thi lại tốt nghiệp môn lý thuyết nội khoa tổng hợp lần 2 cũng chỉ đạt 4 điểm. Sau đó, N.V.C. lại làm đơn xin cứu xét đậu vớt tốt nghiệp lên ĐH Y dược TP HCM.
Được tốt nghiệp bác sĩ sau khi… xin
Điều đáng nói, trước đó vào ngày 18/3/2013, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã có công văn gửi ĐH Y dược TP HCM “đề nghị xem xét cho đậu tốt nghiệp” đối với sinh viên N.V.C.
Trong văn bản này nêu rõ: “Xét đơn của ông N.V.C., sinh năm 1965, là sinh viên lớp y 2003, tổ 22 khoa y ĐH Y dược TP HCM về việc xin cho đậu tốt nghiệp. Ông N.V.C. có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhà ở vùng sâu thường xuyên bị lũ lụt do đó cũng ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập. Về nhu cầu của địa phương hiện nay còn thiếu cán bộ có trình độ đại học để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng sâu biên giới. Do đó, Sở Y tế kính đề nghị ĐH Y dược TP HCM và phòng đào tạo xem xét cho ông N.V.C. được đậu tốt nghiệp”.
Trao đổi với chúng tôi về việc này, lãnh đạo ĐH Y dược TP HCM xác nhận N.V.C. nguyên là sinh viên khóa y 87 của trường; đồng thời cho biết theo quy định của nhà trường, sinh viên y đa khoa sau khi đạt các môn trong chương trình đào tạo phải dự thi tám môn thi tốt nghiệp gồm bốn môn lý thuyết và môn thực tập nội, ngoại, sản, nhi.
Nếu thi không đạt môn nào, sinh viên phải thi lại môn đó cho đến hết thời hạn cho phép thi tốt nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Khi hết thời hạn được phép thi, sinh viên nào đã thi đạt bảy môn thi tốt nghiệp, chỉ còn một môn đạt 4 điểm sẽ được hội đồng thi tốt nghiệp xét vớt, được nhà trường công nhận tốt nghiệp và cấp bằng.
“Nhà trường hết sức thông cảm cho sinh viên y khoa có thời gian theo học vượt quá quy định bị trường buộc thôi học. Vì vậy nhà trường xem xét vận dụng quy định để có thể cứu vớt sinh viên đi được đến đích. Nếu áp dụng cứng nhắc theo đúng quy chế thì sẽ có nhiều trường hợp sinh viên không ra trường được”.
GS.TS Lê Quan Nghiệm
“Việc xét vớt tốt nghiệp khi chỉ có một môn thi tốt nghiệp duy nhất đạt 4 điểm đã có tiền lệ tại trường được Bộ GD&ĐT chấp thuận bằng văn bản từ năm 2005” – GS.TS Lê Quan Nghiệm, Phó hiệu trưởng nhà trường, khẳng định.
Cụ thể hơn về trường hợp N.V.C., ông Nghiệm cho biết: “N.V.C. dự thi tốt nghiệp chỉ còn một môn lý thuyết nội tổng hợp đạt 4 điểm nhưng đã hết thời hạn được phép thi lại nên theo quy định được hội đồng thi tốt nghiệp xét vớt và được nhà trường công nhận tốt nghiệp. Các trường hợp sinh viên có từ hai môn thi tốt nghiệp chỉ đạt 4 điểm hoặc một môn đạt 3 điểm sẽ không được xét vớt tốt nghiệp”.
PGS.TS Lý Văn Xuân, nguyên trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết thêm: “N.V.C. là sinh viên ở vùng sâu, vùng xa. Trong quá trình học C. có xin nghỉ học hai, ba năm gì đó vì hoàn cảnh khó khăn và bị lưu ban một, hai năm gì đó nữa nhưng trong phạm vi cho phép. Vì vậy sau 10 năm (năm 1997-1998) C. mới học hết năm thứ 6 và thi tốt nghiệp.
Theo quy chế thời đó, sinh viên chưa hết thời gian cho phép nếu nghỉ vì hoàn cảnh khó khăn thì không tính vào thời gian học. Theo quy định trong thời gian ba năm sinh viên được phép thi lại nhưng C. thi không đạt nên nhà trường cấm thi tốt nghiệp. Trong thời gian cấm thi C. trở về địa phương tham gia công tác y tế địa phương. Sau đó mấy năm sở y tế địa phương nhiều lần đề nghị trường tạo điều kiện cho C. tốt nghiệp”.
Cũng theo ông Xuân, năm 2008 nhà trường quyết định cho những sinh viên đã hết thời gian thi tốt nghiệp được sở y tế địa phương có công văn đề nghị nhà trường cho học để sau này về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa.
“Lúc đó nhà trường giải quyết cho hơn 10 trường hợp sinh viên được học lại năm thứ 6. Riêng trường hợp sinh viên N.V.C. không được công nhận tốt nghiệp vì trong quá trình học năm thứ 4 điểm môn sản đạt 4 điểm. Thời điểm đó quy chế cho phép 4 điểm là đậu. Tuy nhiên một số cán bộ đào tạo không biết quy định đó nên thấy C. nợ môn sản (năm thứ 4) và môn nội thi tốt nghiệp 4 điểm nên không công nhận tốt nghiệp, vì vậy C. khiếu nại nhiều lần. Sau đó chúng tôi xác nhận lại thời điểm sinh viên này thi môn sản chỉ cần 4 điểm là đậu. Như vậy C. chỉ còn nợ môn thi tốt nghiệp 4 điểm thôi. Đúng ra nhà trường phải xét tốt nghiệp cho C. từ năm 2013 nhưng vì một số cán bộ nghĩ C. không đạt nên không xét…(?). Đến năm 2014, hội đồng họp tôi mới nêu trường hợp này đã có tiền lệ rồi. Vì vậy hội đồng xét công nhận tốt nghiệp cho C.” – ông Xuân nói.
“Xét cho học và thi lại với tinh thần nhân đạo”
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường hợp khác có thời gian học y khoa tại ĐH Y dược TP HCM trên 10 năm cũng có văn bản của sở y tế các tỉnh gửi nhà trường “đề nghị xem xét, xét vớt cho đậu tốt nghiệp”.
Sau khi chúng tôi đưa ra danh sách 10 trường hợp khác là sinh viên y khoa các khóa 1985 đến khóa 2003 có thời gian học từ 10-24 năm đều đã được tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, ông Nghiệm xác nhận tất cả những người này đều đã được nhà trường cho học hoặc thi lại tốt nghiệp.
“Trong quá trình học lại, những người này đã thi đạt các môn trong chương trình đào tạo và thi đạt các môn thi tốt nghiệp nên được nhà trường công nhận tốt nghiệp và cấp bằng” – ông Nghiệm cho biết.
Trong công văn trả lời báo Tuổi Trẻ về danh sách 10 người đã được nhà trường cho học hoặc thi lại nêu trên, Trường ĐH Y dược TP HCM cho biết có hai lý do được nhà trường xét cho học và thi lại:
Thứ nhất, theo ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế đã có chủ trương và đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2010, tất cả 100% xã đều có ít nhất một bác sĩ phục vụ tại trạm y tế xã. Bộ Y tế đề nghị các ngành, các cấp tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên vào thời điểm năm 2008-2009, nhiều xã, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa, không có bác sĩ phục vụ ở các trạm y tế. Trước thực trạng này, thực hiện chủ trương của Bộ Y tế và cũng với tinh thần nhân đạo, trong năm 2008, 2009 nhà trường có quyết định cho một số sinh viên đã quá thời gian học hoặc đã quá thời hạn được phép thi tốt nghiệp, được học lại năm thứ 6 (năm cuối y khoa) để thi lại các môn còn nợ và các môn thi tốt nghiệp.
Điều kiện là các sinh viên này ở vùng sâu, vùng xa, cam kết sau khi thi tốt nghiệp trở về phục vụ tại các trạm y tế xã và được sở y tế có công văn đề nghị nhà trường cho học để sau khi tốt nghiệp sẽ bố trí công tác…
Thứ hai, theo đề nghị của Bộ Y tế và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Y dược TP.HCM đã có văn bản quy định thời gian học và thi tốt nghiệp cho sinh viên y đa khoa các khóa tuyển sinh trước năm 1998 là 11 năm (chương trình đào tạo 6 năm, thời gian được phép học 8 năm và 3 năm được phép thi tốt nghiệp. Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, sinh viên diện ưu tiên được học thêm 1 năm, tổng cộng 12 năm).
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giải thích của nhà trường không thuyết phục. “Thời gian theo học y khoa của N.V.C. tổng cộng 27 năm, trong đó nhiều lần bị tạm ngưng. Nhà trường còn cho C. thi lại nhiều môn, nhiều lần. Thi tốt nghiệp cùng đợt với N.V.C. nhiều sinh viên khác đạt 4 điểm thì bị rớt, trong khi C. lại đậu. Tại sao trường cho C. học lại y 2008 mà vẫn áp dụng quy chế của khóa trước năm 1998?” – một cựu sinh viên khóa y 95 thắc mắc.
Sinh viên được tạm ngừng học tập mấy năm?
Quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 26-6-2006 (quy chế 25) quy định: Sinh viên không thuộc đối tượng ưu tiên trong đào tạo được quyền tạm ngừng học tối đa không quá một năm cho toàn khóa học đối với các chương trình có thời gian đào tạo dưới 3 năm; không quá 2 năm cho toàn khóa học đối với các chương trình có thời gian đào tạo từ 3 năm đến dưới 5 năm; không quá 3 năm cho toàn khóa học đối với các chương trình có thời gian đào tạo từ 5 đến 6 năm.
Theo quy định thi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2015 của ĐH Y dược TP HCM, ở các môn lý thuyết đối với sinh viên hệ chính quy được thi tối đa sáu lần trong ba năm tiếp theo tính từ năm kết thúc khóa học. Nếu quá ba năm mà vẫn không đủ tiêu chuẩn công nhận tốt nghiệp thì bị xóa tên.
Điểm thi tốt nghiệp được chấm theo thang điểm 10, điểm đạt từ 5 trở lên. Sinh viên không được công nhận tốt nghiệp sẽ được bảo lưu kết quả thi tốt nghiệp trong ba năm tính từ năm kết thúc khóa học đối với sinh viên hệ chính quy.
Theo Dân Trí
Xem bài gốc tại đây