Các nhà lãnh đạo phát triển tiềm năng của bản thân như thế nào? Câu trả lời này hoàn toàn phụ thuộc vào ai là người bạn muốn đặt câu hỏi. Với Drew Gilpin Faust, hiệu trưởng trường Đại học Harvard danh tiếng, thì bạn có thể lần tìm về tuổi thơ của bà ấy ở vùng nông thông Virginia để biết về cái cách mà bà trở thành một nữ lãnh đạo xuất chúng. Bà chia sẻ rằng, chính những sự kiện từ thuở nhỏ đã ảnh hưởng rất lớn tới định hướng nghề nghiệp của bà sau này.
Điều này cũng không mấy ngạc nhiên, bởi tiểu sử của một người là nền tảng cho họ phát triển theo những hướng khác nhau, giúp định hình họ là ai, là người như thế nào trong xã hội.
Từ một cô gái nổi loạn ở vùng thôn quê Virginia, Drew Gilpin Faust đã chứng tỏ năng lực bản thân, trở thành hiệu trưởng trường đại học danh giá bậc nhất thế giới.
Mẹ nói thế giới này là của đàn ông, nhưng…
Faust sống ở thung lũng Shenandoah trong những năm 1950, 1960. Bà luôn được nhắc nhở đi đứng ăn nói phải đúng phép tắc, ăn xong phải xếp thìa nĩa thế nào, khi đi cùng gia đình ra ngoài phải chú ý thứ tự trước sau, phải biết cách ăn nói khác nhau với người da trắng, người da đen…Mẹ bà đã nói rằng: “Con gái ạ, thế giới này là của đàn ông. Càng sớm nhận ra điều này, con sẽ càng sớm tìm thấy hạnh phúc cho mình.” Nhưng chính bầu không khí ngột ngạt ấy đã thức tỉnh tinh thần “phản nghịch” ở cô bé Faust ngày nào. Sau này bà đã khẳng định rằng “may mắn hơn mẹ, tôi sống trong một thời đại có thể chứng minh kết luận ấy của mẹ là sai”.
Bà tự gọi mình là “kẻ nổi loạn nhưng xuất sắc ở trường”. Drew nuôi bò con, nhập hội với người da màu, học khiêu vũ – những điều mà các bé gái thời đó không ai làm. Bà cất lực phản đối quy định bất công dành cho phụ nữd và người da màu ở Virginia. Chín tuổi, Drew gửi thư cho tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower lên án nạn phân biệt chủng tộc.
Là nhà hoạt động năng nổ, bà bỏ kỳ thi giữa học kỳ mùa xuân năm 1965 để đến Selma, Alabama, Mỹ, tham gia cuộc biểu tình do luật sư Martin Luther King lãnh đạo. Bà cũng tham gia nhiều cuộc tuần hành phản đối chiến tranh Việt Nam. Những hoạt động sôi nổi đó không ngăn cản bà tốt nghiệp trường Bryn Mawr loại xuất sắc. Sau đó, bà chuyển sang học thuật, tìm kiếm những bài học có thể đóng góp cho sự thay đổi. Thay vì trở thành phu nhân của một quý ông giàu có như nguyện vọng của cha mẹ, bà trở thành hiệu trưởng trường đại học quyền lực nhất thế giới.
Trưởng thành và cống hiến
Faust bắt đầu sống xa gia đình từ hồi đi học một trường trung học ký túc ở New England. Tiếp đó bà học tại Học viện dự bị Concord Academy ở Massachusetts, rồi tốt nghiệp ngành lịch sử tại Học viện nữ Bryn Mawr (Bryn Mawr College).
Tại Bryn Mawr College, Faust chủ yếu học lịch sử. Năm 1968, Faust 21 tuổi tốt nghiệp Học viện này với thành tích xuất sắc. Sau đó bà làm nghiên cứu sinh tại ĐH Pennsylvania và năm 1975 lấy bằng tiến sĩ sử học chuyên ngành văn minh châu Mỹ. Năm 2000, giáo sư sử học Faust về làm việc tại Viện Nghiên cứu cấp cao Radcliffe Institute for Advanced Study và trở thành người của Harvard.
Năm 2007, bà được bổ nhiệm trở thành người lãnh đạo cao nhất của Harvard, đúng một năm sau khi người tiền nhiệm là Lawrence H Summer từ chức. Khi đó, bà đã nhấn mạnh rằng: “Tôi không phải nữ hiệu trưởng. Tôi là hiệu trưởng trường Harvard”. Nói cách khác, cho dù bà là nữ hiệu trưởng đầu tiên của Harvard thì cũng không bao giờ nên có một dấu hoa thị nào trước tên của bà trong danh sách những vị hiệu trưởng trong lịch sử của trường.
Faust hòa nhã điềm đạm, có tài cân bằng ý kiến các bên, khác hẳn người tiền nhiệm. Chính bà từng nói: “Tôi mong rằng việc bổ nhiệm tôi có thể tượng trưng cho sự mở đầu những cơ hội thậm chí thế hệ trước không thể tưởng tượng nổi”. Và khi đứng trước những khó khăn và áp lực khổng lồ từ việc quản lý ngôi trường số một này, bà đã chứng minh được điều mình nói. Thế giới này không phải chỉ của đàn ông.
Bí quyết thành công
Sau khi trở thành hiệu trưởng, Faust đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho trường Harvard. Bà áp dụng thành công thuyết “chỗ đậu xe cuộc đời”. Nghĩa là bạn không nên đậu xe cách nơi cần đến sáu dãy nhà chỉ vì sợ không tìm được chỗ gần hơn. Hãy đi tìm chỗ tốt đã, nếu không có thì quay lại. Đừng thỏa hiệp nhanh quá, cũng đừng thỏa hiệp mà không có bằng chứng buộc bạn phải làm như thế.
Bà cũng cho rằng: “Là nhà nghiên cứu lịch sử, tôi chẳng bao giờ phát biểu trùng lặp với những gì tôi viết trong sách. Song, làm lãnh đạo, tôi cần có thông điệp thống nhất, rõ ràng để cấp dưới nhận diện, thấu hiểu và phối hợp hành động.”
Theo Ybox
Xem bài gốc tại đây