Thủ khoa kép của Đại học Ngoại ngữ (Đại học quốc gia Hà Nội) Đào Hải Hà sinh ra trong gia đình bố là bộ đội, thường xuyên công tác xa nhà, mẹ luôn bận rộn với công việc. Cấp 2, nữ sinh đạt giải Nhất học sinh giỏi thành phố này được tuyển thẳng vào trường chuyên Hà Nội – Amsterdam nhưng vì không có người đưa đón, em học tại trường “làng” Cầu Diễn. Vào cấp 3, Hà bỏ qua ngôi trường yêu thích Chu Văn An để vào THPT chuyên Ngoại ngữ (lớp tiếng Đức) cho thuận tiện xe buýt.
Học cùng bạn bè đến từ nhiều trường đào tạo ngoại ngữ tốt, cộng thêm việc giáo viên nước ngoài đứng lớp dạy luôn nên kỳ đầu lớp 10 Đào Hải Hà khá “sốc”. Em sau đó vươn lên đứng vị trí đầu lớp về thành tích học tập. Thứ hạng điểm trung bình năm của Hải Hà tiếp tục tăng cao, đến lớp 11-12 là nhất, nhì toàn khối. Thi đầu vào đại học năm đó, em giữ ngôi thủ khoa Đại học Ngoại ngữ, Á khoa của toàn Đại học quốc gia Hà Nội.
Với bằng B1 tiếng Đức đã hoàn thành khi tốt nghiệp trung học, nữ sinh Khoa ngôn ngữ và văn hóa phương Tây, chuyên ngành tiếng Đức phiên dịch được học vượt cấp cùng sinh viên năm thứ 2. “Khi em không biết tương lai sẽ làm gì thì tình cờ một giáo viên người Đức nhờ trình bày bài thi nói mẫu cho học sinh THPT chuyên ngữ. Khoảnh khắc đứng trên bục giảng và được học sinh thích thú lắng nghe đã khiến em nhận ra, ước mơ của mình là trở thành giáo viên tiếng Đức”, Hà chia sẻ.
Tự thấy kiến thức trong sách vở không đủ dạy cho các học trò ngày càng tò mò, ham hiểu biết, cộng thêm lý do muốn du học nhưng không đủ kinh phí, kết thúc năm thứ nhất đại học, Hải Hà xin mẹ cho sang Đức 1 năm. Em đi theo chương trình trao đổi văn hoá cho phép sinh viên nước ngoài đến ở, giúp việc gia đình bản địa, đổi lại là chi phí visa, một vài khoá học và tiền tiêu vặt hàng tháng. “Mẹ em và nhiều người đã nghĩ, đi như thế chẳng khác nào sang làm ôsin nhưng thực tế hoàn toàn khác. Gia đình người Đức đối xử với em như con cái trong nhà. Mỗi sáng bố nuôi đưa em đi học, cuối tuần rảnh rỗi cả nhà đi chơi… Công việc của em ở gia đình chỉ là dọn bát vào máy rửa, mỗi chiều chơi với các em và thi thoảng ngủ cùng chúng”, Hải Hà kể lại.
Nữ sinh Việt nhớ mãi hình ảnh người bố Đức to lớn lau miệng, rửa chân cho mình như với 2 đứa con bé bỏng của ông. Lần Hà trông em, một đứa bị ngã chảy nhiều máu. Bà mẹ trở về thay vì chạy đến chỗ con ruột trước để dỗ dành đã ôm chầm cô con nuôi động viên tinh thần. “Em rất sợ và nghĩ mình sẽ phải vào tù nhưng mẹ nuôi đã an ủi rằng, người lớn như bà trông con cũng không tránh khỏi chuyện trẻ bị ngã sứt đầu”, Hải Hà cười kể kỉ niệm thời suy nghĩ ngây ngô.
Bố mẹ Đức cũng giúp em nâng cao vốn ngoại ngữ, hiểu biết văn hoá khi những dịp lễ họ tổ chức chức các hoạt động truyền thống mà thời không có Hà thì ít khi làm. Ngày rảnh rỗi cả gia đình cùng nhau đi khu vui chơi. Kỳ nghỉ lại sang Tây Ban Nha du lịch. Có lần cô con nuôi người Việt một mình sang Thuỵ Sĩ khám phá đất nước, khi trở về đã thấy bố mẹ Đức cùng 2 em chờ mình trong bão tuyết. “Cuộc sống ấm áp ở gia đình người Đức khiến em quên đi cảm giác nhớ nhà”, Hà chia sẻ.
Thời gian trải nghiệm ở trời Tây, nữ sinh Đại học Ngoại ngữ quốc gia học hỏi được nhiều điều thú vị không chỉ về văn hoá, cuộc sống của người bản địa mà còn là cách ứng nhân xử thế, việc nuôi dạy trẻ em. Trước khi về Việt Nam, Hải Hà lấy được bằng ngoại ngữ C1.
Về học tiếp đại học ở Việt Nam, Hải Hà nhiều năm là sinh viên xuất sắc đứng đầu khoa, toàn trường, gương mặt tiêu biểu của Đại học quốc gia. Năm 2013-2014, em là sinh viên duy nhất của trường được nhận học bổng nghiên cứu 4 tuần tại viện Herder, Đại học Leipzig Cộng hòa Liên bang Đức. Năm 2015, Hải Hà là một trong 8 đại diện của Việt Nam tham gia trại hè giao lưu tiếng Đức cho sinh viên và giảng viên trẻ Đông Nam Á tại Thái Lan.
Các học bổng tại chỗ nhận được hàng năm từ tổ chức trong và ngoài nước cho thành tích học tập, nghiên cứu khoa học, giúp nữ thủ khoa tự trang trải chi phí cho chính mình. Công việc gia sư và dạy thêm tiếng Đức cũng giúp em có kinh phí tự mua xe máy, máy tính, tham gia các khoá học bên ngoài…
Hải Hà là một trong 3 sinh viên tôi ấn tượng sâu sắc nhất suốt 15 năm đi dạy. Không chỉ học giỏi đều các môn, em còn nhiệt tình giúp đỡ bạn bè trong lớp, các em khoá dưới bằng chính sự hiểu biết của mình qua việc tổ chức nhiều hoạt động cho câu lạc bộ tiếng Đức để khích lệ tinh thần học hỏi giữa các khoá. Đây là sinh viên xuất sắc toàn diện và là niềm tự hào của khoa chúng tôi”, Phó trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa phương Tây – Đại học Ngoại ngữ quốc gia Tạ Thị Hồng Hạnh nhận nói về người học trò đã giúp khoa rất nhiều trong việc đưa hình ảnh học tập tốt tới toàn xã hội.
Thạc sĩ Hạnh chia sẻ thêm điều cô đặc biệt ấn tượng ở nữ sinh này còn là khả năng sắp xếp thời gian học tập và hoạt động ngoại khoá. Tuy tài ba nhưng nữ thủ khoa không hề kênh kiệu mà ngược lại luôn hoà đồng, tốt bụng với mọi người nên được bạn bè, thầy cô quý mến. “Số lượng các bạn trẻ bây giờ thực sự muốn trở thành giáo viên không có nhiều nên tôi rất vui khi biết Hải Hà muốn trở thành cô giáo. Đây là sự may mắn cho sự nghiệp phát triển tiếng Đức ở Việt Nam khi có những thế hệ giáo viên kế tiếp tài năng. Khoa Ngôn ngữ và văn hoá phương Tây chúng tôi lúc nào cũng mong muốn và rộng mở cánh cửa đón Hải Hà giảng dạy”, Phó trưởng khoa Hồng Hạnh nói.
Trở thành thủ khoa mùa tốt nghiệp năm 2015 của Đại học Ngoại ngữ – Đại học quốc gia Hà Nội, Đào Hải Hà nhận được nhiều lời mời công việc nhưng nữ sinh này từ chối để dành thời gian học lên cao hơn và học thêm các kiến thức phục vụ mơ ước trở thành giáo viên.
Theo vnexpress
Xem bài gốc tại đây