Nguyễn Đỗ Hà Giang du học Mỹ từ khi 14 tuổi. Cô vừa tốt nghiệp đại học và rất đam mê công việc của những chiến dịch vận động xã hội giúp đỡ người nghèo.
Đến Mỹ từ 14 tuổi
Kết thúc một ngày làm việc, Nguyễn Đỗ Hà Giang thường trở về nhà lúc 21h. Vừa tốt nghiệp Đại học Hendrix tháng 5/2015, cô được nhận ngay vào vị trí phụ trách marketing và chiến lược khách hàng của Phone2Action, một công ty công nghệ với nhiều giải thưởng về ý tưởng sáng tạo tại thủ đô Washington, Mỹ.
Hơn 7 năm học tập tại Mỹ với 2 suất học bổng cho 3 năm học phổ thông và đại học, Hà Giang nghiên cứu về Quan hệ quốc tế, Luật và Khoa học về Giới (Gender Studies).
Trong giới sinh viên Việt Nam tại Mỹ, Giang được biết đến là người say xưa với những chiến dịch vận động xã hội như quyên tiền ủng hộ người dân bị sóng thần ở Indonesia, động đất ở Haiti, từng làm việc ở tổ chức vận động quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT, nghiên cứu chính sách xã hội cho tổ chức Roosevelt… Một số người cảnh báo rằng, cô sẽ thất nghiệp nếu không chọn ngành nghề như đa số sinh viên khác.
“Du học sinh đến từ châu Á thường chọn những ngành học tài chính, kinh doanh, kỹ thuật, bởi việc tìm kiếm một công việc thuộc lĩnh vực vận động chính trị và xã hội tại Mỹ vô cùng khó khăn với sinh viên nước ngoài”, một người bạn của Giang ở Mỹ chia sẻ.
“Nhưng tôi sẽ không bao giờ làm công việc mình không đam mê”, Giang nói. Cô nhắc lại những ngày thơ ấu ở Việt Nam, khi chứng kiến người mẹ là giáo viên của mình thường âm thầm giúp đỡ những học sinh khó khăn. “Đến ngày Giáng sinh, mẹ mặc đồ Ông già tuyết và mang quà đến cho học sinh nghèo và các đồng nghiệp”.
Những hành động ấy đã khắc sâu vào tâm trí của nữ sinh. Ở tuổi 14, khi chuẩn bị sang Mỹ với học bổng của Trường phổ thông Verde Valley, cô tự nhủ rằng, giúp đỡ người nghèo, khổ cực là nghề nghiệp tương lai của mình.
Công ty Phone2Action, nơi Giang làm việc, đã xây dựng công cụ giúp kết nối người dân với các quan chức chính phủ dễ dàng hơn. Giang lên chiến lược online cho các chiến dịch của khách hàng, bao gồm nhiều tập đoàn lớn, tổ chức phi chính phủ và các quỹ từ thiện mong muốn được đóng góp ý kiến cho những dự thảo chính sách đang được bàn luận trong Quốc Hội và chính phủ các bang.
8 ngày và hơn 80.000 USD chống buôn người
Dù từng góp sức trong nhiều chiến dịch vận động xã hội tại Mỹ, nhưng Hà Giang cho biết, điều cô tự hào nhất là việc vận động thành công chiến dịch quyên tiền cho các tổ chức chống buôn bán trẻ em tại Việt Nam.
Đó là một ngày tháng 5/2015, nữ sinh Việt Nam vừa chuyển đến Washington DC sau khi tốt nghiệp đại học. Trong lúc chờ giấy phép làm việc tại Phone2Action, cô đọc được bài báo trên The Guardian nói về 3.000 trẻ em Việt Nam bị bán sang Anh làm lao động trái phép.
“Tôi nghĩ phải làm điều gì đó để hỗ trợ tài chính cho các tổ chức chống buôn người tại Việt Nam”. Từ đó, chiến dịch quyên góp tiền (BFV) ra đời.
Có 4 thành viên sáng lập và vận hành chiến dịch. Trong khi người đưa ra ý tưởng là một sinh viên mới ra trường, 3 thành viên còn lại đều là những doanh nhân đã thành công ở Mỹ và Việt Nam.
Do khác biệt về múi giờ, trong suốt 8 ngày chuẩn bị, Giang thường thức trắng đêm để trao đổi kế hoạch với các cộng sự ở Việt Nam. Cũng trong thời gian đó, cô là người thiết kế website, fanpage, liên hệ các tổ chức chống buôn người để mời làm đối tác cho chiến dịch.
Chỉ sau một đêm từ lúc khởi động chiến dịch, fanpage đã có 3.000 lượt thích (like) và rất nhiều tin nhắn ủng hộ. Các tổ chức đối tác ở Việt Nam liên tục thông báo những con số quyên góp ấn tượng từ các nhà hảo tâm.
Trong 10 ngày, từ 1/6 đến 10/6, chiến dịch quyên góp được hơn 80.000 USD cho 4 tổ chức chống buôn người tại Việt Nam. Hà Giang vẫn hàng ngày liên hệ với các tổ chức này để theo dõi tiến độ dự án được tài trợ và lên kế hoạch cho các dự án sau.
“Tháng 12 tới, tôi sẽ về Việt Nam để thăm những khu vực dự án được triển khai bằng tiền quyên góp từ chiến dịch BFV. Chúng tôi dự định sẽ tổ chức thêm những dự án nữa nhằm hỗ trợ giáo dục cho học sinh, sinh viên Việt Nam”, Hà Giang chia sẻ.
Theo Zing
Xem bài gốc tại đây