Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba với “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba nổi tiếng thế giới xuất hiện trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2009 theo bình chọn của Time. Ông là người đàn ông giàu nhất Trung Quốc năm 2014.
Tác giả cuốn sách, Trần Vỹ, gắn bó với Jack Ma khi còn là một giáo viên tiếng Anh và sau đó làm trợ lý cho Jack Ma. Có thể nói, Trần Vỹ hiểu khá tường tận về người đàn ông đặc biệt này. Qua lối viết của Trần Vỹ, người đọc dễ hình dung một Jack Ma rất đời thường nhưng đầy nghị lực. Đó là một thanh niên từng không quản nắng mưa hơn mười năm trời tìm “Tây” để nói chuyện tiếng Anh. Đó là một Jack Ma nhạy bén với thị trường dịch thuật. Cuốn sách cũng kể về những bài học thái cực quyền, cách ông tìm đến thiền, triết học để đúc rút ra những triết lý trong kinh doanh.
Theo đại diện Nhà sách Huy Hoàng, sau khi chính thức ra mắt đơn vị này đã bán hết 3.000 bản in ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trong khi vẫn còn hàng nghìn đơn đặt hàng khác nên họ đang gấp rút chuẩn bị tái bản cho cuốn sách.
Có vẻ như người viết sách nhắm đến đối tượng doanh nhân là chủ yếu, tuy nhiên đối tượng tìm mua cuốn sách này chủ yếu là giới trẻ. Theo ông Trần Hữu Trần Huy, giảng viên chuyên ngành Marketing, Khoa Quản trị thuộc Viện nghiên cứu châu Á, người có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, Jack Ma là mẫu hình thành công dễ áp dụng cho người Việt. Ông là người châu Á, mang nhiều tư tưởng Á Đông nhưng có lối nghĩ, lối làm khác biệt.
Bạn Trần Lân, nhân viên sales một công ty ở Hà Nội cho biết: “Qua các cuộc đối thoại của Jack Ma, từ đời thường cho đến các hội nghị kinh tế cấp cao, em đã hình dung phần nào cách ông xây dựng doanh nghiệp, chính tầm nhìn, sứ mệnh đã giúp Alibaba đi lên”.
“Muốn trở thành doanh nhân lớn, niềm vui của bạn chính là cảm nhận thành công của người khác”. Em rất tâm đắc với điều mà Jack Ma đã chia sẻ trong cuốn sách”, bạn Võ Trung Hà tâm sự.
Tốt nghiệp phổ thông, Jack Ma thi vào Đại học Quốc gia Trung Quốc. Sau hai lần thi không đỗ, ông chọn trường Đại học Sư phạm Hàng Châu, một ngôi trường được coi là dở tệ lúc đó.
Ra trường năm 1988, Jack Ma ứng tuyển vào hàng chục công ty nhưng đều bị từ chối. Ngay cả một cửa hàng thức ăn nhanh KFC cũng không thèm nhận ông. Jack Ma có thân hình gầy gò, nhỏ bé, chỉ cao khoảng 1,52, nhưng nghe nói ông thường đánh nhau với đám bạn trong lớp vì “chưa bao giờ sợ những thằng to hơn mình”. Mãi sau ông được tuyển vào làm giáo viên tiếng Anh tại địa phương với mức lương eo hẹp 12 USD/tháng.
Năm 1995, ông đến Mỹ làm phiên dịch. Sau đó, ông trở về Trung Quốc gây dựng China Pages, nơi giúp các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng nước ngoài. Mặc dù là website thương mại đầu tiên ở Trung Quốc nhưng China Pages đã thất bại.
Ý tưởng về tên gọi Alibaba đã nảy ra trong đầu Jack Ma khi ông ngồi uống cà phê ở San Francisco. Nếu Alibaba với câu thần chú “Vừng ơi, mở ra” giúp chàng thanh niên cổ tích tìm được kho báu vô tận, trang thương mại điện tử cùng tên cũng đã phát lộ ra nhiều cơ hội và tiềm năng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Câu chuyện về ông trở thành cảm hứng không chỉ cho người Trung Quốc.
Theo Học Làm Giàu
Xem bài gốc tại đây