Không ít người trở thành nghị sỹ, bộ trưởng, thậm chí là nguyên thủ quốc gia ở độ tuổi trên dưới 30…
Aida Hadzialic, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thụy Điển, nhậm chức lúc 27 tuổi
Aida Hadzialic, sinh năm 1987, là luật sư, chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ xã hội của Thụy Điển. Cô giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thụy Điển từ tháng 10/2014. Cô cũng là Bộ trưởng người Hồi giáo đầu tiên ở nước này.
Sinh ra ở Bosnia-Herzegoniva, Hadzialic nhập cư vào Thụy Điển vào năm lên 5 tuổi.
Hadzialic tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Lund. Cô gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội năm 16 tuổi và trở thành thành viên hội đồng cộng đồng Halmstad. Cô từng đảm nhiệm vị trí phó thị trưởng thành phố khi chỉ mới 23 tuổi.
Sebastian Kurz, Ngoại trưởng Áo, nhậm chức năm 27 tuổi
Sebastian Kurz là thành viên đảng Nhân dân Áo (OVP), từng giữ cương vị Quốc vụ khanh phụ trách hội nhập của Bộ Nội vụ nước này.
Tháng 12/2013, khi mới 27 tuổi, Kurz nhậm chức Ngoại trưởng Áo trong Chính phủ liên minh mới được thành lập của nước này. Ông là bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử Áo và châu Âu.
Theo hãng tin BBC, Kurz được xem là một ngôi sao đang lên của OVP, từng được đánh giá cao trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới người nhập cư.
Trên cương vị Ngoại trưởng, Kurz theo đuổi chính sách hội nhập người nhập cư vào xã hội Áo bằng cách yêu cầu con cái họ học tiếng Đức trước khi nhập trường. Ông cũng mở các lớp dạy ngôn ngữ miễn phí cho các thủ lĩnh Hồi giáo và mở một diễn đàn để đối thoại với người theo đạo Hồi.
Jacinda Ardern trở thành nghị sỹ Quốc hội New Zealand vào năm 2008 khi mới chỉ 28 tuổi. Cô là một thành viên của Đảng Lao động và giữ vai trò phát ngôn viên các vấn đề về thanh niên. Ardern tốt nghiệp Đại học Waikato ở Hamilton, New Zealand với bằng truyền thông. Sau đó, cô tới làm việc ở London, Anh và rèn luyện kỹ năng chính trị trên vai trò tư vấn chính sách cấp cao.
Pierre-Luc Dusseault, nghị sỹ Canada, đắc cử năm 19 tuổi
Dusseault đắc cử nghị sỹ Quốc hội Canada, đại diện cho vùng Sherbrooke, Quebec khi mới 19 tuổi. Đến nay, ông đã hai lần giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Tiếp cận thông tin, Quyền riêng tư và Đạo đức của Quốc hội Canada.
Vào thời điểm đắc cử, nghị sỹ trẻ này đang theo học về chính trị ứng dụng ở Đại học Sherbooke. Ông là nghị sỹ trẻ nhất trong lịch sử chính trị Canada.
Kim Jong Un là con trai của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, cháu nội của người sáng lập Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Ông trở thành nhà lãnh đạo nước này vào cuối năm 2011 sau khi người cha qua đời. Được cho là sinh năm 1983, ông Kim Jong Un trở thành nguyên thủ quốc gia của Triều Tiên ở tuổi 28.
Dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, đất nước Triều Tiên đã có một số thay đổi tích cực về kinh tế. Tuy vậy, nhà lãnh đạo này duy trì chương trình phát triển hạt nhân, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên. Căng thẳng trong quan hệ liên Triều tiếp tục có những pha leo thang khiến thế giới lo ngại.
Theo thông tin mới nhất từ hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10 tới, ông Kim Jong Un đã quyết định thưởng 1 tháng lương cho công chức và binh sỹ quân đội nước này.
Roosevelt Skerrit, Thủ tướng Dominica, nhậm chức khi 32 tuổi
Ông Skerrit trở thành Thủ tướng Dominica vào năm 2004 sau cái chết đột ngột của người tiền nhiệm Pierre Charles. Năm đó, ông 32 tuổi. Ngoài cương vị Thủ tướng, ông còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Ngoại trưởng, và thủ lĩnh chính trị của đảng Lao động Dominica.
Vào thời điểm nhậm chức, Skerrit là vị Thủ tướng trẻ nhất thế giới, đồng thời là nhà lãnh đạo quốc gia được bầu dân chủ đầu tiên trên thế giới thuộc thế hệ 7x.
Hiện tại, ông là nhà lãnh đạo chính phủ trẻ nhất ở bán cầu Tây.
Joseph Kabila, Tổng thống Cộng hòa Congo, nhậm chức khi 30 tuổi
Ông Kaliba là Tổng thống Congo từ năm 2001, khi mới 30 tuổi. Ông nhậm chức 10 ngày sau khi cha ông – cố Tổng thống Laurent-Desire Kabila – bị ám sát. Kabila tiếp tục tái đắc cử Tổng thống vào các năm 2006 và 2011.
Jigme Khesar Namgyel Wagchuck, Quốc vương Bhutan, lên ngôi khi 28 tuổi
Nhà vua Wangchuck của Bhutan là một trong những vị quân vương trẻ nhất thế giới. Ông trở thành Quốc vương của đất nước Nam Á với 70.000 dân vào năm 2008 khi mới 28 tuổi. Vua Wangchuck từng theo học ngành khoa học chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford của Anh suốt 7 năm. Sau khi về nước với tấm bằng thạc sỹ, ông lên ngôi trị vì đất nước.
Nhà vua Mswati III lãnh đạo quốc gia châu Phi Swaziland từ năm 1968, khi ông 18 tuổi. Vị vua này nổi tiếng vì có tới 15 bà vợ cùng nhiều thê thiếp. Ông cũng có lối sống xa hoa, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân.
Theo Vneconomy
Xem bài gốc tại đây