Lizzie Velasquez cảm thấy nỗi đau bị bắt nạt ngay từ ngày đầu tiên học mầm non.
“Bố mẹ tôi đã nuôi dạy tôi như những đứa trẻ bình thường, đến mức tôi chẳng thấy mình khác biệt” – Velasquez, 26 tuổi chia sẻ. Cô sinh ra đã mắc một căn bệnh hiếm gặp khiến cơ thể không thể tăng cân. “Tôi bước vào vô cùng háo hức. Những đứa trẻ khác thì nhìn tôi đầy e ngại. Tôi bị đặt cho nhiều biệt danh, bị nhìn chằm chằm, bị chỉ trỏ mà tôi không thể hiểu tại sao”.
Bố cô – hiệu trưởng một trường công và mẹ cô – một nhân viên lễ tân ở nhà thờ đã nói với con gái rằng cô không hề khác những đứa trẻ khác, mà chỉ nhỏ hơn.
Bằng khiếu hài hước và sự nhiệt tình hiếm có, Velasquez vượt qua nhiều bạn cùng lớp ở thị trấn Austin. Lên trung học, cô là đội trưởng đội cổ vũ, viết cho tờ báo của trường và cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình. Cho tới một ngày, trong lúc lướt mạng, cô thấy một video trên YouTube.
Video này có tựa đề “Người phụ nữ xấu xí nhất thế giới”. Nó chỉ dài 8 giây, không có tiếng. Đó là một cảnh quay cũ của Velasquez khi đó đang ở tuổi 17.
“Có hàng nghìn bình luận bên dưới. Họ nói rằng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu không có tôi. Họ cho tôi những lời khuyên về việc làm thế nào để biến mất khỏi thế giới này” – Velasquez kể. Cô cứ ngồi đó đọc hết những lời bình luận để rồi tuyệt vọng đến suy sụp.
Đoạn video đã lấy mất sự tự tin ít ỏi mà cô đã mất nhiều năm mới có được. “Tôi biết rằng dù tôi có làm điều gì đi chăng nữa thì sự thực cũng không bao giờ biến mất, không bao giờ như thể là nó không tồn tại”.
Bố cô nói rằng câu trả lời tốt nhất là tha thứ.
“Lúc đó tôi đã nghĩ rằng ông bị mất trí khi đưa ra lời đề nghị đó” – Velasquez, một cô gái gầy dơ xương, mù một bên mắt, hệ thống miễn dịch yếu đã nghĩ như vậy. “Rồi tôi nghĩ về điều đó nhiều hơn và nhận ra rằng ông ấy đã đúng. Ông giải thích với tôi rằng chúng tôi không biết điều gì đang xảy ra với cuộc sống của những người này, và không may có thể họ đã phải trải qua những điều tồi tệ”.
“Và sau một thời gian, bằng cách nào đó tôi đã để video này là động lực để tôi quay trở lại, kể câu chuyện của mình và dùng những gì mà tôi đã trải qua để giúp đỡ mọi người trên khắp thế giới” – cô nói.
Velasquez trở thành một người diễn thuyết truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Cô có một bài thuyết trình ở TED có tới hơn 9 triệu lượt xem. Cô có bằng cử nhân truyền thông ở ĐH Bang Texas và tạo kênh YouTube cho riêng mình, tự quay phim bản thân, gia đình và bạn bè.
Cuộc đời cô đang là chủ đề của một bộ phim tài liệu mới mang tên “Trái tim can đảm: Câu chuyện của Lizzie Velasquez”. Bộ phim đã dành được nhiều lời khen ngợi ở 9 liên hoan phim.
“Câu chuyện của Lizzie là một bộ phim đặc biệt, nhưng cảm giác bị bắt nạt, cảm giác là nạn nhân của sự ích kỷ của ai đó là điều mà ai cũng cảm nhận được” – đạo diễn Sara Bordo nói.
Velasquez và Bordo đã có mặt ở Washington hôm 27/10 để vận động hành lang cho một dự luật chống bắt nạt đang chờ Quốc hội phê duyệt. Họ dự định sẽ xuất hiện ở Capitol Hill hôm 28/10 trong buổi công chiếu bộ phim cho các nhà lập pháp để nói về sự cần thiết phải có những điều luật bảo vệ người bị bắt nạt.
Nếu như trước đây bắt nạt xảy ra mặt đối mặt và chỉ xuất hiện ở trường học thì giờ đây bắt nạt lan cả vào trong những ngôi nhà. Đôi khi nó trở nên ác ý hơn khi các thiết bị điện tử tạo điều kiện cho những kẻ bắt nạt nói ra những điều mà họ không dám nói trực tiếp – Velasquez nói.
Dự luật chống bắt nạt sẽ yêu cầu các trường đưa ra quy định ngăn chặn những hành vi bắt nạt và công khai báo cáo các vụ việc nếu có.
“Vấn nạn bắt nạt cần phải được chú ý hơn, và cần truyền thông cởi mở hơn ở các trường để trẻ cảm thấy thoải mái khi lên tiếng” – Velasquez nói. “Tôi nghĩ bọn trẻ sợ mọi người nghĩ mình bịa chuyện hoặc sẽ bị đánh giá là kẻ yếu đuối khi đề cập tới vấn đề đó”.
Thu thập dữ liệu về các vụ bắt nạt sẽ giúp cộng đồng biết được những trường nào cần chú ý nhiều hơn – cô nói.
Velasquez hiện có khoảng 500 nghìn người theo dõi trên kênh YouTube và thường xuyên nhận được email của người hâm mộ chia sẻ rằng câu chuyện của cô giúp họ vượt qua việc bị bắt nạt.
“Những cô bé, cậu bé trên khắp thế giới kể cho tôi nghe những câu chuyện riêng tư của mình và tôi có thể cảm thấy nụ cười của các em trong những dòng chữ đó” – cô nói.
Theo Việt Nam Net
Xem bài gốc tại đây