Nước Anh có Silicon Fen và Silicon Roundabout; Scotland có silicon glen; Đức có Silicon Allee… nhưng không nơi nào sánh bằng silicon Valley ở San Francisco. Qui tụ hầu hết thiên tài công nghệ thế giới, thung lũng silicon là cái nôi của sức sáng tạo kinh khủng. Gần như tất cả phát kiến công nghệ mang lại ảnh hưởng tích cực thế giới đều đến từ đây. Và thung lũng silicon không dừng lại ở đó.
Nguồn vốn tư bản nước Mỹ đang nằm tại Thung lũng Silicon. Wall Street từng là nơi tìm kiếm vận may nhưng bây giờ là khu vực phía Tây nước Mỹ: Thung lũng Silicon. Các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon hiện trị giá hơn 3 ngàn tỉ USD. Sức sáng tạo không ngừng nghỉ của Thung lũng Silicon chưa từng có tiền lệ, nếu không kể thời bùng nổ những nhà sáng chế tiên phong vĩ đại thời thế kỷ XIX.
Vương quốc công nghệ Thung lũng Silicon không chỉ tạo cảm hứng sáng tạo cho phần còn lại của thế giới mà nó còn khiến giới doanh nhân đánh giá lại các hệ thống cũ để tạo ra hệ thống mới – hệ thống tư duy trong kinh doanh, đầu tư, phát triển, nghiên cứu, tiếp cận thị trường…
Điều gì giúp Thung lũng Silicon phát triển? Tự do sáng tạo. Đặc biệt họ không bị nhà nước quản lý về mặt chính sách. Ai có gan làm giàu thì cứ việc. Mọi công ty đều có quyền thử sức để tồn tại. Điều đáng nói hơn về Thung lũng Silicon là không chỉ về sáng tạo: họ đang nỗ lực thay đổi thế giới bằng cách đánh bại đói nghèo toàn cầu, bằng những “ứng dụng” công nghệ của họ! Trong diễn văn năm 2003, (cựu) Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã nhắc đến việc các ông chủ Thung lũng Silicon nên nhìn rộng ra bên ngoài để “mang lại nhiều hơn động lực và sáng tạo cho thế giới đang phát triển”.
Từ đó đến nay, Thung lũng Silicon nói riêng và giới chủ công nghệ Mỹ nói chung đã đóng góp đáng kể.
Năm 2011, nhà tài chính Bob King góp 150 triệu thành lập Viện Stanford về sáng tạo tại các nền kinh tế đang phát triển, nhằm thay đổi trên diện rộng cuộc sống người nghèo thế giới thông qua kinh doanh và sáng tạo. Eric Schmidt (Chủ tịch Google) cùng Jared Cohen (cựu viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ) hiện quản lý tổ chức nghiên cứu “nghĩ và làm” (think/do tank) mang tên Google Ideas. Trong quyển The New Digital Age mà hai người viết chung, Schmidt và Cohen nói rằng, việc kết nối internet cho 5 tỉ người hiện “offline” trên thế giới sẽ thúc đẩy cực mạnh phát triển toàn cầu.
“Những gì đạt được xét về hiệu quả lẫn hiệu suất sẽ rất lớn” – họ viết – “đặc biệt tại những nước đang phát triển, nơi giải pháp kỹ thuật và chính sách tồi đã làm khó khăn sự phát triển và tiến bộ trong nhiều năm”. Tương tự, trong quyển Abundance: The Future Is Better Than You Think, tác giả Peter Diamandis (chủ tịch tổ chức X Prize) và Steven Kotler (nhà báo) cũng viết: “Nhân loại đang bước vào giai đoạn chuyển đổi tận gốc trong đó công nghệ có sức mạnh nâng lên một cách đáng kể những tiêu chuẩn căn bản về đời sống cho mọi người, mọi trẻ em, trên hành tinh này.
Trong một thế hệ nữa, chúng ta có thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ, một thời dành cho thiểu số giàu có, đến bất kỳ và tất cả những ai cần”… Như lịch sử từng ghi nhận, công nghệ và phát kiến đã tạo những thay đổi và khác biệt như thế nào trong chiều dài văn minh nhân loại, đồng thời mang lại ảnh hưởng đối với người nghèo. Vắcxin, radio rồi điện thoại di động là vài ví dụ. Trong cuộc Cách mạng Mùa xuân Arab và cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong, những công cụ Facebook, Twitter đã mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực.
Thế giới trở nên khác biệt cụ thể nhờ những phát kiến khoa học nói chung chứ không phải bằng những học thuyết, chủ nghĩa sáo rỗng. Internet, như phát biểu của Alec Ross, cố vấn công nghệ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã trở thành “Che Guevara của thế kỷ XXI”. Báo cáo 342 trang đề tựa Information and Communications for Development – Extending Reach and Increasing Impact của Ngân hàng Thế giới cho biết, một tỉ lệ tăng 10% về tiếp cận băng thông rộng tương đương với tỉ lệ tăng 1,38 điểm phần trăm trong tỉ lệ tăng trưởng GDP tại những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Thử lấy ví dụ chiếc điện thoại di động.
Trong một nghiên cứu kinh tế vĩ mô gần đây, nhà kinh tế Christine Zhen-Wei Qiang thuộc Ngân hàng Thế giới cho biết, cứ 10 điểm phần trăm tăng trong ứng dụng dịch vụ điện thoại di động (ĐTDĐ) tại một nước đang phát triển sẽ kéo theo tỉ lệ tăng GDP/đầu người lên 0,8 điểm phần trăm tại quốc gia đó. Một trong những ví dụ kinh điển được nhắc nhiều là nghiên cứu của nhà kinh tế Robert Jensen thuộc Đại học Harvard công bố năm 2007, khi khảo sát thị trường cá biển tại duyên hải Kerala ở Nam Ấn Độ.
Xem xét dữ liệu giá cá biển suốt từ năm 1997 đến 2001, Jensen chứng minh rằng ĐTDĐ đã giúp thị trường hoạt động trở nên hiệu quả hơn và mang lại lợi ích cho nhiều thành phần, từ bác ngư dân ngoài biển đến chị tiểu thương trong chợ. Các cuộc liên lạc thăm dò trước giúp ngư dân chủ động tăng hoặc giảm lượng đánh bắt cá đã mang lại lợi ích thiết thực và cụ thể. Giá cá nhờ vậy mà giảm 4% trong khi thu nhập ngư dân tăng 8%! Giáo sư Robert Jensen kết luận: “Thông tin giúp thị trường hoạt động hiệu quả và thị trường giúp cải thiện phúc lợi”.
Tương tự, Jenny Aker thuộc Đại học California-Berkeley cũng nghiên cứu vai trò thông tin nói chung và ĐTDĐ nói riêng khi phân tích thị trường ngũ cốc Niger. Giáo sư Aker nhận thấy ĐTDĐ giúp giảm chênh lệch giá giữa một thị trường này với một thị trường khác ở mức tối thiểu 6,4% (trong khi giá cao hơn ở những vùng xa không có dịch vụ ĐTDĐ).
Thậm chí ở giai đoạn giá thực phẩm tăng vọt năm 2005, ngũ cốc tại Niger vẫn có giá thấp hơn 4,5% tại những thị trường có tầm phủ sóng ĐTDĐ! Những nghiên cứu vi mô như vậy đã củng cố các phân tích vĩ mô về mức độ kết nối giữa ĐTDĐ và tăng trưởng kinh tế. Năm 2005, kinh tế gia Leonard Waverman thuộc Trường kinh thương London cho biết, cứ thêm 10 ĐTDĐ mỗi 100 người tại một nước đang phát triển thì nước đó có thêm 0,6 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP/ đầu người.
Nói cách khác, công nghệ đang thay đổi thế giới và giới chủ công nghệ đang tiệm cận những phương pháp và kỹ thuật giúp thế giới mau chóng thay đổi hơn và ở mức độ qui mô lớn hơn. Như nhận xét của Melinda Gates (New York Times, 22/6/2015): “kỹ thuật không tốt cũng không xấu nhưng nó cực mạnh. Tùy thuộc vào việc con người phát triển và sử dụng nó sẽ quyết định nó ảnh hưởng như thế nào đối với thế giới. Nhiệm vụ của chúng ta là khuyến khích những nhà phát minh dùng sức mạnh của họ theo cách có thể cải thiện được thế giới”. Điều đó sẽ nhờ vào, trước hết, từ Thung lũng Silicon, cái nôi sáng tạo số một hành tinh.
Theo Một Thế Giới
Xem bài gốc tại đây