Từ một cậu bé có hoàn cảnh khó khăn, Trần Nguyễn Lê Văn đã vươn lên để chạm tay đến giấc mơ du học Mỹ và lập trang bán vé xe online với hơn 24 triệu lượt truy cập.
Năm nay 29 tuổi, cuộc đời của doanh nhân này từng trải qua nhiều sóng gió. Văn phải làm đủ việc để có tiền đỡ đần gia đình, nhiều lúc ý nghĩ bỏ học nhen nhóm trong đầu anh. Tuy nhiên, Văn vẫn nỗ lực phấn đấu để bước chân vào đại học. Khi đang là sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Văn thành lập CLB Kỹ năng sống đầu tiên ở TP HCM và khởi nghiệp với việc phân phối thịt bò đến các cửa hàng trong thành phố. Công việc của “anh lái bò” chỉ dừng lại khi giành được các học bổng du học có giá trị, và Văn quyết định chọn đến Mỹ.
Năm 2012, khi đang học MBA ở Mỹ, trong lúc rảnh rỗi, Văn lên mạng đọc báo Việt Nam cho đỡ nhớ nhà. “Đọc những bài viết về hàng ngàn lượt người xếp hàng từ sáng đến tối ở Hà Nội, TP.HCM vẫn không mua được vé về quê ăn tết mà tôi thấy rối bời! Tôi chợt hỏi sao dân Mỹ chẳng ai xếp hàng đi mua vé xe hay vé máy bay? Từ đó ý tưởng về hệ thống đặt vé xe online cho hành khách tại Việt Nam hình thành”.
Văn đánh giá thị trường Việt Nam rất rộng mở khi có hơn 1.000 nhà xe phục vụ cho hơn 24 triệu người đi lại bằng xe khách. Nhưng anh cũng biết, thật ra ý tưởng này không phải là đầu tiên ở Việt Nam, một số dự án tương tự lập ra nhưng đã thất bại vì biên độ lợi nhuận không cao. Anh tự đặt ra câu hỏi, liệu những người lao động bình dân như lơ xe, tài xế có áp dụng được công nghệ mới không.
Văn suy nghĩ rất nhiều về những khó khăn và ý nghĩa của dự án. Nhưng nếu thành công sẽ góp phần cách mạng hóa giao thông và du lịch nước nhà. Cuối cùng anh quyết định đi theo tiếng gọi của đam mê và khát vọng giúp thay đổi quê hương còn nghèo khó khi cho ra đời dự án “vé xe online”.
Vì mải mê với dự án nên kết quả học tập của Văn không tốt, mất học bổng và phải quay lại Việt Nam vào cuối năm 2013. “Cảm giác lúc đó tôi như bị say nắng, không còn quan tâm gì đến việc có hay không có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ”, Văn chia sẻ.
Cũng chính trong thời gian này, Văn và cộng sự đã đem dự án đi dự thi và nhanh chóng đạt giải nhì giải thưởng khởi nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giải bạc cuộc thi Mekong Business Challenge 2014 do công ty McKinsey tổ chức, giải nhất chương trình e27 (Echelon Ignite Vietnam 2014 – Cuộc so tài giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp).
Niềm vui dồn dập đến, với ý nghĩa xã hội từ dự án của Văn, trường Đại học Thunderbird (bang Arizona, Mỹ) đã chấp nhận cho anh quay trở lại trường hoàn thành khóa học.
Lên ý tưởng, thực hiện và triển khai đã khó, để nhận được sự chấp nhận của đối tác còn vất vả hơn. Không có kinh phí, nhóm sáng lập của Văn vừa thiết kế, xây dựng tính năng trang web vừa đi thuyết phục các hãng xe hợp tác, song đều nhận được những cái lắc đầu từ chối. Sau hai tháng kiên trì thuyết phục, vào tháng 5/2013, nhóm mới nhận được đồng ý đầu tiên.
Văn cho biết, hiện trang web của anh đã hợp tác với hơn 50 hãng xe, tổng hợp thông tin của hơn 1.500 hãng xe trong cả nước. Lượng truy cập mỗi ngày đạt 8.000 – 10.000. Giá vé được cập nhật thường xuyên, trong những dịp lễ Tết, một số hãng xe chủ động liên hệ báo giá vé để cập nhật.
Trang web hiện có hơn 40 người, bao gồm cả 3 người sáng lập, kế hoạch sắp tới sẽ tuyển thêm người để nâng cấp một số tính năng như tạo phiên bản di động, quản lý hàng hoá hãng xe, thông tin vé máy bay, xe lửa…
Theo Văn, một trong những yếu tố làm nên thành công cho dự án là việc anh đã “chiêu dụ” được hai người bạn của mình tham gia thực hiện ý tưởng. Một người là Đào Việt Thắng, sinh năm 1987, quản trị viên tập sự tài chính ở Mỹ. Người thứ hai là Lương Ngọc Long, sinh năm 1985, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, đoạt giải Olympic tin học cấp quốc gia.
Theo Vnexpress