Câu chuyện đằng sau số tiền hơn 8 tỷ đồng cho một video 200.000 lượt view trên Youtube
Bạn cần cài đặt Adobe Photoshop hoặc Microsoft Office phiên bản mới nhất, hay muốn xem những bộ phim bom tấn như Ant Man mà không cần ra rạp. Chỉ cần bạn biết nơi để tìm, tất cả đều có trên mạng và hoàn toàn miễn phí, tại những trang web chứa link đến những phần mềm, phim ảnh, nhạc lậu – còn được gọi là “warez”.
Jakub – một người đàn ông ở Cộng hòa Séc đã kiếm được khá nhiều tiền trong những năm qua thông qua việc chia sẻ phần mềm bản quyền, phim ảnh,… trên những diễn đàn warez. Trong khi anh nghĩ những hành động của mình sẽ không bị phát hiện, BSA (Business Software Alliance) – tổ chức chống vi phạm bản quyền “sờ gáy” và Jakub bị cảnh sát bắt giữ, truy tố vì hành vi này.
Một phiên tòa diễn ra chóng vánh, Jakub bị phạt 3 năm tù treo cùng với việc bị tịch thu tất cả thiết bị máy tính và dữ liệu liên quan. Nhưng mọi việc không dừng lại ở đây, các luật sư của BSA đã yêu cầu chàng trai này phải bồi thường thiệt hại 373.000 USD (khoảng 8,4 tỷ đồng) – số tiền mà Jakub không có khả năng chi trả.
Tuy nhiên, thật may mắn là thẩm phán phiên tòa đã không đồng ý với cách mà luật sư của BSA tính toán thiệt hại.Cuối cùng, 2 bên đã thống nhất một phương án đền bù chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Theo đó, Jakub sẽ phải làm một đoạn clip ngắn ghi lại cuộc sống của mình như một “kẻ ăn cắp bản quyền” để cảnh báo những hành vi tương tự, sau đó chia sẻ nó trên Youtube. Nếu video này chạm mốc 200.000 lượt view, anh chàng này sẽ tránh được khoản bồi thường trên.
Chỉ sau 5 ngày, video này đã chạm mốc 400.000 lượt view cùng rất nhiều ủng hộ, chia sẻ . Điều bất ngờ ở đây là rất nhiều người xem phản đối hình phạt trên của BSA, họ xem đó là hình thức “bêu xấu” người khác – những gì đã diễn ra ở thế kỷ 19. Bên cạnh đó, cộng đồng Youtube còn đặt ra câu hỏi tại sao các hãng công nghệ lớn trốn thuế, ăn cắp bản quyền, tự động thu thập dữ liệu của người dùng lại không phải chịu bất cứ một hình phạt nào ?
Theo Genk
Xem bài gốc tại đây