Evan Spiegel – CEO, nhà đồng sáng lập ứng dụng Snapchat đã trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới ở tuổi 25. Dưới đây là những bí quyết mà bạn có thể học hỏi từ vị tỷ phú – người được mệnh danh là “gã điên thiên tài” này.
1. Kinh nghiệm đáng giá hơn bằng cấp
Có lẽ ai cũng biết rằng, Evan Spiegel đã gia nhập đội ngũ những tỷ phú công nghệ từng bỏ học đại học. Chỉ còn hoàn thành 3 khóa học nữa là tốt nghiệp Đại học Stanford, nhưng Spiegel vẫn quyết định bỏ học khi Snapchat bắt đầu phát triển để tập trung mọi nỗ lực vào việc kinh doanh.
Mặc dù không tốt nghiệp đại học nhưng Spiegel không hề lười biếng. Anh đã hoàn thành một số khóa học giúp nâng cao kỹ năng thiết kế sản phẩm của mình, bao gồm một khóa học ở Arts Center College of Design ở Pasadena, và hai khóa học giáo dục liên thông tại Otis College of Art and Design ở Los Angeles. Tại Đại học Stanford, anh theo học chuyên ngành thiết kế sản phẩm. Hai nhà đồng sáng lập, Bobby Murphy và Reggie Brown, cũng là bạn đồng môn với Evan Spiegel. Và ý tưởng về ứng dụng Snapchat được hình thành ngay trong ký túc xá khi Brown phàn nàn với Spiegel về một bức ảnh mà anh cảm thấy hối hận vì đã gửi.
Phần còn lại dường như đã trở thành lịch sử.
2. Khi không thể che giấu lỗi lầm, hãy xin lỗi càng sớm càng tốt
Là một trong những người giàu có nhất dưới tuổi 30, Spiegel cũng có một chút danh tiếng. Điều này càng khiến mọi việc trầm trọng hơn khi hàng loạt email của Spiegel bị rò rỉ, cho thấy một mặt khác trong con người anh – phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, và kỳ thị những người đồng tính.
Phản ứng về vụ việc này, Spiegel đã đưa ra lời xin lỗi thể hiện sự hối hận của mình. “Tôi thực sự hối tiếc vì đã viết những email đó và tôi thật xuẩn ngốc khi viết như vậy. Chúng không phản ánh con người tôi ngày hôm nay hoặc quan điểm của tôi đối với phụ nữ”.
Trong Lễ trao bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Nam California năm 2015, Spiegel đã viện dẫn đến chuyện các bức email này khi chia sẻ rằng, “Bạn có thể sẽ mắc rất nhiều sai lầm. Tôi cũng đã mắc hàng tấn sai lầm – một số trong đó đã được công khai – và bạn sẽ cảm thấy thật kinh khủng, nhưng rồi sẽ ổn thôi. Chỉ cần bạn xin lỗi một cách nhanh chóng nhất có thể và cầu xin sự tha thứ”.
Bạn không thể xóa bỏ những sai lầm mà bạn đã mắc phải, nhưng bạn luôn có thể xin lỗi và hy vọng vào điều tốt đẹp nhất.
3. Sai lầm có thể trở thành cơ hội tốt nhất
Khi khởi nghiệp, điều quan trọng là bạn phải nhận biết được khi nào cơ hội tới. Và theo kinh nghiệm của Spiegel khi xây dựng Snapchat là, đôi lúc những sai lầm có thể dẫn đến những thay đổi tốt nhất.
Ví dụ, ý tưởng về ứng dụng Snapchat được khơi nguồn từ một sai lầm của nhà đồng sáng lập Reggie Brown: anh tới phòng ký túc của Spiegel để thảo luận về một bức ảnh mà anh ước gì đã không gửi đi.
Những gì được thảo luận vào đêm đó đã được đưa ra tranh luận trong các tranh chấp pháp lý xoay quanh quyền sở hữu Snapchat, nhưng theo một bài viết trên Forbes, Brown đã nói rằng: “Tôi muốn có một ứng dụng để gửi hình ảnh tự biến mất”.
Spiegel ngay lập tức trở nên hào hứng và gọi đó là một “ý tưởng triệu đô”. Quả thực anh đã không sai.
Bước đi tiếp theo mang tính định hình cho ứng dụng này là khi nhận được thư yêu cầu ngừng sử dụng tên gọi Picaboo (tên gọi ban đầu của Snapchat) từ một công ty phát hành sách ảnh có cùng tên gọi. Mặc dù việc này có thể khiến hầu hết các doanh nghiệp khởi sự lao đao nhưng lá thư này khiến Snapchat phải thay đổi thương hiệu. Thời khắc “đáng tiếc” nhất lại trở thành “điều may mắn lớn nhất” như cách nói của Spiegel.
4. Nếu bạn không thành công ngay từ lần đầu tiên, hãy cố gắng, cố gắng thêm lần nữa
Là một doanh nhân, bạn không thể bị ngăn cản bởi ý nghĩ về sự thất bại. Doanh nghiệp đầu tiên của Spiegel là Future Freshman được hình thành vào năm 2010. Trang web này được thiết kế để giúp học sinh trung học đối phó với sự căng thẳng của quá trình tuyển sinh đại học. Spiegel cho hay, “Chúng tôi chỉ thu hút được khoảng năm người sử dụng dịch vụ”.
Thương vụ mạo hiểm tiếp theo của Spiegel là ý tưởng về “hình ảnh tự động xóa”, nhưng phiên bản đầu tiên của ứng dụng này khác xa so với thời kỳ đỉnh cao hiện nay. Được đặt tên là Picaboo, ứng dụng này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2011 và không như kỳ vọng – chỉ có 127 người sử dụng ứng dụng này vào cuối mùa hè. Các nhà đầu tư mạo hiểm mà họ kêu gọi đầu tư cũng tỏ thái độ thờ ơ.
“Các phản hồi đều đại khái như, “Vâng, cảm ơn bạn đã giới thiệu cho chúng tôi về dự án của bạn”, Spiegel nhớ lại. Nhưng sau khi xây dựng lại thương hiệu, tháng 12/2011 đã có 2.241 người sử dụng Snapchat, và vào tháng Giêng năm 2012 đã có 20.000 người sử dụng.
5. Hoàn toàn ổn khi nói không với tiền bạc
Là một ý tưởng tuyệt vời và là một ứng dụng có sức hút tốt, Snapchat đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Một trong số đó là Facebook. Facebook đã đưa ra mức giá 3 tỷ đô tiền mặt để mua lại Snapchat. Mặc dù con số này rất lớn và hấp dẫn, nhưng Spiegel vẫn từ chối, lựa chọn phát triển công ty theo cách riêng của mình.
Trong bài phát biểu tại Lễ trao bằng tốt nghiệp, Spiegel đã chia sẻ rằng một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà anh được hỏi là tại sao không bán công ty của mình. Trong khi tồn tại là bài thực hành phổ biến ở Thung lũng Silicon, và với một khoản tiền lớn như lời đề nghị của Facebook, thật khó để tưởng tượng là Spiegel có thể từ chối ngay lập tức như vậy. Nhưng theo Spiegel, nếu bạn hiểu rằng mình đang sở hữu những thứ thực sự giá trị, bạn nên theo đuổi chúng – tồn tại thực chất không phải là mục tiêu cuối cùng.
“Giờ đây, tôi thực sự bị thuyết phục rằng cách nhanh nhất để xem liệu bạn có đang làm điều thực sự quan trọng với bạn hay không là có ai đó đưa cho bạn một khoản tiền để bạn chia tay với điều đó”, anh chia sẻ. “Dù bạn có bán chúng hay không, điều tốt nhất là bạn sẽ hiểu rõ những điều giá trị về chính bản thân bạn. Nếu bạn bán, bạn sẽ biết ngay đó không phải là giấc mơ thực sự của bạn. Và nếu bạn không bán thì có lẽ là bạn đã tìm thấy”.
Việc từ chối Facebook không phải là vấn đề gì nghiêm trọng. Trong vòng gây vốn gần đây nhất, Snapchat được định giá khoảng $ 16 tỷ USD.
6. Tuổi tác không phải là vấn đề
Spiegel sinh năm 1990. Phiên bản đầu tiên của Snapchat được tung ra khi Spiegel chỉ mới 21 tuổi, và Snapchat thành công vang dội chỉ một năm sau đó. Anh có tên trong danh sách Forbes 400 (danh sách 400 tỷ phú giàu nhất thế giới) ở tuổi 25, xếp ở vị trí thứ 327, và trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới.
Bạn đã làm được gì ở tuổi 25?
Theo Học Làm Giàu
Xem bài gốc tại đây