Trong tưởng tượng và mong đợi của rất nhiều du học sinh, nước Mỹ như một giấc mơ màu hồng. Tuy nhiên, ngay trong những tuần đầu đặt chân tới đây, tôi cũng như nhiều bạn đã tá hỏa nhận ra, cuộc sống ở phía bên kia bán cầu không hề đơn giản.
Lối sống của người Mỹ mang đậm nét văn hoá cá nhân
|
Nếu ở Việt Nam, văn hoá cộng đồng là nguồn gốc của cách đối nhân xử thế, các mối quan hệ xã hội, thì tại Mỹ mọi thứ đều xoay quanh cái tôi cá nhân.
Một mặt, đây là điều tích cực vì các sinh viên Mỹ sẽ chẳng để tâm quá đến ngoại hình hay cách ăn mặc của bạn. Họ sẽ không chê bạn quá mập hay quá lùn, cũng như ép bạn phải tập thể dục, ăn kiêng và giảm cân. Tôn trọng cuộc sống của người khác là một điều mấu chốt.
Tuy nhiên, mặt khác văn hoá cá nhân cũng tạo nên một khoảng cách không nhỏ giữa người với người. Các cuộc trò chuyện trở nên xã giao hơn – thường bắt đầu và kết thúc bằng một cái gật đầu trong khuôn viên trường và những câu hỏi đáp ngắn gọn kiểu: Chào, bạn khoẻ chứ? Chính vì thế, việc kết bạn trở thành một rào cản rất lớn. Ngô Duy Sơn, sinh viên năm ba Đại học Bowdoin (bang Maine) – một người bạn của tôi đã nhận định: “Tình bạn tại đất nước mới không thể sâu sắc như ở quê hương”.
Sách giáo khoa đắt “cắt cổ”
Dù Mỹ coi giáo dục là trọng tâm nhưng giá sách giáo khoa tại đây không những khiến du học sinh Việt Nam phải ngao ngán lắc đầu mà còn làm khó cả sinh viên bản xứ. Một cuốn sách giáo khoa có thể lên tới 300 USD (hơn 6,6 triệu đồng), chưa kể mỗi môn thường yêu cầu nhiều hơn một cuốn sách.
Bởi giá cả “chát chúa” này, du học sinh Việt Nam thường mua sách cũ được bán trên các trang Amazon hay Ebay, hoặc tìm e-books có thể mua cho Kindle, dù giá những cuốn này cũng không hề rẻ. Điều thú vị là một số giáo sư Mỹ để giúp đỡ cho hoàn cảnh của sinh viên đã gửi sách được scan qua một email “rác” nhằm tránh sự can thiệp của pháp luật.
Tại Mỹ, việc đọc sách và tài liệu được giao cho sinh viên làm trước ở nhà, lớp học sẽ chỉ là nơi thảo luận, giải đáp thắc mắc. Có nhiều môn, số lượng trang sách phải đọc trong một ngày lên tới cả trăm – điều hiếm thấy ở trường phổ thông Việt Nam. Không chỉ vậy, số lượng từ ngữ chuyên ngành cũng rất phong phú, có những từ mà dù bạn lật đi lật lại trang từ điển cũng khó tìm được. Nhiều từ vựng có độ sâu học thuật nhất định và cần hẳn một quyển sách để định nghĩa.
Ngoài sách giáo khoa, nhiều dịch vụ khác ở Mỹ có giá đắt đỏ như thuốc men hay cắt tóc. Bởi thế, mỗi lần trước khi rời Việt Nam sang Mỹ cho kỳ học mới, tôi luôn chọn cho mình kiểu tóc ngắn gọn gàng nhất có thể để đỡ tốn chi phí cho dịch vụ này.
Nhà vệ sinh không có vòi xịt nước
Một điều du học sinh thường không được cảnh báo sớm chính là cơ sở vật chất nhà vệ sinh của đại học Mỹ. Ở đa số trường, vòi xịt nước không hề được sử dụng. Đây cũng là thói quen của một bộ phận lớn người dân Mỹ. Họ chỉ cần giấy vệ sinh, và thế là… xong.
Chính vì điều bất tiện cực kỳ nhạy cảm này, các du học sinh Việt Nam hay kháo nhau rằng, phải sắp xếp thời gian để xài gói “combo” đi vệ sinh rồi tắm ngay lập tức.
Thời gian đông – hè dao động lớn
Nếu như ở Việt Nam, chúng ta quen với cảnh trời sẩm tối là khoảng 18-19h quanh năm thì ở Mỹ thời gian thay đổi “nhanh như chong chóng”. Trong mùa hạ và mùa thu, ngày sẽ kết thúc lúc 20h30 tối, còn mùa đông và đầu mùa xuân, mặt trời lặn từ trước 17h chiều.
Sự thay đổi về ánh sáng, nhiệt độ dễ gây ảnh hưởng tới thói quen sinh hoạt và ăn uống của du học sinh Việt. Hơn nữa, hiện tượng “Daylight Saving Time”, tức vặn nhanh đồng hồ thêm một giờ vào mùa hè để đẩy mạnh kinh doanh cũng rất phổ biến tại Mỹ. Trong tháng 3, đồng hồ của bạn sẽ nhảy từ 1h59 đến 3h00 sáng. Vào tháng 11, để trả lại giờ giấc theo đúng quy luật, đồng hồ của bạn sẽ nhảy từ 1h59 quay lại 1h00.
Theo Vnexpress
Xem bài gốc tại đây