Làm cách nào mà Mark Zuckerberg, CEO của Facebook đã bỏ túi được gần 12 tỷ USD trong năm vừa qua?
Năm 2015, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg tiếp tục bỏ vào tài khoản cá nhân của mình khoảng 12 tỷ USD. Tuy nhiên, mới đây anh cũng tuyên bố sẽ dùng phần lớn tài sản của mình cho công tác từ thiện. Nhiều người thắc mắc Mark đã làm cách nào để kiếm được một số tiền khổng lồ như vậy trong năm vừa qua?
Giá cổ phiếu Facebook tăng vọt
Trong năm 2015, tài khoản của Mark tăng thêm khoảng 33% giá trị, tức là từ khoảng 34 tỷ USD vào cuối năm 2014 lên gần 46 tỷ USD (tính đến thời điểm bài viết này được thực hiện). Nguyên nhân chủ yếu được lí giải là do giá cổ phiếu của Facebook tăng cao trong thời gian này.
Theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, đa số tài sản của Mark xuất phát từ 15% (thông tin gần đây nhất là 22%) cổ phần từ Facebook. Sự gia tăng giá trị cổ phiếu trong thời gian gần đây được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng nhanh của Facebook.
Facebook vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh trong Quý IV nhưng theo ước tính, doanh thu của công ty tăng khoảng 42,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong Quý III vừa qua, doanh thu của Facebook cũng tăng trưởng rất cao đạt 40,5% so với Quý III/2014.
Không giống như nhiều công ty, tăng trưởng không gắn liền với tăng thu nhập. Ở Facebook, doanh thu tăng trưởng cũng đồng nghĩa với thu nhập ròng tăng lên ở một mức ấn tượng và đây cũng là một trong những lí do khiến Mark thu về nhiều tỷ USD trong năm qua.
Riêng trong quý 3, thu nhập ròng của mạng xã hội này đã đạt 892 triệu USD hoặc 1,6 tỷ USD trước khi khấu hao tài sản cố định vô hình, thuế và các khoản có liên quan khác (so với con số 806 triệu USD hoặc 1,1 tỷ USD trong năm 2014).
Song song đó, sự tăng trưởng số lượng người dùng Facebook củng hứa hẹn sẽ đem đến sự phát triển mạnh mẽ cho mạng xã hội này trong thời gian tới. Facebook, Facebook Groups, Messenger, WhatsApp và Instagram có số lượng người dùng tương ứng là 1,55 tỷ, 925 triệu, 700 triệu, 900 triệu và 400 triệu. Đây là những con số đáng mơ ước với bất kỳ website nào trên thế giới.
Zuckerberg lập một khái niệm mới về hoạt động thiện nguyện
Năm 2015 đi vào lịch sử khi Zuckerberg và vợ của anh thiết lập một tiêu chuẩn mới cho các tỷ phú hiến tặng tài sản làm từ thiện. Cặp đôi này tuyên bố họ sẽ dành 99% cổ phần Facebook của họ để làm từ thiện trong suốt cuộc đời của họ với số tiền không vượt quá 1 tỷ USD mỗi năm trong 3 năm tới.
Tỷ phú Warren Buffett cũng đã có những cam kết tương tự vào năm 2006 để dùng 99% tài sản làm từ thiện cho đến khi ông qua đời.
Nhưng khác biệt ở đây là Zuckerberg đã bắt đầu công việc từ thiện của mình từ rất sớm, ở tuổi 31. Có nghĩa là thời gian Mark đóng góp cho xã hội dự kiến sẽ nhiều hơn so với nhiều tỷ phú khác (đa phần những tỷ phú này làm từ thiện khi đã lớn tuổi và bắt đầu ít tham gia vào các hoạt động kinh doanh hơn).
Một điểm đáng chú ý khác là nếu doanh thu Facebook tiếp tục cho đi ít hơn 1 tỷ USD mỗi năm và nếu cổ phiếu của mạng xã hội này lại tăng cao trong thời gian tới, có lẽ Mark phải tính đến việc tăng tỷ lệ hoạt động từ thiện hàng năm lên để có thể dùng hết 99% tài sản cho hoạt động thiện nguyện.
Theo Trí thức trẻ
Xem bài gốc tại đây