Là diễn giả trong Tuần lễ giáo dục Mỹ của tổ chức giáo dục quốc tế Golden Path Academics Việt Nam (GPA), Đào Ngọc Linh (25 tuổi) – cựu sinh viên Bown University (Mỹ) – top 50 đại học tốt nhất thế giới và Nguyễn Thị Mai Thy (Đại học Minerva, Mỹ) đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm làm hồ sơ xin học bổng du học.
Theo Linh, mỗi năm trường Brown chỉ lấy 10% học sinh nước ngoài nhưng lại nhận được hàng nghìn hồ sơ đăng ký. Mỗi bộ tài liệu đó được đọc trong không quá 30 phút. Do vậy, muốn nhận được học bổng du học buộc học sinh phải làm thật nổi bật hồ sơ cá nhân.
“Bạn cần tìm ra điểm mạnh của bản thân rồi làm bật nó lên. Một người bạn của tôi, thay vì viết một bộ hồ sơ như thông thường, đã vẽ lên khổ A0 những điều thể hiện rõ con người mình, lý do muốn vào Brown. Bạn ấy sau đó trở thành sinh viên ngoại quốc duy nhất được trường nhận vào ngay vòng nộp hồ sơ sớm”, Linh kểt. Bạn của Nguyễn Thị Mai Thy cũng nhận được học bổng du học khi gửi đi bộ hồ sơ là phim hoạt hình về bản thân ghép từ các đoạn giấy.
Hai cô gái đến từ Đại học Bown và Minerva đều cho rằng, điểm chuẩn hóa (IELTS, TOEFL, ACT, SAT…) trong hồ sơ xin học bổng du học không phải yếu tố quan trọng nhất để được trường chấp nhận. Theo Linh, quan điểm của người Mỹ khi nhìn vào những con số này là điểm càng cao thì kinh tế gia đình càng tốt. Cùng tình trạng gian lận điểm chuẩn hóa trong những năm vừa qua, một số đại học Mỹ đã thôi yêu cầu tiêu chí này. Thay vào đó, như trường Minerva đã cho học sinh bất ngờ làm bài kiểm tra để đánh giá năng lực thực sự của người học.
Điểm trung bình (GPA) trong sổ học bạ ngược lại rất quan trọng với bộ hồ sơ xin học bổng du học. Các diễn giả lý giải vì đây là những con số thể hiện được cả quá trình phấn đấu của học sinh, điều mà bài thi chuẩn hóa không làm được vì có thể thi đi thi lại nhiều lần rồi lấy kết quả cao nhất.
“Khi xem hồ sơ tuyển sinh, tôi quan trọng việc xem sổ học bạ để thấy được năng lực phát triển, sự nỗ lực trong suốt quá trình học tập của học sinh”, điều phối viên cấp quốc gia phụ trách công việc tuyển sinh của University of Western Cape (Nam Phi) tại Việt Nam – Đào Ngọc Linh nói. Người đồng quản lý đại diện cho trường Minerva khu vực Đông Nam Á này cho biết thêm, các đại học Mỹ có thể loại học sinh đã được nhận vào nếu điểm số trong học kỳ sau khi em này gửi hồ sơ du học bị tụt hạng quá thấp.
Tham gia hoạt động ngoại khóa là điều mà các trường ở Mỹ khá coi trọng khi xem xét nhận học sinh. Nhưng theo cựu sinh viên trường Brown và nữ sinh trường Minerva, không phải cứ tham gia nhiều, làm hoành tráng là tốt. Điều các đại học Mỹ chú trọng nhất là bạn đã đóng góp được gì cho mình và cộng đồng. Do đó, nếu chỉ tham gia một hoạt động nhưng tạo được ích lợi thiết thực cho xã hội vẫn là điểm cộng lớn cho học sinh.
Các bộ hồ sơ có thư giới thiệu được viết bởi những người hiểu học sinh, có thể đưa ra đánh giá chính xác, riêng nhất, nổi bật nhất sẽ tốt hơn ai đó có chức vụ cao nhưng chỉ nhận xét chung chung.
Phần quan trọng nhất của bộ hồ sơ được các diễn giả cho là bài luận cá nhân bởi đây là nơi duy nhất thể hiện được “bạn là ai”. Khi Đào Ngọc Linh làm hồ sơ gửi đến Brown, cô đã viết một bài luận theo hướng đi ngược lại cách bình thường. Thay vì kể về những trải nghiệm tốt của bản thân, Linh chia sẻ câu chuyện mình bị giáo viên ở Ấn Độ hiểu lầm là gian lận rồi định kiến với tất cả việc cô làm. Từ đó, Linh viết về vấn đề niềm tin trong cuộc sống.
“Không phải ai cũng dám thể hiện sự không hoàn hảo của bản thân trong bộ hồ sơ. Nhưng ở thời điểm đó, tôi rất trăn trở về trải nghiệm với cô giáo ở Ấn Độ. Tôi quyết định viết về nó và qua đó cho thấy mình đã suy nghĩ, đã hành động để mọi thứ trở lên tốt đẹp hơn”, cựu sinh viên trường Brown chia sẻ.
Hai cô gái không quên nhắc các học sinh đang nuôi ý định du học cần tìm hiểu rõ về trường đại học để biết bản thân có phù hợp không và hoàn thành tốt phần trả lời phỏng vấn, nếu được hỏi về vấn đề đó.
Theo Vnexpress
Xem bài gốc tại đây