Sau bài viết trên trang cá nhân về “thói cuồng” hoa hậu của người Việt, Nguyễn Siêu – du học sinh tuổi 20 hiện đang ở Mỹ chia sẻ:”Mình chưa bao giờ chủ ý viết mọi thứ “đi ngược đám đông.” Khi mình có suy nghĩ dựa trên nhận thức của mình, mình sẽ cất tiếng nói”.
Quan sát để tránh thông tin suy diễn, phiến diện
Chào Nguyễn Siêu, bạn thấy mình có “siêu” không khi quan niệm của mình được nhiều người tưởng thưởng đến vậy?
– Khi nêu lên một quan điểm, mình thấy vui vì có người ủng hộ. Ít nhất, điều đó chứng tỏ họ công nhận quan sát và lập luận của mình, rằng tiếng nói của mình có giá trị. Còn bài viết đó có “siêu” hay không, chúng ta hãy quan sát trong thời gian tới, liệu “thói cuồng hoa hậu” này có thuyên giảm đi chút nào.
Bài viết của bạn có những ý khái quát như: “Thế mà ở cái đất này, giải trí nhảy lên trước cả công việc, cả những lĩnh vực như chính trị, khoa học, giáo dục. Giống như, chưa làm việc mà đã muốn nghỉ ngơi vậy đó. Cuộc thi này chung quy cũng chỉ là một công cụ nữa của sự thương mại hoá, của chủ nghĩa tư bản. Ấy thế mà mấy nhà yêu nước sao tung hô nhiều ghê!” hoặc là “Cũng thật buồn cười, ngày thi Bán kết Hoa hậu Hoàn vũ trùng với ngày xét xử vụ án thảm sát 6 người ở Bình Phước, thế mà hôm ấy, ai ai cũng chỉ nói về cái dáng “Mình Xà” của Phạm Hương. Cứ thế này thì Việt Nam sẽ trở thành cường quốc sắc đẹp nhanh thôi, còn cái sắc đẹp ấy có mài ra thành lẽ phải, thành văn minh, thành kiến thức, văn hoá sống được hay không”
Bạn có nghĩ rằng mình cũng đang bị mắc cái lỗi mà nhiều người khi tham gia mạng xã hội hay gặp, là nhìn nhận sự việc còn phiến diện và hay quy kết?
– Là một người sử dụng mạng xã hội, cũng là một sinh viên truyền thông, mình có thói quen theo dõi cách mọi người xung quanh tiếp nhận thông tin đã từ lâu. Mình dựa lập luận vào sự quan sát, quan sát không chỉ trên Facebook cá nhân, mà còn trên nhiều trang báo và mạng xã hội khác nhau, để tránh thông tin suy diễn và phiến diện.
Việc có những người ủng hộ cũng nói lên rằng họ có quan sát tương tự. Rõ ràng có một phần lớn quá quan tâm tới giải trí, trong khi những lĩnh vực khác – những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp tới số đông, những chính sách quyết định chất lượng sống của toàn “dân tộc” – thì lại không được quan tâm một cách xứng đáng.
Còn nếu bạn thấy mình còn phiến diện, hãy cho mình nghe ý kiến của bạn để chúng ta cùng xây dựng một góc nhìn toàn diện hơn.
Hoa hậu nên có sứ mệnh với cộng đồng
Liệu có cần đả kích “thói cuồng hoa hậu” như bạn đã từng đề cập không? Cuối tuần qua, có một sự kiện văn hóa vừa diễn ra ở Hà Nội là lễ ra mắt một cuốn sách dịch do GS Ngô Bảo Châu và một bạn du học sinh làm dịch giả. Một phần tiền bán sách sẽ được trích cho quỹ Cơm có thịt. Buổi ra mắt này gây chú ý bởi có sự xuất hiện của một hoa hậu và cô gái này đã chia sẻ những suy nghĩ rất chững chạc về việc đọc sách. Như vậy truyền thông và hoa hậu ở sự kiện này là có ích đấy chứ?
– Yêu thích có nhiều mức độ, và trong cuộc sống, bất cứ điều gì đạt tới mức “cuồng” đều đáng suy xét.
Yêu thích một cách tỉnh táo là biết niềm yêu thích đó đi về đâu, phục vụ cho mục đích tốt đẹp nào. Nếu niềm yêu thích đó có thể mang lại những “bữa cơm có thịt” cho trẻ em nghèo, thì tại sao không? Trong bài viết, mình có bày tỏ rằng, Hoa hậu nên có sứ mệnh với cộng đồng, thay vì chỉ chăm đi dự sự kiện cho hình ảnh của bản thân.
Sự xuất hiện tại buổi ra mắt này của chị Đặng Thu Thảo là một ví dụ cho “sứ mệnh cộng đồng” tốt đẹp ấy.
Tuy nhiên, nếu sự yêu thích đó, khoác lên mình tấm áo “tinh thần dân tộc,” để đổ quá nhiều vào một cuộc thi phù phiếm, một sản phảm thương mại của các tập đoàn tư nhân Mỹ, thì mình cho rằng không đáng. “Tinh thần dân tộc” là một điều thiêng liêng lắm. Nếu bạn mang trong mình “tinh thần dân tộc,” đóng góp “tinh thần” đó vào một mục đích chung, bạn nên biết “tinh thần” ấy có quay lại phục vụ “dân tộc” mình hay không, hay chảy hết về túi tiền của một ai đó.
Chưa bao giờ có ý đi ngược đám đông
Có ý kiến bình luận thế này: “Tôi đã có cái nhìn khác về giới trẻ sau khi đọc bài của bạn”. Thế thì lâu nay người ta đang nhìn về giới trẻ ra sao, theo bạn?
– Là những người viện cớ “tinh thần dân tộc” để làm xấu bộ mặt dân tộc trên Fanpage Hoa hậu Hoàn Vũ. Là những người khi thần tượng của mình không thắng một cuộc thi thì cay cú tới mức mù quáng.
Là những người dùng lí lẽ “tinh thần dân tộc,” nhưng lại sử dụng ngôn ngữ “dân tộc” một cách thiếu văn minh để xúc phạm người cùng “dân tộc” với mình, mặc dù người đó chỉ nêu ra một góc nhìn khác. Không phải toàn bộ, nhưng là một phần đáng lo.
Còn bạn, thì nhìn nhận “giới trẻ – giới của mình” như thế nào? Bạn muốn nói điều gì với các “giới khác”, “thế hệ khác” về “giới trẻ”, “thế hệ trẻ” của mình?
– Mình may mắn có nhiều bạn bè biết tiếp nhận ý kiến trái chiều và phản biện một cách văn minh, cho nên không phải ai cũng như trên.
Mình muốn nói rằng: “giới trẻ” sẽ dần biết tiếp nhận “tinh thần dân tộc” từ các “thế hệ trên” với một con mắt tinh tường và một cái đầu tỉnh táo. Ít nhất, là hy vọng như thế.
Bạn từng hoạt động truyền thông từ thời là học sinh, có một số lần bày tỏ ý kiến “đi ngược đám đông”. Bạn có thấy mình đã thành công khi “tiếng nói khác biệt” của mình xuất hiện đúng lúc? Điều này có thuộc chiến lược “truyền thông” hay “xây dựng thương hiệu cá nhân” của bạn?
– Mình chưa bao giờ chủ ý viết mọi thứ “đi ngược đám đông.” Khi mình có suy nghĩ dựa trên nhận thức của mình, mình sẽ cất tiếng nói.
Hơn nữa, như bạn đã nói đầu bài, có nhiều ý kiến tích cực ủng hộ mình, thì mình đã “nói thay đám đông” chứ đâu có “đi ngược”?
– Cảm ơn bạn!
Theo Việt Nam Net
Xem bài gốc tại đây