Đa số du học sinh đăng ký học trường tiếng Nhật để có thời gian đi làm thêm đủ nghề như bốc vác, cọ rửa nhà vệ sinh, bưng bê ở cửa hàng…, nhưng vẫn không đủ sống.
Khi học đến năm thứ 2, ĐH Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Hải ở huyện Kỳ Anh nghe nhiều người kháo đi du học Nhật Bản vừa có bằng quốc tế vừa có cơ hội kiếm bộn tiền.
Tìm hiểu Công ty tư vấn du học Nhật Bản có trụ sở tại thành phố Vinh, Hải được biết, có hai hình thức dễ kiếm tiền ở Nhật gồm đi xuất khẩu lao động hoặc học trường tiếng Nhật, học trường nghề, học cao đẳng. Với mức phí 10.000 USD (khoảng 220 triệu đồng) bao gồm chi phí học tập, vé máy bay, thủ tục, hồ sơ…
Người môi giới cho hay, khi sang Nhật, mỗi ngày Hải chỉ việc đi học 1 buổi, còn 1 buổi và đêm thì đi làm thêm lương từ 1.500-2.000 USD. Hải tính toán, với mức thu nhập này ở Nhật, chịu khó làm việc 5 năm, số vốn cũng kha khá.
Hải bỏ ngang việc học, khăn gói theo khóa học tiếng Nhật cơ bản. Sau hơn một năm, nộp cả tiền học, phí làm hồ sơ, tiền đặt cọc với số tiền gần 250 triệu, Hải may mắn trở thành du học sinh ở xứ sở hoa Anh Đào. Tuy nhiên, khi sang đến nơi mới thấy lời tư vấn của nhân viên công ty du học chỉ là bánh vẽ.
Hải cho biết, việc học chiếm khá nhiều thời gian cộng với chi phí học tập tại trường đắt đỏ (gần 200 triệu/năm) nên để có tiền trang trải học tập, sinh sống Hải phải làm thêm đủ nghề như: dọn nhà vệ sinh, đóng hàng ở siêu thị… để có tiền gửi về quê trả nợ. “Lắm hôm, em phải làm việc xuyên đêm, sáng ra đến trường luôn nên rất mệt mỏi”, Hải nói.
Năm 2013, tốt nghiệp ĐH Đà Nẵng, Trần Quốc T. (Hà Tĩnh) không xin được việc làm, gia đình đành cầm cố ngôi nhà đang ở cho ngân hàng vay tiền đi du học tại Học viện Nhật ngữ (Tokyo). Anh T. tính toán, với mức lương làm thêm khoảng 35 – 40 triệu đồng mà nhân viên tư vấn đưa ra, chưa đầy một năm sau anh trả đủ nợ.
Vậy nhưng, khi đến Nhật, T. được biết quy định cho sinh viên đi làm thêm không quá 28 tiếng/tuần nhưng thực tế anh T. đã làm hơn 80 tiếng/tuần để phải trang trải cuộc sống và gửi về nhà khoảng 10 triệu đồng/tháng. Theo T. hầu hết du học sinh sang Nhật gần đây đều có mục đích kiếm tiền nên tranh thủ làm thêm mọi lúc, mọi nơi.
Dễ bị lừa
Bà Nguyễn Thị Thanh Minh, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT), cho rằng, năm tới, Sở GD&ĐT Hà Nội cần tăng cường thanh tra, thu hồi giấy phép hoạt động các đơn vị tư vấn vi phạm; công khai danh sách các đơn vị được cấp phép để người dân được biết, tránh bị lừa đảo.
Bà Tanaka Mizuki – Bí thư thứ hai Ban Văn hóa (Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam) lý giải về số lượng lưu học sinh tăng đột biến là do có sự nhầm lẫn giữa mục đích lao động và tư cách lưu học sinh.
Theo bà Tanaka Mizuki, một bộ phận công ty tư vấn du học đã cung cấp thông tin không chính xác, không đúng thực tế. Vì thế, du học sinh phải lãnh hậu quả khi chịu gánh nặng tiền vay và xoay xở đủ đường để chi trả mức phí sinh hoạt. Bà Tanaka Mizuki cho rằng, học sinh cần được học định hướng trước khi có ý định du học đồng thời có cảnh báo với người dân về thông tin du học.
Ông Chữ Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, một số đơn vị làm tư vấn du học nhưng chưa nắm được quy định hoạt động chung của nhà nước, thông tin thiếu chính xác làm ảnh hưởng đến con đường, sự nghiệp của nhiều học sinh.
Năm 2015, đơn vị đã ký xác nhận với lực lượng công an xử lý một số vụ việc các Cty du học không minh bạch về tài chính. Theo ông Dũng, giải pháp trong năm tới là đơn vị thành lập câu lạc bộ hoặc hội ngành nghề để các đơn vị tư vấn du học nghiêm túc liên kết, hỗ trợ nhau hoạt động.
Theo Tiền Phong
Xem bài gốc tại đây