Lý giải tình trạng nhiều du học sinh về nước khó xin việc, một nhà tuyển dụng ở TP HCM cho biết, hàng năm có khá nhiều du học sinh xin vào công ty ông, tuy nhiên số lượng nhận vào rất ít. Trừ một số chưa đáp ứng công việc, phần đa không chấp nhận làm việc vì yêu cầu mức lương quá cao. “Dù chưa có kinh nghiệm nhưng nhiều du học sinh yêu cầu lương khởi điểm trên 10 triệu đồng một tháng. Trong khi đó mức chi trả lương của thị trường lao động Việt Nam cho người mới ra trường nói chung đều nằm dưới ngưỡng này”, ông nói.
Qua tiếp xúc với nhiều du học sinh, nhà tuyển dụng này cho biết nhiều bạn khi về nước thường cho rằng mình giỏi hơn sinh viên trong nước và hiển nhiên phải có mức thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, ngoài những bạn xuất sắc được các trường đại học lớn trên thế giới cấp học bổng 100% thì phần lớn sinh viên du học chỉ có điểm mạnh về ngoại ngữ, trình độ chuyên môn không vượt trội so với những bạn được đào tạo trong nước. Nhiều học sinh con nhà giàu có, thậm chí không đậu đại học ở Việt Nam, đã chọn du học để có tấm bằng.
Một lý do quan trọng khác là nhiều ngành như Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ, Xã hội học… đang được nhiều học sinh theo học ở nước ngoài, trong khi nhu cầu lao động những ngành này ở trong nước không nhiều. Còn một số ngành khó như bác sĩ, chế tạo máy, kỹ thuật lại không mấy người học được nên việc du học về khó xin việc ở Việt Nam là chuyện đương nhiên.
“Mức lương khởi điểm không nói lên được điều gì, nếu bạn thực sự có năng lực thì chắc chắn sẽ có cơ hội thăng tiến và phát triển bản thân”, ông này chia sẻ.
Mức lương không phụ thuộc vào bằng trong hay ngoài nước
Là nhà tuyển dụng của Công ty tư vấn xây dựng Artchetype Group – chi nhánh Myanmar, anh David Nam cho biết phần lớn du học sinh khi học ở nước ngoài về thường cho rằng tấm bằng của mình hơn hẳn các bạn trong nước và yêu cầu mức lương cao. Trong khi đó không phải tất cả người du học về đều giỏi và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong nước.
Theo anh Nam, nhà tuyển dụng thường không nhìn vào tấm bằng mà đánh giá lao động qua năng lực thật sự khi làm việc. Với họ, ai có năng lực và trách nhiệm trong công việc sẽ được hưởng lương, phúc lợi cao và ngược lại. Hiện không có công ty nào đề ra quy định hay điều lệ yêu cầu lao động học ở đâu và cũng không có chính sách trả lương cao hơn so với mặt bằng chung cho du học sinh.
“Không ai chi trả cho các bạn một khoản khổng lồ nếu các bạn chỉ có tấm bằng tốt nghiệp từ nước ngoài và nói suông”, anh Nam nói và cho biết chi nhánh công ty ở Myanmar mỗi năm nhận vào khoảng 20-30 nhân sự là du học sinh Myanmar đi học ở nước ngoài về. Nhưng khác với du học sinh Việt Nam, người Myanmar có tư tưởng rất thoáng, họ không nhìn vào việc đã đầu tư bao nhiêu tiền du học để đặt gánh nặng lên mức thu nhập của mình khi về nước.
Là du học sinh đi theo diện tự túc, tốt nghiệp đại học, Minh Tuấn ở lại làm việc tại châu Âu và hiện có cuộc sống ổn định. Anh Tuấn cho rằng nhiều du học sinh đang “ảo tưởng sức mạnh của mình”. Sự khác biệt giữa học ở nước ngoài và Việt Nam là điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất và cách giảng dạy. Mức lương lao động của Việt Nam và nước ngoài cũng khác biệt.
“Nhiều du học sinh thường chê mức lương ở Việt Nam và cho rằng sau tốt nghiệp có thể xin được việc ở nước ngoài với mức lương tính bằng nghìn đôla, nhưng thật ra mức đó không đủ để xoay sở cho cuộc sống ở nước ngoài. Do vậy thu nhập còn phụ thuộc vào mức sống ở mỗi nước, không thể so sánh ngang bằng được”, anh Tuấn lý giải.
Theo cựu du học sinh này, nhiều bạn trẻ học ở Việt Nam nhưng có năng lực, năng động vẫn hoàn toàn xin được vào làm việc ở những tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia với mức lương hấp dẫn. “Do vậy học ở đâu không quan trọng, đừng so sánh việc mình đi du học về để đặt nặng vấn đề thu nhập với nhà tuyển dụng”, anh Tuấn nhắn nhủ các du học sinh.
Theo Vnexpress
Xem bài gốc tại đây