Anh Nguyễn Tất Luật – một cựu sinh viên tốt nghiệp khóa MBA tại trường Đại học Oxford, đã tiết lộ những câu chuyện bất ngờ về lời đồn “phân biệt đẳng cấp và áp lực kinh hoàng” của các sinh viên thuộc trường Top.
Vừa qua, câu chuyện “Nghèo, khốn khó và áp lực ở Harvard” của Duệ Quách đã thu hút một sự quan tâm lớn trên mạng xã hội, gây nên những ý kiến trái chiều về áp lực, sự phân biệt đẳng cấp của những sinh viên sống và học tập tại các trường nổi tiếng nhất thế giới.
Để có một cái nhìn đa chiều về sự việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Tất Luật – cựu sinh viên MBA của đại học danh tiếng Oxford – Anh Quốc để tìm hiểu thử, có phải những lời đồn đoán về câu chuyện phân biệt và áp lực của sinh viên nói chung và sinh viên Việt nói riêng phải chịu là sự thật?
Profile:
Full name: Nguyễn Tất Luật
Cựu sinh viên đại học Nanyang Technology University tại Singapore với học bổng toàn phần.
Tốt nghiệp thạc sĩ MBA tại đại học Oxford – Anh Quốc năm 2014 với tấm bằng loại xuất sắc.
Hiện đang sinh sống và làm việc tại Singapore.
Chào anh, vừa qua một chia sẻ của cựu sinh viên Harvard về những áp lực và sự phân biệt tại Harvard thu hút khá lớn sự quan tâm. Là một cựu sinh viên của Oxford – cũng nằm trong Top đại học hàng đầu thế giới, anh nghĩ sao về việc này? Liệu nó có phải là sự thật hay ở khu vực Anh Quốc, môi trường sẽ khác?
Điều đó là có thật nhưng nó tồn tại ở nhiều cung bậc khác nhau và không quá căng thẳng như một số bạn vẫn nghĩ. Những áp lực đó không chỉ tồn tại khi bạn đang học mà đã bắt đầu ngay từ khi bạn quyết định nộp đơn để vào trường. Sức cạnh tranh để có một ghế trong giảng đường thực sự rất cao, gây nên áp lực vô cùng lớn.
Tuy nhiên, hãy nhìn mọi thứ ở một khía cạnh khác, bạn sẽ thấy những áp lực đó mang lại cho bạn nhiều lợi ích cũng như là nhân tố tích cực thúc đẩy việc thực hiện hoài bão, ước mơ của bạn cũng như giúp bạn vững vàng hơn khi đối mặt với công việc và cuộc sống bên ngoài.
Những áp lực này chỉ tồn tại đối với tất cả mọi người hay chỉ đến từ những sinh viên Việt Nam?
Chính xác thì đến nhiều từ các bạn Châu Á nhiều hơn. Có lẽ vì sự khác biệt về văn hoá, cảm nhận và đến từ tâm lý chủ quan của mỗi người hơn là do chính môi trường gây nên. Đôi khi, những căng thẳng về cảm giác mình bị phân biệt đẳng cấp hay thậm chí là chủng tộc đến từ suy nghĩ tự ti của mỗi người. Họ bị nghĩ, họ thường nghĩ, và họ có cảm giác là mình bị phân biệt, bị coi thường… nhưng thật chất không đến mức trầm trọng như vậy.
Mình lấy 1 ví dụ cụ thể, ngày đầu tiên đi học tại Oxford, mình có đến bắt chuyện với một anh chàng người Thuỵ Điển, sau 1 vài câu chào hỏi, bỗng nhiên anh bạn tỏ vẻ khinh khỉnh và bỏ đi một mạch mà không thèm nói gì làm mình rất sốc, cứ ngỡ hắn khinh mình vì mình là người Châu Á, hay Việt Nam. Nhưng sau một thời gian dài rất lâu, mình bắt chuyện lại và tìm hiểu thêm thì biết rằng đó chỉ là hiểu lầm. Anh bạn Thuỵ Điển cho rằng mình đang “phỏng vấn” anh ta vì mình hỏi han tận tình quá, khiến anh ấy “khớp”. (Bạn biết đấy, người Việt mình hay có những câu hỏi hơi “thân thiết” quá, mình cũng là người Việt. Cười).
Nhưng Oxford là một môi trường với rất nhiều chính trị gia và thành viên hoàng tộc, thực sự không hề có một sự phân biệt đẳng cấp nào? Và việc bị “khớp”, thiếu tự tin trong một môi trường như vậy là rất hiển nhiên mà.
Mình muốn nhấn mạnh, phải biết quan sát và có chiến thuật. Hãy quan sát và kết bạn với những người có “eye contact” – kết nối bằng ánh mắt với bạn trước, những người có cùng điều kiện cuộc sống, tính cách tương tự bạn hoặc đơn giản bạn thấy người đối diện có sự thoải mái, thân thiện khi kết thân.
ũng có một vài trường hợp, mình không bao giờ có cơ hội nói chuyện với các bạn ấy, có thể, họ cảm thấy bản thân họ có sự khác biệt về đẳng cấp giàu-nghèo, nổi tiếng hay địa vị… Nhưng thiết nghĩ, tại sao mình lại mất thời gian để nghĩ về điều đó hay tập trung, buồn bã vì sao mình bị họ “không thèm kết giao”? Hãy đầu tư thời gian của bạn vào những mối quan hệ và những người bạn có thái độ tốt hơn. Đừng bao giờ để suy nghĩ của người khác về mình làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của mình về bản thân để rồi đánh mất sự tự tin và cơ hội.
Vậy còn áp lực về học hành, bài vở? Nhiều sinh viên có phải sử dụng đến thuốc an thần?
Áp lực bài vở thực sự rất lớn vì bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều cạnh tranh khốc liệt trong trường. Nhưng thú thật, mình chưa thấy trường hợp nào xung quanh phải dùng đến thuốc hay điều trị tâm lý, hoặc do các bạn giấu mình. Tuy nhiên, việc sử dụng bia rượu, thuốc lá hay thậm chí là cần sa để xả stress thì có.
Vậy nếu bạn học trong một môi trường thuộc Top hàng đầu thế giới như vậy, phải chăng không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi?
Có quá nhiều lời đồn thổi vì sự khủng khiếp của việc học hành tại đây, nhưng quan điểm trên hoàn toàn sai lầm.
Đối với các sinh viên, đặc biệt đến từ Châu Á, các bạn ấy có sự chăm học đến… quên thời gian và quên đi chính bản thân mình đang sống. Họ chỉ học, học nữa, học mãi và cực kỳ coi trọng điểm số. Quan điểm của bản thân mình thì khác.
Các bạn nên nhớ, chúng ta đang ở trong một môi trường có rất nhiều người thông minh hơn mình, thậm chí có người được gọi là thiên tài. Nếu học một cách máy móc, tập trung vào điểm số, bạn sẽ phải bỏ đến gấp 4,5 lần so với họ, mà vẫn chưa chắc hơn họ. Nếu bạn thay đổi hướng suy nghĩ, đừng chú trọng điểm số quá đến mực tạo áp lực kinh khủng cho bản thân, mà hãy thiên về trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm. Học từ những mối quan hệ giao tiếp ngoài xã hội, học cách trao đổi thông tin, văn hoá, giải quyết vấn đề, mở rộng tầm nhìn thì quá trình bạn đi học vui hơn rất nhiều.
Thấy trên Facebook của bạn có rất nhiều hình đi du lịch khắp nơi tại châu Âu, đây có phải là một cách “xả stress” của bạn?
Đúng vậy, mình tranh thủ ngày nghỉ đi chơi rất nhiều. Du lịch là cách tốt nhất để mở mang đầu óc và học hỏi kinh nghiệm sống. Và theo một cách đơn giản hơn, hãy để cho đầu óc bạn được nghỉ ngơi khi nó đang vi vu trong những chuyến đi.
Tuy học ở trường đại học danh tiếng và được cho là áp lực kinh khủng nhưng anh Tất Luật vẫn dành thời gian để du lịch khắp nơi. Bản thân anh cũng là một người thoải mái và cực kỳ vui vẻ
Hỏi thật, học phí ở Oxford không phải rẻ và học bổng thì vô cùng khó. Bạn lại đi du lịch nhiều nước như vậy, chắc hẳn gia đình bạn rất có điều kiện?
Nhà mình cũng không có điều kiện gì đâu, mình may mắn kiếm được một phần nhỏ học bổng. Số còn lại đến từ khoảng tích góp nhiều năm làm việc của mình. Con đường vào Oxford với mình không hề dễ dàng, mình đã phải mất rất nhiều năm chuẩn bị, rồi chưa kể đi sai hướng… sau đó mới vào học được.
Với những bạn có ước mơ, có hoài bão đừng bao giờ nhụt chí, việc xin vào học và có học bổng là hoàn toàn có thể, miễn bạn có quyết tâm cao.
Có một câu hỏi khá phổ biến nhưng là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận hiện nay, bạn đang làm việc tại Singapore sau khi tốt nghiệp tại Oxford, hỏi thật, bạn có ý định về Việt Nam hay sẽ chọn Singapore phát triển lâu dài?
Có chứ, thời gian làm việc ở Sing lúc này là để tích góp… ngân sách, học hỏi kinh nghiệm làm việc và để thực hiện một dự án cá nhân trong vòng 2 năm. Thời gian ở Oxford, mình có nhen nhúm một ý tưởng về việc truyền cảm hứng cho việc hỗ trợ thực hiện ước mơ của sinh viên Việt và các nước đang phát triển nhưng mình cần phải chuẩn bị rất nhiều thứ để thực hiện dự án này. Hiện nó đang trong quá trình chuẩn bị, khi hoàn thành, mình sẽ chuyển về Việt Nam sinh sống và làm việc luôn.
Cám ơn Tất Luật về cuộc trao đổi thú vị này nhé!
Theo Trí Thức Trẻ
Xem bài gốc tại đây