GS. TS. Võ Văn Tới hiện là một trong những nhà khoa học Việt Nam đầu ngành về lĩnh vực Kỹ thuật Y Sinh (Biomedical Engineering – BME).
Với gần 40 năm nghiên cứu khoa học tại Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, từng nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt như Giáo sư sáng lập ngành BME tại Đại học Tufts (Hoa Kỳ) hay Giám đốc Điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation – VEF), năm 2009, giáo sư Võ Văn Tới quyết định trở về nước và phát triển ngành Kỹ Thuật Y Sinh tại Đại học Quốc tế (ĐHQT) – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 12 vừa qua, Hệ thống các Đại học ASEAN (ASEAN University Network – AUN) đã công nhận và đánh giá chương trình đào tạo Cử nhân ngành Kỹ thuật Y Sinh tại ĐHQT với số điểm 5.1, số điểm cao nhất mà các chương trình ở trường đại học Việt Nam từng đạt được và cao nhì trong AUN (sau một chương trình của Philippines với số điểm 5.5).
Nhân dịp đầu năm mới 2016, tạp chí Vietnam Journal of Science gửi đến quý độc giả các chia sẻ của Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Tới về con đường khoa học của thầy cũng như những ước muốn, khát khao cống hiến cho quê hương.
Thưa thầy, chúng em thực sự rất vinh hạnh khi được thầy dành thời gian để trò chuyện, mà nhất là lại vào thời khắc sáng sớm như thế này. Thầy có thường thức khuya làm việc như vậy không?
GS. TS. Võ Văn Tới: Thiệt ra không phải thầy thức khuya, mà là thầy dậy sớm. Mỗi ngày thầy đều thức giấc vào khoảng 2-3 giờ sáng rồi làm việc liên tục đến 8-9 giờ tối luôn. Cũng không phải là thầy chủ định như vậy, mà do cơ thể thầy phù hợp với lịch làm việc đó.
Thầy có lịch làm việc thật đặc biệt! Chúng em được biết quá trình học tập và công tác của thầy cũng rất đặc biệt, trải nghiệm môi trường sống và làm việc ở cả châu Âu và Mỹ. Khi đang gặt hái được nhiều thành công trong nghiên cứu giảng dạy, thầy lại đưa ra quyết định trở về Việt Nam. Xin thầy chia sẻ thêm về chặng đường này cũng như lý do dẫn đến quyết định tương đối “lạ lùng” đó?
GS. TS. Võ Văn Tới: Vào khoảng năm 1968 Thầy vẫn còn ở Việt Nam. Lúc này tình hình trong nước rất căng thẳng vì chiến tranh đang lên đến đỉnh điểm. Khi Thầy sang Thụy Sĩ du học, Thụy Sĩ đối với Thầy như một thiên đường bởi sự an bình, giàu có và thịnh vượng. Mọi thứ đều đối lập với Việt Nam: họ rất vững chải, rất ổn định, tuy vậy lại quá buồn. Công việc học tập của Thầy tại Thụy Sĩ rất tốt. Sau khi hoàn thành PhD, Thầy bắt đầu qua Mỹ với tư cách là nghiên cứu viên ở Harvard-MIT, và sau đó Thầy đi dạy ở trường Tufts.
Giáo dục và khoa học kỹ thuật ở Mỹ rất phát triển. Đây cũng là một quốc gia đa dạng, sôi động chứ không yên ả, thanh bình như Thụy Sĩ. Thầy có những trải nghiệm và gắn bó ở 3 quốc gia khác nhau: Việt Nam, Thụy Sĩ, Mỹ. Mỗi nơi đều có cái hay cái dở, điểm thú vị riêng, và cuối cùng khi nhìn lại, Thầy nhận thấy Việt Nam vẫn là nơi thích hợp hơn cả, bởi có lẽ Thầy là người Việt Nam. Ở Việt Nam mình, khi Thầy đi ngoài đường, có những cảnh rất đời thường mà Thầy bắt gặp như hình ảnh bùn lầy nước đọng hay như khi thấy ai đó cãi nhau, tất cả gợi nên cảm giác thân mật, gần gũi. Thầy chia sẻ với các em những cảm nhận này của Thầy để các em hiểu con người Thầy như thế nào, và Thầy nhìn nhận mọi chuyện như thế nào.
Vậy là từ chiến trường nhiều hỗn loạn ở Việt Nam, thầy được qua chốn an bình như Thụy Sĩ để du học, sau đó lại qua Mỹ công tác tại hai viện đại học hàng đầu Harvard và MIT. Xin thầy chia sẻ thêm về chặng đường này.
GS. TS. Võ Văn Tới: Như Thầy đã chia sẻ, xã hội ở Thụy Sĩ và Việt Nam khác nhau hoàn toàn, tuy nhiên Thầy cũng thích nghi khá nhanh với cuộc sống bên này. Người Việt Nam mình có một ưu điểm đó là khả năng thích nghi rất nhanh, nên đối với môi trường như Thụy Sĩ, Thầy thích nghi dễ dàng. Mặc dù như vậy, đôi lúc nghĩ lại, có nhiều khi Thầy cũng cảm thấy buồn và hụt hẫng. Khi Thầy qua Thụy Sĩ du học, thời điểm ấy ngành Nano-technology chưa xuất hiện, và Thầy đã quyết định theo đuổi ngành học Micro-Engineering (Kỹ thuật chính xác) bởi đây được xem là một ngành thế mạnh của Thụy Sĩ. Điển hình nhất là các sản phẩm đồng hồ với độ tinh vi chuẩn xác rất cao.
Khi Thầy từ Thuỵ Sĩ qua Mỹ để nghiên cứu sau Tiến sĩ (postdoc), Thầy tham gia chương trình HST (Health Sciences and Technology), đây là chương trình kết hợp giữa Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Như các em biết, Harvard Medical School là một trong những cái nôi trên thế giới về những nghiên cứu ứng dụng trong chăm sóc sức khoẻ, trong khi đó MIT là trường hàng đầu của thế giới về các vấn đề kỹ thuật nói chung.
Hardvard và MIT đã kết hợp với nhau thành lập một chương trình để “Ứng dụng kỹ thuật vào khoa học và công nghệ sức khoẻ”. Khi Thầy làm PhD ở Thụy Sĩ ngành Micro-Engineering, hướng nghiên cứu của Thầy là về thiết bị y tế liên quan đến thị nhãn (vision) của người, chính vì vậy Thầy quyết định xin học bổng sau Tiến sĩ tại chương trình HST của Harvard-MIT. Trong khoảng thời gian một năm rưỡi nghiên cứu sau Tiến sĩ này, Thầy tập trung học những kỹ thuật mới ví dụ như kỹ thuật vi điện tử (microelectronics) ứng dụng vào trong khoa học sức khoẻ.
Trong quá trình công tác tại Harvard-MIT, Thầy đã có nhiều bằng sáng chế về Y học như “Máy nhỏ thuốc tự động”, “Máy đo số liệu bạch huyết trong mắt”. Thầy đã làm cách nào để tạo ra cách sản phẩm phục vụ cho sức khoẻ của con người?
GS. TS. Võ Văn Tới: Để có những sáng kiến hay cũng như để có thể tạo ra những sản phẩm tốt, theo Thầy, điều quan trọng nhất là mình phải làm việc trong những môi trường thích hợp. Trong trường hợp của Thầy, Thầy đã có cơ hội làm việc với nhiều bác sĩ. Thầy xây dựng được các mối quan hệ tốt với họ, từ đó Thầy hiểu được nhu cầu của họ trong công việc và Thầy đưa ra những giải pháp để giúp họ làm việc tốt hơn. Mặt khác, Thầy cũng nghĩ rằng những sáng kiến hay và khả thi thường xuất phát từ quá trình hợp tác và làm việc nhóm.
Các thành viên trong nhóm là những người có nền tảng kiến thức khác nhau, họ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau và cùng hỗ trợ cho nhau để làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Như trường hợp của Thầy, để đáp ứng nhu cầu trong công việc của các bác sĩ, Thầy đưa ra những giải pháp cho họ, họ chấp nhận giải pháp và đồng ý tiến hành các thử nghiệm, sau đó Thầy cùng với họ kiểm tra kết quả. Thực tế, có những vấn đề Thầy đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên không phải giải pháp nào cũng thành công. Thầy lại tiếp tục trao đổi với các bác sĩ đó và cuối cùng Thầy sẽ lựa chọn những giải pháp tối ưu.
Được biết thầy là người sáng lập Bộ môn và ngành BME tại trường Tufts. Khi Thầy đề nghị mở ngành BME, thầy có nhận được sự ủng hộ của nhà trường hay không?
GS. TS. Võ Văn Tới: Sau một năm rưỡi ở MIT Thầy được nhận làm Giáo sư ở trường Tufts. Lúc Thầy về Trường công tác, Đại Học Tufts chưa có ngành BME, nhà trường cũng chưa có hướng đầu tư phát triển ngành này. Thầy bắt đầu làm việc ở Bộ môn Kỹ thuật Thiết kế (Engineering Design). Chín năm sau, Đại Học Tufts sát nhập Bộ môn này vào Bộ môn Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính (Department of Electric Engineeing and Computer Science). Cũng trong khoảng thời gian này, ngành BME phát triển rất mạnh ở Mỹ, chính vì vậy Thầy đã đề nghị trường Tufts mở ngành BME.
Lúc đầu khi Thầy đề nghị mở ngành BME, trường Tufts cũng chưa thực sự ủng hộ bởi lẽ nhà trường lo ngại rằng đây là một ngành mới và chưa chắc có tiềm năng phát triển tốt. Chính vì vậy, mặc dù Thầy công tác tại trường Tufts từ năm 1984, nhưng mãi đến năm 1993 khi ngành BME đã phát triển quá mạnh mẽ và phổ biến nhiều nơi thì ban giám hiệu nhà trường mới đồng ý cho Thầy phát triển ngành này.
Tuy nhiên giai đoạn đầu nhà trường cũng chỉ cho Thầy mở một ngành phụ (Minor in BME), tiếp sau đó họ đồng ý cho mở ngành kép (Double Major in BME), và chỉ thực sự đến năm 2003, trường Tufts mới cho Thầy mở Bộ môn và ngành BME chính thức. Như vậy phải hơn 15 năm Thầy mới thực hiện được ý tưởng của mình tại Đại học Tufts. Có một điều thú vị là khi trở về Việt Nam vào năm 2009, Thầy đã đề xuất mở ngành BME tại Đại học Quốc tế, và đề xuất này của Thầy đã được lãnh đạo Đại học Quốc tế và Đại học Quốc gia đồng ý và hỗ trợ ngay, không mất quá nhiều thời gian như khi Thầy ở trường Tufts. Thầy cứ hay nói đùa là, nếu muốn, Việt Nam mình có thể phát triển với vận tốc ánh sáng.
Được biết Thầy là một trong những người đặt nền tảng cho môn Kỹ Thuật Y Sinh tại thành phố Hồ Chí Minh. Thầy có thể giải thích kỹ hơn về Kỹ Thuật Y Sinh và lý do Thầy quay trở về nước và phát triển ngành Kỹ thuật Y Sinh tại Việt Nam được không ạ?
GS. TS. Võ Văn Tới: Trước hết Thầy sẽ cắt nghĩa rõ ràng hơn BME là gì. BME là ngành ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để giải quyết các vấn đề trong Y học và Sinh học. Mục tiêu này gần giống như mục tiêu trong Y học của các bác sĩ. Tuy nhiên BME khác với Y học ở chỗ đó là nó ứng dụng kỹ thuật cùng với các phương pháp nghiên cứu khoa học để chế tạo thiết bị, nghiên cứu và phát triển, trong khi đó, các bác sĩ thì chủ yếu nhắm vào việc chữa bệnh hiệu quả.
BME đã phát triển rất nhiều nơi trên thế giới, bởi nó hỗ trợ cho Y học, Sinh học cũng như các lĩnh vực có liên quan đến chăm sóc sức khoẻ và sự sống. Ngành BME đòi hỏi sự phán đoán, óc tư duy của người làm nghiên cứu, bên cạnh đó yêu cầu người làm nghiên cứu am hiểu khoa học kỹ thuật cũng như y học và vận dụng các kiến thức này trong quá trình tìm tòi, xây dựng, khám phá, phát minh. Ở Mỹ ngành này phát triển mạnh một phần cũng nhờ ở các bác sĩ có tư duy nghiên cứu tốt và họ hiểu vai trò cần thiết của những người làm khoa học kỹ thuật.
Về lý do Thầy quay trở về Việt Nam để phát triển ngành BME thì có hai lý do chính đã thôi thúc Thầy. Lý do thứ nhất đó là: trong quãng thời gian Thầy công tác tại trường Tufts, Thầy được bổ nhiệm vào Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation – VEF) với tư cách là một trong những thành viên thuộc hội đồng quản trị.
Sau đó, Thầy được bổ nhiệm tiếp vào chức vụ Giám đốc Điều hành. Ở cương vị mới, Thầy phải xin nghỉ tạm ở trường Tufts và tập trung cho công việc tại VEF. Cũng trong thời gian này, Thầy có cơ hội đi về Việt Nam khá nhiều và Thầy thấy rằng môi trường giáo dục ở Việt Nam bây giờ cũng rất cởi mở và chịu đón nhận những cái mới. Thực tế, Thầy nhận thấy ngành BME rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Ban đầu, Thầy có đề xuất với một số trường Đại học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để họ mở ngành BME, tuy nhiên vì những lý do nào đó mà các trường này đã không làm việc này. Sau đó Thầy đã mời một nhóm giáo sư BME ở Mỹ về Việt Nam để khảo sát khả năng phát triển ngành này, và cuối cùng nhóm giáo sư chia sẻ với Thầy rằng Việt Nam là môi trường rất tốt để phát triển ngành BME và đề xuất một kế hoạch hành động giúp Thầy.
GS. TS. Võ Văn Tới cùng các cộng sự của quỹ VEF và đại diện Bộ Ngoại giao Hoa kỳ trong một chuyến viếng thăm Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh tại Đại học Quốc tế TP.HCM vào tháng 6 năm 2015
Về lý do thứ hai, khi công tác tại VEF, Thầy có thành lập một diễn đàn với tên gọi là “All the ways home” (tạm dịch: Đường về Tổ quốc) nhằm khuyến khích các em du học sinh trở về nước phục vụ quê hương. Tuy nhiên Thầy thấy rằng trong khi Thầy ra sức khuyến khích các em ấy trở về nước thì Thầy lại vẫn ở bên Mỹ công tác, như vậy Thầy thấy việc làm của mình không đủ sức thuyết phục với các em, không khiến cho các em sinh viên cảm thấy mến phục và đồng ý quay về quê nhà. Chính vì hai lý do này, Thầy quyết định làm một “cuộc phưu lưu mới” đó là trở về Việt Nam để phát triển ngành Kỹ thuật Y Sinh.
Vậy là sau khi trao đổi với nhiều trường đại học từ Bắc vào Nam, cuối cùng thầy quyết định dừng chân tại Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM để thành lập bộ môn Kỹ Thuật Y Sinh. Điều gì đã dẫn đến mối cơ duyên này?
GS. TS. Võ Văn Tới: Như Thầy đã chia sẻ, khi Thầy công tác ở VEF, Thầy có mở diễn đàn “All the ways home” và mời nhiều giảng viên, hiệu trưởng các trường Đại học ở Việt Nam sang Mỹ để trao đổi với các em du học sinh về vấn đề quay trở về quê hương phục vụ. Khi tổ chức các buổi trao đổi này, Thầy nhận thấy Đại học Quốc tế (ĐHQT) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM là môi trường phù hợp để Thầy hợp tác và phát triển những ý tưởng mới. Thứ nhất, tại ĐHQT, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng chính trong công tác giảng dạy và nghiên cứu. Thứ hai, môi trường làm việc tại ĐHQT rất tốt, ban giám hiệu nhà trường rất cởi mở, có tầm nhìn tốt và luôn đón nhận những ý tưởng mới. Đặc biệt là Thầy Phong – Hiệu trưởng ĐHQT và Thầy Bình – Giám đốc của Đại học Quốc gia, cả hai thầy đều rất thân thiện và rất ủng hộ ý tưởng của Thầy. Chính vì vậy, sau khi đã xem xét và bàn bạc kỹ lưỡng, thầy quyết định chọn ĐHQT là môi trường giáo dục để phát triển ngành Kỹ thuật Y Sinh. Đến thời điểm này, Thầy thấy quyết định của Thầy là đúng. Tại ĐHQT, Thầy nhận được sự ủng hộ cả về tinh thần, vật chất, và quản lý. Thầy có nhiều cơ hội để tiến hành những việc làm Thầy mong muốn. Mỗi ngày đi làm là một ngày hạnh phúc và vui tươi của Thầy bởi lẽ Thầy làm được nhiều việc hơn lúc Thầy bên Mỹ.
Bên cạnh những thuận lợi, những khó khăn nào Thầy gặp phải trong việc phát triển ngành Kỹ thuật Y Sinh tại Việt Nam?
GS. TS. Võ Văn Tới: Một trong những khó khăn lớn nhất mà Thầy gặp phải là sự thiếu hụt nhân sự. Tuy nhiên Thầy thấy mình cũng còn rất may mắn bởi lẽ có nhiều em sinh viên sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ ở Mỹ và một số quốc gia khác quyết định quay trở về nước và cộng tác với Thầy. Mới tháng 8 vừa qua, thầy nhận được thêm 2 em du học sinh VEF vào bộ môn Kỹ thuật Y Sinh. Ngoài ra, trong Bộ môn, Thầy cũng có các giảng viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Khoa học kỹ thuật, Y và Dược. Thầy cảm thấy rất hài lòng vì mình có được một đội ngũ đa dạng các nhà nghiên cứu tâm huyết để cùng làm việc. Ngành Kỹ thuật Y Sinh là một ngành mới ở Việt Nam nên Thầy luôn tạo những cơ hội cho các giảng viên Bộ môn thực hiện những ý tưởng mới. Các em nghiên cứu sinh nào muốn hợp tác với Thầy, Thầy đều hoan nghênh. Ở Bộ môn của Thầy, Thầy tập trung nhiều đến công tác nghiên cứu và khoa học ứng dụng. Nhân đây Thầy cũng có lời khuyên đối với các em du học sinh đó là: bên cạnh việc học kiến thức, trau dồi cho mình một nền tảng lý thuyết vững chắc, các em cũng nên chú trọng đến những vấn đề kỹ thuật và thực nghiệm. Cần tìm tòi học hỏi thêm những kỹ thuật nào có thể hỗ trợ mình trong nghiên cứu, không nên chỉ thiên về tìm hiểu lý thuyết.
Thầy đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển ngành Kỹ Thuật Y Sinh nói riêng và các ngành khoa học kỹ thuật khác nói chung ở Việt Nam?
GS. TS. Võ Văn Tới: Để trả lời câu hỏi này, Thầy sẽ đề cập đến hai vấn đề đó là: tầm nhìn gần và tầm nhìn xa. Xét về nhu cầu hiện tại hay tầm nhìn gần, Thầy lấy ví dụ về thực trạng thiếu thốn các trang thiết bị y tế ở Việt Nam hiện nay. Mặc dù rất nhiều bệnh viện trong nước đã đầu tư những khoản tiền lớn để mua các máy móc thiết bị hiện đại từ nước ngoài, tuy nhiên nhân sự tại bệnh viện lại không thể khai thác hết các chức năng của thiết bị, dẫn đến tình trạng: hoặc là lãng phí trang thiết bị, hoặc là bệnh nhân bị bắt buộc làm các xét nghiệm sử dụng các thiết bị này (những xét nghiệm hoàn toàn không cần thiết) để bệnh viện thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Chính vì vậy, giáo dục Việt Nam cần phải có định hướng đào tạo được đội ngũ kỹ sư, những người có tri thức, hiểu biết, có khả năng sử dụng, bảo trì, chế tạo những sản phẩm thực dụng trong đời sống, có khả năng cộng tác với các bác sĩ, dược sĩ để phục vụ con người và làm tăng giá trị cuộc sống của họ.
Xét ở tầm nhìn xa, người Việt Nam mình cần phải chủ động đi tìm, đi khám phá những vấn đề, những nhu cầu đang xảy ra ở chính đất nước mình và những chủ đề nghiên cứu có thể chỉ có ở đất nước mình. Người Việt Nam rất giỏi kế thừa và học tập theo thành tựu của các quốc gia phát triển, tuy nhiên mình không nên chỉ dừng lại ở việc cứ mãi kế thừa và học tập, người Việt mình cần phải tự giác tìm hiểu nhiều vấn đề và nhu cầu thực tế ở quê hương, từ đó bắt tay vào việc nghiên cứu và phát triển, không nên mãi chạy theo những thành tựu đã có sẵn của người khác. Mình đừng mãi mặc cảm về việc mình dở, mình kém phát triển. Mình phải có tư duy tìm tòi nghiên cứu cái mới và thậm chí dạy lại cho người khác, có như vậy mới tiến bộ được và thu hút được người ngoại quốc đến làm việc với mình.
Mặc dù mình chậm phát triển nhưng cần tránh tư duy “đi tắt đón đầu” là cái thứ tư duy chỉ làm mình hoang tưởng hay làm mình hoang mang thêm ngay dù mình có đạt được kết quả mình muốn. Cái mình cần phát triển là tầm nhìn để biết mình muốn gì, đi đâu và hiểu được kết quả của công việc mình làm để chỉnh sửa và tiến tới trước. Muốn được như thế mình cần phải biết mơ ước (dream), rồi biến ước mơ mình thành tầm nhìn, rồi biến tầm nhìn thành hành động hiện thực.
Một điểm nữa là một ngành khoa học kỹ thuật trong một xứ muốn phát triển tốt phải có một nền công kỹ nghệ tương ứng đi kèm. Ngược lại một nền công kỹ nghệ muốn phát triển tốt cần phải hợp tác chặt chẽ với môi trường hàn lâm. Trong ngành Kỹ thuật Y Sinh nói chung và thiết bị y tế nói riêng thì Việt Nam mình cần cả hai. Đây chính là thách thức cũng như cơ hội cho thế hệ trẻ Việt Nam mình.
Nãy giờ Thầy nhắc đến diễn đàn All the ways home đôi lần. Diễn đàn này được lập ra với những mục tiêu gì và cách thức hoạt động như thế nào?
GS. TS. Võ Văn Tới: Như các em biết, chính sách của VEF quy định rằng sinh viên nhận học bổng sau khi hoàn thành khóa học và đào tạo sau tiến sĩ 18 tháng sẽ phải quay về nước phục vụ hai năm trước khi trở lại Mỹ để học hay công tác tiếp. Tuy nhiên, trong quãng thời gian Thầy giữ cương vị là giám đốc điều hành của VEF Fellows, rất nhiều em du học sinh đã chia sẻ với Thầy rằng các em mong muốn được ở lại Mỹ để tiếp tục làm việc, học tập và nghiên cứu; về Việt Nam tài năng của các em sẽ bi thui chột đi. Chính những chia sẻ này đã giúp Thầy khám phá ra rằng có một sự không thông hiểu giữa sinh viên đi du học nước ngoài và những người làm quản lý giáo dục ở Việt Nam. Một số vấn đề như phúc lợi, lương bổng và sự hạn chế trong môi trường nghiên cứu – giảng dạy tại quê nhà phần nào đó đã khiến các em chưa muốn quay về nước sau khi học xong. Do đó, vào năm 2007, Thầy đã mở diễn đàn “All the ways home” nhằm kết nối các cán bộ quản lý giáo dục ở Việt Nam và các em du học sinh ở Mỹ. Như Thầy đã chia sẻ ở trên, Thầy đã mời hiệu trưởng và giám đốc ở nhiều trường Đại học, cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam sang Mỹ để: một mặt, họ trình bày nhu cầu, kỳ vọng, những phúc lợi và hỗ trợ của họ đối với các du học sinh, mặt khác, chính các em du học sinh cũng trình bày ước muốn, nguyện vọng của mình nếu các em như đồng ý quay về nước phục vụ. Qua những đối thoại này, Thầy cho rằng để thu hút sinh viên quay về nước công tác, vấn đề lương bổng, phúc lợi và cơ sở vật chất… rất quan trọng. Tuy nhiên tạo điều kiện làm việc cho người trở về có thể thi thố tài năng mình còn quan trọng hơn. Diễn đàn này được tổ chức mỗi năm một lần tại các kì hội thảo thường niên của VEF trong khoảng thời gian Thầy làm Giám đốc điều hành và một vài năm sau đó. Đến các năm gần đây thì không biết lý do gì mà không thấy tổ chức nữa.
Với hơn 40 năm làm khoa học (từ 1968 – 2015), Thầy có nghĩ mình là một người thành công trên con đường khoa học hay không? Những yếu tố nào đã giúp Thầy đạt được những thành tựu trong nghiên cứu và trong việc thành lập, quản lý các chương trình đào tạo-giảng dạy tại Mỹ và Việt Nam?
GS. TS. Võ Văn Tới: Chà, câu hỏi này là bắt thầy phải tự khen mình sao? Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, Thầy cảm thấy rất hạnh phúc vì những gì Thầy đã thực hiện được, mặc dù có rất nhiều thứ Thầy muốn làm nhưng thất bại liên miên và nhiều khi cũng phải trả giá đắt. Nếu nói về yếu tố nào giúp Thầy đạt được những thành tựu như ngày hôm nay thì Thầy nghĩ đó là niềm đam mê và sự cố gắng hết sức mình. Lúc nào Thầy cũng muốn khám phá và bắt tay vào thực hiện những việc mới. Mỗi ngày Thầy luôn tìm tòi những ý tưởng hay và cứ thế Thầy xông xáo làm. Tuy nhiên chuyện quan trọng nhất vẫn là phải làm xong và làm tốt những chuyện mình đã bắt đầu hay đã hứa, ngay dù đó là những chuyện nhỏ. Điều này tạo sự tin tưởng cho chính mình và cho những người chung quanh mình. Từ ngày về Việt Nam, Thầy cảm thấy hạnh phúc và hài lòng bởi lẽ Thầy không chỉ làm việc một mình mà Thầy còn cộng tác và kết nối với các đồng nghiệp khác, cảm giác Thầy vui vì có bạn đồng hành trong công việc. Trong môi trường làm việc, sau khi nhìn nhận ra vấn đề và tìm thấy được cơ hội, chủ động tìm kiếm các cộng sự để cùng nhau làm việc đó là cách Thầy làm.
Thầy có lời khuyên nào dành cho các bạn sinh viên và các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam hiện nay?
GS. TS. Võ Văn Tới: Thầy thấy thế hệ trẻ Việt Nam rất có tài, chỉ có vấn đề là họ thiếu điều kiện và môi trường làm việc thích hợp. Do đó Thầy nghĩ rằng việc thế hệ trẻ cần làm đầu tiên là đi tìm cho mình những môi trường thích hợp để phát huy tài năng. Nếu không tìm được môi trường thích hợp thì mình phải tạo lấy môi trường. “Anh hùng tạo thời thế” chắc là vậy đó! Môi trường ấy không hẳn chỉ có ở nước ngoài, ngay cả trong quê hương cũng có. Nếu mình chỉ mãi nhìn ra bên ngoài thì mình sẽ quên mất và bỏ lỡ đi nhiều cơ hội có sẵn ở trong nước. Ở nước mình hiện nay có rất nhiều cơ hội tốt. Khó khăn, chướng ngại và gian nan ở đâu cũng có, vấn đề là mình phải có nhiệt huyết, hãnh diện về dân tộc mình, mong muốn được phục vụ đất nước mình và tinh thần học hỏi nhiều. Đối với các em còn trong nước, nếu có cơ hội đi học ở nước ngoài, các em nên học những thứ thiên về thực nghiệm hay khoa học kỹ thuật tiên tiến là những thứ mà đất nước mình đang thiếu, thay vì chỉ chú trọng đến lý thuyết. Một điểm quan trọng nữa đó là đối với những du học sinh trở về nước, các em nên xem xét giá trị và vị trí của mình hiện tại đang ở đâu. Đặt mình là người ở giữa, xác định cái gì hoặc ai là những “input” giúp mình phát huy khả năng cùng với năng lực bản thân, và những gì mình làm được tạo ra các giá trị giúp ích và đóng góp cho cái gì, cho ai – đây chính là “output”. Nếu không có thì mình phải thiết lập ra những input và output đó bằng những liên hệ của mình với những người mình biết. Nếu tạo được một hệ thống như vậy thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, các em cũng sẽ tạo cho mình môi trường làm việc hấp dẫn, các em sẽ thích nghi với hoàn cảnh và sẽ thi thố được tài năng của mình.
Cảm ơn Thầy vì những câu chuyện và lời khuyên rất hữu ích và thú vị cho các bạn sinh viên, các nhà nghiên cứu trẻ và cả các nhà quản lý khoa học. Thay mặt tạp chí Viet Nam Journal of Science, chúng em kính chúc Thầy nhiều sức khoẻ và niềm vui trong sự nghiệp giáo dục, trong con đường nghiên cứu khoa học, chúc Thầy thành công hơn nữa trong việc phát triển ngành Kỹ thuật Y Sinh lớn mạnh tại Việt Nam.
Theo Vjsonline
Xem bài gốc tại đây