Tôi viết bài này kể về chính câu chuyện của mình và muốn gửi tới các bạn trẻ một lời nhắn nhủ rằng chúng ta hay ước mơ, nuôi dưỡng ước mơ và có kế hoạch thực hiện ước mơ, cánh cửa đại học Mỹ mở ra với tất cả mọi người, không phân biệt sang hèn, cao thấp, chỉ cần bạn có quyết tâm bạn sẽ thành công…
TRUYỆN NGOÀI CHÍNH SỬ: Tuôi thơ dữ dội “Thôi con ạ, con học dốt thế này, suốt ngày lêu lổng, học võ, đánh nhau, tụ tập thì chẳng hy vọng gì đâu. Nhà này Mẹ chỉ có mình con, chả biết kiếp trước Tao (Mẹ) nợ gì nhà mày, mà lại đẻ ra mày ngỗ ngược như vậy.” Mẹ tôi mắng tôi cách đây đúng 24 năm, khi tôi còn học lớp 9. Thế mà đã 24 năm, một phần tư cuộc đời. Tôi đã không còn được nghe Mẹ mắng nữa. Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo ngoại thành Hà Nội. Lúc đó có lẽ ở Việt Nam làng nào cũng nghèo cả. Nhà tôi cũng vào loại khá giả vì Mẹ tôi có nghề buôn vải. Nghe Mẹ tôi kể Bà thành công là nhờ dám làm.
Cái ngày cả nước sống bằng “tem phiếu”, Mẹ tôi lang thang khắp phố Tràng Tiền, lẻn vào ngách, ngõ con phố này để buôn tem phiếu. Những tấm tem phiếu dùng để mua gạo, mua thịt, mua xà-phòng, hay mua bất cứ thứ hàng hóa nào mà Nhà Nước cho phép. Mẹ tôi mua, đem cả mì gạo ở quê mang ra đổi. Bà đem ra chỗ khác, bán kiếm lời. Nghe nói Mẹ kiếm bội tiền và ra chợ Đồng Xuân mua quần áo cho chúng tôi. Có lần Bà trông thấy người ta thì thầm gì đó, tiến gần lại nghe thì hóa ra gặp được mấy bà buôn vải lậu, đang rỉ tai nhau là sắp có “Phòng Thuế” đến kiểm tra, chị em giấu hết hàng đi. Ngày đấy dân buôn sợ phòng thuế lắm. Sợ hơn cả dân mình ra đường sợ Cảnh Sát Giao Thông (mong các chú đừng trách tội người viết mà chỉ lấy ví dụ cho sinh động thôi ạ). Từ ngày ấy Mẹ tôi chuyển sang buôn vải. Thế là một thời kỳ thịnh vượng của gia định bắt đầu. Buôn vải lãi lắm, nhưng nếu Phòng Thuế bắt là mất tất. May mà Bố tôi làm Công An (C500), cứ hễ Mẹ bị bắt, là Bố lại lên xin
. Anh em trong ngành nể nhau, cho qua. Mẹ tôi thoát được nhiều lần, nhưng cũng nhiều lần trắng tay về nhà. Đêm đến tôi nghe thấy Mẹ khóc. Tôi ngủ riêng từ 4 tuổi. Mò sang giường Mẹ. Ôm lấy Bà và nói “sau này con lớn, con sẽ làm Công An, để chả ai bắt được Mẹ nữa No.7, Alley 39/35 Hao Nam Street, O Cho Dua Ward, Dong Da District, Hanoi, Vietnam Email: IvyleagueVietnam@gmail.com Fanpage: https://www.facebook.com/IvyLeagueVietnam/ Ai cũng bảo tôi thông minh từ bé. Nhưng bảo học là lười.
Tôi đến lớp không bao giờ nghe giảng. Chỉ mang vở ra vẽ. Lúc thì vẽ cô giáo có ria mép. Lúc thì vẽ bạn Quản Ca sinh gái ngồi bàn đầu. Rồi xé sách giáo khoa gấp máy bay. Có lần tôi trèo lên nóc nhà giám hiệu, phi cái máy bay giấy bay lượn một hồi lâu mới rơi xuống đất. Tôi cứ thầm ước sau này tôi cũng bay cao, bay xa. Tóm lại, tôi học “dốt”. Dốt vì chả học bài bao giờ. Tết đến, tôi đi mua thuốc pháo về nhà cuốn pháo. Sách giáo khoa, vở sạch chữ đẹp, báo, giấy, trong nhà có bao nhiêu, tôi mang ra cuốn pháo hết. Pháo nguy hiểm, năm nào cũng có vụ nổ chết người. Bạn tôi có thằng cụt bàn tay vì đổ xi pháo (nấu xi rồi đổ vào ngòi pháo)
. Pháo đổ xi thường nổ đanh và to. Trẻ con rất thích. Người lớn thì sợ vì đã biết thế nào là nguy hiểm. Tóm lại, tôi học dốt. Không bao giờ học, tôi lại thích đi học vẽ vì có lần tôi gặp mấy anh chị trường Đại Học Mỹ Thuật về làng tôi thực tập vẽ tranh phong cảnh. Làng tôi đẹp, mấy mái nhà ngói lút sâu trong rừng dừa. Mẹ tôi bảo Phim Vĩ Tuyến 17 là quay ở làng tôi vì lúc đó lấy bối cảnh là Miền Nam Kháng Chiến. Có ông Thầy dạy vẽ trong làng, Mẹ tôi bảo đến đấy mà học vẽ, học truyền thần để sau này kiếm lấy cái nghề mà sống. Tôi lại lao vào vẽ, suốt ngày đi vẽ, lúc nào cũng vẽ. Màu, mực, bút, tẩy, giấy bày khắp nhà. Được cái Bố Mẹ tôi chiều “cậu ấm”, cứ mặc kệ, chả ép tôi học “toán, lý hóa, văn…”. Vì tôi bảo tôi ghét mấy thứ đó. Chả có ý nghĩa gì cả. Học như khoai. Cô giáo thì là bạn Mẹ, nên năm nào tôi cũng lên lớp. Vèo cái đã đến năm cuối cấp 2, ôn thi vào cấp III trường huyện. Hôm đi thi, chả hiểu sao có thằng bạn vừa quen lúc ngôi đợi gọi tên vào phòng “ném bài” cho thế là đỗ. Vào cấp III thế là xong.
Kiểu gì học hết cấp III cũng thành người. Lúc đó tôi chỉ nghỉ thế. Lại đánh nhau, lại đốt pháo. Nhớ mãi năm 93 cả nước cấm đốt pháo. Tôi ra giữa sân trường cầm bánh pháo Bình Đà, thằng bạn tôi chạy theo châm lửa, cả Ban Giám Hiệu đứng như trời trồng vì có thằng nào dám làm thế? Thầy chủ nhiệm và Thầy chủ nhiệm Đoàn trường chạy ra cản. Tôi kịp châm ngòi vứt pháo lại, bỏ chạy, các Thầy cũng bỏ chạy té khói. Bọn con trai, con gái đứng trong lớp, hành lang vỗ tay hưởng ứng. Cả trường tưng bừng tiếng pháo nổ. Tôi bỏ chạy mất hút luôn. Thầy Hiệu Phó vào lớp tôi họp khẩn. Tôi đang cầm quả pháo giựt. Thầy cao 1,4m nên chả nhìn thấy Thầy vào, tôi giựt pháo nổ “đoàng một cái” thì thấy sau gáy đau đau, hóa ra Thầy đang sách tai tôi đứng dậy, lôi lên phòng Giám Hiệu. Tôi bị đuổi học một tuần. Càng sướng vì từ nay chả phải học. Bác tôi trước kia làm Phòng giáo dục Huyện, nên quen hết các Thầy. Thế là tôi lại được tha. Hứa không tái phạm. Năm ấy, tôi học lực kém, hạnh kiểm yếu. Lưu ban. Mẹ tôi lại đến nhà Thầy chủ nhiệm, xin cho tôi. Thầy chủ nhiệm thương tình, cho tôi thêm một phết, lên học lực trung bình. Còn hạnh kiểm thì không cho được. Thầy bảo tôi đi rèn luyện hè. Thực chất là đi dọn vệ sinh ở mấy cái hố xí trong trường. Ngày ấy chưa có hố xí tự hoại như bây giờ. Cả Thầy và trò “tiểu và đại” cùng một chỗ vung vãi cả. Có lần đang học, nghe đánh “oạch” rôi “kêu oái oái”.
Cả máy lớp kéo ra xem, thì hóa ra một bạn xinh lắm “kiêu kiêu” khi bọn tôi ghẹo, “xòe” ra nhà xí. Nhìn bạn ấy mà thương, tóc tai, tay chân, trên má cũng dính một ít. Vừa đi vừa khóc ra bãi lấy xe đạp phóng về. Từ hôm sau chả thấy kiêu nữa, dịu dàng hẳn. Học hay đi Bộ Đội? Thấy tôi học chả nên thân, Mẹ tôi bảo thôi học lên lớp hết cấp rồi đi Bộ Đội. Tôi thấy mấy anh cạnh nhà, đi Bộ Đội về, đen nhẻm, có anh còn bị ghẻ.
Nghĩ đi Bộ Đội cũng khổ, nhưng làm gì còn đường nào? Năm ấy lớp 11, thằng bạn nối khố nói với tôi “đi học tiếng Anh không? Bố tao bảo xin cho vào làm khách sạn.” Tôi về hỏi Bố tôi, con đi học tiếng Anh Bố ạ. Bố tôi bảo “học được thì ấm vào thân. Bây giờ Mỹ dỡ cấm vận rồi. Tao vừa thấy vô tuyến đưa tin Tổng Thống Bin-Cờ-Lin-Tơn nói…” Thế là cuộc đời bắt đầu thay đổi từ đây hay sao, giờ tôi cũng không biết rõ nữa. Định mệnh hay sao. Chỉ biết là tôi thích thú vì tiếng Anh là môn tôi ghét và sợ. Có ông Thầy dạy thì chả dạy, toàn dọa, làm tôi lại càng chả muốn học. Nhớ mãi mỗi lần đi muộn, muốn vào lớp thì phải nói bằng tiếng Anh. Trong mấy đứa, tôi chả nói được nên đứng ngoài cửa sổ. Cô bạn lớp trưởng beo béo viết mấy chữ vào tờ giấy ném ra cho tôi. Tôi đọc to và chả hiểu sao Thầy cho vào lớp. Hóa ra, bạn tôi viết “Mây Ai Cà Mín”.
Mãi sau tôi mới biết câu đó là “May I come in?” Từ hôm đó, tiết tiếng Anh nào tôi cũng nói câu này, Thầy hài lòng lắm. Có lần gọi tôi lên trước lớp kiểm trả bài cũ, hỏi tôi “con khỉ tiếng Anh là gì”, tôi bảo em chưa học đến. Thầy cho hẹn tiết sau trả lời. Tôi cũng thoát. Tôi và thằng bạn đạp xe ra trung tâm học Sờ-Chiêm-Lai A (Streamline A). Hôm đầu vào lớp, tôi choáng lắm. Thầy toàn nói tiếng Anh. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy người Thầy ấy phát âm cũng được. Từ vựng phong phú ra phết. Dạy bọn tôi quả Kiwi, quả ổi, quả bưởi. Tôi học các câu hỏi, chào, thời tiết, sở thích. Có lần thầy hỏi ai đặt một câu theo mẫu “have you got” tôi xum phong và nói “Have you got a girl friend?” Cả lớp cười ầm ĩ. Thấy bảo hay. Và thế là từ hôm ấy tôi có hứng học hẳn. Về nhà đêm nào cũng đọc oang oang cả nhà. Bố Mẹ tôi thấy vui vui vì 16 năm qua mới thấy tôi học. Bố tôi ra trường Sư Phạm Ngoại Ngữ mua cho tôi băng cát-xét giáo trình Sờ-Chiêm-Lai A, B, C. Tôi nghe có 1 tháng hết cả ba giáo trình. Từ vựng và bài khóa được dịch sẵn tiếng Việt. Tôi cứ thế học thuộc lòng. Nghe đến đâu học đến đó. Chả hiểu sao cái đầu “bã đậu” của tôi dạo này nó lại nhiều “óc đậu” thế, tôi thuộc hết cả. Có cuốn ngữ pháp của tác giả “Nguyễn Khuê”, tôi đọc nát ra.
Toàn tự học, có ai dậy đâu, mà biết hỏi ai? Đến lớp thì có 45 phút. Đến nhà Thầy học thì lười. Cứ ngồi nhà, hết đọc “Vang Bóng Một Thời” của cụ Nguyễn Tuân, lại đeo tai nghe tiếng Anh. Chả biêt sao học lại vào và thuộc hết cả bài khóa lần từ vựng. Bố Mẹ tôi vui lắm, từ hôm đấy xin tiền đi học tiếng Anh là cho ngay. Tôi bỏ hết chơi bời, ở nhà luyện tiếng Anh, luyện văn, lười luyện toán. Thầy giáo tiếng Anh không biết sau 3 tháng hè tôi đã tiến bộ, đến giờ học buổi đầu lớp 12, Thầy gọi tôi lên bảng chữa bài tập. Tôi viết ra một cái bảng, Thầy có vẻ hơi hóa mắt vì không dám tin. Thầy dạy bọn tôi từ kỳ II năm lớp 11 và tiếp tục lên lớp 12. Thầy bảo “a, cái anh này khá”. Hôm sau tôi được gọi vào đội tuyển tiếng Anh của nhà trường. Thấy các bạn giỏi quá, tôi bỏ chả thèm theo học. Về nhà mua sách Sờ-Chiêm-Lai Dê luyện tiếp. Chị tôi học trong Nam ra, mang cho tôi cuốn từ điển bé xíu, tôi tra nát cả từ điển, đánh dấu nguệch ngoạc.
Có lần cao hứng tôi xé luôn một trang từ điển mang theo để học thuộc. Thế mà thuộc hết, dù chả hiểu gì mấy. Có nhiều từ đến hôm nay vẫn nhớ. Đậu đại học và làm giảng viên Tôi thi đỗ hai trường đại học điểm khá cao. Cả họ nhà tôi đến ăn cỗ mừng nhâp học. Vào trường, tôi thấy đời thênh thang quá. Cánh cổng đại học mơ ước đây rồi. Vào lớp, tôi sốc. Nghe chả hiểu gì cả. Đọc thì tàm tạm. Nói thì trung bình. Làm thế nào đây? Tôi chả có chút cảm hứng gì ngồi trên lớp. Như tra tấn. Học thế nào đây, nhìn vào cái gì cũng toàn từ mới, chả hiểu. Thằng bạn tôi nó bảo trên thư viện học hay lắm. Có CNN. Tôi leo lên đó với nó, lần đầu tiên trong đời tôi biết đến Kênh Truyền Hình CNN. Nhìn các news ankor (phát thanh viên thường trú) và news correspondents (phát thanh viên trực tuyến) thật hiện đại, nói hay qua, phát âm chuẩn tiếng Anh Mỹ.
Tôi nhận ra đây là nguôn học liệu quý báu. Thế là ngày nào tôi cũng lên thư viện ngồi nghe. Chả hiểu gì cả. Tôi thu âm mang về nhà nghe. Tôi có anh bạn học trường ngoại giao, rất giỏi tiếng Anh. Cuốn tuần tôi lại đạp xe vào tận nhà anh, nhờ nghe giúp, nhờ sửa bài viết, và học lỏm được chữ nào hay chữ ấy. Nhờ anh tôi mới biết thu VOA (Đai phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ) và BBC (Kênh phát thanh của Công Ty Phát Thanh và Truyền Hình Anh Quốc). Tôi thu vào các băng cát-xét và nghe đi nghe lại. Đêm nào cũng thức đến 1h sáng để thu bằng được Bài Xã Luận (Editorial) để sang hôm sau có tư liệu nghe. Tôi chép ra vở, nhưng không nghe hết vì vướng từ mới nhiều. Có lần tôi đi mua sách cũ ở số 80 Bà Triệu, tôi nhìn thấy đống báo cũ toàn là the Economist, the Times, the Far Eastern Economic Review, the Newsweek….có 2,000 đồng một quyển.
Tôi mua cả đống mang về, đọc thì thấy có các bài viết nói về vấn đề mà tôi đang nghe mà không thủng. Từ đấy tôi phát hiện ra cách học mới, “Nghe và Đọc” cùng một chủ đề liên quan. Tôi học say mê. Không muốn ra khỏi nhà vì còn phải đọc. Mùa hè đến chia tay bạn gái xong, là tôi lại lao vào học. Cuốn sổ ghi từ mới của tôi đầy ắp, khi tốt nghiệp tôi có tới hơn 10 cuốn đầy ắp từ mới. Chiếc cát-xét Bố tôi mua cho đã bị gãy nút “tua” (rewind) vì nghe nhiều quá. Sau này, khi tốt nghiệp Mẹ tôi bán báo cũ cân được hơn mấy chục kg. Cuộc đời cho tôi nhiều may mắn. Tôi gặp được Thầy tôi. Thầy dạy tôi làm người. Dạy tôi làm nhà khoa học. Tốt nghiệp ra trường, sau một thời gian tôi được mời về làm giảng viên. Tôi vui sướng vì đây là niềm mơ ước bấy lâu. Gia đình tôi tự hào. Bạn bè ngưỡng mộ. Tôi trở thành một câu chuyện để bạn bè kể. Ai cũng biết đến năm lớp 11, tiếng Anh của tôi chỉ 3.9. Thế mà đến lớp 12, đã là 8.9. Tôi có thằng bạn dạy tôi toán học để thi đại học. Ngày nào tôi cũng bám rịt lấy nó để hỏi. Nó bắt tôi về học lại “hằng đẳng thức đang nhớ”. Tôi nghe nó về học, hôm sau nó cười bảo, thế mà mày cũng nghe tao. Từ đó nó dậy tôi siêng năng.
Tôi đỗ đại học là nhờ nó. Tôi gọi nó “bằng Anh”. Tôi được phân vào Tổ Thực Hành Tiếng. Dậy vui nhưng chán vì chả thấy tiến bộ gì nhiều. Sau một năm, nhà trường phân tôi lên Tổ Phiên Dịch. Tôi sướng như phát điên. Vì hồi đó có giáo viên trẻ nào mà được dậy biên-phiên dịch đâu. Dịch khó lắm. Đó chính là thời gian tôi rèn luyện, tu dưỡng bản lĩnh. Tôi đi dịch nói kiếm tiền. Dịch cabin được trả nhiều tiền lắm.
Tiền có bao nhiều, tôi mua sách, mua đĩa Toefl về luyện để xin học bổng đi Mỹ. Tôi thích Mỹ từ nhỏ. Ngày xưa hồi những năm 80, có đoàn khách Mỹ về thăm làng tôi, tôi chạy theo gọi “Liên Xô”, một bác da trắng mắt xanh to cao quay lại nói với tôi “No, U.S.A”, rồi cho tôi một bức ảnh Quốc Hội Mỹ (sau này tôi mới biết). Tôi chạy về hỏi Bố tôi U.S.A là gì, Bố tôi bảo là nước Mỹ (giặc mà con). Tôi bảo, bố có ghét giặc không? Bố tôi bảo “chiến tranh qua rồi, ghét gì nữa. Tao thích mặc áo Na-Tô.” Trên áo Na-Tô có in chữ U.S.A.
( Còn tiếp )