Đã hơn 5 năm kể từ khi tập sách cuối cùng của hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt được xuất bản và dạy thử nghiệm ở nhiều nước.
Hiện Bộ GD&ĐT giao cho NXB Giáo Dục Việt Nam tái bản hai bộ sách này.
Ở thời điểm này, đây là hai bộ giáo trình đầu tiên do các chuyên gia trong nước biên soạn, để hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, theo định hướng như dạy một ngoại ngữ.
GS Nguyễn Minh Thuyết – chủ biên bộ sách Tiếng Việt vui, đồng thời là người chủ trì xây dựng chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài – cho biết: Thực hiện dự án của Chính phủ về hỗ trợ dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, do phó thủ tướng thời kỳ đó là ông Phạm Gia Khiêm làm trưởng ban chỉ đạo, năm 2005, chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng hai chương trình.
Một chương trình dành cho thanh thiếu niên từ 9-18 tuổi và một chương trình cho người lớn trên 18 tuổi. Sau khi chương trình được thẩm định, chúng tôi tiến hành biên soạn hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt từ năm 2006, đến năm 2010 thì hoàn thành. Mỗi bộ sách có 18 cuốn, phân chia thành 6 trình độ.
Mỗi trình độ gồm có sách cho học sinh, sách cho giáo viên và sách bài tập. Ngoài ra, một số nội dung hai bộ sách còn được thể hiện trên đĩa CD.
Qua thực tế tập huấn và phản hồi việc dạy học ở các nước, chúng tôi có chỉnh sửa bộ sách một lần. Nhưng đến nay sách mới được giao cho NXB Giáo Dục Việt Nam xuất bản và phát hành theo hình thức sách điện tử và sách in để bà con, giáo viên tham gia giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài truy cập, sử dụng miễn phí.
– Xin GS cho biết so với sách giáo khoa tiếng Việt dạy cho học sinh trong nước thì bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt có gì khác biệt?
– Đối tượng học hai bộ sách này là người Việt định cư ở nước ngoài. Trong số thanh thiếu niên từ 9-18 tuổi học bộ Tiếng Việt vui, rất nhiều người sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, chỉ biết lõm bõm hoặc hoàn toàn không biết tiếng Việt.
Số người Việt trên 18 tuổi học tiếng Việt cũng là những người chưa nói được tiếng Việt. Vì thế, sách biên soạn cho các đối tượng trên gần giống như sách dạy ngoại ngữ. Tiếng Việt vui và Quê Việt đều chú trọng việc dạy giao tiếp chứ không phải dạy ngữ pháp.
Từ các bài học đến hệ thống bài tập đều đưa người học vào những tình huống giao tiếp cụ thể, từ đó phát triển vốn từ ngữ và khả năng giao tiếp. Hai bộ sách đều xây dựng theo các chủ đề, chủ điểm cụ thể, gần gũi với đời sống của cộng đồng người Việt ở trong nước và nước ngoài.
– Việc biên soạn sách tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài có gặp nhiều khó khăn?
– Cái khó nhất của tiếng Việt với người không biết tiếng Việt là thanh điệu. Nếu ở trong nước, sách giáo khoa tiếng Việt có thể dạy cùng lúc cả 6 thanh điệu thì với người học ở nước ngoài, phải tính toán cẩn thận để đưa ra những từ ngữ có thanh điệu dễ phát âm trước, khó phát âm sau, mỗi bài 2 thanh điệu thôi.
Ngoài ra, đó là sự phức tạp trong xưng hô của tiếng Việt. Nếu các sách ngoại ngữ khác đều đưa chủ đề làm quen đầu tiên thì bộ sách Tiếng Việt vui không thể làm như vậy. Trong bộ sách Tiếng Việt vui, trước tiên chúng tôi dạy bài học về gia đình. Bài thứ 2 mới dạy cách xưng hô theo vị trí trong gia đình. Từ đó mới mở rộng ra cách xưng hô trong xã hội.
– Nội dung và hình thức hai bộ sách nói trên có định hướng lồng ghép việc giới thiệu hình ảnh đất nước, khơi dậy tình cảm hướng về quê hương của kiều bào không, thưa ông?
– Sách dạy tiếng Việt cần giới thiệu phong cảnh, phong tục tập quán, kinh tế – văn hóa Việt Nam. Việc đưa vào sách những câu chuyện, hình ảnh gần gũi của Việt Nam cũng phù hợp với mong muốn của kiều bào.
Tuy vậy, để phù hợp với người học, nhất là trẻ em sinh ra ở nước ngoài, khi lựa chọn các tình huống giao tiếp đưa vào sách, chúng tôi cũng cân nhắc để làm sao người học không quá xa lạ.
Ngoài ra, sách là tài liệu chung để cộng đồng người Việt ở nhiều nước khác nhau sử dụng tham khảo. Mỗi cộng đồng người Việt xa xứ có một đặc điểm khác nhau, vì thế chúng tôi cũng chọn đưa vào sách những nội dung, hình ảnh thể hiện giá trị chung của người Việt ở mọi cộng đồng.
– Theo ông, tình hình dạy tiếng Việt ở nước ngoài như thế nào? Hai bộ sách này có mang tính thống nhất để dạy cho người Việt ở nước ngoài?
– Nhóm biên soạn chương trình và sách có phân công nhau đi khảo sát ở một số nước như Mỹ, Pháp, Thái Lan…
Sau này chúng tôi còn có các đợt tập huấn giáo viên ở các nước Đông Âu, Mỹ, Thái Lan và Lào. Hầu hết việc dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài đều do các giáo viên không chuyên đảm nhiệm.
Nhiều thầy cô không được đào tạo sư phạm cũng như không được đào tạo để dạy tiếng Việt. Tài liệu dạy học thì tự sưu tầm là chủ yếu. Một số thầy cô mang sách giáo khoa tiếng Việt dạy cho học sinh tiểu học trong nước sang dạy nên không hiệu quả.
Khi Tiếng Việt vui và Quê Việt được biên soạn, dự án có in hơn 1.000 cuốn, chủ yếu phát cho các giáo viên dạy tiếng Việt từ các nước về Việt Nam tập huấn. Sau đó, nhiều người đã sử dụng bản photocopy hoặc chụp ảnh lại sách, đưa vào đĩa CD làm tài liệu dạy học.
Điều kiện dạy học ở mỗi cộng đồng người Việt các nước có những điểm khác nhau, nên hai bộ sách trên chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo, linh hoạt sử dụng, hoặc dựa vào đó biên soạn tài liệu chính thức dùng cho việc dạy học.
Bộ GD&ĐT giao NXB Giáo Dục Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ biên tập, thiết kế, chế bản, tạo file để đưa lên Internet, in và phát hành hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt. Cụ thể, sách Tiếng Việt vui in 437 bộ với 2.622 quyển sách và 2.622 sách bài tập,Quê Việt in 387 bộ với 2.322 quyển sách và 2.322 sách bài tập.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng giao NXB Giáo Dục Việt Nam in sách phục vụ việc bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020.
NXB Giáo Dục Việt Nam có trách nhiệm bàn giao bản mềm hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt đã được biên tập cho văn phòng bộ để đăng tải lên trang http//www.moet.gov.vn. Tổng kinh phí thực hiện: 1.639.098.903 đồng.
(Nguồn: Bộ GD&ĐT)
Theo Tuổi Trẻ
Xem bài gốc tại đây