Là lứa đầu tiên của thế hệ trẻ Việt Nam được làm việc tại thung lũng công nghệ cao Silicon, nơi có tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới – Google, Nguyễn Thành Nhân (SN 1983, Hà Nội) được ví là “nguồn oxy” cho sự tăng trưởng của Google. Tuy nhiên, Thành Nhân vẫn mong muốn ngày trở về quê hương để giúp đỡ bạn trẻ Việt.
Ðường đến thung lũng Silicon
Nhân từng đoạt được rất nhiều giải thưởng về Tin, Toán trong nước và quốc tế, được đặc cách mời làm trợ lý khoa học cho chương trình nghiên cứu quan sát vệ tinh trái đất của Chính phủ Canada khi mới học năm 2 ÐH Simon Fraser (Canada).
Với nhiệm vụ tạo thời gian biểu cho ba vệ tinh trị giá lên đến hàng tỷ đô la, giữ vai trò tham gia viết chương trình xếp lịch, tối ưu các thuật toán để điều khiển vệ tinh khi còn học năm 2 ÐH, Nguyễn Thành Nhân đã tạo ra một bệ phóng vững chắc để bước chân vào thung lũng công nghệ cao Silicon, nơi có tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới – Google sau khi tốt nghiệp ÐH Simon Fraser.
Trước đó, Thành Nhân bén duyên với Google từ năm 2006 (sau khi làm việc với Chính phủ Canada). Nhân được IBM (tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại New York, Mỹ) và Google mời qua tham quan trụ sở làm việc.
Nói về thời gian bắt đầu đến với Google, Thành Nhân kể: “Thực ra, mình đã có thư mời thực tập của IBM Canada trước khi có thư mời của Google (Mỹ), nhưng 3 người bạn cùng lớp qua Google nên mình cũng chọn Google luôn và lập tức chuyển qua Mỹ để chuẩn bị cho kỳ thực tập. Ðể chắc chắn có tên trong danh sách thực tập, mình phải trải qua hai vòng phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại, trong đó có Giám đốc Google”.
Trong 13 tuần thực tập tại thung lũng Silicon của Mỹ, nhiệm vụ chính của Thành Nhân là nghiên cứu và phát triển lĩnh vực tìm kiếm cho Google. Khi đó, anh đã bắt đầu tạo ra những cơ sở dữ liệu để nhen nhóm, làm nền tảng cho việc tăng doanh thu cho Google sau này.
“Dữ liệu mình làm bên Search (tìm kiếm) sau khi kết thúc kỳ thực tập và trở lại Canada. Có người bạn tên John Dethridge đưa dữ liệu đó vào dùng cho quảng cáo trên Google.com và kết quả thật bất ngờ về sự thay đổi của con số. Kết thúc kỳ thực tập, mình nhận ra Mỹ đi trước Canada quá nhiều về công nghệ và muốn qua Mỹ ngay”, Thành Nhân nói.
Thực tế ngay khi kết thúc kỳ thực tập, Nhân được người phỏng vấn gửi thư thuyết phục ở lại Google với lý do “kỹ năng của bạn sẽ phục vụ được rất nhiều người trên thế giới”. “Google còn hứa sẽ nâng lương và cổ phiếu cho mình, nhưng khi đó, mình chọn Chai Labs, một công ty công nghệ cao về ứng dụng internet, trụ sở ở Mỹ”, Nhân nói.
Tại Chai Labs, nhiệm vụ của Nhân là viết chương trình quản lý 13 triệu từ khoá quảng cáo với Google AdWords và Yahoo Marketing, đây cũng là bài toán phát triển cho các hồ sơ dự thầu, báo cáo và cấu trúc chiến dịch phát triển cho công ty.
Nguyễn Thành Nhân chia sẻ về lý do quay lại với Google: “Từ một công ty mới thành lập, Chai Labs đã vươn lên gây chú ý và được Facebook mua lại vào cuối 2010 và có mời mình làm với tuyên bố: Người dùng dành 10% thời gian trên Facebook. Mình trả lời: Các bạn lãng phí 10% của người dùng Facebook và quyết định quay lại đầu quân cho Google”.
Ngày trở lại Google, Thành Nhân tham gia nhóm làm về chất lượng quảng cáo. Anh nhớ lại: “Một bạn trong nhóm nói rằng, nhờ dữ liệu mình làm từ ngày thực tập mà tăng được chất lượng quảng cáo. Hơn nữa, khi làm việc tại Chai Labs, mình đã có kinh nghiệm làm việc về quảng cáo AdWords nên có nhiều ý tưởng tốt cho sản phẩm khi làm tại Google”. Vì vậy, chỉ sau nửa năm làm việc, Nhân đã đưa ra được nhiều sản phẩm mới.
Làm việc ở lĩnh vực chất lượng quảng cáo được hơn một năm, hiện tại, anh đã chuyển sang nhóm AdWords, trực tiếp với các công ty trả tiền quảng cáo trên Google.
Theo Nhân, để làm tốt trong lĩnh vực này, là một nhân viên của Google phải hiểu nhà quảng cáo cần gì và quảng cáo nào phù hợp với người dùng, luôn tham gia dự án lớn, giải quyết các phần khó trong dự án và Google luôn cần những ý tưởng cực sáng suốt.
Thành Nhân cho biết: “Ðể tăng doanh thu cho Google không phải là chuyện đơn giản và nó cần sự chăm chỉ. Kết quả tăng doanh thu được thể hiện rõ ở sự thay đổi của những con số trong Google. Chạy song song 2 hệ thống: 50% hiện tại và 50% hệ thống mới thì sẽ tính được doanh thu thay đổi. Có nghĩa 50% người dùng sử dụng hệ thống cũ, còn lại sử dụng hệ thống mới và máy tính hoàn toàn có thể tính doanh thu của từng hệ thống”.
Với sự nỗ lực sau hơn một năm làm việc, Nhân được nhận hai bằng khen vì thành tích làm tăng doanh thu cho Google. “Ngoài ra, giám đốc tài chính còn viết thư cho mình với nội dung: “Mức tiến bộ đột phá của nhóm Nhân là nguồn gốc sự phát triển của Google và bạn chính là nguồn oxy để tăng trưởng cho Google”, Nhân nhớ lại.
Ði nhiều để học hỏi nước ngoài
Mới đây, Thành Nhân được Google mời tham gia duyệt hồ sơ cho các thực tập sinh sau khi họ đã qua hai vòng phỏng vấn kỹ thuật của Google. Anh cho biết: “Hiện, Google có sự tham gia của nhiều bạn trẻ Việt Nam.
Trước đó, mình đã giới thiệu hơn 50 bạn gồm du học sinh và nhiều bạn học đại học ở Việt Nam, trong đó hơn 10 bạn đã nhận được thư mời và còn hơn 20 bạn đang phỏng vấn. Mình dự kiến, kỳ thực tập của 2015 này sẽ có khoảng 20 bạn, 2016 mình hy vọng sẽ có tới 40 bạn có cơ hội đặt chân vào Google”.
Thành Nhân luôn ấp ủ kế hoạch trong tương lai khi về Việt Nam: “Mình muốn giúp các công ty tìm ra con đường khởi nghiệp với công nghệ máy tính như: TechElite, Beeketing, Ybox…
Vì yêu thích Toán, Tin nên mình sẽ mở một câu lạc bộ về tin học. Mình sẽ mang những cuốn sách hay và những gì học được tại Canada và Mỹ về để trao đổi với các bạn trẻ Việt Nam. Hơn nữa, mình rất muốn định hướng, cố gắng giúp các sinh viên Việt Nam thực hiện ước mơ với Google.
Theo Nhân, thực ra, thế hệ trẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, mỗi người nên tìm cho mình môi trường tốt để phát huy những tiềm năng đó. Thiết nghĩ, các bạn trẻ nên có tính hướng ngoại, đi nhiều nước để học hỏi những cái hay để về xây dựng tương lai đất nước. Chăm chỉ và thân thiện là hai yếu tố mình muốn bạn bè thế giới thấy được ở người Việt Nam.
“Nếu kết hợp giữa internet và sự chăm chỉ, sự thông minh của người Việt, mình tin sẽ có những công ty công nghệ cao được sáng lập ở Việt Nam để phục vụ không chỉ trong nước mà còn cho thị trường thế giới. Quan trọng nhất là thị trường. Mỹ có số dân đông và kinh tế phát triển, nhân tài quy tụ về đây vì có cơ hội kiếm tiền.
Ở Việt Nam, số người dùng internet đang tăng rất nhanh, cả trên máy tính và điện thoại smartphone, đây cũng là một cơ hội mở ra cho những người hiểu biết về thị trường Việt Nam”, Thành Nhân nói.
Theo Tiền Phong
Xem bài gốc tại đây