
Bài dự thi Cuộc thi Đón Tết Việt trên Đất Mỹ 2016
Chủ đề: Tết sum vầy Bính thân 2016
Tác giả: Mạc Đăng Huy, Phạm Duy Khôi, Đoàn Thị Minh Phượng, và tập thể Hội người Việt Nam tại thành phố St.Louis, tiểu bang Missouri
Bài Viết và Ảnh dự thi:
Hoà chung không khí đón Tết của các gia đình Việt trên toàn nước Mỹ, anh chị em chúng tôi trong Hội Người Việt Nam St.Louis chào đón Tết Bính Thân bằng việc chuẩn bị đồ nghề gói bánh Chưng. Năm nào cũng thế, vào ngày 29 Tết, chị Tú lại tất bật chuẩn bị sẵn thịt mỡ, đỗ xanh, gạo cho chục cái bánh Chưng để mấy gia đình người Việt Nam tụ tập nhà chị gói bánh. Việc gói bánh Chưng chẳng có gì lạ ở Việt Nam nhưng lại là một ngày vui hiếm hoi làm bất cứ người Việt xa xứ nào cũng cảm thấy ấm lòng. Mỗi người một tay, người lau lá, người gói thành khuôn bánh, người gói bánh và cứ năm này sang năm khác, tay nghề của “hợp tác xã” gói bánh Chưng ngày càng thuần thục. Thành phẩm nào cũng vuông vắn, đều xinh chẳng khác bánh ngoài hàng là mấy.

Người lớn tíu tít kiểu người lớn, trẻ con lo chuyện trẻ con. Đứa nào đứa nấy được gặp nhau tay bắt mặt mừng, líu lo đủ chuyện. Những câu chuyện của những đứa trẻ sinh tại Mỹ lúc nào cũng ngọng nghịu bằng hai thứ ngôn ngữ, khi thì tiếng Anh, lúc lại tiếng Việt thế nhưng đứa nào cũng hiểu đối phương nói gì và thỉnh thoảng chúng lại khúc khích cười ròn giã. Đấy, cái Tết truyền thống cứ thể mà lớn dần lên trong tiềm thức tụi trẻ con và chẳng biết từ khi nào cứ nhìn thấy bánh Chưng, tụi trẻ lại khẽ reo lên “Tết rồi”!

Vẫn như mọi năm, chúng tôi chọn địa điểm lớp học làm nơi tổ chức Tết. Chúng tôi cảm thấy may mắn vì một năm có đến 2 ngày lễ lớn- 3 tuần nghỉ Đông, đón Christmas và năm mới và thêm 1 tuần nữa (dù không được nghỉ) cùng nhau rục rịch đón Tết như ở nhà. Năm nay, chúng tôi chọn đón Tết trùng với thời gian sáng mùng một Tết ở nhà. Mặc dù ai cũng bận nhưng ai cũng cố gắng chuẩn bị phần việc mình nhận thật chu đáo. Đứa thì cắt cắt dán dán tự tạo cành mai, cành đào; đứa thì xăm xắn lên thực đơn món ăn Tết và thông báo cho cả Hội.
Mỗi hộ gia đình sẽ góp một món truyền thống theo thực đơn đã lên cho ngày Tết. Năm nay, các “đầu bếp” có vẻ háo hức và chuẩn bị món ăn cầu kì hơn mọi năm vì có mục bình chọn món ăn để chọn ra “Vua đầu bếp” của Hội. Tôi đếm sơ sơ cũng phải đến 30 món ăn. Mỗi món ăn mang những nét đặc trưng rất dễ nhận ra của ba miền đất nước, tạo ra một sự hài hoà, sung túc, đầy đủ cho cả năm mà những người con xa xứ muốn gửi đến cho những người thân yêu của mình cách nửa vòng trái đất.

Chị Nhi Nguyễn, một cô gái đã xa quê hương 20 năm, là người đại diện lên nhận giải thưởng “Vua đầu bếp” của Hội. Món bánh ít của chị có vị thanh bùi của đỗ xanh, vị cay cay của ớt quyện với vị đậm đà của tôm thịt làm không ít người các bạn sinh viên miền Nam xúc động, bồi hồi khi được thưởng thức món bánh quê hương ngay trên đất Mỹ. Món bánh của chị cũng chiếm trọn tình cảm của những người Bắc chúng tôi và gần như ai cũng bình chọn cho chị làm chủ nhân của giải thưởng Master Chef năm nay.

Các phần giao lưu chia sẻ những cảm xúc đón năm mới, mừng tuổi cho các bé, những tiết mục văn nghệ và trò chơi do các thành viên của Hội đến từ trường Lindenwood, Washington University in St. Louis, St. Louis College of Pharmacy, và St. Louis University phụ trách đã làm nóng không khí khán phòng và vô tình tạo ra sợi dây vô hình kết nối những mầm non nhí chỉ mới 2-3 tuổi, các bạn sinh viên năm nhất, các anh chị sắp ra trường và những người đang đi làm. Ai trong chúng tôi cũng cảm thấy gắn kết với nhau hơn.




Ngày Tết như một chất keo kết dính những người Việt xa xứ và chúng tôi chẳng ai bảo ai xích lại gần nhau và cùng nắm chặt tay hát vang bài ca Phút giao thừa Lặng lẽ chào đón một năm mới đầy hy vọng và khởi sắc.