Ngày nay việc đi du học đã không còn quá xa lạ với các bạn học sinh – sinh viên. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công ngay trong lần phỏng vấn du học đầu tiên. Vì vậy, với những kinh nghiệm tổng hợp dưới đây, hy vọng sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho buổi phỏng vấn của mình và đến gần hơn với “cánh cửa” du học nhé!
#1: Luôn giữ tâm lý bình tĩnh, tự tin
Đồng ý rằng buổi phỏng vấn du học là rất quan trọng, nhưng bạn đừng quá lo lắng mà đặt thêm gánh nặng tâm lý cho mình. Hãy xem đó chỉ là một cuộc trò chuyện hàng ngày giữa bạn và người phỏng vấn. Chắc chắn là thầy/cô ấy sẽ không “ăn thịt” bạn đâu, thế nên cứ thư giãn, thoải mái đầu óc. Bạn cũng nên đi sớm để vừa có thời gian để xử lý những tình huống bất ngờ, vừa sử dụng chính thời gian đó mà ổn định tinh thần và bình tĩnh, tự tin hơn.
#2: Quan tâm đến vẻ bên ngoài
Ấn tượng ban đầu là rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn chỉ có vài phút để phỏng vấn, vì vậy hãy cố gắng tạo thiện cảm với người phỏng vấn mình. Bạn không cần ăn mặc quá cầu kỳ, trang trọng, nhưng nên giữ đầu tóc gọn gàng, trang phục lịch sự; tông màu quần áo cũng sẽ quyết định cái nhìn của người khác đối với bạn nên hãy phối màu một cách thông minh nhé! Bí quyết là hãy giữ thần sắc tươi tỉnh và thường xuyên mỉm cười, điều này sẽ giúp người khác thấy được bạn là người thân thiện. Quan trọng hơn, nụ cười cũng là phương pháp giúp bạn không còn căng thẳng, áp lực của buổi phỏng vấn cũng sẽ dần biến mất.
#3: Chân thành và trung thực
Người phỏng vấn bạn chắc chắn có nhiều kinh nghiệm, họ đã phỏng vấn bao nhiêu người trước bạn rồi mà. Vậy nên đừng cố gắng lừa dối họ bằng những câu chuyện bạn nghĩ ra, bởi vì họ sẽ biết bạn đang nói dối, ngay cả khi họ không thể hiện ra ngoài, và kết quả phỏng vấn đương nhiên là không tốt. Vì vậy, xin nhắc lại một lần nữa, tuyệt đối không được nói dối! Đừng lảng tránh những câu hỏi khó, nhưng hãy trả lời thật chân thành!
Nếu bị hỏi về con điểm xấu, về hạn chế của bản thân, cứ chậm rãi giải thích từng câu. Nếu không biết câu trả lời, chỉ cần nói đơn giản rằng “Xin lỗi, em không biết” chứ đừng bịa đặt gì hết. Ngay cả khi không nghe rõ câu hỏi, cũng đừng ngại đề nghị người phỏng vấn lặp lại câu hỏi giúp mình. Họ không đánh giá bạn đâu! Nên cứ thành thật giải thích là bạn không nghe rõ, hoặc bạn chưa hiểu rõ phần nào trong câu hỏi, và bạn muốn nghe lại để có thể trả lời cho phù hợp.
#4: Ngắn gọn, rõ ràng, rành mạch
Người phương Đông thường hay nói chuyện loanh quanh, vòng vo, và điều này đã trở thành thói quen khó sửa. Nhưng dù với bất cứ giá nào bạn cũng phải bỏ thói quen này, vì nó sẽ là bất lợi rất lớn khi phỏng vấn. Hãy cố gắng trả lời thật ngắn gọn, súc tích, trả lời trực tiếp vào trọng tâm, tránh đi lan man. Ngoài ra, bạn cũng phải giữ câu trả lời đơn giản và dễ hiểu nhất có thể. Dùng những từ ngữ thường nhật, đừng lạm dụng từ ngữ cao siêu hay từ chuyên ngành. Người phỏng vấn có thể không thuộc cùng chuyên ngành với bạn, và giả như họ cùng chuyên ngành đi nữa thì bạn cũng không thể chắc chắn 100% rằng cách dùng từ và phát âm của mình là đúng. Vậy nên hãy tránh càng nhiều càng tốt những hiểu lầm có thể khiến bạn mất cơ hội du học!
#5: Chuẩn bị và luyện tập mới là điều quan trọng nhất
Bất kỳ việc gì được chuẩn bị kỹ càng thì cũng đều có tỷ lệ thành công cao hơn hẳn. Phỏng vấn du học nói riêng, hay phỏng vấn nói chung đều như thế. Cho nên bạn cần phải đầu tư chuẩn bị thích đáng cho buổi phỏng vấn của mình. Hãy liệt kê danh sách những câu hỏi thường gặp rồi soạn ra những ý chính để trả lời, và nhớ là chỉ ghi chép những ý chính thôi, chứ đừng học thuộc câu hỏi như một cái máy nhé! Bạn có thể xem các câu hỏi phỏng vấn du học trên trang web của trường mà bạn nộp hồ sơ, hoặc hỏi thêm các anh chị cựu du học sinh chẳng hạn. Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ tổng hợp một vài câu hỏi thường gặp cho bạn.
Tuy nhiên, chuẩn bị không chỉ dừng lại ở việc viết câu hỏi và câu trả lời, điều cốt yếu là bạn cần phải luyện tập thật nhiều để có thể trả lời tự nhiên và chân thật nhất có thể. Nếu có điều kiện, hãy quay video phần luyện tập của mình và sau đó xem lại để biết mình cần phải sửa chữa hay hoàn thiện gì. Chẳng hạn như về biểu cảm gương mặt, ngôn ngữ hình thể, cách phát âm, cách dùng từ,… Nhớ tránh dùng từ lóng, từ chuyên ngành, tránh dùng những cử chỉ tay có thể gây hiểu lầm,… nhé!
Theo Ybox
Xem bài gốc tại đây