Mục đích của Facebook khi tạo ra Reactions không phải để làm thỏa mãn nhu cầu thể hiện cảm xúc của người dùng, mà còn đó một âm mưu thực sự phía sau.
Trong nhiều năm qua, những người sử dụng Facebook vẫn luôn muốn có một nút “Dislike” vì nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên Facebook không bao giờ tạo ra một nút như vậy, nhưng để làm hài lòng người sử dụng thì mạng xã hội này đã quyết định bổ sung thêm những nút cảm xúc mới bên cạnh nút Like.
Đó là 5 biểu tượng cảm xúc: trái tim, mặt cười, ngạc nhiên, buồn bã và tức giận. Một biểu tượng cảm xúc khác là “Yay”, thể hiện sự phấn khích, đã bị loại bỏ vì Facebook cho rằng trong thời gian thử nghiệm biểu tượng này khiến cho người dùng cảm thấy bối rối và rất ít được sử dụng.
Facebook đã giải thích về các biểu tượng cảm xúc mới, được gọi là Reactions, trong một bài viết trên trang blog của mình:
“Chúng tôi đã lắng nghe ý kiến của mọi người, chúng tôi biết rằng cần phải có nhiều cách đơn giản giúp người dùng dễ dàng thể hiện cảm xúc của mình đối với những thứ họ thấy trên News Feed. Đó là lý do chúng tôi giới thiệu Reactions, một phần mở rộng của nút Like, nhằm cung cấp cho bạn nhiều cách để thể hiện phản ứng của mình với một bài viết, một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất”.
Tất cả những gì Facebook nói đều là về người sử dụng. Tuy nhiên cũng giống như tất cả những gì Facebook đã làm, mọi thứ đều có một mục đích khác. Đằng sau các nút Reactions này là một mục đích khác của Facebook.
Đằng sau các biểu tượng cảm xúc
Thu thập dữ liệu. Đó dường như là công việc mà Facebook vẫn đang làm và làm rất tốt, để giúp người sử dụng tiếp tục gắn bó với mạng xã hội này. Tuy nhiên với các nút cảm xúc mới, việc thu thập dữ liệu người dùng sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Và quan trọng nhất, đó là giúp Facebook tiếp tục kiếm được rất nhiều tiền.
Mạng xã hội Facebook có những thuật toán rất thông minh, để quyết định những nội dung nào sẽ hiển thị trên News Feed của bạn. Nó thu thập dữ liệu và thói quen, sở thích của người dùng và đem đến cho họ cái mà họ muốn.
News Feed của bạn sẽ tràn ngập những thứ mà bạn muốn xem, nó tiếp tục được thay đổi khi mà thói quen và sở thích của bạn thay đổi. Chính vì vậy bạn không bao giờ chán việc lướt News Feed.
Một phần khác, các dữ liệu này được phục vụ cho việc quảng cáo. Và nút Like chính là chìa khóa của mọi vấn đề. Mỗi khi bạn ấn Like một cái gì đó, Facebook hiểu rằng bạn muốn thấy nhiều thứ giống như vậy hơn nữa và nó sẽ đáp ứng bạn.
Tuy nhiên chỉ một nút Like không thể giúp Facebook hiểu hết về người dùng của mình. Nó không thể thể hiện cảm xúc của người dùng trước một bài viết, chỉ đơn giản là cho thấy bạn quan tâm đến nó.
Nhưng với Reactions, mọi thứ sẽ bắt đầu thay đổi. Facebook có thể biết được phản ứng của người dùng là vui vẻ, hạnh phúc, ngạc nhiên hay buồn bã và giận dữ trước những gì xuất hiện trên News Feed của họ.
Mặc dù hiện tại Facebook cho biết họ vẫn chưa sử dụng các dữ liệu từ các nút cảm xúc mới như cách trên. Mà hiện nay, cả 5 biểu tượng cảm xúc chỉ đem lại dữ liệu tương tự như nút Like. Cũng có nghĩa là nếu bạn ấn biểu tượng buồn hoặc giận giữ trước một bài viết, nó có nghĩa là bạn ấn Like và sẽ càng có nhiều nội dung như vậy xuất hiện trên News Feed của bạn.
Dữ liệu người dùng sẽ bị Facebook khai thác triệt để hơn nữa
Nhưng nó sẽ sớm thay đổi. Theo một bài đăng của quản lý sản phẩm Sammi Krug cho biết:
“Ban đầu, bất kể người dùng ấn biểu tượng ngạc nhiên hay giận dữ, nó sẽ được tính như một Like và có nghĩa là bạn muốn nhiều nội dung tương tự như vậy. Nhưng sau một khoảng thời gian tiếp theo, chúng tôi hy vọng sẽ khiến cho các biểu tượng cảm xúc này có một ý nghĩa khác và nó sẽ quyết định nhiều hơn đến những gì xuất hiện trên News Feed của bạn, thay vì chỉ giống như một nút Like”.
Anh cũng nhấn mạnh rằng giai đoạn đầu tiên của Reactions chỉ là xem cách mọi người phản ứng và sử dụng các biểu tượng cảm xúc mới. Giai đoạn tiếp theo mới thực sự là cuộc cách mạng, khi các biểu tượng cảm xúc này sẽ dẫn đến việc quyết định cảm xúc thực sự của người dùng.
Theo một nghiên cứu khoa học, tỷ lệ các bài viết tích cực hoặc tiêu cực xuất hiện trên Facebook có thể quyết định đến tâm trạng của người sử dụng mạng xã hội này. Nói một cách khác là nó có thể khiến bạn vui hơn hoặc buồn đi.
Vì vậy ý tưởng của Facebook, đó là nếu bạn đang có tâm trạng vui thông qua việc sử dụng nhiều biểu tượng mặt cười hoặc trái tim, bạn sẽ càng thấy các bài viết hài hước và gây cười. Nếu tâm trạng bạn đang không tốt, bạn sẽ thấy nhiều bài viết tâm trạng hơn, triết lý và sâu sắc hơn.
Giống như một con nghiện được thỏa mãn “cơn khát”, người dùng sẽ càng gắn bó hơn với mạng xã hội này.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các dữ liệu để phục vụ cho quảng cáo vẫn là mục đích của Facebook, bởi nó tạo ra lợi nhuận. Với Reactions, các nhà quảng cáo sẽ hiểu hơn về cảm xúc của người sử dụng. Và một khi quảng cáo đánh được vào cảm xúc, họ sẽ chiến thắng.
Rất nhiều quảng cáo đem lại cảm xúc cho người xem, chứ không chỉ là giới thiệu về sản phẩm. Và có những quảng cáo mang không khí vui tươi, cũng có những quảng cáo đánh vào tâm trạng buồn và tình cảm của con người.
Việc lựa chọn các quảng cáo nào sẽ xuất hiện vào lúc nào và với người sử dụng có tâm trạng nào, sẽ là vô cùng quan trọng. Chắc chắn bạn sẽ không muốn thấy những đoạn video màu sắc, âm nhạc sôi động khi đang có tâm trạng buồn và ngược lại.
Nhưng vì sao lại chỉ có 5 biểu tượng cảm xúc bên cạnh nút Like
5 biểu tượng cảm xúc có vẻ như là quá ít với những gì con người có thể biểu hiện hoặc cảm nhận, nếu như không muốn nói rằng con người có hàng trăm cảm xúc khác nhau. Nhưng Facebook lại chỉ chọn ra 5 trạng thái cảm xúc tiêu biểu nhất, có lẽ đó không chỉ là sự tình cờ.
Một lý do có thể khiến cho Facebook chỉ lựa chọn 5 trạng thái cảm xúc, đó là phạm vi khác biệt giữa các cảm xúc. Nếu như phạm vi này là quá nhỏ, giống như biểu tượng mặt cười 😀 và :)) cũng không có gì khác biệt, thậm chí nó khiến cho người sử dụng cảm thấy bối rối khi lựa chọn một biểu tượng cảm xúc cho mình.
Facebook cần một cái gì đó đơn giản hơn, để không làm cho News Feed trở thành một nơi hỗn tạp. Bên cạnh đó, có thể nó cũng giúp cho các thuật toán của Facebook dễ thống kê hơn so với việc sử dụng hàng trăm biểu tượng cảm xúc khác nhau.
Bởi nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng trò chuyện, tán gẫu là không giống nhau. Trong các ứng dụng như WeChat hay iMessage, bạn có hàng trăm biểu tượng phong phú để thể hiện cảm xúc của mình. Tuy nhiên trong mạng xã hội, khi mà rất nhiều thông tin được hiển thị cùng lúc thì việc sử dụng quá nhiều biểu tượng sẽ dẫn đến sự hỗn loạn. Bên cạnh đó các mạng xã hội còn có tính năng comment để người dùng thể hiện quan điểm của mình, vì vậy quá nhiều biểu tượng cảm xúc là không cần thiết.
Các kỹ sư của Facebook sẽ còn rất nhiều việc phải làm để biến những dự định ở trên thành sự thật. Còn hiện tại, các nút Reactions này vẫn chỉ đơn giản là một nút Like được khoác lên mình một “chiếc áo” khác.
Chính vì vậy các bạn đừng có dại dột mà sử dụng chùng một cách bừa bãi, đặc biệt là đừng sử dụng các nút giận giữ trên những bài viết mà bạn ghét. Vì Facebook vẫn sẽ tính đó là một Like và các nội dung tương tự sẽ tràn ngập News Feed của bạn.
Theo Cafebiz
Xem bài gốc tại đây