Đối với rất nhiều người 4 chữ ACCA không có quá nhiều ý nghĩa, tuy nhiên đối với một nhóm người, 4 chữ cái này là cuộc sống của họ. Đối với những người làm Big Four ở Việt Nam, ACCA chính là một thử thách vô cùng to lớn phải vượt qua để có thể sống được với nghề, và tất nhiên đi kèm nó là chết với nghề.
Học ACCA để làm gì?
Nếu bạn tốt nghiệp đại học ở Việt Nam và quan tâm đến nghề kiểm toán, các bạn hẳn là phải biết về ACCA – chứng chỉ kiểm toán có giá trị, gồm nhiều bài thi và khi vượt qua, bạn gần như chắc chắn sẽ đạt được chứng chỉ kiểm toán của Việt Nam, VACPA, và có quyền được ký vào báo cáo kiểm toán. Học và qua được ACCA sẽ khiến các bạn sinh viên được sự tôn trọng rất lớn của dân trong nghề, cùng với đó là lợi thế khi đi tuyển dụng và chuẩn bị xét lên chức trong Big Four. Có thể nói, đây là điều mà dân trong nghề ai cũng được nghe, và đều biết tương đối rõ.
Điều không ai muốn nói về ACCA
Tuy nhiên chính vì cách nghĩ trên dẫn đến lối mòn trong tư duy mà nhiều bạn trẻ đang phải trả giá cho câu chuyện của mình, mà không nhận ra nó. Có thể những gì sau đây là một quan điểm khác lạ, nhưng thực tế về việc học ACCA hiện giờ.
Hiện tại các Big Four đều khuyến khích, thậm chí đối với một số công ty còn bắt buộc nhân viên phải học ACCA mới được thăng chức. Các công ty Big Four đều tài trợ cho nhân viên đi học ACCA. Lý do thật sự quá rõ ràng và tốt đẹp: nhân viên phải giỏi nghề.
Tuy nhiên câu chuyện ở đây thật sự giống việc học Master vậy. Học ACCA áp dụng trong công việc kế toán, kiểm toán có thể nói là rất ít, chỉ khoảng 5-10% là max. Đó là tâm sự chân thành của một cao thủ trong nghề chia sẻ. “Nơi mà tính ứng dụng của ACCA cao nhất – rõ rệt nhất chính là khi dạy học ACCA”.
Thời điểm những năm về trước, ACCA là chứng chỉ cao không hẳn ai cũng có, khi đạt được chắc chắn là kim chỉ nam về kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, và có lợi thế khi lên chức. Tuy nhiên, hiện tại việc có được ACCA hoàn toàn không nói lên trình độ về kiểm toán, mà thay vào đó chỉ nói được là anh này ngoài kiểm toán còn rất chịu khó học thêm ngoài giờ. Ngoại trừ một số công ty nơi việc học ACCA mang tính bắt buộc, còn lại rất nhiều người có bằng ACCA không hề được lên chức, thậm chí một số (rất nhỏ) cũng chẳng có ACCA, mà thay vào đó là những chứng chỉ khác.
Đâm lao thì phải theo lao
“Phải nói là học ACCA rất chán và khổ, nhưng vì ai cũng học – nên mình phải học”. Nam – một dân Big Four chính hiệu cho biết. “Mình rất cố gắng học – nhưng mà việc của công ty thực sự quá mệt mỏi, việc sắp xếp giữa học hành và làm job đã chính thức lấy toàn bộ thời gian sống của mình”.
Đây là tình trạng khá phổ biến của nhiều người theo nghề kiểm toán. Công việc kiểm toán mùa bận rất mệt và có tính lặp đi lặp lại, chưa kể áp lực của việc học ACCA khiến cuộc sống của nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một khi đã vào học ACCA, bạn sẽ phải cố gắng “thi nốt” , vì công ty hoặc cá nhân đã cố gắng đầu tư tiền bạc. Chi phí thi ACCA không hề rẻ, chưa kể nhiều người còn tham gia học những khóa học kéo dài 8 tiếng mỗi ngày vào cuối tuần, khiến cho việc tiêu hóa những kiến thức trên quả thật vô cùng khó khăn.
Cạm bẫy của việc học ACCA
Khắp các trung tâm đều quảng cáo về những người học rất nhanh, chỉ vài năm đã có bằng và đang làm ở nhiều công ty lớn. Đúng – nhưng số lượng những người thi trượt và tổng thiệt hại về tài chính và tinh thần của những người chưa có bằng, đã bỏ nghề và vứt hoàn toàn cái bằng của mình vào sọt rác là một con số khổng lồ không thể đong đếm được và hoàn toàn bị bỏ qua.
Các bạn sinh viên chưa học ACCA hãy làm một thí nghiệm vui cho mình để thấy rằng các bạn đang hạnh phúc thế nào. Hãy đi hỏi các anh chị đang theo nghề kiểm toán xem các anh chị có đang phải học ACCA không, học có vui không. Nếu câu trả lời là có và vui, xin hãy hỏi tiếp là các anh chị đã trượt môn nào chưa? Chi phí cho mỗi lần trượt là bao nhiều tiền. Nếu các anh chị ấy vẫn vui vẻ trả lời, hãy hỏi tiếp là có bao nhiêu người thấy học hay, đỗ cao, trượt ít, ứng dụng được vào nghề và yêu đời như anh chị. Nếu câu trả lời là rất nhiều, xin hãy hỏi anh có đang làm cho trung tâm ACCA nào không, và số tiền anh chị kiếm được từ khi dạy học môn này là bao nhiêu.
Các công ty Big Four cũng đều liên doanh hợp tác chặt chẽ với các trung tâm đào tạo chứng chỉ vì “lợi ích” của đối tượng khách hàng. Bao nhiêu người lao đầu học, các trung tâm vừa có lợi, công ty cũng được thơm lây đỡ phải nghĩ lý do để thải bớt số lượng nhân viên hay đòi hỏi tăng lương, lên chức. Học không được, mệt mỏi, buồn chán, mất tiền, ảnh hưởng đến công việc, etc.. tự khắc sẽ bỏ.
Thay lời muốn nói
Là một dân trong nghề, có thể khẳng định rằng Big Four chỉ là trạm dừng chân chứ không phải đích đến cuối cùng của nhiều người. Nghề kiểm toán là một nghề có tuổi thọ hết sức ngắn hạn – trung bình hai năm, và sau khi rời Big Four khả năng sử dụng tấm bằng ACCA là rất thấp. Các chuyên gia ACCA rất nhiều người sau đó tham gia giảng dạy sau khi đã âm một lượng vốn khá nhiều để đầu tư cho tấm bằng này. Và các sinh viên lao đầu theo học từ những năm thứ hai, thứ ba với suy nghĩ đơn giản là đằng nào cũng phải học, tuy nhiên liệu họ có hiểu họ đang đâm theo một cái lao mà chưa hiểu là lao đến đâu. Để rồi khi theo lao rồi đành chặc lưỡi nói rằng thôi thì cố vậy, số mình nó thế đi học nốt rồi sau này có gì đi dạy ACCA.
Theo http://mycareerme.com/
Xem bài gốc tại đây