Với khởi đầu với GotIt!, Trần Việt Hùng tham vọng tạo ra một nền tảng “tri thức theo yêu cầu” – nơi bất cứ thắc mắc nào của người dùng được chuyên gia giải đáp trong 10 phút.
Chỉ có một tiếng để gặp mặt trước khi anh trở lại trụ sở chính của GotIt! tại thung lũng Silicon (Mỹ) sau chuyến công tác khoảng 2 tuần tại Việt Nam, Trần Việt Hùng dẫn chúng tôi tham quan một vòng văn phòng tại Hà Nội.
“Nhu cầu ra ngoài uống cà phê của anh em trong nhóm giảm hẳn kể từ khi mở văn phòng mới”, anh chỉ vào hàng view bar nhìn ra hồ Tây. “Bản thân tôi không có gì thú vị để viết chân dung nhưng nhóm lại có khá nhiều điều thú vị”, anh Hùng bật mí.
Trần Việt Hùng là người sáng lập ra GotIt! – ứng dụng về giáo dục dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ. Người dùng có thể chụp ảnh những gì mình cần giải đáp ví dụ như bài giảng hay các câu hỏi luyện tập, chia sẻ trên GotIt! và nhận giải đáp chi tiết từ chuyên gia trong 10 phút.
Để trở thành chuyên gia của GotIt!, ứng viên phải tham dự các bài kiểm tra nghiêm ngặt về sản phẩm, cách tương tác với người dùng, định dạng phần nội dung giải đáp, kiến thức chuyên môn, trình độ sư phạm và cả tiếng Anh. Họ được trả tiền để giải đáp giúp cho sinh viên.
Trong khi đó, sinh viên sau khi đăng ký được cung cấp một số lượng câu hỏi miễn phí nhất định để dùng thử và đánh giá sản phẩm. Sau khi dùng hết các câu hỏi miễn phí, sinh viên sẽ trả tiền với mức giá cam kết rẻ hơn bất kỳ dịch vụ gia sư truyền thống nào. GotIt! hiện nằm trong top 8 ứng dụng về giáo dục trên App Store Mỹ, có tốc độ tăng trưởng 40%/tháng và giải đáp hơn 2 triệu câu hỏi của người dùng từ khi tung ra bản thử nghiệm beta.
Sẽ là Google tiếp theo?
– Điều thú vị anh muốn nói về nhân sự GotIt! là gì?
– GotIt! hiện có khoảng 20 người làm việc tại trụ sở chính ở Mỹ và 11 người tại Việt Nam. Họ đều là “thú dữ”. Chủ trương của chúng tôi là xây dựng một đội ngũ nhỏ nhưng tinh nhuệ. Ở Mỹ, GotIt! có những nhân sự cấp cao của HP, Oracle, Google AdSense hay Lyft.
6 tháng qua, chúng tôi nhận 500 bộ hồ sơ, phỏng vấn 40 người nhưng chỉ nhận vài người. Với các startup, nhân sự là yếu tố quan trọng nhất. Chẳng hạn, Instagram bán cho Facebook giá cả tỷ USD cũng chỉ có 13 người, Whatsapp cũng chỉ hơn 50 người.
– Anh làm cách nào để lôi kéo những con người đó về với một startup như GotIt!?
– Đầu tiên, tôi cần tìm những người siêu giỏi, sau đó bán cho họ không phải tiền bạc mà là tầm nhìn và thử thách. Họ thấy được ở mình những cơ hội phát triển bản thân, cơ hội làm một cái gì đó mang tính toàn cầu hơn là đóng góp nhỏ nhoi ở công việc cũ.
Tại thung lũng Silicon, người giỏi không bao giờ nghĩ đến chuyện tìm việc. Các công ty lớn như Facebook, Google,.. có các bộ phận chuyên nghiệp để săn tìm người giỏi, startup cũng tranh giành nhau nhân tài.
Chúng tôi có suy nghĩ thứ gì mình làm không tốt phải tìm người ở đẳng cấp thế giới làm cho mình. Việc này khó nhưng chúng tôi quan niệm: “Ok, khó cũng chơi”.
– Tại sao anh chọn cách mở 2 văn phòng tại Mỹ và Hà Nội, chứ không phải một nơi duy nhất?
– Cái này trong kinh doanh gọi là “lợi thế cạnh tranh không công bằng” (unfair competitive advantage). Tôi biết nhóm của mình ở Việt Nam và Mỹ giỏi về mặt nào để dùng đúng người, đúng việc. Nó sẽ giúp giảm chi phí, đồng thời không ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Nhóm ở Việt Nam chủ yếu làm về backend (xử lý hệ thống dữ liệu), Android, còn tại Mỹ chủ yếu tập trung vào sản phẩm, thiết kế, và kiến trúc hệ thống vì ở đó gồm những người có kinh nghiệm làm hệ thống cho cực kỳ nhiều người dùng. Đây là điều không phải startup nào cũng có cơ hội để tận dụng.
– Anh làm cách nào để kêu gọi nhà đầu tư tại một môi trường cạnh tranh khốc liệt như thung lũng Silicon?
– Tại thung lũng Silicon, không thiếu các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, họ thích đầu tư vào những startup “điên khùng” một chút. Tôi may mắn tìm được những nhà đầu tư chất lượng – những người đang bỏ tiền vào Tesla hay SpaceX. Họ nhìn thấy ở GotIt! nhiều tiềm năng, gọi chúng tôi là “Google mới”.
Chúng tôi muốn biến GotIt! thành một phương thức hoàn toàn khác biệt với Google trong việc thu thập trí tuệ gọi là “kiến thức theo yêu cầu”: Bạn cần tìm hiểu thông tin về bất cứ lĩnh vực gì, chỉ cần lên đặt câu hỏi sẽ được tương tác trực tiếp với một chuyên gia trong 10 phút để giải quyết vấn đề, thay vì tìm kiếm một cách mông lung trên Google mà chưa chắc có kết quả.
– Anh có ý định mang GotIt! về Việt Nam hay không?
– Trước mắt, GotIt! chỉ tập trung vào các thị trường nói tiếng Anh. Tuy nhiên, tại Việt Nam chúng tôi đang có những tình nguyện viên giúp đào tạo các chuyên gia người bản địa. Cơ hội kiếm thêm thu nhập tốt như vậy, tôi muốn mang nó về Việt Nam.
Hiện tại, chúng tôi đang thử nghiệm khoảng 50 sinh viên tại các trường đại học lớn ở Việt Nam để đào tạo thành chuyên gia. Họ có kiến thức tốt nhưng điểm yếu là trình độ tiếng Anh không cao.
– Có vẻ GotIt! rất tập trung vào việc tìm kiếm chuyên gia thay vì phát triển tập người dùng lớn?
– Chúng tôi không lo lắng về vấn đề người dùng. Thử một phép tính thế này: Trong số các sinh viên hiện nay, chỉ có khoảng 10 – 20% được xem là sinh viên loại A. Số còn lại, họ luôn có hàng tá những câu hỏi, bài tập trong đầu mà không biết cách giải đáp.
Với một dịch vụ có thể giúp họ giải đáp những thắc mắc đó trong 10 phút, không mất chi phí hoặc chi phí siêu rẻ, họ có sử dụng không? Vấn đề là chúng tôi phải tìm được đội ngũ chuyên gia chất lượng cao, giao tiếp tốt để đáp ứng nhu cầu khổng lồ đó.
Startup giống như một chiếc tàu lượn siêu tốc
– Từ một nhà khoa học thuần túy, chuyển sang làm giám đốc điều hành của một startup, anh cảm thấy thế nào?
– Tôi làm Tiến sỹ ngành khoa học máy tính của Đại học Iowa nhưng ngay từ đầu không xác định sẽ theo ngành học thuật. Từ năm thứ 2, tôi theo học thêm về kinh doanh để nắm bắt cơ bản mọi thứ.
Thời gian đầu khi lập ra GotIt!, Chúng tôi từng thuê một vị CEO người Mỹ. Anh này là một người tài năng nhưng mọi việc không đi theo quỹ đạo mong muốn. Do đó, chúng tôi phải quyết định đường ai nấy đi và tôi tự mình học hỏi thật nhanh và thật nhiều để có thể điều hành mọi việc.
– Làm startup giống như đi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc. Ban đầu, bạn sẽ đi chậm, dò dẫm mọi thứ, cũng giống như giai đoạn khởi động của trò tàu lượn siêu tốc. Sau đó, khi đã tìm ra một con đường, nó sẽ chạy rất nhanh, đến mức hoa mày chóng mặt, có thể sập bất cứ lúc nào.
Thực tế, GotIt! đã sập một vài lần. Khi đó, chúng tôi lại sửa, lại đi từ từ cho đến khi bước sang chu kỳ chạy với tốc độ chóng mặt tiếp theo.
– Một ngày của anh bắt đầu và kết thúc như thế nào?
– Tại Mỹ, tôi thường bắt đầu ngày mới vào lúc 8h30. Tôi đến công ty lúc 9h30, gặp gỡ nhóm làm việc, giải quyết các vấn đề tồn đọng của hôm trước và tùy vào ưu tiên công việc thời điểm đó để giải quyết.
Tôi thường họp với nhóm làm việc tại Việt Nam vào 7h tối (9h sáng giờ Việt Nam). Một ngày của tôi thường kết thúc vào lúc 1h đêm, nếu nhiều việc thì 3 – 4h.
– Khác biệt lớn nhất giữa cách làm việc tại thung lũng Silicon và Việt Nam là gì, theo anh?
– Nó đến từ những khác biệt về cách nghĩ, văn hóa. Chẳng hạn, khi gặp một vấn đề chưa rõ ràng, hoặc không đồng ý về mặt quan điểm, người Mỹ sẽ hỏi ngay, trao đổi thẳng thắn, không giống ở Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi tìm cách khắc phục sự khác biệt giữa 2 bên bằng cách đưa nhân viên của GotIt! từ Việt Nam sang Mỹ làm việc và ngược lại để mọi người học hỏi lẫn nhau, tìm hiểu về văn hóa làm việc.
Trong thời gian qua, tôi chứng kiến nhiều sự thay đổi về tư duy và cách làm việc của thành viên trong nhóm.
– Là người Việt, thành lập startup tại Mỹ, tung ra sản phẩm toàn cầu, anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ muốn làm startup?
– Theo tôi, các bạn phải hiểu người dùng, hiểu con người, văn hóa và hành vi của họ, nghĩa là bạn phải xác định thật rõ làm sản phẩm cho ai, và họ thích gì.
Điều thứ 2 là nếu có ý tưởng, bạn nên bắt tay vào làm luôn, đừng “chém gió”. Ý tưởng nhiều người có nhưng khi thực hiện sẽ phát sinh vô số vấn đề.
Bạn chỉ thành công khi giải quyết được hết các vấn đề đó. Khi làm startup – mọi thứ cực kỳ mù mờ. Do đó, bạn phải học hỏi thật nhanh và tìm những người giỏi quanh mình để nhờ giúp đỡ.
Khi phỏng vấn một ai đó cho một vị trí mà công ty đang cần người, nếu tôi cảm thấy người ta không giỏi hơn tôi ở một lĩnh vực đang cần tuyển, chúng tôi sẽ không tuyển dụng người đó.
Theo Zing
Xem bài gốc tại đây