Người ta biết đến Võ Thị Mỹ Linh là một trong số ít những người may mắn sống sót sau trận bão tuyết lịch sử của Nepal hồi tháng 10/2014 hơn là người sáng lập và điều hành Volunteer House Vietnam – tổ chức phi lợi nhuận được thành lập với mục đích dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, đồng thời cũng là ngôi nhà dành cho những người yêu thích “du lịch bụi”.
Gặp Mỹ Linh vào những ngày đầu năm, cô cho biết đang “thất nghiệp” vì dành quá nhiều thời gian cho dự án volunteer của mình. Lối trò chuyện bộc trực, thẳng thắn của cô gái trẻ khiến người đối diện không khỏi bất ngờ và thú vị.
* Dự án về dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo quả là một ý tưởng mới lạ. Tại sao trẻ em nghèo lại cần được phổ cập tiếng Anh chứ không phải cho tiền hay một bữa cơm?
– Ở thời đại này, ai cũng cần được phổ cập tiếng Anh, người nghèo lại càng cần biết tiếng Anh để hiểu biết sâu hơn về thế giới văn minh, về những điều rất cơ bản trong văn hóa giao tiếp và phép lịch sự giữa người với người.
Không ít phụ nữ Việt Nam làm lụng quần quật, quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn bị chồng coi khinh, thậm chí đánh đập. Mẹ tôi cũng từng bị chồng ngược đãi nhưng không dám ly hôn chỉ vì thấy những người phụ nữ khác xung quanh cũng phải chịu đựng như mình.
Tôi thương mẹ rất nhiều, thậm chí sẵn sàng hy sinh bản thân vì bà, nhưng rồi tôi phải sống xa mẹ vì không muốn chứng kiến cuộc sống mà bà đã lựa chọn.
Kể từ lúc biết tiếng Anh và hiểu về thế giới, tôi nghĩ nếu mẹ tôi và nhiều phụ nữ khốn khổ khác cũng biết tiếng Anh, họ sẽ có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài thông qua sách vở, báo đài… để hiểu thế nào là văn minh, là quyền bình đẳng giới.
Từ đó họ sẽ biết đấu tranh cho quyền của chính mình, chứ không phải chấp nhận sự ngược đãi thường xuyên. Những đứa trẻ lang thang cũng vậy, nếu biết tiếng Anh, chúng sẽ tìm được cách thoát ra khỏi cuộc sống đầu đường xó chợ, nay đây mai đó, trở thành người tử tế hơn, có ích cho xã hội hơn.
Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo Hương Vân, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Mỗi năm, chúng tôi luôn ôm nỗi lo sẽ có một cơn lũ lớn cuốn đi mọi thành quả của một năm làm lụng vất vả.
Có những buổi sáng vừa mở mắt, tôi đã thấy nước ngập lai láng ngay bên cạnh giường. Tôi vẫn không quên những trận lụt lớn nhấn chìm nhiều ngôi nhà và khiến hàng trăm người tử vong.
Chúng tôi đã phải leo lên nóc nhà chờ trực thăng cứu hộ đi qua rải mì xuống ăn cho đỡ đói. Cha mẹ tôi là nông dân, chân lấm tay bùn, không có điều kiện nuôi tôi ăn học. Vì vậy, tôi phải tự lập từ những ngày còn nhỏ. Nhưng vì nhờ cái nghèo ngày xưa đã cho tôi quyết tâm phải thay đổi cuộc đời.
Không ít phụ nữ có quan niệm do mình sống trong cảnh nghèo nên phải cam chịu bạo hành gia đình. Điều này không đúng. Cuộc sống nhiều đau khổ là do họ lựa chọn. Chúng ta không thể lấy cái nghèo để ngụy biện cho những yếu kém, sai lầm của chính mình.
* Đối với trẻ lang thang, dạy tiếng Việt đã khó, dạy tiếng Anh lại càng khó hơn?
– Đúng là rất khó, nhưng không lẽ vì khó mà chúng ta không làm? Chúng tôi chỉ có một mục đích là truyền cảm hứng yêu thích tiếng Anh cho trẻ em thông qua các trò chơi, các bài hát, các bộ phim.
Còn sau đó, các em lựa chọn thế nào là quyền của chúng. Ngày trước, tôi không được ai truyền cảm hứng cả. Nếu ngày trước bố mẹ tôi chỉ cần nói với tôi rằng hãy học tiếng Anh đi vì tiếng Anh vô cùng cần thiết cho cuộc đời của con thì tôi sẽ cố gắng mà học.
Nhưng đáng tiếc là bố mẹ tôi đều sinh ra trong tầng lớp lao động nghèo, họ không biết tiếng Anh quan trọng như thế nào để mà nhắc nhở con cái. Mãi đến sau này khi thấy tụt hậu so với bạn bè, nhận ra những thiệt thòi của việc “dốt” tiếng Anh tôi mới bỏ việc đi du lịch để cải thiện.
Tôi chỉ mong trong tương lai sẽ không một đứa trẻ nào phải lặp lại sự thiệt thòi như tôi vậy.
* Việc điều hành một dự án phi lợi nhuận về giáo dục đối với một cô gái mới ngoài 20 tuổi hẳn là không dễ dàng?
– Khó khăn thì rất nhiều, nhưng khó nhất không phải là việc dạy học, mà là làm sao giữ chân các tình nguyện viên. Sự hồ hởi của tình nguyện viên lộ rõ trong những ngày đầu, nhưng sau đó có nhiều lý do khiến nhiều người không tiếp tục công việc nữa. Vì vậy, tình nguyện viên của VHV không chỉ có tấm lòng và sự nhiệt tình, mà còn thêm cả trách nhiệm với hướng đi đã lựa chọn.
Không chỉ cần tình nguyện viên dạy tiếng Anh, VHV còn cần người cho phép sử dụng nhà để xây đắp những căn nhà tình nguyện ở khắp các địa phương trên cả nước.
Những ngôi nhà như thế có khả năng hội tụ mọi người, khách du lịch đến từ đâu cũng có thể tạm trú miễn phí. Đổi lại, họ sẽ đến trường dạy tiếng Anh cho trẻ em và ra đồng làm việc với nông dân.
Tôi muốn tạo cơ hội giúp trẻ em vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tiếng Anh tốt hơn, đồng thời cũng muốn thay đổi thói quen du lịch của giới trẻ. Tôi hy vọng dự án của mình cũng sẽ giúp cho các chuyến đi của các bạn trẻ từ nước khác đến Việt Nam trở thành cơ hội tốt để học hỏi thêm được những điều bổ ích và lý thú.
* Trước khi đến Ấn Độ, chị từng có mức thu nhập hơn 1.000 USD mỗi tháng, khá dư dả để sinh hoạt và dành dụm. Vì sao chị vẫn quyết định bỏ tất cả để thực hiện chuyến đi?
– Vì tôi thấy mình… dốt tiếng Anh quá! Tôi từng học giỏi ở cấp phổ thông nhưng chưa bao giờ xem môn tiếng Anh là quan trọng. Thế rồi công việc sau khi tốt nghiệp đại học cho tôi cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài.
Khi đó, tôi chưa thể giao tiếp với khách bằng tiếng Anh nên xấu hổ và tự ti lắm. Thế là tôi quyết định dùng số tiền dành dụm để ra nước ngoài học tiếng Anh.
Nhiều người can ngăn tôi vì Ấn Độ được cho là nơi có nhiều mối nguy hiểm cho các du khách nữ. Tôi lại nghĩ nguy hiểm hay không là do mình. Nếu tôi ăn mặc kín đáo, không đi ra đường vào đêm tối thì làm sao gặp phải nguy hiểm được?
Đôi khi, tôi thấy ở Việt Nam còn nguy hiểm hơn. Một số thanh niên đã mất mạng chỉ từ một xích mích nhỏ nơi học đường hoặc trên bàn nhậu đấy thôi.
Tôi quyết định rời Việt Nam mà không mang theo nhiều kỳ vọng, chỉ nghĩ rằng mình phải đi, phải học tiếng Anh, học thêm được những điều bổ ích trong cuộc sống. Nói là làm, tôi gom toàn bộ tiền tiết kiệm mang đi và xác định sẽ sống như một người Ấn hay người Nepal bình thường.
Đó cũng là sự thôi thúc trong lòng mình đã từ rất lâu mà chưa có quyết tâm thực hiện trước đó. Tôi như một con ếch ngồi trong giếng, hy vọng khi nhảy ra khỏi miệng giếng mình sẽ có một cái nhìn rộng lớn hơn về thế giới xung quanh.
* Cuộc sống ở Ấn Độ có dễ dàng với một cô gái trẻ thích phiêu lưu mạo hiểm như chị?
– Tôi đã sống những ngày rất khó khăn, vất vả, thậm chí còn bị lừa gạt nhiều lần. Tôi dành thời gian học tiếng Anh, sống chung, chia tiền nhà với người bạn đến từ Indonesia, sau đó là người bạn Ấn Độ.
Tôi dễ dàng quen với việc mỗi ngày chỉ ăn sáu lát bánh mì và ba quả trứng trong suốt một thời gian dài. Nhưng bù lại, khả năng sử dụng tiếng Anh của tôi tăng lên đáng kể và tôi còn được gặp nhiều người tốt.
Tính tôi vốn rất lì, đã nói là làm. Ngày xưa, một lần bị bố mắng oan, tôi phản đối bằng cách tuyệt thực. Ông tỏ ra giận dữ, thách tôi nhịn đói cả tuần. Tôi đã không ăn cơm đúng bảy ngày, khiến bố tôi cũng lắc đầu.
Thấy tôi bị lừa bởi người ở chung phòng trọ, có một gia đình người Ấn Độ bảo tôi về sống chung nhưng vì tôi muốn rèn luyện khả năng thích nghi của mình trong hoàn cảnh khó khăn nên đã từ chối.
* Cuộc sống của chị ở Nepal trong ba tháng còn lại có gì khác nhiều so với Ấn Độ không?
– Cuộc sống ở Nepal dễ dàng hơn nhiều vì con người ở đây giản dị, hiền lành và mến khách lắm. Đất nước này có phong cảnh hữu tình, lại thêm những tour leo núi rất thú vị.
Tại đó, tôi đã tham gia vào các nhóm tình nguyện, đi dạy tiếng Anh cho trẻ em. May mắn là tôi đến Nepal đúng mùa leo núi nên tôi quyết định thử sức mình với khao khát mở được tour leo núi giá rẻ cho người Việt.
Trong khi người khác phải thuê người dẫn đường và người mang vác hành lý, tôi tự tìm hiểu và lên kế hoạch leo núi một mình để tự rút kinh nghiệm.
Leo núi là môn thể thao rất hấp dẫn đối với những người ưa thích khám phá, thử thách. Nó rèn luyện sức chịu đựng, tính thích nghi, sự kiên nhẫn, cách giải quyết vấn đề và giúp người ta vượt lên chính mình khi phải đối phó với mọi hiểm nguy.
Môn thể thao này còn mang lại những góc nhìn đẹp về thế giới xung quanh mà chỉ đi qua những chặng đường đó người ta mới thấy được. Khi về nước, tôi đã có mở một tour leo núi dành cho người Việt giá từ 60 đến 75 USD/ngày, thiết kế bốn hành trình khác nhau gồm Poonhill (độ cao 3.180m), Annapurna Base Camp (4.170m), Annapurna Circuit (5.416m) và Everest Base Camp (5.555m).
* Đến nay, tour du lịch do chị tổ chức hoạt động ra sao?
– Đến nay tour đã bắt đầu có khách đăng ký dù không nhiều! Tôi luôn khuyến khích những người trẻ tham gia leo núi nhưng hay bực mình khi người ta hỏi những điều không cần thiết.
Tôi đã đưa đầy đủ về giá cả, lịch trình và những hướng dẫn cần thiết về tour. Một số người hỏi lui, hỏi tới về những thông tin này tôi sẽ không trả lời thêm.
Những người xác định sẽ tham gia du lịch mạo hiểm cần sự bình tĩnh và khả năng chịu đựng gian khổ. Môn thể thao này chỉ dành cho những người có khả năng thích nghi cao với hoàn cảnh khắc nghiệt.
Tôi thấy rất lạ khi một số cô gái trẻ đi leo núi mà sợ đen da. Khi đi leo núi, bạn không thể tắm, phải ở bẩn suốt cả chục ngày vì nhiệt độ trên cao rất lạnh, thậm chí không có giấy vệ sinh.
Leo núi cũng không phải là cuộc đua xem ai lên đến đích trước vì nếu bạn cố đuổi cho kịp người khác bằng sức lực có hạn của bản thân thì rủi ro sẽ càng gần. Đây đơn giản là cuộc chơi đầy thách thức với chính bạn, giúp bạn biết cách kiểm soát được vấn đề và loại bỏ mọi áp lực về tâm lý.
Thực ra, tôi không kỳ vọng rằng đây sẽ là dự án kinh doanh để nuôi sống bản thân. Nó chỉ là một việc mà tôi cho là hữu ích, cũng để tôi duy trì quan hệ với các bạn bè ở Nepal.
Viết sách cũng vậy, tôi không kỳ vọng cuốn sách của mình bán chạy như những truyện ngắn của các nhà văn trẻ. Với tôi, những người từng đọc và cảm nhận được cuốn sách tôi viết mới là quan trọng.
* Trở về từ một trận bão tuyết lịch sử khiến ít nhất 42 người thiệt mạng, 17 người mất tích trong hơn 160 người tham gia leo núi, hẳn chị có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?
– Sau lần trở về từ bão tuyết ấy, mọi người biết nhiều hơn về tôi, thậm chí nhiều người xem tôi như “anh hùng”. Thực tế đó chỉ là bản năng sinh tồn, trước đó tôi đâu biết bão tuyết là gì. Khi thấy tuyết đổ xuống lấp đầy đến ngang hông, tôi cứ nghĩ đó là chuyện bình thường khi leo núi tuyết.
Tôi biết mình bị lạc nên cứ cố gắng tiến về phía trước. Do không có găng tay, không có đồ bảo hộ che mặt và giày chống thấm nên tôi bị bỏng khắp người. Mãi đến khi nhìn thấy người chết trên đường đi xuống thì tôi mới cảm thấy sợ hãi.
* Vì sao chị viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay khi vừa từ Nepal trở về?
– Trong ba tháng sống ở Nepal, tôi ở Aruchour – một ngôi làng rất đẹp nhưng cũng rất nghèo. Nơi đây có hoa paiyu nở thắm cánh đồng, có ruộng bậc thang nhấp nhô bắt mắt, có núi với mây phủ trắng xóa, có mặt trời mọc trong sương, có hoàng hôn lấp ló sau rặng tre già, có tiếng gà gáy buổi sớm tinh mơ, có bản đồng ca của muông thú, chim chóc.
Nhưng thử một lần đặt chân xuống ruộng mới thấy cuộc sống của người dân ở đây kham khổ đến nhường nào. Vùng đất này bị bao vây tứ phía bởi những ngọn núi cao. Người nông dân luân phiên trồng cây lương thực để tránh chết đói, hết lúa chuyển sang ngô, codo (một loại cây giống kê), khoai tây. Họ không có điện thoại, tivi, không có đến một cuốn từ điển, vậy mà trẻ em lại nói tiếng Anh rất tốt.
Tôi đã ngồi ở thư viện của Trường Shree Sarbodaya, dành cả một ngày đọc sách giáo khoa để hiểu cách dạy tiếng Anh của người Nepal. Trong sách giáo khoa của họ, những câu chuyện họ viết, những đề tài họ dạy liên quan đến đời sống, văn hóa hằng ngày như đỉnh Everest, thủ đô Kathmandu, nói về những cậu bé, cô bé với những cái tên gần gũi như Gauri, Sunda… Đó là cách họ khiến học sinh hứng thú với tiếng Anh, cũng là cách họ tự hào về đất nước mình.
Người Nepal đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ chính vì họ muốn kể về văn hóa, lịch sử của đất nước mình cho thế giới biết. Người Việt chúng ta cũng tự hào về nền văn hóa Việt nên chúng ta cần sử dụng tiếng Anh để nói cho thế giới biết những nét đẹp từ truyền thống đến hiện đại của mình.
* Chị cho rằng sách giáo khoa dạy tiếng Anh đã lạc hậu, cần phải thay đổi. Đây là điều mà rất nhiều người có kiến thức sư phạm và giỏi tiếng Anh hơn chị biết mà không làm được…
– Vì họ không quan tâm đến chất lượng sách giáo khoa và càng không quan tâm đến việc so sánh với sách giáo khoa của nước khác. Ai cũng nghĩ đó không phải là việc của mình.
Nhiều người nói rằng có viết thư gửi Bộ trưởng cũng không thể thay đổi được gì đối với nền giáo dục hiện nay. Tôi biết điều đó, nhưng ít nhất, tôi phải nói ra chính kiến của mình.
Giống như khi làm VHV, không ít người hỏi tôi “Nếu dự án thất bại thì sao?”. Tôi trả lời rằng: “Ít nhất nó cho thấy chúng tôi đã cố gắng làm một điều hữu ích cho xã hội, chứ không chỉ nói hoặc nghĩ đến mà không thực hiện”.
* Và chị sẽ vẫn tiếp tục các dự án du lịch của mình?
– Đúng vậy, hiện nay VHV đã đi vào ổn định có thể tự hoạt động mà không cần có tôi nữa. Tôi sẽ vẫn tiếp tục làm kẻ lang thang để bổ sung thêm kiến thức về thế giới.
Mẹ tôi cũng lo lắng cho đứa con gái thích rong ruổi, hay nói với tôi trong điện thoại: “Thôi con đừng đi nữa, mẹ buồn lắm”. Tôi trả lời: “Nếu con ở lại Việt Nam, mẹ có chịu trách nhiệm cho cuộc sống của con không?”.
Mẹ tôi không nói gì thêm, có lẽ bà biết rằng mình không thể ngăn được bước chân của cô con gái bướng bỉnh.
Còn tôi thì vẫn khát khao đi ra thế giới, giống như câu nói của Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Tôi đã phát hiện ra bí mật rằng sau khi leo lên đỉnh ngọn núi, một ngọn đồi, người ta sẽ thấy những ngọn núi, đỉnh đồi khác. Nghỉ ngơi trên đỉnh cao nào đó ở đó trong một quãng thời gian, quan sát khung cảnh huy hoàng xung quanh rồi nhìn lại quãng đường đã vượt qua, tôi cảm thấy vô cùng phấn khích. Điều đó lại thúc giục tôi đi tìm những đỉnh cao mới ở những vùng đất mới”.
* Cảm ơn chị về buổi trò chuyện thú vị này!
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Xem bài gốc tại đây