Vào đầu tháng 10, tạp chí New York đã đăng các bài viết nói về sự suy thoái trong việc giáo dục con cái của các bậc cha mẹ Mỹ. Một thế hệ cha mẹ mới đang khuyến khích con mình gian lận trong thi cử, làm bài tập về nhà hộ con mình, học cách hối lộ và chơi xấu để cạnh tranh với các bạn học cùng lớp. Những việc làm kể trên là để đạt được một mục tiêu duy nhất: Vào được trường đại học danh tiếng.
Dạy dỗ con cái nghĩa là bạn không được khuyến khích con thành công bằng mọi giá, mọi phương tiện, bất chấp thủ đoạn hay bất chấp việc khiến người khác tổn thương. Nhưng ngày nay, để con mình vào được một trường đại học tốt, cha mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả bao gồm tiền bạc hay sự chính trực. Tờ New York Times đã đăng cả tá loạt bài về việc học phí trung học của một học sinh lên đến $40,000 một năm, chưa kể chi phí cho gia sư dạy kèm SAT lên đến $35,000 một năm. Tất cả những con số trên vẽ ra một viễn cảnh xa hoa phù phiếm của giáo dục, trong khi một gia đình trung lưu ở Mỹ chỉ kiếm được khoảng $52,000/ năm.
Quả thật, Đại học Mỹ có tiêu chí tạo nên một môi trường sinh viên đa dạng về xuất thân từ khắp các tầng lớp. Nhưng không may, sự “đa dạng” đó chỉ bao gồm những gia đình đủ năng lực tài chính để trả nổi học phí. Vậy nên sự đa dạng này cũng là một khái niệm vô cùng xa xỉ.
Ví dụ, số lượng các gia đình ở Mỹ có thu nhập trên $200,000/ năm chỉ chiếm có 3.8% dân số, nghĩa là họ là tầng lớp thượng lưu giàu có. Nhưng ở đại học Harvard có đến 45.6% sinh viên đến từ tầng lớp này. Còn lại 17,8% là đến từ tầng lớp có thu nhập thấp kém và chỉ có 4% sinh viên đến từ tầng lớp có thu nhập thấp nhất của xã hội. Có thể nói rằng, một trong những tố chất để vào được Harvard là sự giàu có. Tương tự như vậy, rất nhiều trường đại học khác có cách phân biệt đối xử rõ ràng với những sinh viên nghèo. Tại đại học George Washington, những sinh viên không đủ khả năng tài chính sẽ bị đưa vào danh sách đợi nhập học. Năm 2012, chỉ có dưới 1% sinh viên trong danh sách đợi được nhận vào trường. Họ không cố ý phân biệt đối xử với những người nghèo, chỉ đơn giản là vì không đủ năng lực tài chính nên khó có khả năng được nhập học.
Các trường đại học đang vô tình đánh giá cao sự giàu có như một yếu tố nhập học, trong đó bằng cấp hay thành tích được trả gián tiếp bằng tiền chứ không phải chỉ đơn thuần bằng tất cả sự nỗ lực. Những học sinh có cha mẹ sẵn sàng chi trả hàng chục ngàn đô để mướn gia sư dạy kèm SAT và thi thử lại nhiều lần sẽ có lợi thế hơn những học sinh tự học rồi chỉ được thi một lần duy nhất. Những học sinh dành cả buổi chiều để tham gia các hoạt động “con nhà giàu” cạnh tranh với những học sinh nghèo đi chạy bàn hay làm dịch vụ để kiếm tiền trang trải cuộc sống – và tất nhiên những công việc đó cũng không được đánh giá cao trước hồ sơ ứng tuyển. Những học sinh được chi tiền đi những chuyến trải nghiệm kỳ thú ở nước ngoài sẽ cạnh tranh với những học sinh được gọi là “tầng lớp bình dân tầm thường” và “không có gì thú vị”. Những chính tầng lớp “bình dân tầm thường không có gì thú vị ấy” lại là thành phần chính tạo nên nước Mỹ hôm nay. Đối với các bậc cha mẹ tầng lớp thượng lưu, quá trình ứng tuyển đã trở thành một phép thử: Bạn sẽ chi bao nhiêu, bạn sẽ nhận được gì, để con bạn vào được đại học tốt? Ngược lại đối với các bậc cha mẹ tầng lớp trung lưu trở xuống, quá trình ứng tuyển là một thất bại ngay từ vòng gửi xe: Thiếu tiền là thiếu khả năng. Ở giữa, các em học sinh bị kẹt trong một trò chơi gian lận.
Mọi thứ không cần phải trở nên tồi tệ như vậy. Hãy tưởng tượng một trường đại học nơi mà các thí sinh chỉ phải làm đúng một bài kiểm tra đầu vào duy nhất. Hãy tưởng tượng một hệ thống giáo dục đánh giá cao những học sinh đi làm để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Hãy tưởng tượng một hệ thống giáo dục đánh giá học sinh dựa vào những gì chính họ sống bằng đúng những gì họ thực sự có, chứ không phải là tiềm lực tài chính của cha mẹ họ. Hãy tưởng tượng một hệ thống giáo dục mà tương lai của trẻ không phụ thuộc vào quá khứ của cha mẹ chúng.
Hãy xóa bỏ những rào cản không đáng có và giáo dục Mỹ là nơi mà mọi người đều có cơ hội ngang bằng nhau. Thành công không mua được bằng tiền, và thủ tục nhập học cũng vậy.
Bài viết tham khảo từ: Al Jazeera
Link bài gốc tại http://www.aljazeera.com/indepth/opinion/2013/10/immorality-college-admissions-2013102945841711416.html