Câu chuyện 22 bài báo ISI/ 5 năm của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (theo nguồn Nhóm dự án S4VN) là con số biết nói về thực trạng giới nghiên cứu khoa học lĩnh vực khoa học xã hội “không chịu hội nhập”?
Lĩnh vực KHXH: Cần hội nhập nhanh hơn với cộng đồng toàn cầu
Nhóm dự án S4VN (Trắc lượng Khoa học Việt Nam) vừa công bố bảng thống kê ISI (những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học, Institute for Scientific Information – ISI) của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, tổng cộng số lượng bài báo công bố ISI của VASS trong 5 năm qua là 22 bài (tổng số lượt trích dẫn là 63). Nhiều học giả Việt Nam tại nước ngoài đánh giá, nếu công bố của S4VN là chính xác thì đây quả là con số đáng báo động vì 22 bài báo ISI/ 5 năm của một Viện hàn lâm hơn 4.000 người là quá ít.
Mặt khác, dư luận cũng đang “mổ xẻ” rằng, liệu một số đề tài nghiên cứu tiến sĩ tại VASS như: “Hành vi nịnh trong tiếng Việt” và “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã”… có xứng tầm của chương trình TS và các kết quả của từ chúng liệu có đủ đột phá?
Theo PGS Lê Bảo Long (Viện Khoa học quốc gia – ĐH Quebec, Canada), chuyện tranh luận về “tầm vóc” và “sự quan trọng” của các vấn đề nghiên cứu (cho nghiên cứu TS hay khi tác giả gửi báo đăng trên các tạp chí khoa học) là chuyện xảy ra thường xuyên của giới hàn lâm.
Khi chọn “sai đề tài” vì nó không “đủ tầm” hay đơn giản vì nó đã được giới khoa học “cày xới” quá nhiều, các kết quả khoa học thu được khó tạo ra dấu ấn hay đơn giản là khó được chấp nhận đăng tải trên các phương tiện có uy tín.
Cũng vì thế, một nhà khoa học, đặc biệt khi đã làm nghiên cứu sau một thời gian đủ dài, không chứng minh được thành tích khoa học bằng các công bố trên các phương tiện công bố có uy tín, không thể xem là thành công trong khoa học.
“Chuyện công bố khoa học vì thế là việc “sống còn” của nhà khoa học, đặc biệt trong môi trường hàn lâm cạnh tranh mạnh mẽ ở phương Tây”, PGS Lê Bảo Long nhấn mạnh.
Một nhà nghiên cứu thông thường sẽ cố gắng phấn đấu đăng kết quả nghiên cứu trên các phương tiện uy tín nhất, giúp đến tay nhiều người đọc. Việc này giúp họ rất nhiều trong chuyện cải thiện các chì số khoa học như số lần trích dẫn hay h-index.
Vì thế, theo vị PGS gốc Việt này, công bố quốc tế (bài báo ISI) chính là thước đo, tiêu chí hiệu quả để khẳng định tính ứng dụng, tính khoa học, tính “không biên giới” – tầm vóc quốc tế của một luận án tiến sĩ/ công trình khoa học ở mọi quốc gia. Không nên lấy bất cứ lý do nào để “từ chối hay trì hoãn” việc hội nhập trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.
“Giới hàn lâm ai cũng biết tầm quan trọng của việc khẳng định uy tín của các cơ sở đào tạo và giá trị của các nghiên cứu khoa học qua việc đăng tải các công trình khoa học trên các tạp chí hàng đầu hay sách in từ các nhà xuất bản quốc tế có uy tín.
Vì thế, dù quá trình khám phá và đăng tải các kết quả nghiên cứu trong ngành KHXH trên các tạp chí có uy tín thường chậm và khó khăn hơn so với các ngành KHTN, không nên lấy đó làm lý do để từ chối hay trì hoãn cho việc tham gia tích cực vào các hoạt động hàn lâm thời toàn cầu hóa như công bố quốc tế”, PGS Lê Bảo Long khẳng định.
Ông cho rằng, “công bố quốc tế (các bài báo ISI) đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu rộng vào các sân chơi lớn như TPP hay phải giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như chủ quyền trên Biển Đông hay các vấn đề biến đổi khí hậu…”.
Nhìn từ đào tạo tiến sĩ Châu Âu: Kiểm duyệt “đầu vào”, nâng cao “đầu ra”
Có lẽ, không đối với riêng tiến sĩ ngành KHXH, tiến sĩ ở lĩnh vực nào cũng cần có chất lượng để xứng với chức danh này. Và muốn đạt được điều đó, phải làm nghiên cứu sinh một cách nghiêm túc.
Tiến sĩ Châu Tiểu Lan (TS ngành sinh học phân tử ĐH Liege, Bỉ; giảng viên ĐH Bilkent, Thổ Nhĩ Kỳ) kể câu chuyện khẳng định mỗi nghiên cứu sinh cần có chiến lược phù hợp để đảm bảo “đầu ra” đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động: “Tôi vẫn còn nhớ vào những năm đầu tiên du học của mình, ở Pháp, chỉ cần 3 năm PhD (nghiên cứu sinh tiến sĩ) là bảo vệ tốt nghiệp và lãnh bằng, có nhiều trường/khoa không yêu cầu nhất thiết SV phải có bài báo quốc tế.
Rồi sau đó cạnh tranh tăng dần trong những quảng cáo “chỉ phỏng vấn những ai tốt nghiệp TS với ít nhất 1 bài báo quốc tế”. 10 năm sau, tình hình căng hơn: “tìm ứng viên có ít nhất 1 bài báo quốc tế, impact factor (hệ số ảnh hưởng) cao hơn 5-10″, ” ứng viên phải có “very good publication record” (lịch sử công bố chất lượng tốt)” – nghĩa là >1 vàphải thuộc hàng có hệ số ảnh hưởng cao. Số lượng chưa đủ, có bao nhiêu bài anh/chị là first author (tác giả chính)? Trong những bài anh/chị là đồng tác giả, hãy miêu tả anh/chị có đóng góp cụ thể nào?…”
Đặc biệt, vị nữ tiến sĩ này nhận định, tiêu chuẩn TS ở nước ngoài cũng không đồng nhất (khác biệt ở mỗi ngành, mỗi trường, mỗi quốc gia…) nhưng các nước phương Tây đều có chung điểm nhìn nhận TS thành công hay không là con đường sự nghiệp sau khi họ sở hữu bằng TS.
“Ở Việt Nam, có thể có bằng TS xong rồi… thôi nhưng ở nước ngoài, khi có bằng TS rồi còn phải cạnh tranh gay gắt mới có việc làm. Do cơ chế để thị trường lao động đánh giá chất lượng nên tự mỗi TS phải phấn đấu cao hơn tiêu chuẩn để tồn tại và buộc phải giỏi hơn. TS không tự giỏi lên thì sẽ tự bị đào thải”, TS Châu Tiểu Lan nhấn mạnh.
Nữ TS này ví rằng, TS trên toàn thế giới đang phải đối diện với những thị trường lao động “hẹp như nút chai” với số lượng tốt nghiệp TS ngày càng tăng nhanh chóng, sự cạnh tranh trong thị trường lao động chất xám ngày càng gay gắt.
Để cải thiện tình hình này, người ta đề ra những giải pháp như: hạn chế thời gian làm postdoc (nghiên cứu khoa học khi đã có bằng TS) 5 năm. Điều này được áp dụng ở rất nhiều nước Canada, Thụy Sĩ, Đức, v.v…
Phía tuyển dụng sau 5 năm làm việc liên tục phải tạo một việc làm ổn định cho người đó. Nhưng thực tế thì thường họ không giữ ai lâu để tránh điều luật này. Bản thân postdoc sau 5 năm đó nếu không tiếp tục được sự nghiệp thì phải bắt đầu lại từ đầu, thường là khi vừa bước vào tuổi tứ tuần.
Giải pháp hạn chế, kiểm duyệt “đầu vào” tiến sĩ cũng được đưa ra. Các trường ĐH chỉ chọn lọc những người thực sự có triển vọng vào giai đoạn tiến sĩ để “bóp chặt” chất lượng “đầu vào”, nâng tầm nhận thức vấn đề của nghiên cứu sinh, cập nhật tình hình thị trường cho họ để đảm bảo chất lượng “đầu ra”.
Theo bà, Việt Nam cũng cần có những quy định mới để đáp ứng kịp thời mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ như quốc tế.
PGS Lê Bảo Long đề xuất: “Chúng ta nên có các nghiên cứu trong các ngành KHXH đạt tầm vóc toàn cầu để dẫn dắt quá trình hoạch định chính sách và phát triển của Việt Nam. Mặc khác, nên chăng có chính sách phù hợp để các nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo bài bản từ phương Tây và có hiểu biết tốt về các thành tựu KHXH của nhân loại, tham gia nhiều hơn và có chỗ đứng trong nước để họ có thể phát huy khả năng trong sân chơi nghiên cứu KHXH?”.
Bởi theo ông, điều đó sẽ giúp phát huy thế mạnh tương trợ của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu (kinh nghiệm, quan hệ với sức trẻ và sáng tạo), sử dụng hiệu quả các quỹ nghiên cứu khoa học và giúp chúng ta hội nhập nhanh hơn với cộng đồng KHXH toàn cầu.
Theo Dân Trí
Xem bài gốc tại đây