
Hãy cùng lắng nghe kinh nghiệm của anh Hoàng Đức Long- Chevener 2015- ngành Kiến trúc- Đại học Nottingham chia sẻ cách thức và quy trình chuẩn bị khi săn học bổng du học bạn nhé!
Có một vài điều trong phần trước mình quên chưa nói nên viết tiếp phần này để trình bày nốt.
Những người đang săn tìm học bổng du học thường săn tìm bài luận và hồ sơ của những người đã từng được học bổng để đọc và bắt chước. Bản chất việc đọc hồ sơ của những người được học bổng không có lợi cũng không có hại và nhiều khi không đọc cũng không làm sao. Chính cách tiếp cận và giải nghĩa những hồ sơ đó của người đọc mới quyết định việc đọc có lợi hay có hại.
Cho nên, mình khuyên mọi người khi đọc hồ sơ nên hiểu rõ một số vấn đề như thế này:
1. Phàm ai giành được học bổng đều là người rất may mắn
Họ may mắn vì họ chọn đầu tư thời gian cho đúng học bổng phù hợp với họ. Cụ thể hơn, họ có những phẩm chất cá nhân, hoặc kinh nghiệm, hoặc ý tưởng, hoặc ngành nghề, và còn nhiều thứ khác nữa, phù hợp với học bổng họ giành được. Bộ tiêu chí mà các học bổng công bố chỉ là một phần rất nhỏ trong việc xét tuyển. Những người có trách nhiệm giải mã tiêu chí và đánh giá ứng viên mới là phần then chốt. Vì ứng viên không thể nào biết được cơ chế đánh giá bên trong của học bổng nên họ đương nhiên phải mạo hiểm và may mắn mới được học bổng.
Điểm may mắn thứ hai là họ nộp hồ sơ vào đứng thời điểm mà số lượng ứng viên phù hợp với học bổng hơn họ không quá cao, tức là vừa đủ để họ giành học bổng. Chẳng hạn hồi năm 2014 mà có 2-3 anh kiến trúc sư nữa nhiều kinh nghiệm hơn, tiếng Anh nói cũng tốt (chứ chưa nói đến trường hợp giỏi hơn mình), lại còn thông minh, thì chắc chắn bạn Long trượt chỏng vó.
Thế nên là, nếu muốn thành công, các bạn phải biết người ta đỗ vì lý do gì. Việc này tuy khó, nhưng nếu không biết được lý do họ thành công thì việc đọc hồ sơ của họ cũng có ích gì đâu.
Tiếp theo là một số lý do mà mình đã từng thấy (lưu ý những nhân tố giúp một người được học bổng mang tính đặc thù học bổng rất cao, tức là nó chỉ phù hợp với 1 học bổng mà thôi)
2. Tư duy và viết luận tốt
Những người được học bổng ở các trường ở Mỹ (đặc biệt ở bậc đại học), một số Fulbrighter và Chevener là những người thể hiện rõ nhất khả năng này. Personal Statement của họ gửi gắm những thông điệp rất mạnh, rõ, nhưng được thể hiện bằng cách tinh tế, chân thực và không khoe khoang. Ví dụ, mình đọc bài luận của rất nhiều bạn, từ được học bổng cho đến chưa được học bổng, đều phải nói rằng trường mình đã theo học là trường tốt hay là trường hàng đầu. Những người viết luận thông mình biết rằng họ không có nhiều không gian để nói về những thứ shit nhảm như thế.
Người tư duy kém sẽ thích dùng nhiều tính từ và trạng từ để làm mình nổi bật, kiểu “original”, “break-through”, hay “innovative”. Người khôn sẽ không tự nói về mình trừ khi được yêu cầu nói thật súc tích những ưu điểm của bản thân. Họ sẽ nói người khác làm việc gì còn họ làm việc gì, chỉ trong 1 hoặc cùng lắm 2 câu (thường thì chỉ có 1 câu để nói thôi, vì bị giới hạn từ) để cho thấy sự khác biệt.
3. Thành tích học tập và nghiên cứu khoa học (academic merit)
Những học bổng dạng merit-based như Endeavour, Erasmus Mundus, hay nhiều học bổng trường ở Châu Âu thường chọn những ứng viên có thành tích học tập và nghiên cứu tốt, hoặc được sự giới thiệu của những tên tuổi lớn trong ngành (quan trọng không kém gì pubs, vì xét cho cùng cả hai đều thể hiện những đánh giá khách quan về bạn).
4. Ngành nghề và mục tiêu phát triển
Một số học bổng ưu tiên các suất nhất định cho các ngành ưu tiên, mặc dù về tư duy hoặc trình độ học thuật, những ứng viên thuộc các ngành này có thể chưa bằng ứng viên từ ngành khác. Ví dụ: học bổng BBS (đã dừng cấp sau năm 2015), học bổng New Zealand ASEAN, hoặc học bổng AAS rất quan tâm đến việc tạo điều kiện cho các ngành quan trọng mà họ muốn hợp tác với Việt Nam hoặc giúp Việt Nam phát triển như: nông lâm nghiệp, quản lý tài nguyện, xử lý nước, kĩ thuật môi trường, quy hoạch hoặc quản lý cơ sở hạ tầng. Đây là các ngành mà Việt Nam còn yếu, nhân lực có trình độ còn thiếu nên việc những người chọn học ngành đó được ưu tiên cũng là điều hợp lý. Trong một số trường hợp, ứng viên có mục tiêu phát triển phù hợp với tiêu chí của học bổng và người xét tuyển đến mức … (well) khó tin. Ví dụ, Clayton Bond là người phỏng vấn học bổng Fulbright và là chồng của Ted Osius, ngài đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam. Một ứng viên vào vòng phỏng vấn đã có một thời gian làm việc cho một tổ chức đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người thuộc cộng đồng LGBT ở Việt Nam. Người hỏi và người trả lời cùng tìm được nguồn cảm hứng và kiến thức chung để trao đổi với nhau.
Thế thì còn gì để nói nhỉ?!
5. Siêu may mắn
Có những người ngoại ngữ còn chưa đủ để tự tin nói về ngành nghề của mình, hoặc viết SOP xong không thèm kiểm tra ngữ pháp, vẫn được học bổng.
Sau khi đã biết được những người được học bổng vì sao được học bổng, bạn cần tìm người phù hợp với mình và HỌC BỔNG BẠN MUỐN LẤY để tham khảo.
Nếu bạn nộp những học bổng không yêu cầu trình độ học thuật cao nhưng đòi hỏi khả năng tư duy tốt, hiển nhiên bạn nên tìm đến những người viết luận giỏi đã được những học bổng như Fulbright, học bổng các trường đại học ở Mỹ, hoặc học bổng Chevening.
Nếu bạn không mạnh về viết luận và muốn nhắm đến những học bổng tài năng (merit-based), bạn có thể liên lạc với những người đã được các học bổng dạng này (ví dụ Erasmus Mundus) để tham khảo cách viết bài nghiên cứu và cách xin đăng những bài báo này trên tạp chí khoa học hoặc thuyết trình tại hội thảo khoa học (mọi người vẫn gọi là pubs/publications).
Nếu bạn thấy ngành nghề và mục tiêu của mình phù hợp với một ai đó, hãy chủ động liên lạc với người đó để bày tỏ những suy nghĩ của mình về những điều bạn quan tâm. Những người đó có thể cho bạn những ý kiến mới và sâu sắc hơn để bạn hoàn thiện hồ sơ.
Việc bạn hiểu các tiêu chí và phân loại học bổng, sau đó tìm kiếm người tham khảo và duyệt bài rất rất quan trọng vì nó giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian đồng thời định hướng hồ sơ của bạn rõ ràng hơn. Ví dụ: bạn muốn viết một bài Personal Statement (PS) thật hay để gửi cho một trường ở Mỹ. Nhưng bạn lại tham khảo bài luận của một người mạnh về nghiên cứu hoặc được học bổng vì chọn đúng lĩnh vực mà ban xét học bổng đang thiếu và ưu tiên. Thế thì khả năng trượt là gần như 100%. Hoặc bạn muốn xin học bổng merit-based mà lại dành thời gian để viết kiểu lả lướt, cá tính kiểu Mỹ, trong khi không dành thời gian cho pubs thì khả năng bị loại cũng cao không kém.
Theo: Hoàng Đức Long- Chevener 2015 (toididuhoc)