Không bị “sốc văn hóa” như nhiều du học sinh khác, điều khiến Phương Linh ngỡ ngàng với cuộc sống mới ở Mỹ là sự tử tế và tốt bụng của những người nơi đây.
Võ Phương Linh, cựu học sinh trường Hà Nội Amsterdam, nay là sinh viên trường Macalester College (bang Minnesota, Mỹ) chia sẻ về những trải nghiệm mới mẻ khi trở thành du học sinh Mỹ và những bí quyết giúp cô mau chóng hòa nhập với môi trường mới.
Ngỡ ngàng với sự tử tế của người Mỹ
Được đi du lịch nhiều nước trên thế giới từ nhỏ, bao gồm cả Mỹ, cộng với vốn tiếng Anh tốt nên Linh không gặp trở ngại về văn hóa khi sang Mỹ theo học. Điều khiến Linh ngạc nhiên nhất là sự “nice” (tốt bụng, tử tế) của những con người nơi đây.
“Tất cả mọi người ở trường em từng gặp, bao gồm cả giáo sư và nhân viên của trường đều luôn tìm cách giúp đỡ em về mọi mặt mỗi khi em gặp khó khăn hay có câu hỏi về bất kỳ vấn đề gì mà họ có thể giúp được.
Em cũng có cả một host family (gia đình giám hộ) là người địa phương qua một chương trình kết nối của trường, dù không sống cùng nhau nhưng họ luôn sẵn sàng giúp em mỗi khi có việc cần (ví dụ chở ra sân bay lúc 5 giờ sáng giữa mùa đông -15 độ C…), đảm bảo em sống vui vẻ, ăn tối cùng nhau, tặng quà sinh nhật, Giáng Sinh và thậm chí cả Tết,…
Tất nhiên có lúc đó chỉ là phép lịch sự, và em thường cố gắng tự lo cho bản thân, nhưng việc sống một mình ở nước ngoài dễ dàng hơn rất nhiều khi biết là luôn có người sẵn sàng giúp nếu em cần gì đó”, Linh chia sẻ.
Hệ thống giáo dục ở Mỹ và Việt Nam rất khác nhau. Nhiều sinh viên Việt ở nước mình học rất tốt nhưng khi chuyển sang môi trường mới thì không theo kịp người nước ngoài. Với việc chuẩn bị kỹ từ trước, Phương Linh không gặp khó khăn như phần đông du học sinh từng than thở.
Linh chia sẻ bí quyết: “Bên cạnh vấn đề ngôn ngữ, em nghĩ các bạn đi du học Mỹ cần chuẩn bị nhiều nhất là về tư tưởng. Trước hết là về ngành học. Phần lớn các trường ở Mỹ em biết không yêu cầu sinh viên chọn ngành học khi vào trường, mà đợi 2 năm để sinh viên có thể tìm hiểu các khoá học mình thích và từ đó chọn ngành phù hợp. Hai năm này không phải để học “đại cương” như nhiều người em từng nói chuyện hiểu nhầm.
Bởi vậy các bạn khi đi du học hãy tận dụng điều này, dù có định hướng ngành học rồi cũng hãy thử học cả những khoá của ngành khác nữa nếu thấy hứng thú, vì biết đâu lại tìm thấy một hướng đi mới mà mình thích, nhất là khi ở Mỹ có nhiều ngành không có/không nổi tiếng ở Việt Nam.
Em có một đứa bạn ở trường, hồi cấp 3 không giỏi Toán nên không bao giờ nghĩ mình sẽ học Kinh tế, nhưng sau khi học thử khoá Kinh tế Đại cương ở trường thì lại thích và quyết định sẽ học thêm cả ngành Kinh tế bên cạnh International Studies.
Một vấn đề nữa là phương pháp học. Ở Việt Nam vẫn quen học vì điểm số, tức là học vì kết quả, nhưng ở Mỹ chủ yếu là học vì quá trình. Có nhiều lớp em học nếu không đọc bài trước khi tới lớp hay không làm bài tập về nhà thì cũng chẳng sao lắm, vì tất nhiên không ai kiểm tra xem mình đã đọc hay chưa, hay vì chẳng hạn như bài luận cuối khoá có chủ đề tự chọn, không đọc bài thì vẫn viết được.
Nhưng nếu vậy thì có hai vấn đề, một là nhiều lớp tính điểm participation (nói theo kiểu Việt Nam là “phát biểu xây dựng bài”), không đọc/làm bài thì không tham gia bàn luận ở lớp được và thế tất nhiên là mất điểm, dù thường không nhiều; nhưng quan trọng hơn là nếu không đọc/làm bài thì sẽ gần như chẳng học được gì, kể cả nếu điểm cuối năm vẫn tốt.
Nhân nhắc tới participation, đây cũng là một vấn đề em gặp phải, vì hồi học phổ thông em quen chỉ phát biểu khi em biết câu trả lời của em là đúng. Ở Mỹ không như vậy, khi giáo sư đặt câu hỏi thì mọi câu trả lời/câu hỏi lại (dù ngớ ngẩn tới đâu) cũng được xem là đóng góp cho lớp, và mọi người đều được khuyến khích phát biểu suy nghĩ của mình, không thụ động tiếp thu thông tin giáo sư nói. Vậy nên các bạn cũng cần chuẩn bị học cách diễn đạt suy nghĩ của mình, và biết cách tiếp thu và phản biện hợp lý những ý kiến khác mình”.
Tọa đàm về người H’mong trên đất Mỹ
Trường học của Phương Linh rất chú trọng tính đa văn hóa (multiculturalism) nên sinh viên của trường rất đa dạng cả về quốc tịch và điều kiện sống. Để tôn vinh các nền văn hóa trên thế giới, trường tổ chức rất nhiều hoạt động.
Trong đó Asian Pacific Awareness Month (APA Month) diễn ra vào tháng Tư hàng năm, là một chuỗi các sự kiện nhằm tôn vinh văn hoá châu Á và cộng đồng người Mỹ gốc Á (biểu diễn nghệ thuật, chợ ẩm thực, chiếu phim…), đồng thời nâng cao nhận thức về một số vấn đề ở khu vực này.
“Năm vừa rồi có toạ đàm về vấn đề biển Đông, và buổi nói chuyện với các bạn sinh viên người H’mong của trường về vấn đề tiếp cận giáo dục – có khoảng 60,000 người H’mong ở thành phố của em”, Linh chia sẻ.
Người Mỹ tôn trọng sự đa dạng văn hóa nên Phương Linh thoải mải chia sẻ câu chuyện về gia đình mình, về những định kiến, áp lực mà gia đình cô gặp phải khi sống ở Việt Nam.
“Bố mẹ mình chỉ có 2 con gái. Và ở Việt Nam, người ta coi đó là điều không may bởi họ vẫn còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Bố mẹ mình không để tâm chuyện sinh con trai hay con gái nhưng nhiều người cứ nói kháy rằng nhà này không biết sinh con trai, thậm chí có người còn xúi bố mình ly hôn cưới vợ mới mà sinh con trai để có người nối dõi tông đường”, Linh chia sẻ trên APA Month.
“Em cũng vừa mới biết về những áp lực mà cha mẹ phải đối mặt từ mùa hè năm ngoái. Khi biết chuyện em cũng hơi sốc, nhưng có lẽ một phần vì khi đó em cũng lớn rồi, cũng biết nhiều rồi nên em cũng không còn quá ngạc nhiên nữa, chỉ là em không nghĩ việc đó cũng đã xảy đến với nhà mình”, Linh nói thêm.
Chỉ tiếng Anh thôi chưa đủ!
Học tập ở Mỹ chỉ cần tiếng Anh là đủ nhưng Phương Linh vẫn dành thời gian để học các ngôn ngữ khác. Linh có thể sử dụng tiếng Hàn cơ bản, tiếng Đức đã học được 2 năm và sẽ còn học tiếp 2 năm tới.
“Em còn chưa là gì, trường em nhiều bạn vào trường đã thành thạo 5-6 thứ tiếng cơ. Em nghĩ là nếu trên đời có một thứ biết càng nhiều càng có lợi về mặt thực tiễn thì đó là ngôn ngữ, bởi vì dù tiếng Anh hiện nay là ngôn ngữ toàn cầu thì số người thành thạo tiếng Anh cũng không nhiều đến vậy.
Cứ đi Hàn với Nhật là biết liền, nước thì phát triển giàu có nhưng người dân chủ yếu vẫn chỉ nói tiếng của họ, biết càng nhiều ngôn ngữ là càng tự tạo cho mình được nhiều cơ hội hơn, không chỉ về nghề nghiệp mà còn là hiểu biết cả về quốc gia đó nữa, vì mình có thể tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn hơn”, Linh bày tỏ.
“Ngôn ngữ là chìa khoá cho thông tin. Hiện nay phần lớn sách được xuất bản trên thế giới một năm và thông tin được đăng tải trên Internet là bằng tiếng Anh, hay đến cả mấy cái máy móc phần mềm hay dùng cũng bằng tiếng Anh, bởi vậy ai biết tiếng Anh (tất nhiên là cả các thứ tiếng khác) sẽ không bị bó hẹp trong lượng thông tin bằng tiếng Việt, biết dùng máy giặt máy tính không cần lần mò nhiều, và nói ngắn gọn là dễ dàng bắt kịp với thế giới hơn”, Linh chia sẻ về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Với Linh, toàn cầu hóa không chỉ là biết tiếng Anh, mà còn có nghĩa là phải có kiến thức, hiểu biết rộng về thế giới, và ngôn ngữ là một trong những điểm khởi đầu quan trọng để tìm hiểu về các quốc gia.
“Không nhất thiết cứ phải học những thứ tiếng phổ biến thì mới hữu ích, vì, như đã nói, trong toàn cầu hoá mọi ngôn ngữ đều có vai trò của mình, và nếu mình biết một thứ tiếng ít người biết thì cơ hội cho mình sẽ lớn hơn vì thị trường không còn quá cạnh tranh.
Ví dụ em từng nghĩ là biết tiếng Việt thì chẳng có ích gì lắm khi ra nước ngoài; nhưng như ở thành phố của em có cộng đồng người Mỹ gốc Việt tương đối lớn, nên nhiều tổ chức xã hội ở đây tìm kiếm các tình nguyện viên biết cả tiếng Việt và tiếng Anh để hỗ trợ họ, và tất nhiên khi đó mình sẽ có lợi thế”, Linh nói.
Theo Vietnamnet
Xem bài gốc tại đây