
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Florida – nhà nghiên cứu đầu tiên phát triển quy trình nuôi cấy thành công với cây lan ma đã có những chia sẻ hết sức thiết thực về những điểu cần biết khi muốn trở thành nghiên cứu sinh chuyên ngành nông nghiệp tại Mỹ.
- Sự khác nhau giữa nghiên cứu sinh ngành nông nghiệp tại Việt Nam và Mỹ
Trong ngành nông nghiệp, sự khác biệt lớn nhất giữa việc làm nghiên cứu sinh tại Mỹ và Việt Nam cơ bản nằm ở chất lượng và hệ thống đào tạo. Tại Đại học Florida, nghiên cứu sinh trong ngành khoa học thực nghiệm thường làm việc toàn thời gian và được trả lương để làm nghiên cứu. Chương trình nghiên cứu sinh ở đây có thể bắt đầu mà không cần có bằng thạc sỹ và thường kéo dài từ 4-6 năm.
- Về các môn học trọng yếu: Trong 2 năm đầu tiên, nghiên cứu sinh phải lên lớp học các môn học trọng yếu cho chương trình nghiên cứu. Các môn học này được đánh mã số, những môn số càng cao thì càng khó. Ví dụ như HOS4500 sẽ khó hơn nhiều so với HOS2700. Các môn học với mã số từ 4000 trở lên là các môn nâng cao, dành cho sinh viên sau đại học. Rất nhiều môn cơ bản phải học cùng với sinh viên đại học và sinh viên các khoa khác như kinh tế, toán học… Tuy nhiên giáo viên luôn giao cho nghiên cứu sinh, sinh viên sau đại học nhiều bài tập và dự án hơn so với sinh viên cử nhân. Kể cả với các môn chuyên ngành, giáo viên luôn giảng giải cặn kẽ để sinh viên các ngành khác có thể hiểu được.
- Về tổ chức của Hội đồng Nghiên cứu sinh: Ở Việt Nam thì Hội đồng thường được lập ra ngay trước khi bảo vệ và nhiệm vụ của Hội đồng là đánh giá chấm điểm nghiên cứu sinh. Ngược lại thì Hội đồng của tôi được thành lập vào năm đầu hoặc năm thứ hai và các thành viên Hội đồng là do sinh viên chọn. Sinh viên sẽ tìm các giáo sư quan tâm đến nghiên cứu của mình để họ có thể hỗ trợ mình trong quá trình làm việc. Các giáo sư sẽ thường xuyên trao đổi, giúp đỡ về máy móc thí nghiệm và thậm chí sửa bài giúp sinh viên. Nếu một thành viên Hội đồng không giúp ích cho sinh viên thì có thể thay thế bằng thành viên khác. Nhiệm vụ của Hội đồng là giúp sinh viên phát triển và đánh giá định hướng công việc, chứ hoàn toàn không chỉ để chấm điểm và thử thách sinh viên.
- Về tổ chức nghiên cứu: Nghiên cứu sinh sẽ làm việc trực tiếp với giáo sư hướng dẫn hoặc thông qua một postdoc (nghiên cứu sinh sau tiến sĩ). Nghiên cứu sinh phải trực tiếp làm rất nhiều thí nghiệm, khác với ở nhiều nơi thì công việc làm thí nghiệm được giao cho sinh viên đại học. Chính vì vậy mà nghiên cứu sinh có thể nắm rất rõ các chi tiết và phương pháp thực nghiệm.
- Quy trình thực hiện công trình nghiên cứu
- Nói một cách khái quát nhất về quá trình nghiên cứu thì nó bắt đầu với việc đặt câu hỏi, và sau đó đi tìm câu trả lời bằng cách làm thí nghiệm, quan sát, hoặc tổng hợp tư liệu, rồi lại đặt thêm câu hỏi, cứ như vậy cho đến khi vấn đề được sáng tỏ.
- Vào năm thứ hai khi thành lập Hội đồng, nghiên cứu sinh sẽ đưa ra một bản đề cương, trong đó bao gồm một loạt các câu hỏi và giả thuyết.
- Ví dụ như:
- Có bao nhiêu cá thể lan ma đang còn tồn tại trong khu vực Naples, Florida? Loài này cần được nhân giống như thế nào?
- Rồi đưa ra luận điểm để chứng tỏ là các câu hỏi trên chưa có câu trả lời, rằng vấn đề rất quan trọng. Nghiên cứu sinh cũng sẽ đề xuất phương pháp để có thể trả lời các câu hỏi trên.
- Trong khi đó, hội đồng sẽ giúp nghiên cứu sinh bằng cách phản biện hết sức chi tiết, đưa ra câu hỏi thiết thực hơn, đặt nặng các vấn đề mà cộng đồng quan tâm, đồng thời gợi ý các phương pháp chính xác hơn…
- Các buổi làm việc sau đó với các giáo sư cũng chỉ xoay quanh mục đích làm thế nào để cùng nhau trả lời cho chính xác những câu hỏi chưa có lời giải. Nghiên cứu sinh phải làm thí nghiệm cho đến khi nào trả lời được câu hỏi một cách trọn vẹn thì sẽ viết thành bài báo để công bố trên tạp chí quốc tế. Chỉ khi đó thì hướng nghiên cứu mới có thể được xem là tương đối hoàn chỉnh.
- Nghiên cứu sinh cũng phải trình bày một báo cáo cho các thầy cô và sinh viên cùng ngành vào năm thứ hai, mục đích là để trau dồi kỹ năng thuyết trình, đồng thời tạo điều kiện cho mọi người phản biện nghiên cứu của nhau. Điều này giúp sản phẩm nghiên cứu cuối cùng đạt kết quả tốt hơn.
- Trong quá trình học các môn trọng yếu, Nghiên cứu sinh cũng được khuyến khích tự đề xuất các chuyên đề, bài tập liên quan đến nghiên cứu của mình. Việc này cho phép nghiên cứu sinh ứng dụng kiến thức đã học, mở rộng hiểu biết chuyên môn, đồng thời là cơ hội cho tất cả mọi người cùng cập nhật kiến thức mới từ nghiên cứu của sinh viên.
- Những khó khăn thường gặp trong quá trình nghiên cứu.
- Kể cả ở Mỹ thì việc nghiên cứu cũng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, bởi thất bại là bản chất của công việc này. Nghiên cứu thực chất là đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi, tìm bằng chứng cho các giả thuyết. Việc tìm kiếm không phải lúc nào cũng dễ dàng đặc biệt là khi phạm vi tìm tòi của của con người ngày càng rộng hơn. Người ta muốn nhìn vào bản chất nhỏ nhất của tế bào, của các chuổi trình tự, của các phản ứng sinh hoá, hay xa hơn đến các hành tinh khác… Để làm được điều này thì người nghiên cứu sinh phải có đầy đủ kiến thức lý thuyết lẫn thực tế, đồng thời phòng thí nghiệm phải được trang bị đầy đủ. Bất kể là nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng thì trong ngành nông nghiệp, khó khăn lớn nhất vẫn là tìm nguồn kinh phí .
- Kế đến là áp lực cạnh tranh từ các phòng thí nghiệm khác. Việc tìm kinh phí khó khăn khiến cho các phòng thí nghiệm phải chạy đua nhau để công bố kết quả. Điều này làm cho người nghiên cứu luôn bị đặt trong áp lực phải làm nhiều hơn, nhanh hơn để không bị “nẫng tay trên”. Ở đây, mặc dù công chúng là những người được lợi về mặt thông tin, bởi các nhóm liên tiếp công bố kết quả. Song nếu người nghiên cứu sinh chậm mấy ngày và bị nhóm khác công bố trước, bạn ấy có thể phải bỏ phí mấy năm trời nghiên cứu.
- Riêng đối với sinh viên quốc tế thì ngoại ngữ là một rào cản rất lớn trong quá trình hoà nhập và giao tiếp với mạng lưới các nhà khoa học cùng ngành. Nói và viết tự nhiên như người Mỹ là một điều không dễ. Nghiên cứu sinh có thể mất khá nhiều thời gian ban đầu để bắt nhịp và xây dựng ảnh hưởng riêng của mình trong giới khoa học. Càng thực tập nhiều thì về sau quá trình giao tiếp và viết lách sẽ càng được cải thiện.
- Để bảo vệ thành công đề tài, cần những yếu tố nào?
- Để bảo vệ thành công đề tài thì ít nhất nghiên cứu sinh phải hoàn tất đề tài ở mức độ tối thiểu mà Hội đồng cho phép.
- Thông thường thì nghiên cứu sinh được đi hội nghị để báo cáo mỗi năm nên lúc gần bảo vệ thì đã có kinh nghiệm báo cáo và bài viết từ trước. Các luận điểm cũng đã được trình bày trước nhiều người, nhận được nhiều câu hỏi trước đó nên đến thời điểm bảo vệ thì nghiên cứu sinh có thể thuyết phục các thành viên Hội đồng khá dễ dàng.
- Theo lẽ thường thì nghiên cứu sinh là người thực hiện nên họ hiểu rất rõ nghiên cứu của mình. Các câu hỏi của Hội đồng trong quá trình bảo vệ cũng chỉ mang tính thảo luận làm rõ vấn đề. Vì thế, việc bảo vệ đề tài cũng không “khó nhằn” nếu bạn hiểu rõ về nghiên cứu của mình.