Networking là gì?
Kỹ năng networking hay còn gọi là kỹ năng xây dựng mối quan hệ. Trong cuộc sống cũng như trong công việc, học tập, networking đóng một vai trò rất quan trọng. Nó xuất hiện dưới nhiều hình thức, xảy ra một cách thường xuyên và rất có thể bạn đang networking mà không nhận ra. Chẳng hạn ngày đầu tiên đi học ở môi trường Đại học, tham dự một khóa học hay buổi hội thảo, gặp một người có công việc tốt, sếp cũ gọi điện, gặp đồng nghiệp cũ… là những tình huống networking thường gặp.
Vì sao cần có kỹ năng networking?
Trong thế giới việc làm, networking đóng một vai trò rất quan trọng. Theo khảo sát của phóng viên tạp chí Wall Street Journal (2004), 94% những người tìm việc thành công đều cho rằng networking chính là yếu tố giúp họ có được công việc mong muốn.
Trong cuộc sống, bạn có chắc rằng bạn có thể một mình giải quyết mọi vấn đề xảy ra với bản thân, gia đình mà không cần đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai? Có những mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm được giải pháp xử lý vấn đề khó khăn mà bạn gặp phải trong cuộc sống.
Kỹ năng cần có để xây dựng network thành công:
Theo Tạp chí Wall Street Journal bình chọn có 9 kỹ năng nổi bật là:
- Chất lượng quan trọng hơn số lượng: Số lượng người bạn quen biết không quan trọng, mà quan trọng là chất lượng của các mối quan hệ. Để làm được điều đó bạn cần biết mình muốn đi về đâu, sống như thế nào từ đó xác định được mình cần có những mối quan hệ như thế nào, trong lĩnh vực gì. Đây gọi là networking có định hướng chứ không chỉ chờ người ta tới với mình.
- Sống chậm lại: Không phải ai cũng kết giao thân mật trong lần đầu tiên gặp mặt – các mối quan hệ công việc, làm ăn lại càng cần thời gian. Hãy tìm hiểu về người khác không chỉ từ góc độ công việc, mà cả cuộc sống cá nhân.
- Công nghệ cao không phải lúc nào cũng tốt: Đôi khi, một cú điện thoại, một lá thư tay, một tấm thiệp cảm ơn, một tin nhắn chúc mừng sinh nhật lại hiệu quả hơn nhiều những email điện tử. Hãy gọi điện để người ta nghe thấy giọng nói của bạn, hãy sắp xếp thời gian để gặp mặt trực tiếp.
- Đa dạng hoá các mối quan hệ: Đừng bao giờ bó hẹp các quan hệ của bạn chỉ trong một nhóm/kiểu người. Khi phải xử lý những vấn đề ngoài chuyên môn, bạn sẽ cần đến chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hãy quan tâm đến những người có mối quan hệ rộng vì họ có thể giúp bạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhiều người khác mà họ biết.
- Chủ động: Chủ động tự giới thiệu bản thân sẽ khiến bạn tự tin khi trò chuyện với những người lần đầu gặp mặt. Chủ động tìm đến các networking event, những event mà những mối quan hệ quan trọng thường thường có mặt. Hãy thực tập nhiều lần kỹ năng này.
- Hãy là cầu nối: Giúp những người khác làm quen với nhau. Đó cũng là một cách mở rộng và củng cố các mối quan hệ một cách hiệu quả.
- Quan tâm: Hãy tập thói quen kiểm tra danh bạ điện thoại hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội để có thể thăm hỏi và thể hiện sự quan tâm đến các mối quan hệ cũ. Một cuộc gọi điện, tin nhắn, hỏi thăm, một nút like hoặc một dòng status thể hiện sự quan tâm của bạn đến mọi người xung quanh.
- Biết vượt qua sự xấu hổ: Nhiều người rất hay xấu hổ khi nói chuyện với người lạ. Đây có thể nói là đặc tính của người Việt Nam nói chung và các bạn sinh viên Việt Nam nói riêng. Bạn có thể chủ động vượt qua tình trạng đó bằng những lời khen hoặc câu chuyện dí dỏm. Điều này đòi hỏi sự thực tập và óc quan sát tinh tế. Vài ví dụ đơn giản như khi gặp ai đó trong thang máy, bắt đầu bằng một vài câu “Nice shirt – Áo đẹp đó” hay “Man, it’s hot – Nóng dã man!”…Ngay sau đó bạn đã có thể đi tiếp câu chuyện với người lạ.
- Thân thiện: Đây chính là chìa khoá để mở mọi cánh cửa quan hệ. Hãy để ý rằng một khuôn mặt baby tươi cười là một khuôn mặt rất có thiện cảm, cộng với những cử chỉ và lời nói thể hiện sự quan tâm sẽ khiến bạn cực kì hấp dẫn.
Xây dựng network như thế nào?
Bước 1: Bước thứ nhất chính là kết giao
Làm sao có thể làm quen với những người khác?
- Tập cho mình cách bắt chuyện, kể chuyện hấp dẫn, tạo ấn tượng, tập bắt tay
- Chúng ta cần chăm chút cho hình dáng bên ngoài đó là cách đi, tư thế đứng thể hiện phong thái chững chạc và thu hút người khác. Cách ăn mặc hợp thời trang, phù hợp với hoàn cảnh và dáng vẻ của mình
- Chủ động làm quen, tự giới thiệu mình trong các buổi gặp mặt, các buổi tiệc…
- Tận dụng cơ hội nói chuyện khi bạn được giới thiệu với ai đó, lắng nghe và thể hiện sự quan tâm.
- Hiểu biết, mối quan hệ, cũng như năng lực của bạn là một tài sản quan trọng trong quá trình kết giao, chính vì vậy phải luôn trau dồi năng lực cá nhân. Biết cách thể hiện năng lực cá nhân là chìa khoá để có thể kết giao nhanh chóng.
- Tìm hiểu những thông tin về bản thân họ. Lưu ý không hỏi những câu quá mang tính chất riêng tư
- Hãy hỏi xin danh thiếp để bạn có thể nhớ tên của họ; để nhớ rằng bạn đã nói chuyện với họ và biết làm thế nào để có thể tiếp cận được họ; bạn có thể viết lên đằng sau tấm danh thiếp những gì bạn muốn ghi nhớ và nó sẽ có ích cho bạn sau này
- Hãy suy nghĩ về những thông tin mới mẻ mà bạn muốn chia sẻ với họ, những thông tin thú vị này đôi lúc có thể đưa bạn vào tầm ngắm của nhà tuyển dụng
- Bạn có muốn hỏi họ một vài câu hỏi chi tiết nào không? Hãy tạo hứng thú cho mình và cho họ để cho cuộc đối thoại tiếp diễn
- Hãy suy nghĩ và quyết định xem bạn có muốn và có thể gặp lại họ không? Khi nào? Và ở đâu?
- Hãy chú ý đến câu chuyện với người đối diện và cho họ thấy bạn chăm chú lắng nghe. Tạo sự tương tác bằng cách đặt câu hỏi hay và đúng lúc. Bạn cũng có thể lên cho mình danh sách các câu hỏi mở, dẫn dắt câu chuyện.
- Chú ý quan sát và điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể cho phù hợp với câu chuyện, nếu người đối diện nhìn đi hướng khác, vai và chân không quay về phía mình thì họ không tập trung vào câu chuyện của mình.
- Khi cần kết thúc câu chuyện, hãy sử dụng cách này: “Xin lỗi, tôi/mình/em/cháu… phải ra chào người kia một tiếng” (người đó đang đứng một mình). Đây là một cách có thể chấp nhận được. Hãy mỉm cười và sau đó đi ra.
- Khi nhìn thấy ai đó mà bạn đã gặp nhưng không thể nhớ nổi tên, hãy ra chào và đơn giản là nhờ họ giúp bạn nhớ lại tên của họ. Hãy nhớ nói cho họ biết tên bạn.
Bước 2: Duy trì mối quan hệ.
Để có thể duy trì được mối quan hệ mới tạo dựng, các bạn cần nắm bắt một số điều:
- Lý do liên hệ lại
- Đi trước một bước: hãy là người liên hệ trước
- Chân thành, nhiệt tình
- Ổn định đều đặn: nhắn tin, hỏi thăm, hẹn nói chuyện …
- Hãy cho họ thấy giá trị, năng lực của bạn.
Bước 3: Nuôi dưỡng
Đừng chỉ liên hệ với người khác khi bạn cần sự giúp đỡ của họ. Để nuôi dưỡng mối quan hệ mới này các bạn nên nhớ những ý sau:
- Biết cho đi: Đừng chỉ cho đi với mục đích được nhận lại.
- Đối xử với mọi người công bằng
- Biết nói cảm ơn
- Cùng học hỏi: Tạo và phát triển điểm chung
- Cùng hành động: Biết giữ lời hứa, tạo và phát triển niềm tin
- Phát triển giá trị lợi ích chung cho hiện tại và tương lai
Bước 4: Khai thác, chia sẻ các mối quan hệ
Khai thác ở đây tức là tìm kiếm điểm chung, cùng nhau xây dựng mối quan hệ để sau này khi bạn của bạn hay chính bạn gặp khó khăn họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn. Việc đứng ra tổ chức những buổi tiệc tại nhà, những sự kiện nhỏ giúp bạn trở thành cầu nối cho các mối quan hệ, là khởi đầu để họ tìm kiếm điểm chung.
Cần chú ý khi xây dựng network:
- Thực tế là không phải lúc nào cũng có sẵn mạng lưới quan hệ theo định hướng của riêng bạn -> Hãy tự xây dựng cho mình mạng lưới kết nối
- Tận dụng các sự kiện để network: Mỗi một cá nhân đều có rất nhiều mối quan hệ khác nhau, quan hệ xã hội,quan hệ công việc, học tập… hãy lên bảng danh mục các nguồn xây dựng mối quan hệ -> lưu ý về các khả năng có thể dẫn đến thành công trong xây dựng mối quan hệ đó -> Bạn đã thử chưa? Hành động!
- Bắt đầu sớm: Càng sớm thì thành công trong cuộc sống và tiến độ thăng tiến trong nghề nghiệp càng nhanh!
Bạn đã xây dựng cho mình mạng lưới kết nối như thế nào? Bạn có biết Hội thảo sáng kiến phát triển Việt Nam là nơi lý tưởng tập trung nhiều bạn trẻ tài năng, nhiệt huyết, và đặc biệt là những chuyên gia Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Hội thảo cũng là nơi mà đại diện nhà tuyển dụng sẵn giúp bạn giải đáp các thắc mắc, mở ra cho bạn những ý tưởng và cơ hội mới trên con đường học tập, nghiên cứu cũng như việc làm sau tốt nghiệp tại Mỹ.
Đăng ký tham gia: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSewdDRaoNDf7GnXHO7wxXphEaMikFFY3MYcJjQZZ-1Cv7DZaw/viewform
Tìm hiểu thêm thông tin:
Website: http://sinhvienusa.org/2016/07/10/thong-cao-bao-chi-hoi-thao-sang-kien-phat-trien-viet-nam/
Facebook: https://www.facebook.com/events/1587742711524981/
Tác giả: Thùy Linh (Great Aupair – US)
Hiệu chỉnh: Hoàng Nguyễn (Đại học Florida)
Tổng hợp từ nguồn: Internet