
Bài dự thi HTNM4 – Thể loại Bài Viết
Sách là đồ chơi và thư viện là điểm hẹn lý tưởng
Tác giả: Phạm Ngọc Đoan Trang
Thú thật, tới cái tuổi “băm” này, tôi vẫn không thích đi thư viện. Tôi không thích cái im ắng của thư viện, không thích những cuốn sách đạo mạo trên giá chỉ nhìn thấy gáy và số hiệu của thư viện. Cái gì dính tới chữ “thư viện”, với tôi đều đáng chán. Tôi nhớ lúc nhỏ, tôi chỉ mong tới cuối tuần để được Ba dẫn đi nhà sách. Tôi yêu cái cảm giác ngồi bệt trên sàn nhà mà đọc ngấu nghiến mấy cuốn truyện, có nơi còn có cả nhạc du dương nữa chứ. Rồi cứ vài chục phút là chạy sang chổ khác ngồi để tránh đường người khác xem sách, và cả một vài đứa bạn tình cờ quen được do cũng hay coi cọp sách như tôi. Tôi thích nhà sách nhiều lắm, vì đó là ngôi nhà thư giãn của tôi mỗi cuối tuần, vừa mát, vừa sáng, vừa đẹp, muốn ngồi đâu thì ngồi, nằm đọc sách cũng chẳng phạm qui, thế thì vào thư viện làm gì không biết. Lớn lớn, khi được cầm tiền, tôi lại thích cảm giác thỏa mãn khi có được cuốn sách cũ lục tìm ra để rinh về nhà cặm cụi đọc, mà thích nhất là khi chỉ cần vài trăm đồng đã có được cuốn sách vài ngàn đồng. Tôi xem việc mua sách cũ như là một chiến lợi phẩm của công cuộc “tìm kho báu” vậy. Nhà tôi toàn sách, tôi cứ tha dần tha dần sách cũ về, chỉ để đọ với Ba tôi là con cũng có tủ sách của riêng con. Thư viện với tôi, chỉ là kho sách, còn “tủ sách của tôi” mới là thiên đường. Đến khi vào học graduate school bên này, thư viện đẹp hơn, thân thiện hơn trong tôi, nhưng tôi cũng chủ yếu mượn sách của trường về nhà tự đọc, hoặc đọc sách online ở nơi thoải mái, có nhạc nghe hơn là vào thư viện. Thư viện với tôi, lúc này, là của một trường đại học ở đất nước tiên tiến.
Vậy mà, “thư viện, con yêu thư viện, con thích đi thư viện!” lại là câu trả lời gần như giống nhau từ những đứa trẻ, con tôi và cả đám của nó, mà tôi có dịp hỏi “con thích nơi nào nhất?”. Tôi nghĩ bụng “thư viện có cái gì ngoài sách đâu, mà lũ trẻ này lại yêu được cái nơi khô khan ấy nhỉ?” Đem thắc mắc hỏi vài người bạn Tây của tôi “sao con nít ở đây thích thư viện thế?” và bọn nó trả lời “mày thử vô thư viện với con mày đi, biết liền hà”. Thế là tôi theo con đi thư viện, thư viện cộng đồng ở Mỹ, để coi cái “thư viện thần thánh” của bọn nhóc là thế nào. (Thật ra thì trường con tôi gần thư viện nên mỗi tuần bọn chúng đều có 1-2 lần được vào thư viện). Và thế là bao nhiêu điều làm tôi “mở mắt” về cái sự “thần thánh” của thư viện và các vị thủ thư.
Một thủ thư đang tương tác với bé trong storytime
Đầu tiên là mỗi thư viện đều có khu vực dành cho con nít (children services) và cả các cô chú thủ thư vô cùng thân thiện với bọn nhỏ. “Cứ cần gì là hỏi thủ thư”, tôi thấy tấm bảng ghi dòng chữ như thế. Tôi tiến đến hỏi đứa trẻ (gần được 4 tuổi, theo lời Ba nó) đang ngồi “làm sao con kiếm được cái con muốn trong thư viện?”. Nó đáp “con hỏi thủ thư”. Tôi lại hỏi “thế lỡ cái con muốn thư viện không có thì sao?” nó tỉnh bơ “thì cô thủ thư cũng biết mà, nhưng cổ sẽ chỉ sách cho con đọc hoặc tìm chổ cho con đưa Ba Mẹ dẫn con đi”. Ráng hỏi tiếp thằng nhỏ “đọc sách hoài không chán à?” thế là nó nói “con đang chơi mà”. Ngớ người trong giây lát, tôi hỏi tiếp “thế sách nhiều thế này con có đọc không?” thằng bé khoe “con được mượn về nhà đến 200 món trong một ngày đấy ạ. Con đưa người lớn đọc sách cho con nếu cần”. Ngớ người lần thứ hai. Gì mà mượn tới 200 món một ngày! “Bộ con mượn 200 cuốn sách về luôn hả?” cậu bé cười khúc khắc rồi nói “con chỉ lấy những cuốn con thích và vừa sức con ôm về nhà thôi”. Thú vị nhỉ, lại hỏi “Thế con hay mượn gì về nhà?”, lòng đinh ninh thằng nhỏ sẽ nói tên vài cuốn sách, nhưng thằng bé chỉ tay như dạy tôi “đồ chơi nè, bộ khám phá nè, sách nè, có cả lego và búp bê nữa”. Lại ngớ người tập ba. Sao thư viện mà cả đồ chơi cũng cho mượn nữa ư! Tôi buột miệng, nghĩ tới con gái mình “à, vậy là con gái cô sẽ được mượn búp bê, thích thật!” thế là thằng bé lại cho tôi cái ngớ người “quá tam” rằng “dạ, American girl đó Cô, đẹp lắm”. Trời ơi, mỗi bộ này giá cả trăm đô mà thư viện cũng có để cho mượn! Tôi rảo một vòng rồi nói với con tôi những gì tôi mới học được từ thằng bé, ai dè con nhỏ nói “đúng rồi, cần gì cứ hỏi librarian là được. Con hỏi mượn American girl rồi nè”. Tôi lật đật chạy đi hỏi cô thủ thư, cổ bảo thư viện có vài bộ nhưng đắt lắm, nên con tôi phải vào danh sách chờ, sau 2 tuần nữa sẽ đến lượt.
Thư viện cho mượn ukelele để bé đem về chơi, cũng mở các lớp dạy chơi cơ bản.
Tiếp đến là các dịch vụ thư viện. Dịch vụ cho con nít, cho người trưởng thành, cho người thất nghiệp và cả cho người cao tuổi. Tò mò xem thử những tờ rơi ở thư viện, thấy nào là “lớp sử dụng Facebook, Twitter cho người cao tuổi”, rồi là “làm sao để viết một hồ sơ xin việc tốt” cho học sinh trung học hoặc người thất nghiệp, “cách sử dụng máy vi tính và các phần mềm Word, Excel”… Con nít thì có các chương trình storytime, và sinh hoạt theo chủ đề. Đi hỏi các thủ thư những chương trình thế này có ai tham gia không thì được biết lớp luôn có người tham gia, và họ mở định kỳ nhưng liên tục suốt. Ai cần hỗ trợ thì cứ tới thư viện là xong. Tôi hỏi chi phí thì họ bảo chỉ vài lớp đặc biệt nâng cao mới có thu một ít chi phí chứ lớp căn bản thì miễn phí. Đúng là “thần thánh” thiệt.
Và rồi cứ mỗi lần vào thư viện công cộng với con, tôi lại học thêm được nhiều điều mà tôi không biết về thư viện. Những chương trình dành cho thiếu nhi với mục đích kéo bọn trẻ đến với thư viện, xem thư viện là ngôi nhà thứ hai, và xem sách là những món đồ chơi giải trí tuyệt vời, còn các cô chú thủ thư là những người bạn lớn xác. Thư viện ở đây là cách xã hội đóng góp lâu dài cho thế hệ sau. Đặc biệt là các bạn nhỏ xíu xiu mới vài tuần tuổi cũng được đến thư viện để được nghe đọc sách tương tác, được nghe cái ồn ào của các bạn nhỏ khác. Tôi hỏi cô thủ thư chuyên trách về dịch vụ trẻ em “phụ huynh có ngại đem con đến thư viện khi còn quá nhỏ không?” cô nói “cũng có người ngại, nhưng cũng không ít nhà họ đưa bé có khi mới 2 tuần tuổi đến tham gia luôn. Chúng tôi có nguyên lý cho phơi nhiễm với môi trường từ nhỏ, nên bọn trẻ dưới 2 tuổi cứ chơi đại trà với nhau như trong nhà trẻ thôi, chỉ có khác là có người lớn ở gần bên để ý 1 tí thôi”. Và khi nói chuyện với một số phụ huynh dạy con tại nhà (theo trường phái “homeschooling”) thì họ nói “tôi không muốn cho con đi học, thư viện tốt thế này thì tôi tự dạy được và con tôi cũng tự học được, còn nhanh và giỏi hơn ở trường nữa”. Và giờ tôi mới hiểu câu “thư viện chính là kho tàng của tri thức” là thế nào. Kho tàng không phải chỉ là ở sách mà là ở môi trường, ở cách tiếp cận để tri thức không phải là chỉ ở người trưởng thành mà còn ở đứa con nít nhỏ tí ti.
Nhóm trẻ dưới 1 tuổi cùng chơi với nhau sau giờ storytime
Rồi ở cái tuổi “băm” này, tôi bắt đầu nghĩ đến thư viện và con nít. Tôi ước được nhỏ lại để tuổi thơ có cái thư viện như thế này. Tôi ước không chỉ tôi, mà em tôi, bạn tôi, những đứa bạn ngồi bệt, lê lết ở sàn nhà sách năm nào có được cái thư viện thoải mái như thế này. Tôi ước khi tôi về Việt Nam, các con tôi cũng có những thư viện như thế này để chơi với chúng bạn. Và tôi ước bất cứ đứa trẻ nào cũng có những thư viện như thế này để yêu, để chơi và để lớn lên cùng năm tháng. Tôi cũng muốn trẻ con ở đâu cũng có thể có được đồ chơi tốt, dù Ba Mẹ chúng bận bịu, chúng vẫn có thể được chơi trong an toàn, dù nhà chúng không khá giả để đi học các lớp kỹ năng, khoa học… chúng vẫn có nguồn đồ chơi kích thích trí não như chúng bạn, và dù người lớn quanh chúng không đọc được nhiều chữ cho chúng, chúng vẫn có thể học được bằng cách nghe, nhìn, tiếp xúc với những điều mới bổ ích từ thư viện. Thư viện sẽ thực sự mở ra tương lai cho chúng.
Và chúng tôi cùng xây thư viện. Thư Viện Trẻ Sáng Tạo (http://thuvientresangtao.org và http://www.facebook.com/thuvientresangtao). Ít tiền thì làm theo kiểu ít tiền, vẫn được.
Từ một nhóm bạn cùng tâm huyết, chúng tôi bắt đầu với những viên gạch đầu tiên: sách. Sách cũ cũng đủ rồi. Sách là sách cho thiếu nhi từ 0 tuổi. Và quan trọng là làm sao để đưa sách đến tận tay lũ trẻ. Không phải cha mẹ, mà là ông bà, là người chăm trẻ. Không phải ở trường, mà là ở nhà. Không phải ở 1 nơi cố định, mà là trong xóm, trong khu dân cư. Với mạng lưới kết nối của mỗi người, họ sẽ có một vòng tròn tin tưởng mà khi giao sách cho họ, chúng tôi không quá lo về chuyện mất sách. Và dù mất sách, chí ít cũng có một hai đứa trẻ nào đó đang sử dụng chúng chứ không phải bán qua bán lại như những cuốn sách mới đắt tiền. Sách phải được phân loại phù hợp với tuổi và có hướng dẫn để người lớn lựa chọn. Sách phải được tiếp cận một cách đơn giản, dễ dàng nhất. Chỉ cần có một vòng tròn tin tưởng, sách sẽ xoay vòng trong những thành viên của vòng tròn đó. Và chúng tôi đi tìm sách tiếng Anh cũ. Những cuốn sách board book khá ít bán trên thị trường Việt Nam, nhưng lại khá phổ biến ở nước ngoài, lại bền nữa. Dù bé có cắn, có xé cũng chả được, thế là Cha Mẹ đâu cần sợ hư sách, cứ thoải mái cho bé đụng sách, chơi với sách từ nhỏ tí. Bé mau chán thì mượn vài tuần rồi đổi cuốn khác. Cứ thế mà từ từ bé cũng sẽ quen dần với sách.
Viên gạch thứ hai: storytime. Những kinh nghiệm của các thủ thư đã giúp chúng tôi xây dựng những mô hình thực hiện storytime trong cộng đồng. Tương tác là điều chính yếu trong storytime cho các bé. Chúng tôi hướng tới các bé lớn, phụ huynh, ông bà, hay bất kỳ người lớn nào đều có thể làm được. Áp dụng những nguyên lý về sự phát triển của bé, storytime cho các nhóm tuổi sẽ thiên nhiều hơn về câu chuyện hoặc về tương tác. Bất kỳ ai cũng có thể làm được. Có thể làm tại nhà chỉ với bé của mình hoặc làm cho một nhóm các bé trong xóm, trong khu dân cư. Không biết tiếng Anh vẫn dùng sách tiếng Anh được, không biết chữ vẫn dùng sách có chữ được. Vì sách là đồ chơi, là công cụ để khơi gợi sự tương tác, là nền tảng để bé được tiếp xúc, được giao lưu nên chỉ cần bé được tham gia là bé sẽ hòa nhập. Chỉ cần người lớn ngồi xuống đọc cho bọn trẻ nghe vài trang truyện, cùng chúng cười vì những hình vẽ ngu ngốc trong cuốn truyện, cùng chúng tưởng tượng những siêu nhân, bà tiên là cũng đủ rồi. Chỉ cần 15 phút thôi, cùng đọc sách, cho một hoặc nhiều đứa trẻ, có thể là mỗi ngày hoặc chỉ 1 ngày trong tuần, cũng làm cho trẻ thích sách hơn, thích câu chuyện mà quyển sách mang lại hơn và có nhu cầu đòi người lớn đọc sách cho chúng nghe.
Viên gạch thứ ba: nhân lực. Thật may mắn chúng tôi đã tìm được một vài người bạn thực sự chia sẻ tầm nhìn và ước mơ của mình. Các bạn chủ động tìm tòi và hỗ trợ chúng tôi để những kế hoạch ấp ủ được thành hình và tiến hành ở Hà Nội, Đà Nẵng và Saigon. Tuy vẫn còn ít lắm, nhưng chúng tôi đi chậm, và vui vầy với nhau trong từng bước tiến của nhóm. Nhìn bọn trẻ thích thú, chúng tôi hiểu rằng, rồi đây, chữ thư viện với chúng sẽ là “điểm hẹn yêu thích”, và sách với chúng là bạn, là đồ chơi và thỏa sức chơi với sách bằng bất cứ hình thức này.
Viên gạch thứ tư: tài lực. Thật khó để làm bất cứ một việc gì mà không có tiền. Chúng tôi mỗi người góp một ít và kêu gọi thêm nguồn hỗ trợ bên ngoài. Ai có về Việt Nam, chúng tôi nhờ đem một quyển hoặc một vài quyển hoặc một thùng sách thiếu nhi về nhà. Và chúng tôi có một vài người bạn đã giúp vận chuyển vài quyển sách cho đến cả thùng sách từ nước ngoài về Việt Nam. Ai đi du lịch trong nước từ Saigon ra Hà Nội hoặc Đà Nẵng, chúng tôi gởi gắm một ít quyển sách đem theo, cứ từ từ, chúng tôi sẽ có được những tủ sách cho bọn trẻ.
Viên gạch thứ năm: đồ chơi và bộ khám phá. Chúng tôi đang bắt đầu những bước đầu của việc quyên góp đồ chơi cũ và trang bị bộ khám phá và đồ chơi rẻ tiền, dễ làm, nhưng vẫn đảm bảo tính giáo dục, sáng tạo cho bọn trẻ. Bọn chúng có thể tự chơi, hoặc người lớn cùng chơi với chúng. Không cần quá nhiều tiền để mua đồ chơi mà chỉ dăm ba bữa bọn nhỏ sẽ nhàm chán. Chỉ cần giúp chúng tôi xây dựng quỹ đồ chơi là các bé có thể luân phiên nhau chơi những món đồ thật thú vị. Với người lớn, đồ chơi của trẻ con lắm khi thật phiền phức, thế nên việc xoay vòng đồ chơi không chỉ giúp “gọn đẹp” nhà cửa mà còn mang một ý nghĩa sẻ chia
Và chúng tôi mời mọi người cùng giúp chúng tôi đắp những viên gạch tiếp theo cho thư viện của bọn trẻ. Hãy để chúng có được thư viện thực sự của chúng, có đồ chơi để chơi, có những vật dụng để khám phá, có sách để đọc và có không gian để hình thành tình yêu sách.
Chỉ khi bọn trẻ được chơi với sách một cách tự do thì chúng mới yêu sách được. Chỉ khi bọn trẻ thấy được sách đem lại không chỉ là hình ảnh, là tiếng cười mà còn đủ điều để chúng tưởng tượng, thì khi đó sách sẽ là người bạn nhỏ của chúng. Chỉ khi thư viện là nơi tạo cho chúng một cảm tình đặc biệt và an toàn, khi đó, thư viện không là nơi nhàm chán đối với chúng, mà thư viện sẽ là một điểm hẹn yêu thích của chúng. Và khi sách đã thực sự trở thành tình yêu, những trang sách cuộc đời sẽ thực sự mở ra với chúng.
Tác giả: Phạm Ngọc Đoan Trang
Nghiên cứu sinh ngành Y Tế Cộng Cộng, University of Illinois – Chicago, School of Public Health.