Bài dự thi HTNM4 – Thể loại Bài Viết
Công nghệ và việc tận dụng nguồn lực con người trong xã hội
Tác giả: Phan Công Huy
Lời dẫn: Tôi đã định dừng viết bài này vì nghĩ mình không đủ thời gian để chỉnh sửa và hoàn thành bài viết. Tuy nhiên một người chị đã động viên tôi cứ nộp bài, dù bài chưa hoàn chỉnh. Thôi cứ nộp đại. Tôi cũng không muốn bỏ lỡ một cơ hội được trình bày suy nghĩ và ý tưởng của mình.
Những gì tôi thấy
Khi đánh máy những dòng này, tôi ý thức rằng, Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã có những chuyển biến tích cực đáng kể. Nhưng để phát triển hơn nữa, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật và thay đổi.
Trên một bài báo của trang Business Insider vừa qua có hỏi rằng vì sao một đất nước có tiềm năng con người lớn như Việt Nam lại chưa thể giàu lên được? Chiến tranh đã qua lâu, tài nguyên thiên nhiên phong phú, các chỉ số đánh giá trí tuệ của học sinh Việt Nam đều thuộc Top đầu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Một nước tiềm năng như vậy, có lẽ phát triển thành một con rồng nữa của châu Á. Những không, đất nước đó vẫn di chuyển chậm và nói như các chuyên gia Ngân hàng thế giới là “chưa chịu” phát triển. Phải chăng Việt Nam đã không tận dụng được tiềm năng của mình?
Tiềm năng con người của Việt Nam như thế nào?
Theo Chloe Pfeiffer, tác giả của tờ Business Insider:
“Việt Nam là một trong những ngoại lệ lớn nhất của giáo dục: Về cơ bản đây chỉ là một quốc gia thu nhập thấp nhưng kết quả các bài kiểm tra học thuật quốc tế lại đạt cấp độ tương đương với các quốc gia giàu có trên thế giới.
Có một mối quan hệ tích cực rõ ràng giữa sức mạnh kinh tế của một quốc gia với thành tích học thuật của học sinh quốc gia đó.
Nhưng Việt Nam với GDP bình quân trên đầu người chỉ bằng một phần nhỏ của Mỹ lại thể hiện tốt hơn đáng kể những gì mà bạn có thể kỳ vọng ở một quốc gia có chỉ số GDP ở con số đó, và không ai thực sự biết tại sao.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 2 bài kiểm tra quốc tế với nỗ lực muốn hiểu về “hiệu ứng Việt Nam”. Một là bài kiểm tra TIMMS, trong đó Việt Nam hầu như là làm tốt hơn các quốc gia khác có chỉ số GDP tương đương.”
Xem biểu đồ bên dưới:
Ngoài ra, các đội tuyển Olympic quốc tế của Việt Nam nhiều năm liền đoạt giải cao. Việt Nam có mạng lưới du học sinh ở khắp nơi trên thế giới, nằm trong top 10 nước có số lượng du học sinh tại Mỹ. Về mặt con người, Việt Nam đáng lẽ hoàn toàn đủ cạnh tranh với các quốc gia khác.
Việt Nam đã lãng phí nguồn lực con người như thế nào?
Vì sao một đất nước có tiềm nằng giáo dục lớn như vậy lại không đóng góp nhiều vào quá trình phát triển kinh tế Quốc gia? Tôi nghĩ có nhiều điều mà có lẽ các chuyên gia nước ngoài đã không dễ biết được.
Nguồn lực con người của Việt Nam được sử dụng không đúng mục đích. Điều này thì mọi người có nói nhiều rồi nhưng chắc vẫn phải nói lại. Trường học không đào tạo kĩ năng học sinh cần khi ra cuộc sống, ngành học không đào tạo đủ kĩ năng cần thiết để đi làm, học sinh không được định hướng để biết đâu là ngành phù hợp, sinh viên ra trường làm trái ngành, kiến thức đào tạo không áp dụng được vào thực tế. Du học sinh về nước không được sắp xếp đúng công việc để phát huy khả năng. Điều này giống như một chú cá bơi rất giỏi, nhưng chỉ toàn được dùng trong việc leo cây. Hệ thông tiêu tốn nguồn lực xã hội, có vẻ cũng đang chạy hết công suất, nhưng không thực sự tạo ra lợi ích lớn đóng góp lớn cho sự phát triển của xã hội.
Hệ thông đào tạo giao viên chưa hiệu quả. Nhiều học sinh không chọn ngành sư phạm vì đồng lương ít ỏi. Bên cạnh số sinh viên chọn học làm giáo viên vì yêu thích, không ít người chọn nó vì ngành học miễn học phí. Điểm chuẩn nhiều môn ở trường sư phạm thường rất thấp. Không đánh đồng nhiều giáo viên giỏi và yêu nghề, tuy nhiên lượng giáo viên không đảm bảo chất lượng ra trường cũng không hề nhỏ. Với những cuộc chạy đua không công bằng vào các trường công lập tại Việt Nam, chỉ cần có một mối quan hệ tốt, giáo viên không cần biết chất lượng như thế nào vẫn được giữ lại trường làm việc từ năm này sang năm khác. Một hệ thống như vậy ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh, ảnh hưởng đến xã hội về lâu về dài.
Cải cách giáo dục không hiệu quả
Có nhiều người muốn chặt một cái cây đã bị sâu ăn mục nát nhưng thay vì chặt phăng cái gốc, năm nào cũng cứ lấy dao lấy kiếm múa múa thật đẹp để chém lá, chém cành bay lả tả. Năm sau, lá cành mọc lại, cây vẫn còn nguyên.
Mẹ tôi là một giáo viên Trung học cơ sở. Hằng năm tôi thấy bà dành nhiều ngày liền để chép lại một quyển giáo án năm trước, giảm tải bổ sung 1-2 chương, đổi con số năm trước thành năm hiện hành. Vậy là có một quyển giáo án mới được “update” nhằm vượt qua đợt kiểm tra của Phòng giáo dục. Tất cả giáo viên đều biết công việc như vậy như là dã tràng xe cát, nhưng họ vẫn phải làm. Phòng giáo dục có lẽ cũng biết, nhưng vì “cơ chế nó thế”, không làm khác được, thậm chí không copy & paste được. Tôi không biết bây giờ ra sao. Hy vọng mọi thứ đã thay đổi.
Cơ hội không đến được với người có khả năng.
Liệu các học sinh ở nông thôn, vùng xa có thể tiếp cận được nhiều thông tin về cơ hội học tập, học bổng như các học sinh ở Thành phố? Một người không đủ tài chính có được học chương trình tốt khi họ hoàn toàn đủ khả năng không?
Tôi biết một bạn từng thi đại học khối A 27 điểm nhưng khi ra trường vài năm vẫn làm trái nghành, giờ vẫn chưa kiếm được việc phù hợp. Một phần do tính chủ động của bạn, nhưng một người thi đại học Khối A 27 điểm ở Việt Nam nói không ngoa là hoàn toàn đủ khả năng thể hoàn thành tốt một bài thi chuẩn hóa quốc tế để xin học bổng. Chỉ cần người đó có thông tin và lộ trình.
Ở thời đại internet, nhiều học sinh các vùng khác nhau ở Việt Nam cũng đã tiếp cận được với cơ hội học tập làm việc khắp nơi trên thế giới. Nhưng con số đó vẫn còn khiếm tốn so với tiềm năng ta hiện có.
Có cách nào để tận dụng hơn nữa nguồn lực con người của Việt Nam?
Chúng ta không thể ngày một ngày hai thay đổi một hệ thống giáo dục. Nhưng liệu chúng ta có thể tìm một cách nào đó tận dụng hết sức nguồn lực không giới hạn từ con người trong xã hội? Tôi nghĩ rằng, việc học không chỉ ở trong trường. Thông tin và cơ hội cũng ở mọi nơi chứ không chỉ trong nhà trường. Vấn đề là chúng ta có thể tạo ra một hệ thống để thông tin, cơ hội, kĩ năng có thể lan tỏa giữa nơi cần và nơi có hay không mà thôi. Tôi tin rằng một xã hội công bằng là một xã hội công bằng về mặt cơ hội. Và bất cứ ai cũng giỏi về một thứ gì đó người khác có thể học hỏi.
Câu trả lời được mở ra khi vài năm trở lại đây, lĩnh vực kinh doanh và công nghệ đã nổ ra một làn sóng nhằm tận dụng tối đa nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Mọi người có thể biết đến Uber trong lĩnh vực vận chuyển, Tripp.me trong lĩnh vực du lịch, Airbnb trong lĩnh vực nhà ở. Tôi tự hỏi nếu áp dụng công nghệ đó trong lĩnh vực giáo dục để tận dụng nguồn lực con người sẵn có thì sẽ như thế nào? Cơ chế này sẽ cân bằng thông tin, kĩ năng, cơ hội từ những người dư thừa đến những người cần. Người dạy có thể dạy được những gì tốt nhất của mình. Người học có thể học những gì họ cảm thấy cần nhất. Tiết kiệm thời gian, chi phí. Hơn nữa ứng dụng nên được thiết kế làm sao để hệ thống có thể gây nghiện như game, như facebook.
Dự án mạng xã hội mục tiêu. (Tạm gọi Goalnet)
Mạng xã hội về mục tiêu được thiệt lập dựa trên việc thu thập thông tin dữ liệu của người dùng tập trung chủ yếu vào các mục tiêu đã đang và sẽ thực hiện của người dùng đó. Thông qua hệ thống dữ liệu, Goalnet cho phép những người có cùng mục tiêu tương tự kết nối với nhau. Những người đã thực hiện được mục tiêu của mình có thể dùng kinh nghiệm mình có để giúp đỡ người khác có cùng mục tiêu, vừa để thu thập điểm kinh nghiệm để dùng nó yêu cầu một sự giúp đỡ từ người khác trong những mục tiêu lĩnh vực khác. Giúp đỡ người khác càng nhiều bạn càng có nhiều điểm, từ đó cũng có nhiều cơ hội được người khác giúp đỡ.
Chúng ta xem một ví dụ:
Em A là học sinh cấp lớp 11. Em rất giỏi về piano. Em cần học để tăng điểm Ielts từ 5.5 đến 6.5 trong vòng 3 tháng. Ngoài ra em cũng cần chuẩn bị các giấy tờ thủ tục để đi du học nhưng e chưa biết bắt đầu từ đâu.
B là du học sinh tại Mỹ. Em đã từng luyện Ielts từ 6.0 lên 7.0 trong vòng 3 tháng. Em rất yêu thích cờ vua và cần người huấn luyện.
C là một vận động viên cờ Vua chuyên nghiệp. C rất thích piano và muốn học nó.
Giả sử A,B,C đều đăng kí để trở thành thành viên của hệ thống. Trong đó toàn bộ dữ liệu của A,B, C đã được lưu lại trên hệ thống. Từ những thông tin cơ bản như thông tin trên facebook, A,B,C còn phải liệt kê đầy đủ các thông tin về kĩ năng, kinh nghiệm mình có và các mục tiêu mình đã đạt được.
Trong trường hợp A cần tìm người tư vấn về thủ tục hồ sơ du học, A chỉ cần search thông tin về lĩnh vực này, về địa điểm gần chỗ A đang ở. Mọi người biết thông tin và có kĩ năng về lĩnh vực này ở vùng đó sẽ hiện ra. A có thể yêu cầu sự giúp đỡ và chờ sự chấp nhận từ người đó. Trong trượng hợp A chọn B. Sau khi B giúp A hoàn thành công việc. B sẽ nhận được điểm tín dụng. Với điểm tín dụng có được B có thể dùng nó để yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác như C ở môn cờ Vua.
Ở chiều ngược lại, C giỏi về cờ vua cũng dễ dàng kết nối với những người cần được giúp đỡ ở bộ môn này để dạy lại.
Mọi người có thể tạo ra một hệ thống học hỏi lẫn nhau. Mọi người cũng có công cụ để tạo khóa học và tương tác với các thành viên trên hệ thống. Mọi người cũng có thể kiếm thêm thu nhập từ kinh nghiệm và kiến thức của mình.
Mạng xã hội mục tiêu sẽ được thiết kế để gây nghiện giống như game:
- Khởi đầu rất dễ, ai cũng có thể tham gia được. Làm nhiệm vụ nhỏ để tích điểm. Nhiệm vụ kiểu như học 10 từ vựng tiếng Anh/ngày.
- Cấp độ càng cao càng khó lên cấp.
- Dành thời gian càng nhiều thì càng tiến bộ. Người dùng thấy rõ hiệu quả thời gian đầu tư.
- Rất nhiều chơi cùng một trò nên rất có tinh thần, có tính thi đua rất lớn.
- Người giỏi thì sẽ được lên cấp, được người khác tín nhiệm, có tầm ảnh hướng đến cộng đồng.
- Có thể xây dựng được thương hiệu cá nhân theo hướng tích cực.
Nói chung xây dựng một hệ thống cần nhiều thời gian đầu tư và hoàn chỉnh. Tôi hy vọng những ứng dụng tương tự góp một phần giải quyết được bài toán tận dụng nguồn lực con người Việt. Góp phần tạo nên một xã hội hiệu quả hơn. Một đất nước giàu mạnh hơn. Ở đó, mọi người giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Trong bài có sử dụng thông tin từ: http://www.businessinsider.com/vietnams-students-test-well-and-a-new-paper-has-figured-out-why-2016-7
Tác giả: Phan Công Huy