Anh Đinh Văn Khương, từng học PhD tại trường Đại học Leuven (KU Leuven), Bỉ. Anh đã có những chia sẻ rất thú vị về việc thực hiện đề tài nghiên cứu tại Bắc Cực đồng thời đưa ra những lời khuyên hết sức hữu ích cho những nghiên cứu sinh mong muốn thực hiện đề tài thành công.
Đề tài nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu của anh Khương là đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm dầu lên giáp xác biển (marine copepods). Dựa trên những kết quả nghiên cứu ở các vùng khác nhau, trong đó có vùng Bắc Cực và vùng biển Việt Nam, anh mong muốn xây dựng một mô hình dự đoán sự biến động của năng suất sinh học thứ cấp trong điều kiện ấm lên toàn cầu và ô nhiễm môi trường.
Xây dựng hướng nghiên cứu: copepods, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường
Sau khi xác định được hướng nghiên cứu của đề tài sẽ là copepods, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, anh Khương tìm kiếm trên các website khoa học (web of science) với 3 từ khóa như trên. Kết quả tìm kiếm cho thấy các báo phù hợp với tiêu chí lựa chọn. Từ những bài báo này, anh Khương lựa chọn những bài phù hợp nhất và tìm hiểu CV của các tác giả chính. Sau đó, liên lạc với các tác giả để tìm hiểu khả năng xây dựng dự án chung.
Những chuyến nghiên cứu “khó khăn” tại Bắc Cực
Khó khăn cơ bản nhất của nghiên cứu chính là việc thực hiện đề tài trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt ở Greenland. Với một người xuất thân ”nhiệt đới” như anh Khương thì việc có mặt tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc Cực là một sự ngạc nhiên lớn cho bất cứ ai gặp anh ở đó. Nhiều người tò mò hỏi xem anh thích ứng thế nào với điều kiện nhiệt độ rất lạnh ở vùng này. Có những lúc bão tuyết vào giữa mùa đông và nhiệt độ xuống rất thấp (-31 °C), nước mắt, nước mũi, hơi nước thở ra đóng băng ngay lại và dính ở mi mắt, dính trên tóc rất khó chịu. Việc ngồi trong phòng thí nghiệm ở 2 °C liên tục trong 12 tiếng/ngày và kéo dài hàng tuần cũng là những thách thức không nhỏ với những nghiên cứu ở nhiệt độ thấp.
Những yếu tố để đề tài nghiên cứu thành công
Rất khó để khái quát được một công thức chung cho sự thành công của một nghiên cứu. Theo kinh nghiệm cá nhân của anh Khương (có thể không đúng trong hoàn cảnh khác hoặc ngành khác) thì có một số yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của một đề tài như sau:
- Giáo sư hướng dẫn đề tài.
Đây là yếu tố quan trọng nhất. Giáo sư giỏi và dành thời gian đầu tư cho đề tài sẽ tránh được những rủi ro trong quá trình ”mò mẫm ban đầu” để tìm hướng đi cho đề tài và giáo sư cũng có thể giúp xây dựng những ý tưởng nghiên cứu mới và quan trọng. Xin nhấn mạnh ở đây là ý tưởng nghiên cứu phải vừa mới và vừa quan trọng vì có thể có rất nhiều ý tưởng nghiên cứu là mới nhưng không quan trọng thì cũng không mang lại nhiều giá trị. Giáo sư giỏi cũng có thể sẽ giúp xây dựng một lộ trình thực hiện nghiên cứu một cách tốt nhất trong hoàn cảnh cụ thể.
- Động lực của người nghiên cứu.
Rất nhiều người nghĩ rằng để làm nghiên cứu phải là những người thật sự thông minh hay xuất sắc. Tuy nhiên, động lực (motivation) và tham vọng (ambition) của chính người nghiên cứu mới là thứ mà anh đánh giá cao. Một nhà nghiên cứu có động lực và tham vọng cao sẽ luôn tìm cách làm tốt hơn những gì được yêu cầu và điều đó thường mang lại những sự thành công nhất định cho họ, hoặc cho đề tài nghiên cứu.
- Sự hỗ trợ của các đồng nghiệp.
Trong một môi trường nghiên cứu có nhiều đồng nghiệp xuất sắc thì bạn cũng có khả năng nhận được rất nhiều những lời khuyên tốt cho nghiên cứu của mình thông qua việc trao đổi trực tiếp với họ, hoặc qua những buổi thuyết trình (seminar) trong nội bộ nhóm nghiên cứu. Những đóng góp này sẽ mang lại những giá trị quan trọng sau một thời gian dài làm việc cùng nhau.
Trong thời điểm hiện tại anh Đinh Văn Khương đang tham gia xây dựng dự án hợp tác nghiên cứu giữa trường ĐH của Đan Mạch và Việt Nam. Mong muốn của anh là xây dựng một nhóm nghiên cứu mạnh ở Việt Nam để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường lên các khu hệ quan trọng ở Việt Nam như đồng bằng sông Cửu Long và vùng ven biển.
Ban biên tập Sinhvienusa.org