
Bài dự thi Hành Trình Nước Mỹ 5 – Thể loại Ảnh/Video
Rất Riêng, Một Việt Nam Tui Kể!
Tác giả: Thùy Linh
“Susan, would you like a bowl of Pho today?”
“Sure. Why not?”
Hôm đấy, tôi dẫn Susan ra một tiệm phở mới mở trong khu người Việt. Cô bạn có vẻ rất thích thú với món ăn thơm nồng mùi vị Việt Nam này. Còn tôi lại thích thú bội phần khi nhìn bạn lóng ngóng với đôi đũa tre. Sau một hồi vất vả xoay sở với nó, cô bạn quyết định chuyển sang dùng nĩa.
“Tìm hiều về đất nước tôi nếu có hơi khó nhằn như việc dùng đôi đũa thì mong bạn cũng đừng bỏ cuộc nhé. Đất nước tôi thú vị lắm và bạn sẽ cảm mến nó ngay thôi.”
Tôi thầm nghĩ khi nhìn cô bạn thoải mái với chiếc nĩa. Tuy vậy, nhìn cô ấy tấm tắc với tô phở nóng hổi lại khiến tôi vui lạ.
“Hey, Linh. Could you tell me about your country?”
“My country?”
“Yeah!”
“Google it, there are tons of information about Vietnam. Just kidding! If you would like a unique Vietnam, I will tell you about my special Vietnam.”
“You sound mysterious huh. Let’s listen to YOUR Vietnam!”
Việt Nam của tôi
Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ trong lòng tỉnh Long An. Tôi người miền Tây. Tôi được nuôi dưỡng trong một đại gia đình 3 thế hệ sinh sống bằng nghề buôn bán. Tiệm tạp hóa 40 năm tuổi do chính bà tôi mở lên nằm ngay trung tâm chợ ồn ào và tấp nập. Cứ thế, hình ảnh thị trấn nhỏ theo tôi lớn lên.
5 giờ sáng, đài phát thanh lên “Đây là tiếng nói Việt Nam…”. Sáng tinh mơ, quán cafe nhỏ đối diện nhà tôi đã dọn hàng và sẵn sàng phục vụ. Các ông các chú thậm chí các anh quê tôi hay uống cafe sáng. Họ trò chuyện sôi nổi linh đình, đánh cờ tướng, hút thuốc, và mua vé số. Quán cafe luôn mở đầu buổi sáng thị trấn chúng tôi. Rồi đến cô bán xôi gần đó cũng đã dọn hàng gần xong, còn tiệm bánh mì thì đã chào đón vài ba người khách.
“Cho con một ổ bánh mì trứng ốp la với thịt, nhiều nước sốt.”
Tầm sáu giờ mấy, phụ huynh đèo con bon bon trên chiếc xe honda dần lắp đầy khoảng trống trên đường. Bên quán cơm tấm vỉa hè, chốc chốc nghe thấy tiếng phụ huynh réo giục mấy đứa nhóc, “Ăn lẹ con, trễ học bây giờ.” Quán hủ tiếu đầu đường, quán phở ngay góc, quán bánh canh trong hẻm cũng đã bắt đầu đông đúc người ra vô. Mùi thơm bay khắp ngõ. Bảy giờ sáng mà bụng ai nấy đã cồn cào rồi. Hết thẩy mấy quán điểm tâm sáng đã rôm rả tiếng cười nói.
Ở một thị trấn nhỏ trong lòng Việt Nam, buổi sáng của chúng tôi đã bắt đầu.
Chợ tấp nập. Mấy cô lỉnh kỉnh với giỏ xách, với bọc nilon nườm nượp hàng rau hàng cá. “Cho em một kí thịt bò.” “Cho tui bịch me dìa nấu canh chua.” “Nay cá tươi hông. Làm sạch dùm luôn nghen.” Tiếng người nói chồng lẫn nhau. Tiếng cười khanh khách , tiếng rao inh ỏi. Đó là cách chúng tôi đi chợ. “Thịt nè chị ơi.” “ Coi chừng quên cá. Dìa khỏi có gì ăn luôn.” Tiệm tạp hóa cũng náo nhịp không kém. “Cho con kí đường cát.” “Lấy cho tui chai dầu ăn với chai nước mắm.” Thị trấn chúng tôi nhỏ nên người bán người mua biết nhau rõ mồn một. Họ mua thì mau nhưng nói chuyện rôm rả thì có khi nửa ngày.
Thị trấn chúng tôi nói nhiều hay hiểu theo một cách khác là chúng tôi thích chia sẻ, chuyện nhà mình, chuyện nhà người ta, chuyện trong hẻm, chuyện ngoài hẻm, và cả chuyện thời sự. Như một thói quen.
Trưa nắng lên. Nếu vô tình bắt gặp mặt người ta nhăn nhó hay đang bực bội thì tố ngay nắng là một trong những nguyên nhân. Nắng lắm. Chả ai thích đâu, trừ mấy cô bán nước. Quầy nước sâm, đậu nành nấu, nước có gas và trà đá của mấy cô cùng với cây dù to thiệt to đặt bên cạnh đích thị là vị cứu tinh của chúng tôi. “Cho con ly trà đá đường.” “ Cho tui ly nước sâm nghen?”. Trưa, hàng nước rôm rả hơn hẳn. Trưa, chả ai thấy mặt ai cả. Người ta bịt mặt khẩu trang hết rồi. Người bán nước cứ, “Hả, hả?” miết vì không nghe người mua nói gì cả. Bạn đừng có ngạc nhiên với thời trang chúng tôi nha. Nhiều người bịt hai ba lớp nói chuyện không nghe nổi luôn. Nhưng ai cũng như ai vì nắng lắm.
Nắng rồi lại mưa. Trời chuyển đen kịt, ùn ùn kéo hết đám mây này đến đám mây khác. Nhanh. Người đương ở chợ ru réo nhau phóng lên xe vọt ngay về nhà. Gấp (vội). Mấy tiệm tạp hóa cuống quýt chân tay che phủ quầy hàng với mấy miếng mủ (nilon) trong, to như tấm mền. Gió thổi ù ù. Nhìn mấy cây dù to tướng của mấy chị quầy nước lắc lư, liêu xiêu mà sợ muốn rớt tim. Thấy mấy chị ra sức giữ cố định cây dù, mấy chú xe ôm gần đấy liền kéo nhau vào đỡ phụ. “Lẹ lẹ bây ơi mưa ướt hết đồ rồi,” tiếng la rang rảng phát ra từ mấy tiệm tạp hóa. “Coi chừng cây dù,” “ê, vô phụ bả đỡ cây dù kìa,” tiếng ru réo nhau vang ra từ mấy quầy nước. Tiếng người tru tréo nhau rộn khắp cả thị trấn. Mưa đổ ào. Bỗng chốc, không còn nghe thấy tiếng người ta nữa. Tiếng mưa ầm ầm, vọng trên mái tôn, nghe thiệt lớn. Chốc chốc trời đánh rầm một cái tụi con nít giựt mình sợ quéo. Rào rào. Thị trấn nhỏ bỗng yên ắng hẳn, đầm mình trong cơn mưa tháng sáu như trút nước. Khi cơn mưa bớt nặng hạt, tụi con nít tí tởn chạy ra trước sân tắm mưa. Chúng cười lớn vô tư rộn ràng cả một thị trấn.
Trời chập tối.
Buổi tối ở thị trấn khá ngắn ngủi. Tầm tám chín giờ là đường xá vắng tanh, quầy hàng đóng cửa gần hết. Chúng tôi dành buổi tối cho gia đình. Người lớn ngồi nói chuyện xôm tụ. Bọn nhỏ thì làm bài tập hoặc tụm lại chơi với nhau. Khi tới giờ chiếu phim là người già người trẻ xúm lại cái ti “di”. Nói cười rôm rả. “Sao con nhỏ này ác quá vậy trời,” “Chạy lẹ coi chừng bị bắn.” Tiếng nói của nhân vật trong phim đôi khi phải nhường chỗ cho những lời thuyết mình bên lề như thế. Một tập phim hết ai cũng tức anh ách và luôn miệng nhắc nhau mai coi tiếp, xong rồi ai về phòng người nấy. Bỗng chốc, cả thị trấn chìm vào giấc ngủ say sưa.
5 giờ sáng, đài phát thanh lên. Một ngày mới lại bắt đầu. Quán cafe đối diện nhà đã…
Reng…reng…reng…reng…
Tiếng báo thức reo inh ỏi khắp phòng. Giựt mình. Mắt tôi mở toang.
“Trời, chín giờ sáng rồi. Hôm nay có tiết học lúc 10h mà,” đầu óc tôi quay cuồng cố định thần lại.
Tôi phóng ra khỏi giường. Đánh răng rửa mặt chớp nhoáng. Lao ra xe và vụt chạy.
Buổi sáng của tôi bây giờ thật khác, khác xa với buổi sáng ở thị trấn nhỏ. Hóa ra tôi đã mơ. Giấc mơ về quê nhà. Người ta thường nói ngày nhớ đêm nằm mộng là không sai. Nhớ đến nỗi từng chi tiết trong giấc mơ ấy nó rất thật và rất gần. Hóa ra Việt Nam của tôi nhỏ xíu, nhỏ vừa bằng một thị trấn rộn ràng tiếng nói tiếng cười. Hóa ra Việt Nam của tôi là đầy ắp hình ảnh sinh hoạt đời thường của người dân quê tôi. Hóa ra với tôi, điều khiến tôi nhớ nhất và tự hào nhất là ở cái không khí đậm chất người Việt. Không khí của sự ồn ào, náo nhiệt, gần gũi và vô cùng bình dị. Cái không khí thân thuộc đấy tạo nên một góc trời Việt, một hình ảnh Việt riêng biệt trong tôi.
“Hãy kể cho tôi nghe về đất nước của bạn.”
“Về Việt Nam? “
“Đúng vậy!”
“Việt Nam của tôi… “
Và câu chuyện của tôi cứ bất tận với những điều thú vị trong đời sống hằng ngày ở thị trấn nhỏ. Chi tiết như trong giấc mơ đêm trước. Tôi say sưa kể. Khi tôi kể về nó, tôi như được trở về nhà, như đang sống trong cái không khí rất Việt ấy. Ngay khi tôi kịp nhận ra mình hào hứng thế nào, gương mặt Susan khiến tôi chợt xúc động. Cái sự hào hứng không chỉ ở riêng tôi mà nó còn hiện rõ trên khuôn mặt cô bạn. Susan bắt đầu thích thú với thị trấn nhỏ, với đất nước mang dáng hình chữ S. Trong tôi bỗng vui đến lạ.
“Làm thế nào để phần còn lại của thế giới hiểu về Việt Nam?”
Hãy kể cho họ nghe về một Việt Nam của riêng bạn. Giấc mơ đã giúp tôi viết nên câu chuyện về một góc trời nhỏ trong khoảng trời rộng lớn mang tên Việt Nam. Câu chuyện về một đất nước đôi khi không xa vời và hào nhoáng như một thước phim quảng cáo. Đó là câu chuyện về buổi sáng với ly cà phê, trưa nắng với hàng nước, cơn mưa tháng sáu, hay là những cuộc nói chuyện luyên thuyên ở chợ. Ở nơi bạn sinh ra và lớn lên, cuộc sống hằng ngày và con người ở đấy như thế nào. Hãy đưa người bạn quốc tế đến với một tỉnh thành hay một vùng quê mà bạn đã từng gắn bó và thân thuộc qua từng lời kể của bạn. Câu chuyện chân thật ấy sẽ đưa bạn trở về nhà và ở cùng với bạn, người bạn quốc tế đã bắt đầu cảm và trải nghiệm sâu hơn một góc nhỏ trong lòng Việt Nam của chúng ta.
Đã đến lúc tôi dừng lại câu chuyện của mình. Tô phở của Susan đã nguội mất rồi. Tuy nhiên cô bạn vẫn tấm tắc với tô súp, thích thú với câu chuyện và cái “accent” Việt- Anh của tôi. Tôi ước tiếng Anh của mình hoàn hảo hơn, hoàn hảo như câu chuyện về một Việt Nam đặc biệt của tôi ấy. Thế mà cô bạn vẫn hào hứng với câu chuyện. Ừ thì cũng không cần hoa mỹ gì, Việt Nam chúng ta vốn dĩ bình dị và mộc mạc khi tìm hiểu về. Hãy cứ chân thật, cứ là một Việt Nam gần gũi, thân thuộc trong tâm trí của mỗi người thì câu chuyện cũng đã đủ sức truyền tải rồi. Lần tới, bạn sẽ kể cho tôi và bạn bè quốc tế nghe về một Việt Nam riêng biệt của bạn chứ?
Hãy để sự cảm mến và thích thú về một đất nước bắt đầu từ chính câu chuyện rất riêng của bạn!